Nằm trong danh mục các hoạt động văn hóa – lễ hội hai bên bờ sông Hàn do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành hằng năm, chương trình “Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng” là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11. Năm nay, chương trình “Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng” mang chủ đề “Chuyện làng, Chuyện phố” được tổ chức trong 02 ngày 22 và 23/11/2024 tại khuôn viên Bảo tàng Đà Nẵng, số 24 Trần Phú.
Có thể nói thành phố Đà Nẵng là một đô thị từ làng lên phố và trong phố có làng. Điều này lý giải cho lý do vì sao “văn minh đô thị” và “văn hóa làng” vẫn song hành và trở thành “nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh” của đất và người Đà Nẵng. Giữa một diện mạo đô thị hiện đại với những con đường khang trang, những cây cầu nối liền “hai bờ vui” vẫn thấp thoáng bóng dáng của cây đa, bến nước, sân đình, miếu xóm đầy những câu chuyện thâm trầm qua năm tháng; vẫn những lễ hội cổ truyền xôm tụ, đông vui và nghề thủ công truyền thống quanh năm đỏ lửa. Tất cả tạo nên một không gian di sản văn hoá đặc sắc ngay trong lòng phố với những sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng, các thiết chế và mối liên kết truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chương trình “Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024” nhằm tôn vinh, lan tỏa những câu chuyện và di sản sống gắn liền với quy hoạch đô thị và các công trình kiến trúc nổi bật của thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là cơ hội để mọi người hình dung rõ nét hơn về sự biến chuyển của phố và làng ở Đà Nẵng qua từng giai đoạn.
Đến với chương trình, người dân và du khách được hòa mình vào không gian văn hóa với các hoạt động hấp dẫn, được tham gia tìm hiểu, trải nghiệm và khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa đầy ý nghĩa và thú vị đằng sau các di sản kiến trúc của thành phố, được trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau theo chuỗi các hoạt động: Triển lãm “Chuyện làng”, Triển lãm “Chuyện phố”, Triển lãm “Hồn phố”, Trưng bày bộ sản phẩm lưu niệm thủ công về một số công trình kiến trúc nổi bật của Đà Nẵng do cộng đồng người yếu thế làm ra, “Chợ phiên đồ xưa Đà thành”, Cuộc thi “Khám phá di sản kiến trúc Đà Nẵng”, Gameshow “Hội làng giữa phố”, Trò chơi dân gian và các hoạt động trải nghiệm.
Đây là năm thứ năm Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng”; mỗi năm một chủ đề khác nhau, với các hoạt động phong phú và mang đậm dấu ấn văn hóa Đà Nẵng. Với mong muốn bắc nhịp cầu, tạo sự kết nối và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ, sự kiện lần này một lần nữa nối dài những dự định và nỗ lực của Bảo tàng Đà Nẵng nhằm giữ gìn và phát huy tốt hơn giá trị di sản văn hóa cha ông để lại.
Triển lãm “Chuyện làng” với hơn 60 bức ảnh, kể về sự khởi đầu của các đình làng tại Đà Nẵng trong dòng chảy lịch sử cùng với các di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với mỗi đình làng
Triển lãm “Chuyện phố” gồm 30 tác phẩm tranh ký họa, vẽ lại một phần bức tranh đô thị Đà Nẵng trong thời kỳ thuộc Pháp, giúp người xem hình dung rõ hơn về ký ức không thể quên của một thời kỳ “thị dân nhượng địa Đà Nẵng” chịu ảnh hưởng bởi phương Tây
Cuộc thi “Khám phá di sản kiến trúc Đà Nẵng” dành cho các em học sinh Trung học cơ sở trên địa bàn quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ tổ chức vào chiều ngày 22/11, thu hút đông đảo học sinh và công chúng tham gia. Đây là dịp để tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản văn hoá, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam
Trải qua 03 vòng thi gay cấn và hấp dẫn, Trường THCS Lê Hồng Phong đã xuất sắc giành giải Nhất của Cuộc thi
Cuộc thi làm mô hình các công trình kiến trúc tiêu biểu tại thành phố Đà Nẵng với chủ đề “Hồn phố”, được phát động vào tháng 10/2024 đã thu hút sự quan tâm và tham gia của giới trẻ. Ban Tổ chức đã chọn ra 08 tác phẩm xuất sắc vào vòng chung kết, đồng thời tổ chức triển lãm để công chúng thưởng lãm và bình chọn cho tác phẩm yêu thích nhất
Kết thúc vòng chung kết vào sáng ngày 23/11/2024, Đội Kiến Bách Khoa (Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) với mô hình “Hải Vân Quan” đã xuất sắc vượt qua 07 đội thi còn lại để giành giải Nhất chung cuộc
Hoạt động “Chợ phiên đồ xưa Đà thành”
Trưng bày bộ sản phẩm lưu niệm thủ công về một số công trình kiến trúc nổi bật của Đà Nẵng do cộng đồng người yếu thế làm ra
Xuyên suốt 02 Ngày hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động trải nghiệm, khám phá, không chỉ mang đến một sân chơi lành mạnh, vui, khỏe, bổ ích mà còn góp phần khơi gợi những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành nên ý thức gìn giữ những giá trị tinh thần, giá trị gia đình, tính cố kết cộng đồng
Khánh Ly
(Phòng Giáo dục và Truyền thông)