VAI TRÒ CỦA VIỆC CHUẨN BỊ NỘI DUNG TRƯNG BÀY TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN XÂY DỰNG VÀ TRƯNG BÀY BẢO TÀNG (TRƯỜNG HỢP BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG)

I. Khái quát tiến trình thực hiện dự án Bảo tàng Đà Nẵng tại địa điểm Tòa Thị Chính (42 – 44 Bạch Đằng)

Bảo tàng Đà Nẵng hiện tại tọa lạc bên trong khuôn viên Di tích Thành Điện Hải, chính thức được khánh thành vào tháng 4/2011, với nội dung trưng bày khá đa dạng gồm nhiều chuyên đề trưng bày phong phú, trong đó có những tài liệu, hiện vật gốc có giá trị điển hình về lịch sử của đất nước và phản ánh rõ nét đặc trưng của tiểu vùng văn hóa xứ Quảng; có nhiều không gian tái tạo sống động, vừa giàu tính thẩm mỹ vừa đảm bảo tính khoa học… Năm 2017, Thành Điện Hải được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt với những giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc. Thành Điện Hải chính là biểu tượng về ý chí quật cường, tinh thần yêu nước mãnh liệt của người Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc trước sự xâm lược của các thế lực phương Tây giai đoạn giữa thế kỷ XIX. Trên cơ sở đó, thành phố Đà Nẵng đã quyết định thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo di tích Thành Điện Hải để biến nơi đây trở thành “điểm đến đặc biệt” không thể bỏ qua của du khách, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Chính vì vậy, thành phố Đà Nẵng chủ trương di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi di tích Thành Điện Hải và tìm địa điểm mới để xây dựng. Có thể khẳng định rằng, việc di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi di tích trên là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với Luật Di sản Văn hóa và cần thực hiện ngay.

Công trình Bảo tàng Đà Nẵng hiện tọa lạc bên trong Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải

Mặt khác, Đà Nẵng là thành phố có vị trí chiến lược trên nhiều mặt. Trên con đường di sản miền Trung, Đà Nẵng nằm giữa 3 quần thể di sản văn hoá thế giới là Đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Cố đô Huế; thành phố còn có Di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt là Ngũ Hành Sơn với hệ thống Ma nhai được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương; ngoài Bảo tàng Điêu khắc Chăm nổi tiếng thế giới (bảo tàng chuyên đề), thành phố Đà Nẵng cần một Bảo tàng tổng hợp có quy mô lớn, hiện đại, tương xứng với tầm vóc của một thành phố “thủ phủ miền Trung” để thực hiện nhiệm vụ là nơi lưu giữ, trưng bày và giới thiệu rộng rãi cho công chúng trong nước và quốc tế về truyền thống lịch sử – văn hoá của thành phố Đà Nẵng và khu vực lân cận; là động lực thúc đẩy xã hội phát triển.Vậy, địa điểm nào sẽ phù hợp để xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng mới tương xứng với sự phát triển và quy mô của một thành phố đầu tàu, và là động lực phát triển của khu vực miền Trung – Tây Nguyên? Và một lựa chọn có thể nói là rất ý nghĩa, hợp lý, hợp tình và đặc biệt là hợp lòng dân đã được đưa ra. Chính quyền thành phố đã thống nhất chủ trương và quyết định biến công trình Tòa Đốc lý (thời Pháp thuộc) sau gọi là Tòa Thị Chính (thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa) và sau năm 1975 là trụ sở của UBND rồi HĐND thành phố Đà Nẵng và trở thành Bảo tàng Đà Nẵng mới (thay thế cho Bảo tàng đang hiện diện trong khuôn viên Thành Điện Hải). Việc hình thành chức năng mới cho Tòa Thị Chính là rất thích hợp, bởi bản thân tòa nhà này đã là một “hiện vật lịch sử” và tồn tại như một chứng nhân của thời gian. Về giá trị lịch sử, đây là nơi được người Pháp xây dựng hơn 120 năm trước để làm trụ sở hoạt động của bộ máy công quyền, là công trình có vai trò quan trọng bậc nhất về thể chế chính trị, sự hiện diện của nó được xem là dấu mốc xác định vị trí xuất phát điểm đầu tiên của thành phố Đà Nẵng. Cũng chính vì thế mà khi có điều kiện, cách mạng Đà Nẵng khôn khéo biến nơi đây thành điểm đấu tranh chính trị công khai, hợp pháp giữa ta và địch. Mùa thu năm 1945, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trên cột cờ Tòa Đốc lý, báo hiệu khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám ở Đà Nẵng đã thành công. Thời Việt Nam Cộng hòa, đây là Tòa Thị chính – Trung tâm quyền lực lớn nhất thành phố Đà Nẵng của Mỹ và tay sai. Ngày 29/3/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Tòa Thị chính. Sự kiện này đánh dấu thành phố Đà Nẵng đã hoàn toàn giải phóng. Như vậy, dù trải qua bao biến thiên lịch sử, công trình này đều được chọn là trụ sở của bộ máy chính quyền. Điều này khẳng định tầm vóc, giá trị đặc biệt của một công trình mang tính biểu tượng đối với người dân thành phố. Tòa Đốc lý là một tòa nhà có lối kiến trúc bề thế và quy mô ở đầu thế kỷ XX. Có thể nói, đến nay, phong cách kiến trúc của công trình Tòa Đốc lý vẫn chưa hề lạc hậu (phong cách tân cổ điển với hình thức đối xứng đơn giản). Vì thế, việc chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về vị trí này không ảnh hưởng gì đến hoạt động, mà còn có cơ hội phát huy vai trò giới thiệu những hiện vật, tư liệu lịch sử đến với đông đảo công chúng. Mặt khác, việc di dời Bảo tàng Đà Nẵng về cơ sở 42 – 44 Bạch Đằng cũng là yếu tố quan trọng để thành phố triển khai giai đoạn 2 của dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo Thành Điện Hải để góp phần nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt. Như vậy, sau khi hoàn thành, Bảo tàng Đà Nẵng và Di tích Thành Điện Hải sẽ trở thành những điểm nhấn trong không gian văn hóa, lịch sử của thành phố.

