ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN HIẾN QUA TƯ LIỆU, HIỆN VẬT TẠI BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

          Dẫn nhập

          Cách đây 120 năm, Lê Văn Hiến – người con ưu tú của Đà Nẵng được sinh ra. Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng và Nhà nước Việt Nam và là niềm tự hào của quê hương.

          Quê hương đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành hạt giống cách mạng bên trong đồng chí. Trong hồi ký Buổi đầu gieo hạt, đồng chí đã viết: “…Tôi không thể nói rõ ràng hạt giống đầu tiên của tư tưởng cách mạng đã gieo vào tâm hồn tôi từ buổi nào. Song tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng: chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của tôi, với truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất sáng ngời, đã hun đúc nơi tôi những tình cảm tốt đẹp, khơi dậy cho trái tim tôi đập cùng một nhịp đập với trái tim của nhân dân[1]

          Từ đây, hạt giống cách mạng bên trong đồng chí đã nảy mầm để rồi về sau tên tuổi và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí gắn liền với những mốc lịch sử quan trọng, không thể tách rời của thành phố Đà Nẵng.

           Trong những năm qua, Bảo tàng Đà Nẵng – với chức năng là nơi lưu giữ và trưng bày các tư liệu, hiện vật về lịch sử tự nhiên và xã hội của vùng đất Đà Nẵng – đã nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, tập hợp và lưu giữ được số lượng hình ảnh, tư liệu và hiện vật về đồng chí Lê Văn Hiến tuy không nhiều nhưng lại là những tư liệu có ý nghĩa quan trọng, góp phần tái hiện một giai đoạn hào hùng, bước ngoặt của lịch sử Đảng bộ Đà Nẵng cũng như cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Văn Hiến đối với sự nghiệp cách mạng tại Đà Nẵng.

           Đến tham quan Bảo tàng Đà Nẵng, phần nào công chúng sẽ hình dung được cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí từ những ngày đầu tham gia hoạt động cách mạng, đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công và thời gian sau này khi đồng chí công tác trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thông qua tham luận này, chúng tôi xin được hệ thống lại một số hình ảnh, tư liệu và hiện vật về đồng chí Lê Văn Hiến hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng theo tuyến thời gian và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

          Sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Lê Văn Hiến

          Đồng chí Lê Văn Hiến, sinh năm 1904, trong một gia đình nghèo tại xóm Cây Thông, thuộc xã Phước Ninh, thành phố Đà Nẵng.

          Trong hoàn cảnh nghèo khó, từ nhỏ đồng chí Lê Văn Hiến đã rất chú tâm vào việc học. Đồng chí học tại Đà Nẵng cho đến năm 1920, lúc tròn 16 tuổi, đồng chí thi đỗ bằng sơ đẳng tiểu học và ra Huế học. Năm 19 tuổi, đồng chí được tuyển làm công chức Bưu điện Đà Nẵng[2].

          Năm 1927, đồng chí gia nhập Chi bộ đầu tiên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội (sau đây viết tắt là VNTNCMĐCH) cùng với các đồng chí: Đỗ Quang, Đỗ Quỳ, Lê Quang Sung …

          Năm 1929, đồng chí kết hôn với nhà yêu nước Thái Thị Bôi và di chuyển vào Nha Trang tiếp tục hoạt động cách mạng.

          Từ năm 1930-1935, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án khổ sai, đày đi giam cầm tại Kon Tum. Sau khi ra tù, đồng chí về Đà Nẵng hoạt động tài chính cho Đảng Cộng sản Đông Dương.

          Năm 1938, đồng chí viết cuốn sách “Ngục Kon Tum” gây chấn động cả nước. Đây là lý do đồng chí lại bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Đà Nẵng trong 10 tháng. Lúc bấy giờ, đồng chí đang quản lý hiệu sách Việt Quảng (nay là nhà số 114 Bạch Đằng, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) –  một cơ sở cách mạng hoạt động bán công khai.

          Tháng 5 – 1940, từ Hà Nội về Đà Nẵng, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ ba và giam giữ đến năm 1945 mới được thả ra.

