QUAN HỆ ĐỐI TÁC GIỮA BẢO TÀNG VÀ SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, MỘT SỐ THẢO LUẬN VÀ LIÊN HỆ THỰC TIỄN TẠI BẢO TÀNG BỆNH VIỆN GLENSIDE, TP. BRISTOL, VƯƠNG QUỐC ANH

Tóm tắt

Đối với các trường đại học, bảo tàng mang lại cho sinh viên cơ hội được trải nghiệm thực tế, vận dụng kiến thức thông qua việc tiếp cận với các sưu tập và những hoạt động công chúng tại các bảo tàng. Đối với các bảo tàng, sinh viên các trường đại học là nguồn nhân lực trẻ, giàu ý tưởng mới mẻ, sáng tạo, có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong việc đổi mới hoạt động của bảo tàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự liên hệ hợp tác này còn mang tính ngắn hạn, đôi khi là một chiều khi các trường đại học tìm đến các bảo tàng như một cơ sở học tập ngoại khóa, tiếp nhận sinh viên thực tập để đảm bảo mục tiêu trong khóa học. Trong khi đó, các bảo tàng vẫn chưa phát huy hết nguồn lực từ các trường đại học để tạo ra những đổi mới đáng kể trong các lĩnh vực hoạt động của mình. Để phát huy tối đa hiệu quả hợp tác này, hai bên cần cùng nhau phối hợp khảo sát và đánh giá nguồn lực, nhu cầu của đối tác nhằm đưa ra chiến lược hợp tác lâu dài, có trọng tâm trên cơ sở nhìn nhận mối quan hệ giữa sinh viên của các trường đại học và các bảo tàng như những đối tác bình đẳng. Bài viết cũng chia sẻ những trải nghiệm thực tế của mô hình tình nguyện viên tại Bảo tàng Bệnh viên Glenside, thành phố Bristol, Vương quốc Anh như một ví dụ về việc xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa bảo tàng và sinh viên các trường đại học tại VQ Anh.

Bảo tàng và các trường đại học từ sớm đã hình thành mối quan hệ hợp tác gắn bó và đó là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi (Beth Maloney & Matt D. Hill, 2016). Các bảo tàng cung cấp nguồn chất liệu quý giá, không thể tìm thấy ở những nơi khác cho các nghiên cứu, kiến thức và công việc giảng dạy, học tập của các trường đại học. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu, sinh viên các trường đại học cũng là một nguồn lực quan trọng trong việc tạo ra những thay đổi tích cực cho các bảo tàng. Điều này càng quan trọng hơn trong xu thế phát triển mới của bảo tàng học hiện nay, đòi hỏi các bảo tàng phải thể hiện mạnh mẽ hơn vai trò xã hội của mình và phải nhạy bén, năng động hơn nữa để đi cùng các xu hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong mối quan hệ hợp tác này đôi lúc còn thiếu sự linh hoạt, trong nhiều trường hợp chưa thực sự phát huy được nguồn lực sinh viên trong việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các bảo tàng. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn thảo luận một số vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa sinh viên với bảo tàng như những đối tác hợp tác, đồng thời cũng chia sẻ trải nghiệm của bản thân khi làm tình nguyện viên tại Bảo tàng Bệnh viện Glenside, thành phố Bristol, Vương quốc Anh.

1. Về mối quan hệ hợp tác giữa bảo tàng và các trường đại học

1.1. Bảo tàng mang lại những gì cho các sinh viên?

Hoạt động giáo dục tại các trường đại học không chỉ giới hạn trong phạm vi giảng đường mà còn thông qua các hoạt động trải nghiệm có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, trong đó các bảo tàng là một trong những địa điểm quan trọng, nơi sinh viên được tiếp cận với thực tế, được thực hành và phát triển các ý tưởng mới của mình. Tầm quan trọng của bảo tàng đối với sinh viên nằm ở chỗ các bảo tàng làm cho mục tiêu và nội dung học tập của sinh viên trở nên phong phú hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nó cũng giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm, thực hành những ý tưởng sáng tạo trong một môi trường mới mẻ, thú vị và độc đáo.