Tòa Thị Chính Đà Nẵng tại địa điểm 42 – 44 Bạch Đằng

Sau khi có chủ trương về việc xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng mới, điều quan trọng là làm sao để có được một công trình đầy ý nghĩa, biểu tượng văn hóa mới của thành phố, điểm nhấn của thành phố trong mắt người dân, du khách và hơn nữa có thể được xem như “phòng khánh tiết” của thành phố trong việc đón tiếp các đoàn khách ngoại giao. Vì vậy, UBND thành phố đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt quy chế, nhiệm vụ thiết kế và kế hoạch thi tuyển phương án kiến trúc công trình Cải tạo, nâng cấp trụ sở HĐND thành phố (42 – 44 Bạch Đằng; 31 Trần Phú) thành Bảo tàng Đà Nẵng vào tháng 3/2019.

Đây là cuộc thi có ý nghĩa rất quan trọng và đặc biệt, vì là lần đầu tiên thành phố có công trình văn hóa được tổ chức thi tuyển kiến trúc quốc tế. “Đề bài” cho cuộc thi được đề xuất theo hướng nâng cấp Tòa nhà cổ thành một bảo tàng có quy mô lớn, vừa mang giá trị văn hóa – lịch sử, vừa mang tính hiện đại, tương xứng với tầm vóc của một đô thị lớn, trung tâm kinh tế của miền Trung, và là cửa ngõ giao thương quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, là thiết kế bổ sung một phần mở rộng bằng khối nhà mới nhưng vẫn tôn trọng các điều kiện bảo tồn nghiêm ngặt nhất để không xâm phạm đến tòa nhà cổ. Nội dung và hình thức trưng bày của bảo tàng phải đảm bảo tính khoa học, hiện đại, hấp dẫn, tương xứng với tầm vóc của một bảo tàng được xây dựng ở đầu thế kỷ XXI. Đặc biệt, trong trưng bày phải có ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra những không gian trải nghiệm trọn vẹn và hấp dẫn, giúp công chúng có thể đắm chìm trong các khoảnh khắc khi đến Bảo tàng. Sau khi công bố, cuộc thi thiết kế kiến trúc công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 – 44 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng đã có 08 đơn vị trong nước và quốc tế đăng ký dự thi. Chung cuộc, Ban tổ chức trao giải nhất cho phương án của Công ty Studio Milou Singapore. Kết quả của cuộc thi thể hiện được đầy đủ những ý tưởng và chất lượng của đồ án thiết kế, ý tưởng quy hoạch, kiến trúc. Phương án ý tưởng đạt giải cũng thể hiện sự tâm huyết, trình độ chuyên môn của đơn vị thiết kế. Từ phương án thiết kế đạt giải nhất này, thành phố đã chọn để chính thức xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng mới.