          Năm 1945, đồng chí được cử làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Đà Nẵng, rồi Chủ tịch Ủy ban lâm thời thành phố Đà Nẵng. Sau đó, đồng chí được điều ra Trung ương công tác. Đồng chí là một trong những đại diện của phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào Huế tiếp nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại trao cho Chính phủ lâm thời sau khi thoái vị.

          Đồng chí là Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Bộ trưởng Bộ Lao động trong Chính phủ lâm thời, sau đó được Đảng và Nhà nước cử đảm nhận các chức vụ: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

          Trong giai đoạn từ năm 1961-1977, đồng chí Lê Văn Hiến đảm nhận các chức vụ: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng đoàn ngoại giao Việt Nam tại Viên Chăn, Lào.

          Trong giai đoạn từ năm 1977-1994, đồng chí Lê Văn Hiến giữ chức vụ: Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thăng Long Hà Nội. Đồng chí qua đời tại Hà Nội vào ngày 15/11/1997.

Hình 1: Ảnh chân dung đồng chí Lê Văn Hiến (BTĐN)      

          Có thể nói cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Văn Hiến dù đầy khó khăn, trải qua nhiều thăng trầm nhưng luôn sáng ngời ý chí kiên trung của người chiến sĩ cộng sản. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời đồng chí đều có vai trò và ảnh hưởng nhất định đến lịch sử Đà Nẵng nói riêng và lịch sử đất nước nói chung.

          Thông qua các hiện vật tại Bảo tàng Đà Nẵng, chúng tôi xin được điểm lại những mốc son trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí để công chúng khi đến với Bảo tàng Đà Nẵng, đến với quê hương của đồng chí sẽ phần nào cảm nhận và hiểu được cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông.

         Các hiện vật, hình ảnh về đồng chí Lê Văn Hiến hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng

          Hiện nay, Bảo tàng Đà Nẵng đang lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu và hiện vật về đồng chí Lê Văn Hiến tại kho cơ sở; đồng thời, dành một phần không gian trang trọng để trưng bày những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về đồng chí trong giai đoạn hoạt động cách mạng trước năm 1945 và khi đồng chí giữ các chức vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau năm 1945).

          1. Nhà số 52 – 54 Trần Bình Trọng (ảnh)

          Nhà số 52 – 54 Trần Bình Trọng tại phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng –  địa điểm vào năm 1927, đồng chí Lê Văn Hiến cùng với các đồng chí lãnh đạo cách mạng đã thành lập chi bộ đầu tiên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Chính bằng uy tín của cá nhân mình, đồng chí Lê Văn Hiến đã vận động và gây dựng được phong trào cách mạng từ Trường Tư thục Cự Tùng – Một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tại Đà Nẵng.

          Toàn ban vận động thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội Quảng Nam và Đà Nẵng, nhờ sự giới thiệu của đồng chí Lê Văn Hiến đã được nhận vào dạy ở Trường Cự Tùng. Từ đó ban vận động đã có cơ sở đứng chân trong thành phố, vừa dạy học kiếm sống, vừa hoạt động cách mạng. Trường Cự Tùng không những là cơ sở nuôi sống các thầy giáo làm cách mạng, mà còn là nơi giáo dục học sinh của trường thành lớp người giàu lòng yêu nước và chí căm thù giặc, tiếp bước cha ông dấn thân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Thông qua các bài giảng và các buổi tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các thầy giáo đã khơi gợi tinh thần yêu nước cho học sinh và khéo léo tuyên truyền về đường lối đấu tranh cách mạng mới.

