CHI BỘ BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ TẠI DI TÍCH CẤP QUỐC GIA ĐẶC BIỆT THÀNH ĐIỆN HẢI

Trong những năm gần đây, vấn đề đổi mới trong sinh hoạt chi bộ đã được cấp ủy Chi bộ Bảo tàng Đà Nẵng quan tâm thực hiện nhằm nâng cao chất lượng của các buổi sinh hoạt cũng như mang đến cho đảng viên sự hứng khởi khi tham gia sinh hoạt chi bộ. Bên cạnh sinh hoạt chi bộ thường kỳ hằng tháng, Chi bộ Bảo tàng Đà Nẵng đã duy trì tổ chức sinh hoạt chuyên đề mỗi quý một lần với nhiều chủ đề đa dạng, thiết thực.

Năm 2021, theo định hướng của Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố và Đảng ủy Sở Văn hóa và Thể thao về việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề giáo dục truyền thống cách mạng tại các địa chỉ đỏ, Chi bộ Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải vào ngày 30 tháng 9 năm 2021, với các yêu cầu “5K” để đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Buổi sinh hoạt với chủ đề “Tìm hiểu giá trị di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải (Phường Thạch Thang, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng)” do 02 đồng chí Phan Công Hải và Phan Thị Xuân Mai phụ trách báo cáo. Tham dự sinh hoạt chuyên đề có đồng chí Huỳnh Đình Quốc Thiện, Bí thư chi bộ – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cùng với 14 đảng viên trong Chi bộ.

Tại buổi sinh hoạt, các đảng viên đã được nghe đồng chí Phan Công Hải trình bày tóm tắt các nội dung chính về sự kiện, lịch sử và nhân vật gắn với di tích Thành Điện Hải; giá trị đặc biệt của di tích và dự án phục hồi, trùng tu, tôn tạo di tích.

Đồng chí Phan Công Hải trình bày báo cáo chuyên đề

Thành Điện Hải, trước là đồn Điện Hải, được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 12 (1813) gần phía biển để kiểm soát tàu thuyền vào ra và trấn giữ Đà Nẵng. Trong hệ thống phòng thủ mà triều Nguyễn xây dựng ở Đà Nẵng thì Thành Điện Hải là thành lũy lớn nhất và kiên cố nhất.

Ngày 31/8/1858, Liên quân Pháp – Tây Ban Nha đem 14 chiếc thuyền tiến đánh cửa biển Đà Nẵng nhằm nhanh chóng đánh chiếm Đà Nẵng, từ đó làm bàn đạp tiến thẳng ra Huế để bắt triều đình Huế đầu hàng. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu, chúng đã bị quân và dân ta kháng cự một cách mãnh liệt và ngoan cường. Sau 18 tháng 22 ngày tấn công Đà Nẵng, quân Pháp vẫn không chiếm được Đà Nẵng, đành phải rút lui khỏi thành Điện Hải. Trước khi rút quân, chúng đã phá hủy nhiều đồn lũy của ta, trong đó có thành Điện Hải.

Thành Điện Hải

Trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thành Điện Hải là tiền đồn diễn ra các cuộc chiến đấu vô cùng oanh liệt của quân đội triều đình nhà Nguyễn và nhân dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương cùng với các vị tướng khác. Đây cũng là nơi hàng vạn nghĩa sĩ, nhân dân ta đã ngả xuống, máu chảy thành sông, xương phơi trắng bãi để buộc quân địch phải rút khỏi Đà Nẵng vào ngày 23 tháng 3 năm 1860. Đây là thắng lợi duy nhất của quân ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược, là nét son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Ngày nay, Thành Điện Hải tồn tại giữa lòng thành phố Đà Nẵng tươi trẻ, hiện đại như là biểu tượng cho ý chí quật cường, tinh thần yêu nước mãnh liệt của nhân dân Đà Nẵng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung trong buổi đầu kháng Pháp; là một chứng tích nhắc nhở cho hậu thế về sự tàn khốc của chiến tranh, về những năm tháng đau thương nhưng hào hùng của dân tộc để từ đó thêm trân trọng hòa bình, độc lập và tự do.

Thành Điện Hải là chứng tích hùng hồn, sống động về cuộc chiến tranh vệ quốc của quân và dân ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược (1858 – 1860); là nơi ghi dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc; là nơi gắn liền với sự nghiệp của Nguyễn Tri Phương – vị anh hùng có ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình lịch sử dân tộc và là cơ sở phòng thủ có giá trị kiến trúc tiêu biểu và vẫn còn khá nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay. Với những giá trị đặc biệt của mình, Thành Điện Hải đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg vào ngày 25 tháng 12 năm 2017.

Tại buổi báo cáo chuyên đề, đồng chí Huỳnh Đình Quốc Thiện – Bí thư chi bộ, Giám đốc Bảo tàng đã cung cấp thêm thông tin về Dự án phục hồi, trùng tu, tôn tạo di tích Thành Điện Hải cùng những giá trị lịch sử của bộ súng thần công hiện đang được trưng bày và lưu giữ trong Thành. Trong tương lai, Thành Điện Hải không chỉ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống mà còn là một trong những điểm tham quan du lịch ấn tượng, thu hút và ý nghĩa nhất đối với du khách khi đến Đà Nẵng.

 

Tham quan di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải

Tìm hiểu về súng thần công

Qua buổi sinh hoạt chuyên đề, các đồng chí đảng viên đã hiểu rõ hơn về những giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, cùng lắng lại, cảm nhận và suy ngẫm về cuộc đấu tranh hào hùng, oanh liệt của quân và dân ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược ngay tại di tích Thành Điện Hải. Từ đó, đảng viên trong Chi bộ cảm thấy tự hào, trân quý hơn công tác chuyên môn của mình đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích cấp quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải cũng như những di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trần Khánh Ly

(Phòng Giáo dục và Truyền thông)

Tin liên quan