Tháng 5/2020, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 – 44 Bạch Đằng, để làm Bảo tàng Đà Nẵng. Dự án triển khai trên tổng diện tích 8.686m2, tổng mức đầu tư 504,9 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

Phương án kiến trúc đạt giải nhất cuộc thi tuyển quốc tế công trình Bảo tàng Đà Nẵng

 II. Vai trò của việc chuẩn bị nội dung trưng bày trong quá trình thực hiện dự án xây dựng và trưng bày bảo tàng (trường hợp Bảo tàng ĐàNẵng)

Việc thành phố Đà Nẵng quyết định di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi Thành Điện Hải cho thấy sự quan tâm và tâm huyết của Lãnh đạo thành phố đối với văn hóa nói chung và các thiết chế văn hóa nói riêng của Đà Nẵng. Có thể nói, đây cũng là cơ hội để Bảo tàng Đà Nẵng đổi mới trưng bày cả về quy mô lẫn nội dung, hình thức, cập nhật những quan điểm, kỹ thuật mới của Việt Nam và thế giới về khoa học trưng bày. Qua đó, đưa Bảo tàng Đà Nẵng trở thành điểm nhấn trong quy hoạch tổng thể khu quảng trường văn hóa, lịch sử ven sông Hàn.

Có thể nói, trong xây dựng bảo tàng, chưa có trưng bày cũng coi như là chưa có bảo tàng. Trưng bày của bảo tàng là cầu nối giữa công chúng với các hiện vật bảo tàng. Không có trưng bày, bảo tàng chỉ là kho bảo quản, một kho lưu trữ các sưu tập đã được hệ thống hoá lại một cách khoa học. Những hiện vật bảo tàng là vật chứng cho những sự kiện lịch sử, các vấn đề tự nhiên và xã hội được bảo tàng sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản. Công chúng chỉ có thể tiếp xúc với các hiện vật thông qua trưng bày. Vì vậy, có thể nói nếu không có hiện vật thì không có bảo tàng và cũng không có bảo tàng nếu không có trưng bày. Và chỉ có qua công tác trưng bày, các bảo tàng mới thể hiện được nội dung và quan điểm của mình một cách đầy đủ nhất. Trên cơ sở nguồn tư liệu, hiện vật mà bảo tàng đang lưu giữ rồi được đưa ra trưng bày một cách logic, khoa học thì bảo tàng mới làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền đến với công chúng. Để thực hiện yêu cầu như thế, công tác trưng bày bảo tàng tuyệt nhiên không phải là sự minh họa một cách rời rạc, đơn điệu bằng một số hiện vật gốc, tranh, ảnh, hoặc những bảng thống kê… về một vấn đề nào đó. Cho nên, việc tổ chức thiết kế và thi công trưng bày muốn được triển khai nhanh chóng, thuận lợi thì vấn đề chuẩn bị và xây dựng nội dung trưng bày có vai trò rất quan trọng. Đây được xem là công tác nghiên cứu khoa học của bảo tàng và phải được thực hiện một cách nghiêm túc trong cả quá trình xây dựng nội dung trưng bày.

Bảo tàng Đà Nẵng nằm ở vị trí bên trong di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, hiện nay được đưa vào phục vụ công chúng đến nay là đã 13 năm. Qua quá trình hoạt động, chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều chỗ trong hệ thống trưng bày cũ chưa diễn giải được hết ý đồ, nội dung muốn truyền tải, điều này một phần do hạn chế bởi không gian trưng bày. Mặt khác, qua khoảng thời gian hơn 10 năm, Bảo tàng Đà Nẵng đã tiếp tục bổ sung cho kho cơ sở thêm nguồn hiện vật khá phong phú để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu tham quan, tìm hiểu của công chúng. Thêm nữa, với sự hội nhập và phát triển nhanh của Đà Nẵng, việc diễn giải trưng bày cần phải có thêm các nội dung khác bổ sung cho hệ thống trưng bày trước đây để làm rõ nội dung truyền tải đến với công chúng một cách đầy đủ, đa dạng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng.