Các bảo tàng mang lại cơ hội thực hành nghề nghiệp cho sinh viên thông qua các hình thức thực tập hoặc chương trình đào tạo (Jennifer P. Kingsley, 2016). Bộ sưu tập hiện vật của bảo tàng trở thành chất liệu nghiên cứu, là cơ sở thực tiễn cho các kiến thức sinh viên được học trong nhà trường. Sinh viên sẽ không thể nào nắm bắt được những kiến thức khảo cổ một cách hiệu quả nếu không có cơ hội tiếp cận với các sưu tập trong bảo tàng. Các nhà nghiên cứu, sinh viên về lịch sử nghệ thuật sẽ làm thế nào để nắm bắt được tinh thần hội họa qua các giai đoạn lịch sử nếu không được tiếp cận với tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng? (Leonie Hannan, 2013). Không những vậy các sưu tập của bảo tàng cũng chính là chất liệu tạo nền tảng cho những ý tưởng sáng tạo của sinh viên trong lĩnh vực mà họ quan tâm. Nghiên cứu, học tập tại các bảo tàng cũng mang lại cơ hội được tiếp cận, quan sát và tham gia thực tế hoạt động của bảo tàng, từ đó bồi dưỡng những trải nghiệm cá nhân – điều được xem là có ý nghĩa quan trọng đối với việc tự học, tự trải nghiệm và khích lệ tinh thần học tập suốt đời trong cộng đồng. Một mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa bảo tàng và sinh viên các trường đại học mang lại cho sinh viên cơ hội được thử với những ý tưởng mới, hiện thực hóa nó trong không gian của bảo tàng.

Chính vì vậy, các bảo tàng trở thành một địa điểm không thể thiếu trong việc hướng tới mục tiêu học tập suốt đời và và phát triển các hình thức giáo dục ngoài trường học. Sinh viên đại học có thể hưởng lợi từ các bảo tàng như không gian học tập không chính thức bổ sung cho nền giáo dục chính quy của họ.

1.2. Sinh viên mang lại những gì cho bảo tàng?

Với vai trò quan trọng của mình, các bảo tàng thu hút đông đảo sinh viên đến để tham quan, học tập, giải trí. Không chỉ đơn thuần là một trong những đối tượng công chúng tham quan bảo tàng, sinh viên trở thành các đối tác hợp tác của các bảo tàng trong những chương trình, hoạt động đặc thù. Do đó, sinh viên trở thành nguồn nhân lực đóng góp vào việc duy trì và phát triển bảo tàng, nhất là thông qua các hoạt động tình nguyện viên, thực tập sinh. Thông thường, những chương trình thực tập sinh là một phần trong chương trình học của sinh viên, là nhiệm vụ học tập ngoại khóa mà sinh viên phải hoàn thành. Trong khi đó, hoạt động tình nguyện viên thường xuất phát từ nhu cầu và sở thích cá nhân. Dù là ở hình thức nào, sinh viên khi hợp tác với bảo tàng cũng đều là nguồn nhân lực đáng kể cho các hoạt động của bảo tàng. Mức độ đóng góp của họ đối với các bảo tàng tùy thuộc vào tính chất, thời gian và mục tiêu của hai bên (bảo tàng và sinh viên), tuy nhiên có thể nhận thấy họ mang tới các ý tưởng mới có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên hoạt động của bảo tàng. Sinh viên có thế mạnh của việc ứng dụng công nghệ và nắm bắt nhanh nhạy các xu hướng xã hội. Do đó, họ có thể trở thành những kênh quan trọng kết nối bảo tàng với công chúng, nhất là giới trẻ. Sức lan tỏa và ảnh hưởng mà sinh viên mang lại cũng là cơ hội để các bảo tàng đổi mới phương thức gắn kết với cộng đồng, khẳng định hơn nữa vai trò xã hội của bảo tàng trong đời sống xã hội đương đại. Điều quan trọng là các bảo tàng ‘trao quyền’ cho sinh viên đến mức nào trong việc tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong bảo tàng, cũng như hiện thực hóa các ý tưởng của họ trên cơ sở các sưu tập của bảo tàng. Ví dụ như sự hợp tác giữa Đại học Leicester với Bảo tàng & Phòng trưng bày Nghệ thuật New Walk (VQ Anh) tạo điều kiện cho sinh viên của trường đại học tham gia quản lý và thiết kế các cuộc triển lãm, tiến hành nghiên cứu về du khách và hỗ trợ quản lý bộ sưu tập. Hoặc trường hợp của Đại học Glasgow và Bảo tàng và Phòng trưng bày Nghệ thuật Hunterian đã hợp tác với nhau để xây dựng chương trình riêng cho sinh viên chuyên ngành Bảo tàng học để sinh viên được trực tiếp tham gia vào các dự án giám tuyển, nghiên cứu và các sáng kiến gắn kết cộng đồng, tích lũy kinh nghiệm thực tế về bảo tàng học. Ngoài ra, nhiều bảo tàng cũng đưa ra những dự án về ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực văn hóa, và mời sinh viên các ngành công nghệ thông tin đến bảo tàng kết hợp với nhân viên bảo tàng thực hiện dự án theo hình thức thực tập trả lương.

