Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11
Hiện nay, vai trò giáo dục trong bảo tàng ngày càng được coi trọng, tác động mạnh mẽ, tích cực đến các hoạt động khác của bảo tàng. Giáo dục được xem là cơ sở xác lập chiến lược hoạt động phát triển của mỗi bảo tàng, đồng thời, căn cứ vào thế mạnh, đặc điểm riêng biệt và chức năng của mỗi bảo tàng cụ thể để đa dạng hóa các hình thức hoạt động phục vụ nhu cầu chính đáng của công chúng.
Cùng hướng tới xu thế chung, trong những năm gần đây Bảo tàng Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử với học sinh, sinh viên. Các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Đà Nẵng được đánh giá cao qua việc tổ chức các chương trình kích thích tính chủ động của học sinh, thu hút sự tham gia hứng thú của giới trẻ. Giáo dục thông qua bảo tàng là một phương cách học hiệu quả. Bảo tàng được coi như một trường học ngoài nhà trường, công tác giáo dục của bảo tàng có đạt được hiệu quả hay không, không thể không nói đến vai trò của các cán bộ giáo dục. Để thực sự là cầu nối giữa bảo tàng và công chúng, các thuyết minh viên của Bảo tàng Đà Nẵng đã tự trau dồi và nâng cao năng lực trở thành những thầy cô giáo không chuyên đầy tâm huyết. Họ là những người được đào tạo, có sự hiểu biết về bảo tàng và các sưu tập bảo tàng, có nhiệm vụ giúp công chúng – đặc biệt là các bạn trẻ học và sử dụng bảo tàng.
Việc tổ chức các hoạt động giáo dục dành cho học sinh, sinh viên mang tính tương tác, khám phá, trải nghiệm thông qua các chương trình: Em yêu lịch sử, Giờ học ngoại khóa, Nghe hiện vật kể … giúp các bạn trẻ trao đổi, thảo luận, học tập, rèn luyện các kỹ năng và thể hiện sự sáng tạo của mình qua các hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” theo hướng giáo dục tích cực. Chương trình “Em yêu lịch sử” được Bảo tàng Đà Nẵng học hỏi và phát triển từ mô hình của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chính thức ra đời từ năm 2012 và nhanh chóng trở thành sân chơi bổ ích, lý thú, lôi cuốn đông đảo học sinh khối THCS và THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham gia. Các chủ đề sinh hoạt câu lạc bộ được thay đổi hằng năm và đến nay đã có 19 buổi sinh hoạt. Hoạt động mang tính “tương tác”, lại được tổ chức theo từng chuyên đề, chương trình này đã thực sự đưa Bảo tàng thành điểm đến hấp dẫn, tạo cho các em chủ động tìm hiểu vấn đề dựa vào sự gợi mở của các cán bộ giáo dục Bảo tàng từ những hiện vật di sản cụ thể sinh động. Hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục thường xuyên đổi mới, có nhiều kịch bản để phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh, củng cố và bổ trợ kiến thức cho các giờ học nội khóa, tạo môi trường và không khí học tập mới trong môn Lịch sử ở trường phổ thông.
Về cơ bản các chương trình giáo dục của Bảo tàng Đà Nẵng đều xây dựng theo chủ đề của các bộ sưu tập trong Bảo tàng. Không giống như câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” chỉ dành cho học sinh khối trung học, chương trình “Giờ học ngoại khóa” của Bảo tàng thu hút học sinh cả ba cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Từ khi ra đời chương trình (năm 2014) cho đến nay (năm 2018) đã có 258 buổi học với 12.375 lượt học sinh tham dự. Đến với giờ học ngoại khóa, học sinh là người học chủ động chứ không còn là người nghe thụ động nữa. Học sinh được tiếp cận nhiều chiều để tự đúc kết những bài học, những kiến thức mới cho mình chứ không phải chỉ một chiều. Cán bộ giáo dục Bảo tàng Đà Nẵng không chỉ quan tâm đến việc dạy gì cho học sinh, mà quan trọng hơn là học sinh học bằng cách trải nghiệm như thế nào. “Nghe hiện vật kể” cũng là một chương trình “học lịch sử” đặc biệt qua các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng được khởi động đầu tiên vào tháng 5/2017. Chương trình thu hút các bạn học sinh, sinh viên và nhất là hướng tới đối tượng đoàn viên thanh niên khối cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đến với chương trình các bạn vừa tham quan Bảo tàng vừa được trực tiếp tiếp xúc, trao đổi và giao lưu với các nhân chứng lịch sử (người thực-việc thực). Đây là một trong những hoạt động đạt hiệu quả tuyên truyền giáo dục cao. Phương châm của các chương trình hoạt động giáo dục trong Bảo tàng Đà Nẵng là hấp dẫn, bổ ích, vui và sáng tạo. Các cán bộ giáo dục đã tạo lập không gian văn hóa hấp dẫn, lôi cuốn học sinh, sinh viên, đưa Bảo tàng thực sự trở thành “một học đường” giảng dạy trực quan.
Bên cạnh đó đội ngũ những người thầy không chuyên tại Bảo tàng còn quan tâm nghiên cứu, sáng tạo các phương thức hoạt động trải nghiệm đáp ứng kịp thời và có hiệu quả những nhu cầu sáng tạo của thiếu nhi như: Bé tập làm thuyết minh viên, Thương gia nhí, Trò chơi dân gian, Sắc màu sáng tạo… giúp các em khám phá những điều mới mẻ, từ đó, tích lũy kiến thức, vốn sống, hiểu thêm những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), hãy dành tặng những đóa hoa tươi thắm và những lời cảm ơn đến các cán bộ làm công tác giáo dục tại Bảo tàng Đà Nẵng, những người thầy đã miệt mài với việc giảng dạy, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ có lòng yêu mến, hứng thú, say mê tìm hiểu đối với môn Lịch sử. Hy vọng, mối quan hệ giữa Bảo tàng nói riêng và ngành di sản văn hoá nói chung với các cơ quan giáo dục ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn vì sự nghiệp trồng người./.
Trương Thế Liên
P. Sưu Tầm – Trưng bày và Bảo quản