Hiện tại, Bảo tàng Đà Nẵng đang lưu giữ nhiều bộ sưu tập có giá trị. Cho nên, việc đưa những hiện vật này ra trưng bày phải được đặt trong một mối liên hệ mật thiết với nhau. Mối liên hệ này chỉ có ý nghĩa khi chúng được xây dựng trên cơ sở của một bản Đề cương nội dung trưng bày. Vì vậy, ngay từ khi UBND thành phố thông qua chủ trương đầu tư xây dựng, Bảo tàng Đà Nẵng đã cho thành lập Tổ xây dựng Đề cương chi tiết trưng bày bảo tàng. Tổ này được thành lập bao gồm 08 thành viên. Trong đó, Giám đốc làm Tổ trưởng và các thành viên được tập hợp từ cán bộ chủ chốt, có nhiều thời gian và kinh nghiệm công tác ở các phòng chuyên môn của Bảo tàng. Mỗi thành viên sẽ được Tổ trưởng phân công phụ trách nghiên cứu theo các chủ đề dự kiến trên cơ sở của hệ thống trưng bày trước đây và bổ sung thêm một số nội dung mới. Quá trình thực hiện xây dựng đề cương đòi hỏi các thành viên trong Tổ phải nghiên cứu toàn diện mọi vấn đề có liên quan với nội dung đã được xác định. Nội dung đó vạch ra phạm vi, phương hướng, mục đích, chủ đề, thông điệp truyền tải và chi tiết hóa được tư liệu, hiện vật, hình ảnh sẽ được trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng. Một yêu cầu quan trọng đối với các thành viên khi thực hiện xây dựng Đề cương chi tiết, cần phải nghiên cứu, tìm hiểu thật kĩ càng, nghiêm túc kể cả các nguồn sử liệu cũng như nguồn hiện vật, lý lịch khoa học của hiện vật mà Bảo tàng đang lưu giữ để xây dựng nội dung trưng bày phù hợp với quy luật vận động của mỗi sự kiện lịch sử cũng như các hiện tượng tự nhiên và xã hội khác. Sự nghiên cứu hời hợt, không đa chiều sẽ dẫn đến kết quả trưng bày sơ lược và không hấp dẫn. Khi nội dung đề cương đã nêu ra được định hướng trưng bày thì việc sắp xếp hiện vật mới trở nên dễ dàng và dẫn dắt người xem đến với nội dung trưng bày sâu hơn và hấp dẫn hơn. Trong công tác trưng bày bảo tàng, mối liên hệ giữa các hiện vật thuộc một nhóm hoặc một tổ hợp trưng bày phải được dựa trên nội dung đã được định hướng. Cho nên, ở một phòng trưng bày dù có nhiều hiện vật và dù người hoạ sĩ hay thiết kế nội thất có dùng đủ các loại màu sắc, đồ họa hay giải pháp trưng bày tiên tiến cũng sẽ không có tác dụng gì nếu như các hiện vật trưng bày không được sắp xếp trong một mối liên hệ nào đó.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Đà Nẵng cũng thường xuyên tham vấn thêm ý kiến đóng góp của một số nhà nghiên cứu, nhà khoa học thuộc Hội Khoa học Lịch sử, Hội Di sản Văn hóa ở địa phương cũng như tham khảo rất nhiều ý kiến của các cơ quan chuyên môn có liên quan để phục vụ cho việc xây dựng nội dung đề cương. Trong khoảng 01 năm, chúng tôi đã cho ra bản Đề cương chi tiết trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng. Sau đó, Bảo tàng Đà Nẵng đã liên tiếp tổ chức 03 buổi hội thảo khoa học để lấy ý kiến từ phía các chuyên gia về lĩnh vực bảo tàng cũng như một số thành viên của Cục Di sản Văn hóa và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia để đảm bảo các yêu cầu cần thiết cho việc xây dựng trưng bày bảo tàng. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa và Thể thao đã trình nội dung đề cương cho UBND thành phố xem xét và đến nay bản đề cương chi tiết trưng bày bảo tàng đã được phê duyệt.