Ở Việt Nam, mối quan hệ giữa sinh viên với bảo tàng đã hình thành sớm và có mối liên hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ, nhất là đối với sinh viên các chuyên ngành về lịch sử, khảo cổ, văn hóa học, dân tộc học. Và trong những năm gần đây, đã có nhiều trường đại học chủ động kết nối và có những ký kết hợp tác với các bảo tàng. Đối tượng sinh viên cũng được mở rộng ra nhiều chuyên ngành khác như công nghệ thông tin, quan hệ công chúng, marketing. Mối quan hệ hợp tác này đã mang lại cơ hội cho sinh viên trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử tại các bảo tàng, trải nghiệm cơ hội nghề nghiệp trong tương lai cũng như cách thức hoạt động của các bảo tàng. Ngược lại, các bảo tàng cũng đã có cơ hội phát triển, mở rộng các hoạt động của mình, nhất là các hoạt động công chúng, tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng. Ví dụ như trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các Bảo tàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (năm 2018), trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã ký kết hợp tác với Hội Nhà văn Việt Nam và Bảo tàng Văn học Việt Nam (năm 2023). Những chương trình hợp tác chặt chẽ, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu và khảo sát thực tế sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và lâu dài cho cả hai bên đối tác.

1.3. Những vấn đề còn tồn tại trong mối quan hệ hợp tác giữa sinh viên với bảo tàng

Năm 2012, Trường Đại học London (University College London) đã có một dự án nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa sinh viên các trường đại học và các bảo tàng. Trong dự án đó, các nhà nghiên cứu dành thời gian sáu tháng để tìm hiểu thực tế những khó khăn, cản trở việc hợp tác giữa hai đối tác vốn được cho là có mối quan hệ gắn kết từ rất lâu này. Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu đưa ra những đánh giá về tương quan mối quan hệ hợp tác giữa sinh viên các trường đại học và các bảo tàng, trong đó có nội dung đánh giá rằng các chuyên gia bảo tàng đang nhìn nhận những sinh viên đến từ các trường đại học là những người đang cần được giúp đỡ để nâng cao kiến thức, hiểu biết của họ, và họ là “những ‘người học’ đầy tiềm năng cho công tác giáo dục của bảo tàng” (Leonie Hannan, 2013). Điều này một mặt cho thấy sinh viên là đối tượng quan trọng của công tác giáo dục bảo tàng, nhưng mặt khác, nó cũng cho thấy các bảo tàng chưa đánh giá hết tiềm năng và giá trị của nguồn lực sinh viên trong hoạt động của bảo tàng. Và tương quan trong mối quan hệ này đang thiên về việc các bảo tàng giúp đỡ, hỗ trợ sinh viên trong công việc học tập, và chưa thực sự đánh giá cao hướng ngược lại, là các sinh viên đóng góp như thế nào cho hoạt động của bảo tàng.

Sự mất cân bằng trong mối quan hệ hợp tác giữa sinh viên và các bảo tàng phần nào khiến các sinh viên trở nên thụ động trong quá trình làm việc với bảo tàng. Các bảo tàng cũng bị động và thiếu sự chuẩn bị cho những chương trình hợp tác chuyên sâu và lâu dài. Cũng vì thế, hiệu quả của các chương trình hợp tác giữa hai bên chưa đi vào chiều sâu và chưa tận dụng hết nguồn lực sẵn có của cả hai bên. Ngoài ra, để xây dựng các chương trình hợp tác lâu dài, chúng ta còn thiếu các bước nghiên cứu và khảo sát nhu cầu lẫn nhau giữa hai đối tác. Việc khảo sát đánh giá nhu cầu và nguồn lực là rất quan trọng để cùng đưa ra một chương trình hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực, vượt xa hơn mục tiêu ‘cung cấp cơ sở thực tập để hoàn thành khóa học tại trường đại học’ (Jamie Bell & cộng sự, 2016). Nếu chúng ta bỏ qua hoặc coi nhẹ bước này sẽ làm hạn chế cơ hội phát huy nguồn nhân lực và sự sáng tạo của các sinh viên đến từ các trường đại học cho các hoạt động của bảo tàng. Những thảo luận của các học giả về mối quan hệ giữa các trường đại học với các bảo tàng đều chỉ ra tầm quan trọng của việc hai bên cùng ngồi lại, có những đánh giá và tìm hiểu nghiêm túc nhu cầu của nhau như những đối tác hợp tác bình đẳng, hướng tới mục tiêu chung là xây dựng những dự án hợp tác cụ thể, có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, và cân bằng lợi ích của cả hai bên (Beth Maloney & Matt D. Hill, 2016). Những cuộc thảo luận đôi bên này sẽ cung cấp thông tin cho việc thiết kế và thực hiện các chương trình giáo dục bảo tàng dành cho sinh viên đại học, đảm bảo rằng các chương trình này hấp dẫn, có ý nghĩa và có lợi cho việc học tập sâu và phát triển tư duy phản biện của sinh viên. Đồng thời nó cũng đảm bảo rằng thời gian và trí tuệ của sinh viên được ứng dụng vào thực tiễn hoạt động của bảo tàng một cách có hiệu quả.