Hình 2: Ngôi nhà số 52 – 54 Trần Bình Trọng (Nguồn: BTĐN)  

          Từ ngôi trường này, tháng 9/1927, chi bộ đầu tiên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Đà Nẵng được thành lập và nhanh chóng xây dựng, phát triển các tổ chức quần chúng. Lúc bấy giờ, đồng chí Lê Văn Hiến là một trong năm đồng chí của Chi bộ cùng với các đồng chí: Đỗ Quang (Bí thư), Lê Quang Sung, Thái Thị Bôi và Huỳnh Thị Thuyền. Trong hồi ký Buổi đầu gieo hạt, đồng chí Lê Văn Hiến đã ghi lại cảm xúc của ông trong thời khắc đó: “Ngày ấy, dù trình độ giác ngộ còn non, tôi bồi hồi xúc động và cảm thấy đây là một ngày trọng đại trong cuộc đời mình nói riêng cũng như trong đời sống chính trị của thành phố quê hương mình nói chung”

          Năm 1929, đồng chí Đỗ Quang bị thực dân Pháp bắt và đưa đi đày ở Lao Bảo, trước tình hình đó, các đồng chí khác phải rút vào hoạt động bí mật. Lúc bấy giờ, đồng chí Lê Văn Hiến kết hôn với nhà yêu nước Thái Thị Bôi. Vợ chồng đồng chí rời Đà Nẵng vào Nha Trang tiếp tục hoạt động cách mạng. Từ đó, Trường Tư thục Cự Tùng đóng cửa.

          Sự ra đời và hoạt động sôi nổi của Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (sau này là Tỉnh bộ) tại cơ sở Trường Cự Tùng có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo bước ngoặt mới trong quá trình thành lập và phát triển Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Quảng Nam sau này (ngày 28/3/1930).

          2. Bản án xét xử đồng chí Lê Văn Hiến của chính quyền thực dân Pháp và Nghị định trục xuất của Khâm sứ Trung Kỳ (hiện vật giấy)

          Sau khi rời Đà Nẵng vào Nha Trang, vợ chồng đồng chí Lê Văn Hiến và Thái Thị Bôi tiếp tục hoạt động cách mạng tích cực, căn nhà của vợ chồng đồng chí trở thành nơi liên lạc của tổ chức cách mạng. Đây cũng là nơi phân phát tài liệu, tuyên truyền vận động cho các địa phương xung quanh như Phan Rang, Phan Rí, Đà Lạt, Tháp Chàm…

          Hoạt động ở Nha Trang được hơn một năm, đến ngày 03-11-1930, do bị tên liên lạc phản bội, vợ chồng đồng chí Lê Văn Hiến và Thái Thị Bôi bị bắt và đưa vào giam ở nhà lao Nha Trang. Dù trong hoàn cảnh khốn cùng, bị tra khảo dã man nhưng vợ chồng đồng chí vẫn giữ vững tinh thần của người chiến sĩ, bình tĩnh, không nao núng. Sau hơn 3 tháng, dù không tìm được bằng chứng, thực dân Pháp vẫn đưa vợ chồng đồng chí ra tòa tuyên án. Đồng chí Lê Văn Hiến bị tuyên án 5 năm tù và đồng chí Thái Thị Bôi bị tuyên án 1 năm tù. Vợ chồng đồng chí tiếp tục đấu tranh chống lại bản án.

          Trong thời gian đợi xét lại bản án, tháng 2-1931, vợ chồng đồng chí bị áp giải vào khám lớn Sài Gòn. Trong các cuộc xét hỏi, tra khảo của mật thám Sài Gòn, vợ chồng đồng chí cương quyết bác bỏ các lời cáo buộc của tòa án.

          Sau khi đã hết cách tra xét mà vẫn không tìm được thêm căn cứ để buộc tội, tháng 4-1931, tòa phúc thẩm phải tuyên án tha bổng đồng chí Thái Thị Bôi, đồng chí Lê Văn Hiến bị Tòa án Thượng thẩm Sài Gòn tuyên bố y án 5 năm tù và sau đó là Nghị định trục xuất 5 năm của Khâm sứ Trung Kỳ.

          Hiện nay, Bảo tàng Đà Nẵng còn lưu giữ 2 hiện vật “Bản án bằng giấy xét xử đồng chí Lê Văn Hiến” và “Nghị định trục xuất đồng chí Lê Văn Hiến của Khâm sứ Trung Kỳ”.