Dựa trên mặt bằng Tòa nhà Bảo tàng đã được cải tạo và bản đề cương trưng bày đã được phê duyệt, Sở Văn hóa và Thể thao cùng với Bảo tàng Đà Nẵng đã làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế để thống nhất việc thực hiện thiết kế nội thất trưng bày nhằm đảm bảo về mặt nội dung và hình thức theo các tiêu chí hiện đại hóa bảo tàng cũng như bắt kịp với các quan điểm, xu hướng trưng bày hiện nay.

Ở khía cạnh khác, việc xây dựng nội dung đề cương trưng bày cũng đặt ra yêu cầu mới cho công tác sưu tầm. Qua công tác nghiên cứu xây dựng nội dung, đã phát hiện ra thêm nhiều vấn đề cần được diễn giải rõ hơn trong trưng bày. Từ đó yêu cầu việc xây dựng trưng bày mới cần phải sưu tầm thêm nguồn tư liệu, hiện vật bổ sung để công tác trưng bày bảo tàng đảm bảo được nội dung, hàm lượng thông tin khoa học cũng như làm phong phú cho trưng bày bảo tàng, đồng thời cũng là “làm giàu” cho kho cơ sở.

Từ nội dung đề cương chi tiết trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng đã được phê duyệt, theo đó nội dung trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng mới sẽ được xây dựng trên cơ sở 06 khu vực trưng bày bao gồm: Trưng bày thường xuyên, Trưng bày chuyên đề, Trưng bày kho mở, Trưng bày có thời hạn, Trưng bày nghiên cứu phát triển, Trưng bày ngoài trời. Cụ thể:

     Khu vực 1: Trưng bày thường xuyên

Nội dung phần trưng bày thường xuyên thể hiện những chủ đề, điểm nhấn trong trưng bày của Bảo tàng, và được cấu trúc gồm các phần: khánh tiết, mở đầu, trưng bày những nét đặc trưng về thiên nhiên và con người Đà Nẵng, những dấu ấn lịch sử, văn hóa trong tiến trình phát triển của đô thị Đà Nẵng trước năm 1975, Đà Nẵng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, chứng tích chiến tranh và thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ xây dựng, hội nhập và phát triển.

Bên trong không gian trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng

     Khu vực 2: Trưng bày chuyên đề

Nội dung phần trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Đà Nẵng thể hiện các chủ đề về những đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam như người Kinh, Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Cor và người Hoa; giới thiệu về văn hóa biển, nông nghiệp, thủ công nghiệp và nghệ thuật trình diễn truyền thống của người Đà Nẵng – Quảng Nam. Bên cạnh đó, khu vực này cũng sẽ dành không gian trưng bày về Lịch sử Tòa thị chính Đà Nẵng và trưng bày giới thiệu những sưu tập cổ vật có giá trị của Bảo tàng Đà Nẵng.

     Khu vực 3: Trưng bày kho mở

Bảo tàng sẽ giới thiệu đến du khách một phần của những sưu tập hiện vật dưới góc độ vừa là kho bảo quản hiện vật vừa là không gian trưng bày cho du khách tham quan. Không chỉ mang giá trị giới thiệu sưu tập bảo tàng, trưng bày kho mở còn tạo ra một kênh gắn kết giữa công chúng với bảo tàng, giúp du khách tiếp cận gần hơn với hoạt động chuyên môn, nhất là về quy trình khoa học và vòng đời của hiện vật Bảo tàng thông qua công tác kho, bảo quản hiện vật. Việc thực hiện trưng bày kho mở của Bảo tàng đi theo xu hướng mới của nhiều bảo tàng trên thế giới nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của công chúng đối với các bộ sưu tập trong kho của bảo tàng.

    Khu vực 4: Trưng bày có thời hạn

Không gian này dành riêng cho việc tổ chức các trưng bày chuyên đề ngắn hạn từ 3-6 tháng của Bảo tàng. Các chủ đề có thể linh hoạt từ các chuyên đề trưng bày phục vụ các sự kiện, lễ kỷ niệm, các trưng bày triển lãm phối hợp với các nhà sưu tập tư nhân và các đơn vị liên quan.

