Với mong muốn làm phong phú thêm cho hoạt động của bảo tàng, góp phần làm cầu nối để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Đà Nẵng lần đầu tổ chức thành công chương trình giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở Đà Nẵng và Quảng Nam.
Cảm nhận văn hóa qua “người thật, việc thật”
Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, truyền thống lâu nay của người dân và du khách khi đến bảo tàng là chiêm nghiệm, tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa qua các hiện vật, hình ảnh hoặc các mô hình tái hiện. Nhưng để làm phong phú, sinh động thêm cho các hoạt động quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của các vùng, miền, nhất là đối với đồng bào các dân tộc sinh sống trên dãy Trường Sơn, chúng tôi đã lựa chọn và tổ chức chương trình giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu bằng cách tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của họ. Đây là sự khởi đầu cho các hoạt động hằng năm, lâu dài của bảo tàng, vừa để “người thật, việc thật” thể hiện các giá trị văn hóa, các làng nghề truyền thống, vừa là một kênh để bảo tàng thu thập hiện vật. “Khi mời được 12 nghệ nhân người Cơ Tu ở huyện Đông Giang (Quảng Nam) và đội cồng chiêng của đồng bào Cơ Tu ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) tham gia chương trình và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và du khách, chúng tôi rất mừng. Vì không lo người Việt quay lưng với văn hóa mà giờ phải tìm cách để quảng bá các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa vùng miền đến với người dân. Bên cạnh đó, đồng bào Cơ Tu có thêm một sân chơi, một địa điểm để thể hiện tài năng, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình”, Giám đốc Bảo tàng Quốc Thiện khẳng định.
Các nghệ nhân đến từ xã Ba và xã Tà Lu, huyện Đông Giang (Quảng Nam) rất hào hứng bởi được đại diện cho bà con dân tộc mình mang văn hóa Cơ Tu xuống phố. Họ không chỉ thể hiện nét văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu mà còn tạo nên những hình ảnh đẹp giữa Bảo tàng Đà Nẵng. Nghệ nhân Bríu Thiện ở thôn Bhơhồông 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang (Quảng Nam) chia sẻ, khi được thông báo sẽ xuống TP Đà Nẵng để tham gia chương trình giới thiệu văn hóa của đồng bào dân tộc mình, ông và bà con đã rất vui mừng. Nhiều ngày trước khi xuống Đà Nẵng tham gia chương trình, ông cùng hai nghệ nhân khác là Bríu Đô, Bling Blóo đã lên núi tìm chọn một số cây mây già, thân to, chẻ gọn để mang đi, đồng thời chuẩn bị sẵn nhiều sản phẩm khác đã được hoàn thiện để giới thiệu với người dân, du khách như gùi, mâm, nhạc cụ, chén, sáo… Ông nói rằng, nếu mình làm ra mà không giới thiệu cho mọi người thì sản phẩm của mình chỉ quẩn quanh ở làng. “Mặc dù đời sống của đồng bào Cơ Tu hôm nay đã thay đổi nhiều nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng nếu để các làng nghề mai một thì văn hóa cũng theo đó mà mất theo. Tôi muốn truyền lại nghề này để phát huy và bảo tồn những nét truyền thống của đồng bào Cơ Tu”, nghệ nhân Bríu Thiện cho biết.
Nhiều học sinh Đà Nẵng khi tham quan bảo tàng, được xem các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, khắc gỗ, dệt thổ cẩm, đan tre… đều tỏ ra rất thích thú. Em Phạm Thanh Nga, học sinh Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng chia sẻ, khi được nghe các nghệ nhân giới thiệu về làng nghề truyền thống, em đã được biết thêm nhiều kiến thức mới và bổ ích. Đó là cách nhìn văn hóa từ trang phục, đến trang sức, rồi đến các sản phẩm thủ công. Cảm nhận văn hóa một cách trực tiếp dễ tiếp thu, dễ nhớ và ấn tượng hơn là xem các hình ảnh tư liệu.
Đau đáu bảo tồn
Để các nghệ nhân Cơ Tu thể hiện và giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình là một cách làm mang lại hiệu ứng tích cực. Bởi chính họ là những người am hiểu sâu và nắm rõ các giá trị văn hóa đó. Thay vì thuyết minh qua hình ảnh, thì người thật, việc thật là cách minh chứng cho các giá trị văn hóa đang được đồng bào gìn giữ bao năm qua. Cộng đồng người Cơ Tu đã sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của dân tộc mình về trang phục, âm nhạc, lễ hội, phong tục tập quán. Những nét văn hóa ấy đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam.
Hiện nay, Bảo tàng Đà Nẵng dành nguyên tầng ba để trưng bày hơn 500 hiện vật, hình ảnh về văn hóa, ngành nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam, trong đó có nhiều hiện vật, hình ảnh của đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam và hai thôn Tà Lang, Giàn Bí thuộc huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Trưởng phòng Trưng bày-Đối ngoại, Bảo tàng Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh cho biết, hiện Đà Nẵng đang đầu tư mạnh để vực lại những giá trị văn hóa, mục đích hướng tới xây dựng Đà Nẵng phát triển hài hòa kinh tế – văn hóa, xây dựng Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn người dân, du khách. Trong đó, chú trọng xây dựng các điểm đến như Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống địa phương.
Bài và ảnh: ANH ĐÀO