Nói tóm lại, để phát huy tốt nhất hiệu quả hợp tác giữa sinh viên và bảo tàng, điều quan trọng là chúng ta cần xem xét nó trong một quan hệ hợp tác bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Nếu bảo tàng chỉ xem sinh viên đơn thuần là những ‘người học’ và sự tác động của lợi ích là một chiều – là bảo tàng mang lại cơ hội học tập trải nghiệm cho sinh viên thì chúng ta đã lãng phí một nguồn nhân lực và tri thức lớn cho hoạt động của bảo tàng.

   2. Để xây dựng mối quan hệ đối tác hiệu quả và bền vững

Làm thế nào để xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững giữa bảo tàng và các trường đại học, trong đó hai bên đều phát huy tối đa nguồn lực của nhau nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của mình là một vấn đề được nhiều học giả, nhất là các nhà nghiên cứu về hoạt động giáo dục bảo tàng quan tâm. Thông qua những trường hợp nghiên cứu liên quan đến mối quan hệ hợp tác giữa bảo tàng và các trường đại học, các học giả đã đưa ra một số giải pháp như sau:

Khảo sát, đánh giá tiềm năng hợp tác của hai bên, đưa ra một chương trình hợp tác có trọng tâm, với các mục tiêu cụ thể. Những điểm cần có cho một chương trình hợp tác là tình hình thực tế của hai bên, nhu cầu cụ thể của mỗi bên và khả năng đáp ứng, hợp tác lẫn nhau của cả hai bên.

Tạo ra một kênh chia sẻ thông tin chung giữa bảo tàng và các trường đại học về các nội dung có thể hợp tác và phát triển. Nói chính xác đó là đưa ra những dự án hợp tác khả thi trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu/khả năng của sinh viên với nội dung các sưu tập và các hoạt động của bảo tàng. Ví dụ như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng xây dựng một chương trình hợp tác với sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Kinh tế Quốc dân… thì cả hai bên phải cùng khảo sát và chia sẻ mục tiêu, mong muốn của mình trong chương trình hợp tác đó, sinh viên được khuyến khích tham gia trong những hoạt động, lĩnh vực, chủ đề nào của bảo tàng và bảo tàng đang cần sự hỗ trợ của sinh viên trong những mảng công tác nào. Một kế hoạch hợp tác càng cụ thể, càng sát thực càng mang lại hiệu quả cao cho cả hai bên. Xa hơn nữa, các bảo tàng hoặc các trường đại học có thể nghĩ đến việc tìm nguồn tài trợ cho các dự án của sinh viên tại bảo tàng.

Nhìn nhận sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa bảo tàng và sinh viên như là đối tác hợp tác bình đẳng, các bảo tàng sẽ tự tin ‘trao quyền’ nhiều hơn cho các dự án của sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên thực hiện các dự án nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm trưng bày trong không gian bảo tàng. Hai bên đối tác tin tưởng lẫn nhau, cùng tích cực và chủ động trong quá trình hợp tác là nền tảng cần thiết cho những dự án hợp tác lâu dài và thiết thực.

Một điều quan trọng cần chuẩn bị cho những chương trình hợp tác giữa bảo tàng với bảo tàng đó là việc phải có kế hoạch đối phó với những sự cố hoặc khó khăn trong quá trình hợp tác. Thật ra điều này là tất yếu đối với việc lập kế hoạch cho bất cứ chương trình, hoạt động nào. Qua khảo sát các nhân viên bảo tàng và trường đại học đã cho thấy rõ ràng rằng tồn tại những rào cản thực tế, những khó khăn đối với việc hợp tác này và do đó, cần có sự chuẩn bị các giải pháp để giải quyết chúng. Nhìn chung, việc nâng cao nhận thức của cả hai phía về sự khác biệt của các cơ chế vận hành, khung thời gian và phương thức làm việc khác nhau sẽ phải mất một chặng đường dài để vượt qua những rào cản này. Nhiều mối quan hệ bắt đầu một cách không chính thức hoặc đặc biệt. Mặc dù cách tiếp cận này có thể mang lại sự linh hoạt nhưng nó cũng có thể dẫn đến những kỳ vọng không phù hợp và hậu quả là sự thất vọng. Ngoài ra, nhiều bảo tàng và học giả, sinh viên nghiên cứu vì háo hức thực hiện các dự án mới có thể vượt qua ranh giới thực tiễn hiện tại của họ. Các cá nhân gặp khó khăn trong việc xác định đối tác phù hợp hoặc khó tự tin tiếp cận những mối liên hệ mới với các đề xuất dự án (Leonie Hannan, 2013). Ngay cả khi chúng ta đã vạch ra một chương trình hợp tác chi tiết, khi áp dụng trên thực tế vẫn luôn có sự chênh lệch nhất định, đôi khi không được như kỳ vọng của cả hai bên. Điều này có thể là do những mục tiêu đặt ra không phù hợp với điều kiện thực tế, do thời gian hợp tác gián đoạn hoặc rút ngắn do những vấn đề phát sinh; hoặc những vấn đề khác như sự khó khăn về tài chính, nhân lực. Và tất nhiên, việc thực hiện các nghiên cứu, khảo sát cụ thể, chi tiết trước khi thực hiện sẽ hạn chế những vấn đề nảy sinh này.