Không gian trưng bày này sẽ góp phần làm cho nội dung trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng đa dạng, hấp dẫn và mới mẻ. Các trưng bày chuyên đề tại khu vực này sẽ được thay đổi theo định kỳ và duy trì thường xuyên để góp phần làm tăng giá trị chuyến tham quan của du khách tại Bảo tàng.

   Khu vực 5: Trưng bày nghiên cứu phát triển

Đây là không gian dành để giới thiệu các nghiên cứu, dự án và ứng dụng mới cũng như các hoạt động học thuật trong lĩnh vực Bảo tàng học của Bảo tàng Đà Nẵng nhằm cập nhật thông tin đến du khách về hoạt động nghiên cứu khoa học của Bảo tàng. Đây đồng thời là không gian để các cán bộ chuyên môn, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tàng, bảo tồn văn hóa tại thành phố Đà Nẵng có thể giới thiệu nghiên cứu mới, giao lưu trao đổi học thuật nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và cập nhật các xu hướng mới của hoạt động bảo tàng và di sản văn hóa.

   Khu vực 6: Trưng bày ngoài trời

Cùng với hệ thống trưng bày thường xuyên trong nhà, phần trưng bày ngoài trời góp phần làm cho bảo tàng sinh động, hấp dẫn hơn, tạo nên một không gian ấn tượng, hài hòa cho tổng thể khuôn viên của Bảo tàng Đà Nẵng. Khu vực trưng bày ngoài trời sẽ lựa chọn giới thiệu các hiện vật và sưu tập hiện vật có giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học, nghệ thuật, nhưng do hiện vật có thể khối lớn, không phù hợp để trưng bày ở không gian bên trong bảo tàng. Do đó, không gian trưng bày ngoài trời là sự lựa chọn tốt nhất giúp phát huy tối đa giá trị của những hiện vật, sưu tập hiện vật đó.

Ngoài ra, khu vực trưng bày ngoài trời cũng là một không gian lý tưởng cho khách tham quan thư giãn, chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học, nghệ thuật của hiện vật và chụp hình lưu niệm chuyến tham quan Bảo tàng.

III. Kết luận

Công tác chuẩn bị nội dung trưng bày bảo tàng là công tác mang tính khoa học gắn liền với yêu cầu nghiên cứu và sáng tạo. Nếu không thực hiện việc này thì trưng bày bảo tàng không thể thực hiện được bởi lẽ trưng bày bảo tàng hoàn toàn không phải là công việc mang tính máy móc đem hiện vật bảo tàng trưng bày minh họa cho một đề tài hay một vấn đề nào đó. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ bảo tàng không những nghiên cứu ra nội dung chủ đề, thông điệp mà còn kết hợp với các yếu tố lựa chọn, sắp xếp tư liệu, hiện vật cho phù hợp nội dung để có thể diễn giải, truyền đạt nội dung tư tưởng của trưng bày đến với công chúng.

 Công trình Bảo tàng Đà Nẵng mới đang dần được hình thành

Ở thời điểm hiện tại, dự án Bảo tàng Đà Nẵng đã dần lộ diện. Cả 4 khối nhà của công trình đã hoàn thiện. Tòa nhà cổ đã được khôi phục cẩn trọng và phục chế lại gần như nguyên mẫu của tòa nhà năm xưa. Còn phần khối nhà mới được thiết kế với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại với gam màu gỗ ghi ấm cho cảnh quan chung, gợi nhớ lại màu sắc của mây tre và các thiết kế tinh tế của đồ gỗ và đan dệt. Mặc dù chưa khánh thành, Tòa Đốc lý mà nay là Bảo tàng Đà Nẵng sau khi “khoác” lên mình “tấm áo mới” đã trở thành điểm check-in đầy thú vị của nhiều bạn trẻ và du khách. Công trình đã hoàn thành phần thi công các khối nhà và hiện đang tiếp tục thi công nội thất trưng bày theo đề cương nội dung chi tiết đã được phê duyệt. Trong tương lai, Bảo tàng Đà Nẵng sau khi đi vào hoạt động chắn chắn sẽ trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối với công chúng. Đây không chỉ là điểm đến của du khách, những người yêu thích bảo tàng mà còn là một không gian cộng đồng phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố Đà Nẵng.

Huỳnh Đình Quốc Thiện

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?