Hình 3: Bản án bằng giấy xét xử đồng chí Lê Văn Hiến

          Mô tả hiện vật: Bản án buộc tội đồng chí Lê Văn Hiến 5 năm tù của Tòa án Thượng thẩm Sài Gòn (hình 3). Theo lời kể của đồng chí Lê Văn Hiến, bản án này do một người nào đó (?) chép lại, sau trao cho đồng chí. Bản án viết bằng chữ Quốc ngữ trên giấy xám đục, dài 26,5cm, rộng 18cm.

          Nội dung bản án ghi lại lời buộc tội của tòa án thượng thẩm Sài Gòn đồng chí Lê Văn Hiến có liên quan đến cuộc biểu tình ở Nghệ An (1929) và một số tội danh khác. Đồng chí Lê Văn Hiến cương quyết không nhận tội. Tòa Thượng thẩm Sài Gòn tuyên án đồng chí Lê Văn Hiến 5 năm tù, vợ đồng chí là Thái Thị Bôi được tha bổng.

Hình 4: Nghị định trục xuất đồng chí Lê Văn Hiến của Khâm sứ Trung Kỳ

          Mô tả hiện vật “Nghị định trục xuất đồng chí Lê Văn Hiến của Khâm sứ Trung Kỳ”: Bản đánh máy bằng giấy trắng đục (pơ luya mỏng), dài 31cm, rộng 21,5cm

          Sau khi Tòa án Thượng thẩm Sài Gòn tuyên án 5 năm tù, ngày 26-3-1932, khâm sứ Trung Kỳ tiếp tục ra Nghị định trục xuất đồng chí 5 năm không được cư trú ở 3 thành phố Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết (hình 4)

          3. Sách Ngục Kon Tum (hiện vật giấy)

          Sau khi bị tuyên án 5 năm tù, đồng chí Lê Văn Hiến bị đưa đi đày tại nhà ngục Kon Tum, một trong những địa ngục trần gian do thực dân Pháp dựng lên trên đất nước ta. Chính trong ngục tù này, đồng chí Lê Văn Hiến đã trải qua những năm tháng bị đày ải đầu tiên trong cuộc đời làm cách mạng và cũng chính trong địa ngục trần gian này, đồng chí đã tích lũy vốn sống, tích lũy tài liệu để viết ký sự Ngục Kon Tum, góp phần tố cáo tội ác của nhà tù thực dân trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân Việt Nam.

          Đồng chí Lê Văn Hiến đã thể hiện bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất bằng chính những gì đồng chí đã từng nếm trải. Giở lại Ngục Kon Tum, một hồi ký cách mạng mang tính chất của một phóng sự điều tra – một áng văn tiêu biểu trong dòng văn học cách mạng 1930 – 1945, mà chính tác giả là người trong cuộc hứng chịu những nỗi đau đớn tột cùng bởi chế độ lao khổ, hà khắc. Vượt qua biết bao thủ đoạn tra tấn, giết hại; may mắn thay, đồng chí Lê Văn Hiến còn sống sau một trận mưa đạn dữ dội ở nhà lao Kon Tum. Lần giở những trang sách này là những câu chuyện cảm động, kỳ tích của những người con ưu tú nước nhà trước chế độ lao tù, từ đó gửi tới những người đang sống và thế hệ mai sau niềm tự hào và lòng biết ơn đối với những thế hệ cha anh đã chiến đấu và hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.

Hình 5-6: Sách Ngục Kon Tum (BTĐN)

          Mô tả hiện vật: Sách hình chữ nhật (dài 14cm, rộng 13cm) in đen trên giấy trắng (đã ngả màu), bao gồm 79 trang.

          Một niềm vinh dự cho Bảo tàng Đà Nẵng đó là cả 03 hiện vật Bản án xét xử 5 năm tù, Nghị định trục xuất đồng chí Lê Văn Hiến của Khâm sứ Trung Kỳ và sách Ngục Kon Tum đều do đồng chí Lê Văn Hiến trực tiếp tặng cho Bảo tàng Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1976.