3. Mô hình tình nguyện viên tại Bảo tàng Bệnh viện Glenside (Bristol), sử dụng hiệu quả nguồn lực sinh viên các trường đại học

Tháng Hai năm 2023, qua nhóm chat của sinh viên khoa Nhân học và Khảo cổ (trường Đại học Bristol) tôi biết rằng Bảo tàng Bệnh viện Glenside ở vùng Fishbond đang cần tuyển tình nguyện viên. Đúng thời điểm tôi cũng đang muốn tìm một cơ hội làm việc tình nguyện viên tại các bảo tàng ở đây để tìm hiểu thực tế hoạt động của họ. Đặc biệt, tôi thực sự rất quan tâm đến mô hình hoạt động dựa vào đội ngũ tình nguyện viên của Bảo tàng Bệnh viên Glenside này. Vì thế tôi đã nhanh chóng liên hệ với người quản lý bảo tàng và hẹn gặp trao đổi về cơ hội làm tình nguyện viên tại đây. Đến tháng Tư, tôi chính thức bắt đầu công việc tình nguyện viên vào thứ Bảy hàng tuần tại Bảo tàng này. Trong thời gian đó, bên cạnh việc tham gia một số hoạt động của bảo tàng, tôi cũng có cơ hội tìm hiểu về cách thức bảo tàng hợp tác và khai thác nguồn lực từ sinh viên các trường đại học, nhất là sinh viên tại hai trường đại học lớn ở Bristol là Đại học Bristol và Đại học Tây nước Anh (UWE). Điều này cũng góp phần làm rõ một số vấn đề được thảo luận nêu trên trong mối quan hệ giữa sinh viên các trường đại học và các bảo tàng.

Bảo tàng Bệnh viện Glenside là một bảo tàng nhỏ tại thành phố Bristol. Tòa nhà của Bảo tàng vốn là một nhà thờ nằm trong khuôn viên cũ của Bệnh viện Glenside (1861-1994) – một bệnh viện tâm thần lớn và quan trọng trong lịch sử thành phố Bristol. Bảo tàng này tập trung vào việc bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật, tư liệu liên quan đến lịch sử điều trị tâm thần và quan điểm về tâm thần học trong quá khứ. Trưng bày của bảo tàng giới thiệu đến du khách về cuộc sống của bệnh nhân và nhân viên trong bệnh viện tâm thần, cách điều trị đã thay đổi qua các thời kỳ lịch sử và cách mà xã hội đã nhìn nhận về tâm thần học (Bảo tàng Bệnh viện Glenside, 2023). Bên cạnh đó, bảo tàng này cũng thường tổ chức các triển lãm đặc biệt và sự kiện về lịch sử tâm thần học, bao gồm cả những câu chuyện và trải nghiệm cảm động về những người bị ảnh hưởng bởi tâm thần bệnh và việc điều trị.

         

Ảnh và nguồn: Bảo tàng Bệnh viện Glenside

Với bộ sưu tập đặc biệt của mình, Bảo tàng Bệnh viện Glenside còn là một nguồn tài liệu quý báu cho nghiên cứu về lịch sử tâm thần học và thường xuyên phối hợp với các trường đại học, nhất là hai trường đại học lớn nhất ở Bristol là Đại học Bristol (University of Bristol) và Đại học Tây Anh (University of West of England), trở thành một đối tác quan trọng của các trường đại học này, hỗ trợ việc giảng dạy và học tập của sinh viên các ngành liên quan. Đồng thời, sinh viên các trường đại học này là một nguồn nhân lực quan trọng cho việc duy trì và phát triển bảo tàng. Đặc biệt, Bảo tàng Bệnh viện Glenside là một trong số ít các bảo tàng hoạt động gần như hoàn toàn bằng mạng lưới tình nguyện viên. Ngoài một người quản lý bảo tàng được tuyển dụng có trả lương phụ trách việc quản lý toàn bộ hoạt động của bảo tàng, những nhân viên khác làm việc tại Bảo tàng này đều là tình nguyện viên, trong đó phần lớn là sinh viên. Họ đến từ các ngành học khác nhau, tham gia vào hoạt động của bảo tàng với tư cách là thực tập sinh hoặc tình nguyện viên thực hiện những nhiệm vụ khác nhau như thiết kế trưng bày, truyền thông, bảo quản, kiểm kê hiện vật, lễ tân đón khách, thuyết minh chuyên sâu, quản lý thư viện bảo tàng, nghiên cứu tư liệu, hoặc dọn dẹp vệ sinh trưng bày, hoặc hỗ trợ công nghệ thông tin. Thời gian các sinh viên này làm việc tại bảo tàng rất linh hoạt theo thời gian biểu cá nhân, được thống nhất giữa bảo tàng và tình nguyện viên. Thời hạn làm việc tại bảo tàng có thể kéo dài liên tục, có thể gián đoạn tùy theo hoàn cảnh của mỗi người.

