ỦY BAN QUÂN QUẢN ĐÀ NẴNG TRONG NHỮNG NGÀY ĐẦU SAU GIẢI PHÓNG

Cách đây 48 năm, đúng 11 giờ 30 phút, ngày 29 tháng 3 năm 1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam của quân và dân ta đã phất phới tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng, đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại: Đà Nẵng được giải phóng.

 Ngay sau khi tiếp quản thành phố, lực lượng cách mạng cũng khẩn trương thiết lập lại an ninh trật tự, ổn định cuộc sống cho nhân dân và bắt đầu xây dựng, kiến thiết lại thành phố. Để thực hiện những nhiệm vụ này, Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng và các cấp.

Ủy ban Quân quản Đà Nẵng là chính quyền lâm thời do các đồng chí trong bộ máy quân sự Khu V và Đặc khu ủy Quảng Đà tạm thời điều hành, quản lý trước khi chuyển giao lại cho chính quyền nhân dân. Ngay sau ngày giải phóng, Ủy ban Quân quản đã ra Thông cáo số 01 về việc công bố danh sách Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng gồm có các đồng chí: đồng chí Hồ Nghinh làm Chủ tịch; 03 đồng chí Phó Chủ tịch là Thiếu tướng Nguyễn Chánh, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát và đồng chí Trần Cát; 05 Ủy viên gồm các đồng chí: Phan Hoan, Phạm Đức Nam, Hoàng Văn Lai, Nguyễn Duy Hưng, Trần Hưng Thừa.

Một trong các nhiệm vụ đầu tiên Ủy ban Quân quản thực hiện là ổn định tình hình an ninh trật tự của thành phố, chống lại các hoạt động phá hoại, xuyên tạc đường lối chủ trương, chính sách của chính phủ cách mạng lâm thời, lật đổ chính quyền cách mạng của các phần tử phản động.

Cùng với đó, Ủy ban Quân quản phải bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Tuy nhiên nhiệm vụ này không đơn giản bởi chiến tranh đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề: nhiều thôn xóm, phố phường bị tàn phá; đồng ruộng ở các vùng ven hầu như bỏ hoang; công nghiệp thì không đáng kể; giáo dục, y tế yếu kém… Để khắc phục khó khăn, khẩn trương giải quyết mọi mặt đời sống xã hội, tạo điều kiện bảo đảm hoạt động bình thường của người dân, Ủy ban Quân quản đã kêu gọi nhân dân Đà Nẵng cùng với chính quyền cách mạng bắt tay vào việc dọn dẹp, thu gom vũ khí, tháo gỡ bom mìn; trở lại đồng án, tăng gia sản xuất; mở trường dạy học… Đồng thời, vận động nhân dân đi lánh nạn trở về lại quê hương để làm ăn, sinh sống.

Dưới sự lãnh đạo, điều hành ban đầu của Ủy ban Quân quản trong những ngày đầu giải phóng, thành phố Đà Nẵng sau ngày giải phóng đã dần dần được ổn định. Cuộc sống người dân đã trở lại bình thường và đi vào nề nếp. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chính quyền mới.

Nhân kỉ niệm 48 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng xin được giới thiệu đến công chúng “Con dấu của Ủy ban Quân quản Đà Nẵng”. Hiện vật thể hiện tính quyền lực, hiệu lực pháp lý của chính quyền mới thiết lập. Đây là con dấu được làm bằng tay, không có tay cầm, được sử dụng từ ngày 29/3/1975. Thông cáo số 01 của Ủy ban Quân quản Đà Nẵng là văn bản đầu tiên được đóng con dấu này.

                                                                                 Trần Văn Chuẩn – Phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản

                                                           

          Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ tư lệnh quân khu 5, Khu 5 – 30 năm chiến tranh giải phóng, Tập 3 -Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (thời kỳ 1969 – 1975), Xí nghiệp in Q.Đ. QN – ĐN, 1989.
  2. Nhóm biên soạn: Dương Trung Quốc, Trần Hữu Đính, Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Tố Uyên, Ngô Văn Minh, Lịch sử thành phố Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, 2001.
  3. Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng, Lịch sử xứ Quảng – Tiếp cận và khám phá, Xí nghiệp in Fahasa, 2011
  4. Phan Đấu – Nguyễn Văn Cao, Văn phòng Liên khu ủy khu V 1945 – 1975, Nxb Đà Nẵng, 2004.

Tin liên quan