          4. Hình ảnh và các hiện vật liên quan đến hiệu sách Việt Quảng

          Hiệu sách Việt Quảng là di tích lịch sử gắn liền với giai đoạn khôi phục, phát triển phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

          Trong những năm 1933 – 1935, thực dân Pháp bày trò ân xá tù chính trị nhằm gây thanh thế cho chính quyền Bảo Đại. Số đông cán bộ Đảng viên bị bắt như Nguyễn Sơn Trà, Lê Văn Hiến, Hà Văn Tính…được phóng thích. Điều này đã trở thành một thuận lợi lớn cho việc phát triển các hoạt động đấu tranh cách mạng của thành phố Đà Nẵng, nhưng vấn đề lớn cần giải quyết lúc này là xây dựng nguồn tài chính để Đảng hoạt động.

          Trước tình hình đó, đầu năm 1936, đồng chí Lê Văn Hiến cùng với các đồng chí Nguyễn Sơn Trà, Phan Đăng Lưu, Thái Thị Bôi đã đứng ra mở hiệu sách lấy tên Việt Quảng ở đường Quai Courbert (nay là đường Bạch Đằng). 

          Trong thời gian hoạt động, hiệu sách Việt Quảng đã xuất bản và phát hành nhiều sách báo tiến bộ và cách mạng như Báo Tiếng Dân, sách Giai cấp là gì, Mặt trận Bình dân Pháp đi đến đâu, Ngục Kon Tum…Từ đó, hiệu sách trở thành trung tâm vận động cách mạng trong thành phố và thu hút được đông đảo các tầng lớp tri thức, tiểu tư sản miền Trung.

          Không chỉ làm đại lý các sách báo tiến bộ mà hiệu sách Việt Quảng còn làm đại lý cho hiệu thuốc Đông Tây Y viện (Hà Nội), hiệu đồ gỗ Thái Yên (Vinh), Rượu Dâu (Quảng Bình), sản phẩm của Lò chén Việt An. Trong hồi ký Chí lớn (tập Buổi đầu gieo hạt), đồng chí Thái Thị Bôi ghi: “Để có cơ sở tương đối vững chắc hơn, anh Lê Văn Hiến cùng với đồng chí Lê Tuất (giáo Tuất), nghiên cứu khai thác mỏ Cao lanh ở Tiên Phước. Sau khi xác định chất lượng cao lanh tốt và trữ lượng dồi dào, các đồng chí Lê Tuất, Huỳnh Lắm, Lê Văn Hiến chịu trách nhiệm xây dựng lò chén tại Việt An (Tiên Phước). Đồng chí Lê Tuất là người phụ trách chính về chuyên môn, kỹ thuật và quản lý lò chén. Việt Quảng sẽ là nơi tiêu thụ sản phẩm. Lò chén phát triển trở thành cơ quan cung cấp tài chính cho Đảng”.

Hình 7: Sản phẩm của lò gốm Việt An được bày bán ở Hiệu sách Việt Quảng nhằm gây quỹ cho Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng trong cao trào 1936 – 1939 (BTĐN) Hình 8: Hình ảnh Hiệu sách Việt Quảng đang được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng (BTĐN)

          Bên cạnh đó, Việt Quảng còn là nơi hội họp và nương náu của các cán bộ lãnh đạo Đảng như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phan Đăng Lưu, …và là đầu mối chỉ đạo các cuộc đấu tranh, vận động chính trị của nhân dân Đà Nẵng.

          Năm 1940, tác phẩm Ngục Kon Tum của đồng chí Lê Văn Hiến bị cấm phát hành. Ông cùng các đồng chí khác của Việt Quảng lần lượt bị bắt. Từ đó, hiệu sách chấm dứt hoạt động.

          Bức tranh khởi nghĩa giành chính quyền trong ngày 26 tháng 8 năm 1945 của nhân dân thành phố Đà Nẵng đã kết thúc một cách hùng tráng khi đồng chí Lê Văn Hiến – với cương vị là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời của thành phố Đà Nẵng cùng đội tự vệ tiến vào toà đốc lý Đà Nẵng nay là Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở mới 42 – 44 Bạch Đằng, để tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng.