Bảo tàng cung cấp cho sinh viên cơ hội nghiên cứu các tư liệu, hiện vật của bảo tàng và được khuyến khích tạo ra sản phẩm để ứng dụng thực tế trong không gian trưng bày của bảo tàng. Như trường hợp của tôi, mối quan tâm của tôi là tìm hiểu về mô hình hoạt động tình nguyện viên của bảo tàng này cũng như cách bảo tàng xây dựng và duy trì mối quan hệ với công chúng, cộng đồng của họ. Ban đầu, tôi đăng ký công việc lễ tân đón khách, giới thiệu tổng quan các không gian trưng bày, chỉnh lý trưng bày và nghiên cứu tư liệu báo cáo thường niên của bảo tàng. Trong thời gian đầu của công việc tình nguyện viên, người quản lý bảo tàng – cô Stella dành thời gian giới thiệu với tôi từng không gian trưng bày, và các hoạt động của bảo tàng. Sau đó người quản lý và những tình nguyện viên lâu năm đã hỏi xem tôi quan tâm đến không gian trưng bày hay chủ đề nào nhất và có muốn thực hiện một nghiên cứu chỉnh lý nhỏ về chủ đề đó không. Khi biết tôi quan tâm đến bộ sưu tập về khu vực giặt ủi, may vá, họ đã giới thiệu với tôi về thư viện tư liệu của bảo tàng và các hiện vật trong kho liên quan đến chủ đề đó. Khoảng thời gian tiếp theo tôi dành phần lớn thời gian để nghiên cứu tư liệu trong thư viện, nhất là các báo cáo thường niên của bệnh viện từ năm 1861 đến 1994, tìm kiếm những nội dung liên quan đến công việc giặt là, may vá, ví dụ như số lượng bệnh nhân tâm thần được bố trí làm việc tại các phân xưởng giặt ủi, may vá, số sản phẩm và giá trị sản phẩm mà họ tạo ra, ý nghĩa của những công việc này đối với tiến độ và hiệu quả điều trị bệnh cho các bệnh nhân… Sau đó, tôi cùng với một tình nguyện viên khác bắt tay vào chỉnh lý trưng bày khu vực này, viết nội dung chú thích cho không gian đó và tổng hợp danh mục tư liệu liên quan đến khu vực giặt ủi, may vá trong bệnh viện.

Có thể nói, giữa sinh viên và Bảo tàng Glenside đã tạo lập một mối quan hệ đối tác mang lại hiệu quả cao. Bảo tàng được hưởng lợi từ nguồn nhân lực là sinh viên các trường đại học, những người đã dành thời gian, kiến thức và tâm huyết để tạo ra các sản phẩm ứng dụng trên hệ thống trưng bày của bảo tàng cũng như đẩy mạnh chất lượng các hoạt động khác. Nhờ đó, hệ thống trưng bày thường xuyên được đổi mới, tạo được sự hấp dẫn cho du khách. Cũng từ đội ngũ tình nguyện viên là sinh viên, bảo tàng có cơ hội ứng dụng những ý tưởng mới, cơ hội thúc đẩy quảng bá bảo tàng và không ngừng mở rộng mạng lưới tình nguyện viên. Ví dụ như việc tạo ra một thay đổi nhỏ trong thiết kế không gian trưng bày để hấp dẫn các em nhỏ đi trong các nhóm khách gia đình. Người quản lý bảo tàng đã chia sẻ với một nhóm sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa về việc các em nhỏ đi theo đoàn khách gia đình phàn nàn là ở đây không có nhiều thứ hấp dẫn. Điều này khiến cô rất trăn trở, và cô muốn nghe những ý tưởng gợi ý từ nhóm sinh viên xem thử với không gian rất hạn chế và nội dung khá kén khách của Bảo tàng thì chúng ta có thể làm gì để khiến nó sinh động hơn với các em nhỏ khi tham quan bảo tàng hay không. Sau đó, nhóm sinh viên này đã thiết kế những hình ảnh đáng yêu, tận dụng các không gian tầm thấp của đai trưng bày và cũng là vừa tầm mắt với các em nhỏ. Sự thay đổi nhỏ này thực sự phát huy hiệu quả khi các em nhỏ vào tham quan cảm thấy thích thú hơn, đỡ nhàm chán hơn với nội dung trưng bày khá mang tính chuyên sâu về lịch sử của bệnh viên tâm thần. Một ví dụ khác là về việc đẩy mạnh công tác truyền thông nhờ sinh viên tình nguyện. Năm 2021, Bảo tàng đã tiếp nhận một sinh viên tình nguyện viên phụ trách công tác truyền thông của bảo tàng. Ban đầu sinh viên này chỉ liên hệ để thực tập trong thời gian 3 tháng nhưng sau khi khóa thực tập kết thúc, sinh viên này vẫn tiếp tục làm tình nguyên viên cho bảo tàng. Từ khi có sinh viên này phụ trách việc truyền thông, các kênh truyền thông của bảo tàng như website, fanpage trên Facebook, … được đẩy mạnh, Bảo tàng tiếp cận được nhiều đối tượng khách hơn và thu hút được nhiều khách hơn so với trước đó.

