Khuyên tai hai đầu thú Văn hoá Sa Huỳnh

Văn hóa Sa Huỳnh là nền văn hóa được xác định ở vào khoảng năm 1000 TCN đến cuối thế kỷ thứ 2. Văn hóa Sa Huỳnh được coi là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với Văn hóa Đông Sơn và Văn hóa Óc Eo tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam thời kỳ đồ sắt.​
​Chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh có nền kinh tế đa thành phần, gồm trồng trọt trên nương rẫy và khai thác sản phẩm rừng núi, trồng lúa ở đồng bằng, phát triển các nghề thủ công, đánh bắt cá ven biển và trao đổi buôn bán với những tộc người trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn, với Trung Quốc và Ấn Độ
Ở nền văn hóa này, theo nhà nghiên cứu Lâm Thị Mỹ Dung trong “Phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh (1909 – 2019)”, thì nghề chế tác đồ trang sức bằng đá và thủy tinh là nghề thủ công quan trọng của người Sa Huỳnh. Họ “có năng khiếu, khéo tay, và mỹ cảm cao; Họ ưa thích dùng đồ trang sức (vòng, nhẫn, khuyên tai, vật đeo hình dấu phảy, hạt chuỗi…) bằng thuỷ tinh, mã não, đá quý, đá hay đất nung”.

Hiện nay, Bảo tàng Đà Nẵng đang lưu giữ và trưng bày một số hiện vật của cư dân văn hóa Sa Huỳnh khai quật tại các di chỉ khảo cổ học như: Vườn Đình Khuê Bắc, Nam Thổ Sơn (Đà Nẵng) hay Tam Mỹ, Đại Lộc (Quảng Nam)… Trong đó có khuyên tai hai đầu thú – những chiếc khuyên tai dài, có móc đeo nhô cao ở giữa, hai chiếc đầu thú có sừng chạm đối xứng ở hai bên làm bằng đá hoặc thủy tinh. Theo Tạ Đức (Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc, biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn) tư liệu dân tộc học cho biết, một hiện tượng khá phổ biến trong văn hóa nhiều tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á, đó là hình tượng đầu trâu – sừng trâu thường được gắn bó hòa hợp với hình tượng con chim trong các kiến trúc hay trong những biểu tượng và quan niệm tín ngưỡng về cái chết, người chết. Con trâu là biểu tượng về sự cân bằng và hòa hợp âm dương, sức khỏe và sự dũng mãnh của đàn ông, cho sự giàu sang của người sống đồng thời là con vật có thể đưa người chết về với tổ tiên. Con chim – hay được thể hiện bằng đường xoáy ốc, là biểu tượng sự vận động của vũ trụ, liên tục và có chu kỳ, đồng thời là biểu tượng của sự phồn thực gắn với phụ nữ. Con chim còn gắn với hình tượng chiếc thuyền đưa người chết sang thế giới bên kia… Và khá nhiều ý kiến khác, cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa nhất trí hoàn toàn với nhau đây là con thú gì, vì chưa có ý kiến nào đủ sức thuyết phục nên nó vẫn được gọi là khuyên tai “hai đầu thú”.

Nhìn chung, dù là gì thì mọi người đều thừa nhận đây là một con vật linh thiêng, biểu tượng tín ngưỡng của chủ nhân loại trang sức này.

Có thể nói trang sức với cư dân văn hóa Sa Huỳnh không chỉ dùng để làm đẹp mà còn thể hiện sự giàu có, thể hiện địa vị xã hội, tuân theo phong tục và tín ngưỡng. Với ý nghĩa đó họ đã kỳ công sáng tạo ra những món đồ trang sức tinh xảo và mang tính nghệ thuật cao để lại một di sản vô cùng có giá trị. Đồng thời đây còn là những bằng chứng vô cùng quan trọng để các nhà khảo cổ học, các nhà nghiên cứu khẳng định vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng là một trong những nơi cư trú của cư dân Sa Huỳnh cũng như trình độ chế tác khá cao của họ nhất là đồ trang sức thời bấy giờ.

Tin liên quan