HUỲNH NGỌC HUỆ CHÂN DUNG MỘT CHIẾN SỸ CÁCH MẠNG

Huỳnh Ngọc Huệ (1914 – 1949) sinh ra và lớn lên tại làng quê nghèo thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Với truyền thống gia đình cách mạng, yêu nước và được tiếp cận với sách báo tiến bộ từ sớm, Huỳnh Ngọc Huệ đã có ý thức về sự biến động tình hình xã hội thời bấy giờ. Năm 1934, Huỳnh Ngọc Huệ đi học tại Trường kỹ nghệ thực hành Huế, sau đó được giữ lại công tác. Tại đây, ông cùng các đồng chí Tố Hữu, Đào Duy Dzếch… tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh. Đầu năm 1937, dưới sự lãnh đạo của Huỳnh Ngọc Huệ, hàng ngàn học sinh của Trường kỹ nghệ thực hành Huế đã tham gia phong trào đón Gô Đa – Đại sứ của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp sang điều tra về tình hình thuộc địa để đưa ra yêu sách đòi quyền tự do, dân chủ. Năm 1938, Huỳnh Ngọc Huệ gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, rất nhiều lần đồng chí bị địch bắt và giam cầm tại các nhà tù như Thừa Phủ, Đắc Glei, con Gà, nhà tù Hỏa Lò… Ở đâu bọn thực dân và tay sai cũng dành cho người cộng sản này sự đối xử “đặc biệt”. Đó là những đòn tra tấn vô cùng dã man, những bữa đói cơm, lạt muối… nhưng trong hoàn cảnh nào, tấm lòng người chiến sĩ cộng sản chẳng những không bị lu mờ mà còn được tôi luyện, sáng ngời. Để trả lời câu hỏi của bọn cai ngục và mật thám vì sao hoạt động chống Pháp, đồng chí khẳng khái trả lời: “Tôi làm cách mạng là để chống kẻ bóc lột, không có mục đích nào khác, dù các ông có bắn cũng thế thôi. Tôi tin rằng nếu tôi chết, thì sẽ có những người bị bóc lột khác đứng lên đấu tranh chống kẻ bóc lột, chứ chúng tôi không chống người Pháp nói chung”[1]. Tháng 3/1945, lợi dụng tình hình Nhật đảo chính Pháp, Huỳnh Ngọc Huệ được thả ra, ông trở về hoạt động ở Đà Nẵng. Tháng 5-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng trên chiếc thuyền tại bến đò Ông Đốc (Đại Lộc), Huỳnh Ngọc Huệ được Tỉnh ủy phân công phụ trách Đà Nẵng, giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Với uy tín và sự nhiệt tình của mình cùng với việc năng nổ hoạt động tuyên truyền, xây dựng cơ sở, tháng 7/1945, Mặt trận Việt Minh thành phố Đà Nẵng được thành lập tại nhà bà Nguyễn Thị Nhỏ ở xóm mả Vôi (nay thuộc phường Hải Châu II), gồm các đồng chí: Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Văn Quý, Nguyễn Thị Phi, Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Văn Tôn, Lê Văn Mậu; lấy tên là “Mặt trận Việt Minh thành Thái Phiên”.

Ngày 15/8/1945, khi Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện thì ở Đà Nẵng, nhờ có cơ sở trong Sở hiến binh Nhật nên ta nắm được thông tin từ sớm. Nhận định thời cơ đã đến, nếu chờ chỉ thị của cấp trên sẽ lỡ mất cơ hội nên Tỉnh ủy quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền.