Cùng thời gian tôi làm tình nguyện viên, có nhiều cá nhân hoặc nhóm sinh viên khác cũng làm tình nguyện viên và thực tập tại bảo tàng. Họ cũng được hướng dẫn tận tình, được chọn chủ đề mình quan tâm và từng bước thực hiện các ý tưởng của họ đối với các chủ đề đó. Và tất nhiên, tất cả những ý tưởng, những sự điều chỉnh trên trưng bày đều được tham vấn người quản lý bảo tàng và các tình nguyện viên lâu năm để xem xét khả năng ứng dụng thực tế phù hợp với điều kiện của bảo tàng. Trong hầu hết các trường hợp đều được khuyến khích thực hiện ý tưởng, tạo ra kết quả ứng dụng thực tế tại bảo tàng hoặc mang lại hiệu quả tốt nhất cho việc nghiên cứu và học tập của sinh viên. Các sinh viên đều cảm thấy rất hài lòng với công việc tình nguyện viên tại bảo tàng, cảm thấy thành quả của họ được tôn vinh, được trân trọng và mang lại hiệu quả thực tế.

Qua trò chuyện với người quản lý bảo tàng này, tôi được biết bên cạnh những hiệu quả, lợi ích có được từ việc hợp tác với sinh viên các trường đại học, hiển nhiên việc hoạt động hoàn toàn dựa vào tình nguyện viên có những thử thách nhất định mà bảo tàng phải đối mặt và luôn cần có sự chủ động chuẩn bị cho những trường hợp không như kế hoạch như các tình nguyện viên cùng bận việc và không thể tham gia hoạt động của bảo tàng theo lịch đăng ký, các dự án thực hiện chưa hoàn thiện. Nói chung, thời gian và số lượng sinh viên, tình nguyện viên làm việc tại bảo tàng không cố định, dễ bị gián đoạn. Hoặc có những dự án sinh viên làm dở dang và dừng lại vì cảm thấy không khả thi, cảm thấy không đủ thời gian, hoặc ý tưởng thực hiện cần sự đầu tư kinh phí lớn ngoài khả năng tài chính của bảo tàng.

Đối mặt với những thách thức trong việc vận hành hoạt động bảo tàng thông qua đội ngũ tình nguyện viên, bảo tàng hoàn toàn lường trước được những khó khăn, hạn chế của mô hình này. Và giải pháp đưa ra là phát triển mạng lưới tình nguyên viên đa dạng, trong đó đặc biệt có các tình nguyện viên là người lớn tuổi đã nghỉ hưu vốn có quỹ thời gian làm việc tại bảo tàng ổn định hơn, những người đi làm bán thời gian, những cư dân sinh sống gần bảo tàng. Ngoài ra, Bảo tàng cũng đã tăng cường hợp tác với các bảo tàng trong thành phố và các các hiệp hội về di sản văn hóa, về y học, tâm thần học,… để chia sẻ mối quan tâm chung, chia sẻ hỗ trợ nghiên cứu cũng như phát triển mạng lưới hợp tác lẫn nhau.

 4. Lời kết

Bảo tàng là nơi thú vị và đầy cảm hứng để học hỏi và điều này tạo nên sự khác biệt đối với con người cũng như phương pháp họ học tập (Hội đồng Nghệ thuật Anh, 2018). Sinh viên đến với các bảo tàng để tìm kiếm và để thỏa mãn nhu cầu học tập, giải trí và hưởng thụ các giá trị mà bảo tàng mang lại. Bảo tàng trao cho sinh viên cơ hội học tập, trải nghiệm, thực hành cho sinh viên, ngược lại sinh viên đóng góp và tạo ra những sản phẩm, những ý tưởng mới có thể tạo ra sự thay đổi cho hoạt động của bảo tàng. Mối liên hệ hợp tác giữa các trường đại học và các bảo tàng cần được xây dựng trên cơ sở sự hợp tác giữa hai bên, vì mục tiêu và lợi ích của các hai bên. Để sự liên hệ này không thiên về một chiều, tức là các bảo tàng hỗ trợ các sinh viên thông qua các sưu tập của mình, mà trở thành mối liên hệ qua lại đôi bên cùng có lợi, ứng dụng những nghiên cứu đa dạng của sinh viên để đổi mới hoạt động của các bảo tàng, cần có sự đầu tư nghiên cứu, khảo sát nhu cầu và đánh giá mức độ hợp tác từ cả hai phía. Những mô hình hợp tác hiệu quả cho thấy năng lực dồi dào của sinh viên trong các dự án hợp tác với bảo tàng khi họ được đánh giá đúng mức và trao cơ hội thể hiện. Điều này cũng phần nào tạo động lực mạnh mẽ cho các bảo tàng trong việc chủ động tiếp cận và khai thác nguồn nhân lực từ sinh viên các trường đại học để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình./.

