NHÀ CHỒ – KÝ ỨC VEN SÔNG

Ngày 01-01-1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Đây được coi là cột mốc quan trọng để thành phố có những bước chuyển mình đi lên. Qua gần 25 năm xây dựng và phát triển, Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước.

Trong hành trình ấy, công cuộc kiến thiết thành phố được tiến hành khẩn trương và vô cùng nhộn nhịp. Đã có lúc, Đà Nẵng được ví như một công trường khổng lồ và những công trình trên công trường ấy đã tạo cho Đà Nẵng diện mạo mới, động lực mới, mở ra các khả năng phát triển lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Một trong những thành tựu không thể không nhắc đến đó là việc “xóa sổ nhà Chồ” – bài toán về quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng được đặt ra và thực hiện trước hết.

Vào thời điểm năm 1997, Đà Nẵng có khoảng 650 nhà chồ, tập trung ở các phường An Hải Tây, An Hải Bắc và Nại Hiên Đông thuộc quận Sơn Trà với hàng chục nghìn hộ lao động nghèo sống tạm bợ trên những căn nhà dọc sông Hàn và vịnh Mân Quang. Ban đêm, ở “bên ni Hàn” nhìn sang “bên tê Hàn” hiu hắt những ngọn đèn dầu tù mù trong căn nhà chồ vách ván dập dềnh trên sóng nước. Người dân sống trong những căn nhà được làm bằng các vật liệu tạm bợ trên mặt sông, chỉ nối với bờ thông qua chiếc cầu ván, kết cấu đơn giản, không gian nhỏ hẹp. Một căn nhà chồ có thể có một hoặc nhiều thế hệ cùng sinh sống trong không gian nhỏ hẹp này. Cuộc sống của người dân vô cùng bấp bênh, trẻ em không có điều kiện đến trường hoặc tiếp xúc bên ngoài. Nhiều câu vè về “quận ba”, về phận người ở những căn nhà chồ ấy nghe thật não nuột… Một người dân kể lại: “Sống kiếp nhà chồ vui ít buồn nhiều. Mùa mưa thì rét cắm thấu thịt da, mùa nắng thì cả làng chìm trong không khí đặc quánh, nồng sặc của sông nước đầy ô nhiễm. Thế mới thấy tội nghiệp cho những cô cậu thanh niên mới lớn. Con trai da đen đã đành, đằng này con gái đứa nào da cũng sàm sạm vì hấp phải nước lợ, tóc lại cháy xoắn vì nắng”. “ Đau lòng hơn, thời ấy độ chừng vài ba bữa là nghe có đứa trẻ chết đuối. Bởi làm sao ngăn chuyện đó được. Cha mẹ thì đầu tắt mặt tối nên phó mặc con cái cho căn nhà bốn bề là gió, còn dưới mênh mông là nước”. Cuộc sống của những người dân vạn chài nơi đây là mối lo của những nhà lãnh đạo.

Hình ảnh nhà chồ dọc sông Hàn trước năm 1997

Chính vì thế, ngay trong năm 1997, công cuộc giải tỏa, di dời hàng trăm hộ dân nhà chồ lên vùng đất mới được tiến hành. Tuy nhiên, câu chuyện chuyển đổi sinh kế thực sự không phải là điều dễ dàng. Nhưng với nỗ lực của chính quyền thành phố, trong một thời gian ngắn từ năm 1997-2005, những xóm nghèo lay lắt bên vùng đầm ô nhiễm ven sông đã được thay thế bằng những khu phố sạch đẹp, khang trang. Nhiều người dân coi sự biến đổi này như một sự đổi đời của họ…

Hình ảnh những khu chung cư được xây dựng mới

Có thể nói, “xóa” nhà chồ, mở rộng các tuyến đường như một tiếng chuông đánh thức cả một vùng rộng lớn phía đông thành phố, một đô thị mới xuất hiện. Kể từ đây, hình ảnh nhà chồ – những dãy nhà lụp xụp năm xưa không còn nữa, nó chỉ còn trong kí ức của người dân vạn chài về những ngày long đong sông nước.

Mô hình nhà chồ tại không gian trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng

 

                                                                                  Phan Ngọc Mỹ

                                                                   (Phòng Giáo dục – Truyền thông)

Tin liên quan