Để chuẩn bị cho khởi nghĩa tại Đà Nẵng, tối 16/8/1945, Thành bộ Việt Minh thành Thái Phiên họp mở rộng do đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ chủ trì để bàn kế hoạch khởi nghĩa, Ủy ban khởi nghĩa của thành phố được thành lập gồm có 5 đồng chí, trong đó: Lê Văn Hiến – Trưởng ban, Huỳnh Ngọc Huệ – Phó Trưởng ban thường trực. Sáng sớm ngày 22/8/1945, hàng ngàn đồng bào vùng Mỹ Khê tham dự ngày hội khởi nghĩa. Đây là xã giành chính quyền sớm nhất ở khu Đông – Đà Nẵng. Tiếp đó, các xã ở khu Đông, khu Tây thực hiện khởi nghĩa từng phần. Ở nội thành, 8 giờ sáng ngày 26/8/1945, tiếng còi tầm báo giờ làm việc buổi sáng của thành phố cất lên cũng là lệnh tổng khởi nghĩa toàn thành phố. Cán bộ Việt Minh tại các cơ sở tập hợp lực lượng, treo cờ đở sao vàng, biểu ngữ… đọc lệnh khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ bộ máy điều hành cũ, thiết lập ban điều hành mới của cách mạng. Đến 9 giờ sáng ngày 26/8/1945, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm lĩnh tất cả các công sở trong thành phố.

Ngày 28/8/1945, tại sân vận động Chi Lăng, Việt Minh thành Thái Phiên tổ chức mít-tinh chào mừng ngày độc lập, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ thay mặt Thành bộ Việt Minh trịnh trọng tuyên bố tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn của Nhật, thành lập chính quyền nhân dân, công bố các chính sách lớn của cách mạng.

Huỳnh Ngọc Huệ còn là một trong những người sáng lập và lãnh đạo Công đoàn Việt Nam và là lãnh tụ xuất sắc của phong trào công nhân. Ông vừa là chủ bút, vừa là chủ in, phát hành báo Cờ Giải phóng; là Tổng thư ký Tòa soạn báo “Tay Thợ”, được dùng làm tài liệu tuyên truyền cách mạng. Ông giữ chức vụ Tổng thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, được bầu vào Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn thế giới năm 1946. 

Khi thực dân Pháp quay lại cướp nước ta một lần nữa, Ban Chỉ huy Quân sự mặt trận Liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng phân cho Huỳnh Ngọc Huệ làm Phó Chính ủy. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, thiếu thốn vũ khí ông đã có chủ trương mở xưởng sản xuất vũ khí của Đà Nẵng, đó chính là tiền thân của xưởng vũ khí Nho – Bán sau này. Xưởng chế tạo những loại vũ khí đơn giản nhưng có mức sát thương cao như lựu đạn, mìn… góp phần khắc phục những thiếu thốn về vũ khí ở chiến trường khu V lúc bấy giờ.

Tại Đại hội Đảng bộ Liên khu V lần thứ I (3-1949), đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Liên khu ủy. Năm 1949, khi trên đường từ Liên khu V (ở Quảng Ngãi) ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới, đồng chí bị nhiễm trùng uốn ván và mất ở Quảng Ngãi vào ngày 27/4/1949. Thi hài của đồng chí được an táng tại núi Rố, thôn Xuân Ba, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Trước tin đồng chí mất, Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới Louis Saillant viết trong đoạn Thư chia buồn: “Sự ra đi của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, một chiến sĩ quả cảm và tận tụy của giai cấp lao động Việt Nam, là một thiệt thòi lớn cho phong trào lao động Việt Nam…”.

Tuy cuộc đời ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn 35 tuổi đời nhưng đồng chí đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Dù ở cương vị nào, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ cũng luôn thể hiện tinh thần ham học hỏi, sự nỗ lực không ngừng nghỉ và lòng nhiệt huyết với công việc, với nhiệm vụ được giao. Đồng chí luôn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong công việc và trong cuộc sống đời thường. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về bản lĩnh chính trị, về đạo đức cách mạng cao cả, về trí tuệ, về phong cách làm việc. Với những đóng góp cho cách mạng Việt Nam, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Để tưởng nhớ công lao của đồng chí, ở thành phố Đà Nẵng, tên Huỳnh Ngọc Huệ đã được đặt cho một ngôi trường Tiểu học và một con đường ở quận Thanh Khê.

Chi bộ Bảo tàng Đà Nẵng viếng thăm mộ đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ

Phan Ngọc Mỹ – Trần Khánh Ly

(Phòng Giáo dục và Truyền thông)

[1] Trích bài viết  “Huỳnh Ngọc Huệ – một chiến sĩ quả cảm và tận tụy của giai cấp lao động Việt Nam” đăng trên Trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.

Tin liên quan