ThS. Dương Hà

(Phó Trưởng phòng Giáo dục và Truyền thông, Nghiên cứu sinh, khoa Nhân học và Khảo cổ, trường Đại học Bristol, Vương quốc Anh)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Alan S. Marcus & Jennifer S. Kowitt, Chú thích bổ sung của Bảo tàng: Giúp sinh viên hiểu về bảo tàng, Tạp chí Giáo dục bảo tàng,  41:4, 353-362, 2016. [Museum Footnotes: Helping Student Visitors Understand Museums]

Anne Boddington, Jos Boys & Catherine Speight, Hợp tác giữa Bảo tàng và giáo dục đại học: Những thách thức và cơ hội, Taylor & Francis Group, 2013. [Museums and Higher Education Working Together : Challenges and Opportunities]

Beth Maloney & Matt D. Hill, Bảo tàng và trường đại học: Quan hệ đối tác với tác động lâu dài, Tạp chí Giáo dục Bảo tàng, 41:4, 247-249, 2016. [Museums and Universities: Partnerships with Lasting Impact, Journal of Museum Education]

Carol Lynn Alpert, Chuỗi truyền thông nghiên cứu: Liên kết các kỹ năng tham gia của công chúng với sự tiến bộ của nghiên cứu liên ngành, Tạp chí Giáo dục Bảo tàng, 41:4, 315-328, 2016. [The Research Communication Continuum: Linking Public Engagement Skills to the Advancement of Cross-disciplinary Research]

Hội đồng Nghệ thuật Anh. Đánh giá Chương trình Bảo tàng và Trường học (SQW Consultants), 2018. [Evaluation of the Museums and Schools Programme (SQW Consultants)]

Jamie Bell, David Chesebrough, Jason Cryan & Emlyn Koster, Quan hệ đối tác giữa Bảo tàng và Đại học như một nền tảng mới để thu hút sự tham gia của công chúng vào nghiên cứu khoa học, Tạp chí Giáo dục Bảo tàng, 41:4, 293-306, 2016. [Museum–University Partnerships as a New Platform for Public Engagement with Scientific Research]

Jennifer P. Kingsley, Mô hình khóa học thực hành: Nắm bắt sự xung đột giữa bảo tàng và văn hóa đại học, Tạp chí Giáo dục Bảo tàng, 41:4, 250-261, 2016. [The Practicum Course Model: Embracing the Museum–University Culture Clash]

Joanna K. Garner, Avi Kaplan & Kevin Pugh, Bảo tàng là bối cảnh cho những trải nghiệm biến đổi và phát triển bản sắc, Tạp chí Giáo dục Bảo tàng, 41:4, 341-352, 2016. [Museums as Contexts for Transformative Experiences and Identity Development]

Lauren Addario & Miriam Langer, Quan hệ đối tác giữa trường đại học và bảo tàng trong những chương trình thực tập sáng tạo về công nghệ văn hóa, Tạp chí Giáo dục Bảo tàng, 41:4, 275-285, 2016. [A University–Museum Partnership for Creative Internships in Cultural Technology]

Leonie Hannan, Thử thách đại học: khám phá mối quan hệ giữa trường đại học và bảo tàng trong dự án ‘Học viện chia sẻ’, UCL, 2013. [University Challenge: exploring university and museum relationships in the ‘Share Academy’ project].

Phạm Thị Mai Thủy, Bảo tàng và hoạt động giáo dục bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, 2020. https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3099/71423/bao-tang-va-hoat-djong-giao-duc-bao-tang-phan-1.html

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Ký kết hợp tác giữa Trường ĐHSP Hà Nội 2 với Hội Nhà văn Việt Nam và Bảo tàng Văn học Việt Nam, 2023. https://www.hpu2.edu.vn/vi-VN/hpu2-bai-viet/tin-tuc-va-su-kien/ky-ket-hop-tac-giua-truong-dhsp-ha-noi-2-voi-hoi-nha-van-viet-nam-va-bao-tang-van-hoc-viet-nam

Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh. Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh với các Bảo tàng, 2018. https://www.hcmuc.edu.vn/le-ky-ket-thoa-thuan-hop-tac-giua-truong-dai-hoc-van-hoa-tp-ho-chi-minh-voi-cac-bao-tang.html

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?