          5. Các hiện vật về Lê Văn Hiến sau năm 1945

          Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, đồng chí Lê Văn Hiến được giao giữ nhiều vị trí quan trọng trong Chính phủ. Trong đó nổi bật là vai trò Bộ trưởng Bộ Tài chính. Vào thời điểm đồng chí Lê Văn Hiến tiếp nhận công việc điều hành Bộ Tài chính, một Bộ được coi là “bản lề” của một quốc gia, nền tài chính của Nhà nước cách mạng non trẻ cùng một lúc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là 3 thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngân sách quốc gia lúc ấy hầu như không có gì, trong khi các thế lực phản động ra sức tăng cường các hoạt động phá hoại tận gốc nền kinh tế dân chủ nhân dân mới hình thành…

          Với ý thức trách nhiệm cao, tuân thủ sự phân công của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng sự kiên trì tự học, nhất là sự ứng xử từng trải, nghĩa tình, tư cách mẫu mực và khả năng tổ chức, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã quy tụ, hoạch định, phát huy sức mạnh, sự quyết tâm của tập thể cán bộ nhân viên của ngành Tài chính nỗ lực xây dựng và phát triển ngành vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân giao phó.

          Trong không gian trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay có dành một không gian trưng bày các mệnh giá tiền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  (1945 – 1954), trong đó có các mệnh giá tiền được phát hành trong thời gian đồng chí Lê Văn Hiến làm Bộ trưởng Bộ Tài chính và có chữ ký của đồng chí.

Hình 9: Mặt sau mệnh giá tiền 5 đồng có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (BTĐN)

Hình 10: Mặt sau mệnh giá tiền 20 đồng phát hành năm 1949 có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (BTĐN)

          Cũng trong năm 2023 vừa qua, tại không gian trưng bày “Hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Đà Nẵng”, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã tiến hành bổ sung các tư liệu nghiên cứu về đồng chí Lê Văn Hiến, đó là cuốn sách “Lê Văn Hiến – Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Lào” (viết bằng tiếng Lào) và cuốn sách “Thấu hiểu giữ gìn phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của dân tộc dòng họ và gia đình” của tác giả Phan Vinh. Tất cả gợi cho người xem một thời chiến đấu hào hùng, oanh liệt với bao khó khăn, gian khổ, hy sinh và mất mát vì độc lập cho dân tộc mà đồng chí Lê Văn Hiến đã trải qua.

Hình 11-12: Các tài liệu nghiên cứu về đồng chí Lê Văn Hiến được bổ sung trưng bày

tại Bảo tàng Đà Nẵng trong năm 2023

         Thay cho lời kết

          Lê Văn Hiến là nhà cách mạng lão thành đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Văn Hiến dù đầy khó khăn, trải qua nhiều thăng trầm nhưng luôn sáng ngời ý chí kiên trung của người chiến sĩ cộng sản. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời đồng chí đều có vai trò và ảnh hưởng nhất định đến lịch sử đất nước. Thông qua các hiện vật, hình ảnh được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Hiến đã phần nào làm rõ chân dung của ông trong bức tranh lịch sử của thành phố Đà Nẵng.

Huỳnh Đình Quốc Thiện

[1] Ban nghiên cứu lịch sử Đảng và Hội Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng, Hồi Ký Buổi đầu gieo hạt của đồng chí Lê Văn Hiến

[2] Ban nghiên cứu lịch sử Đảng và Hội Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng, Hồi Ký Buổi đầu gieo hạt của đồng chí Lê Văn Hiến, Trang 102 – 103

Tài liệu tham khảo

1) Ban nghiên cứu lịch sử Đảng và Hội Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng (1980), Hồi Ký Buổi đầu gieo hạt

2) Lê Văn Hiến (2004), Nhật ký của một bộ trưởng tập 1 – 2, NXB Đà Nẵng

3) Phan Vinh (2021), Thấu hiểu giữ gìn phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của dân tộc và dòng họ và gia đình

4) Viện chiến lược và Chính sách Tài chính (2010), Bộ trưởng Lê Văn Hiến, NXB Tài chính

 

Tin liên quan