Từ nhiều năm nay, Bảo tàng Đà Nẵng đã phối hợp với Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố triển khai chương trình giáo dục lịch sử địa phương tại Bảo tàng cho học sinh. Năm 2019, lần đầu tiên, Bảo tàng Đà Nẵng đưa chương trình đến với học sinh ở địa bàn xa trung tâm thành phố, nơi ít có điều kiện đến tham quan Bảo tàng. Đây cũng là hướng đi mới nhằm đa dạng hóa hoạt động của Bảo tàng trong việc tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống, nhất là đối với học sinh – sinh viên.
Chiều ngày 21 tháng 3 năm 2019, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức chương trình “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Di sản văn hóa Đà Nẵng – Dấu ấn thời gian” tại Trường THCS Ông Ích Đường thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Đây là trường cấp 2 duy nhất của xã Hòa Phú, nằm khá xa trung tâm thành phố và học sinh chưa đến tham quan Bảo tàng Đà Nẵng lần nào. Trường có tổng cộng khoảng 250 học sinh cho cả 04 khối lớp (6, 7, 8, 9), trong đó có 28 học sinh người Cơtu và 01 học sinh người Mường.
Thông qua hình thức thi “Rung chuông vàng” trả lời các câu hỏi liên quan đến các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố, các em học sinh được cung cấp, bổ sung thêm nhiều kiến thức để tìm hiểu sâu hơn các di sản văn hóa địa phương. Từ đó, các em càng thêm yêu, tự hào về lịch sử hào hùng cùng truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc.
Chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp qua những phần thi vô cùng hồi hộp và cũng không kém phần hấp dẫn với sự tham gia nhiệt tình, hào hứng và đầy sôi nổi của hơn 100 em học sinh ở các khối lớp 6, 7, 8, 9. Sau những câu hỏi và trò chơi vận động, cứu trợ của các thầy cô, bạn Phương Ánh – học sinh lớp 6/1 của Trường THCS Ông Ích Đường là thí sinh xuất sắc nhất và được rung chuông vàng.
Cuộc thi khép lại nhưng tin rằng thông qua những hoạt động như thế này, các em sẽ có thật nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử Đà Nẵng và thêm yêu mảnh đất quê hương của mình. Từ đây, kiến thức lịch sử không còn là những gì khô khan, khó nhớ mà trở nên gần gũi và mang ý nghĩa sâu sắc.
Quỳnh Nga (P. GDTT)