Thành Điện Hải qua Mộc bản triều Nguyễn

Thành Điện Hải là tòa thành quân sự nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng vừa được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 29-3-2018. Hiện nay, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt đang bảo quản 34.619 tấm Mộc bản triều Nguyễn, được Unesco công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Trong đó có những bản khắc ghi chép khá rõ về vị trí, quá trình xây dựng cũng như quy mô, kiến trúc thành Điện Hải.

Vị trí và quy mô của thành Điện Hải được ghi chép rất rõ trong Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ.
Những bản khắc ghi chép khá rõ về thành Điện Hải.

Đài Điện Hải được xây dựng vào năm Quý Dậu (1813), dưới triều vua Gia Long. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 46, mặt khắc 7 có ghi chép về sự kiện này như sau: “Đắp đài Điện Hải và bảo An Hải ở Quảng Nam (đài bên tả cửa biển Đà Nẵng, bảo ở bên hữu). Sai Nguyễn Văn Thành đi coi công việc. Công việc xong, để lại 500 quân đóng giữ”.

Về vị trí, quy mô của đài Điện Hải được Mộc bản sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 209, mặt khắc 30 có chép: “Thành Điện Hải ở thôn Thạch Than, cảng Đà Nẵng, chu vi 139 trượng, cao 1 trượng, 2 thước, xây gạch, 3 cửa, 1 kỳ đài, hào rộng 4 trượng 5 thước”.

Ban đầu, đài Điện Hải được đắp bằng đất. Đến năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng cho chuyển dời đến vị trí khác (tức vị trí hiện nay) và cho xây lại bằng gạch. Lý do dời đài Điện Hải, theo vua Minh Mạng: “Đầu đời Gia Long xây đắp đài này, công việc buổi đầu, người trông coi lại không được giỏi, cho nên không được kiên cố. Lại thêm gần sát bờ biển, nước biển xói mòn, ngày càng sụt lở, từng đã đóng cọc xây đá, mà sóng nước mạnh dữ, sức người khó chống.

Trẫm thấy đặt đài này là để củng cố bờ biển, giữ mạnh thế nước, há có thể sợ khó nhọc ngại tốn phí mà để đấy không hỏi đến sao? Nay sai người ngắm đo hình thế, nên dời về phía nam hơn 50 trượng là chỗ đất cao rộng mà xây. Lại đặt một pháo đài ở núi nhỏ phía đông trạm Nam Chân gọi là pháo đài Định Hải, núi ấy cũng gọi là núi Định Hải”. Phó đô thống chế Tả dinh quân Thần sách Nguyễn Văn Trí và Tham tri bộ Binh Nguyễn Khoa Minh được giao trông coi, đôn đốc công việc.

Để có thể đảm trách được công việc dời thành, vua Minh Mạng đã huy động hơn 5.000 dân đến làm việc. Trong quá trình thi công, để động viên, khuyến khích tinh thần cho dân công, vua Minh Mạng đã chỉ dụ: “Hằng tháng cấp tiền gạo (mỗi người mỗi tháng cấp 3 quan tiền, 1 phương gạo; 50 người đặt 1 người đầu mục, mỗi tháng cấp 3 quan 5 tiền và 1 phương gạo; 500 người, đặt 1 quản lĩnh, mỗi tháng cấp 5 quan tiền, 1 phương gạo).

Vị trí và quy mô của thành Điện Hải được ghi chép rất rõ trong Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ.
Vị trí và quy mô của thành Điện Hải được ghi chép rất rõ trong Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ.

11 năm sau khi chuyển đài Điện Hải đến vị trí mới, vào năm Giáp Ngọ (1834), đài Điện Hải được vua Minh Mạng đổi tên là thành Điện Hải. Thành Điện Hải được xây dựng trên một vị trí đặc biệt hiểm yếu, có vị trí chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ cửa biển Đà Nẵng, vì vậy ngay khi xây xong, vua Minh Mạng đã ra dụ cho bộ Binh rằng:

“Pháo đài Trấn Hải ở kinh sư, pháo đài Điện Hải ở tỉnh Quảng Nam đều là chỗ xung yếu, nên dù lúc vô sự, việc canh phòng cũng không thể bỏ qua. Bộ ấy nên truyền bảo quan binh trú phòng ở hai pháo đài ấy hết thảy súng đạn, khí giới, quân nhu lúc nào cũng dự bị đầy đủ để phòng lúc bất ngờ”.

Vì vậy, để cắt cử trông coi thành được chu đáo, ổn thỏa, vua Minh Mạng đã cử quan Thủ thành úy trông coi thành. Ngoài ra, còn có bổ nhiệm chức quan Vệ úy lĩnh 200 biền binh các Ban trực đi đến đóng giữ đài Điện Hải.

Đến năm Đinh Mùi (1847), vua Thiệu Trị đã cho mở rộng quy mô thành Điện Hải. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía nam và một cửa mở về phía đông. Trong thành Điện Hải có xây dựng thêm hành cung, kỳ đài và các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng, được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Thành được xây theo đề án thiết kế kiểu Vauban, hình vuông.

Trải qua bao cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, kèm theo sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên, thành Điện Hải đã bị xuống cấp trầm trọng, dấu tích còn lại của thành Điện Hải là tường thành phía tây và phía đông còn cửa thành phía nam đã mất và phía bắc đã hư hại. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã cho tu bổ, phục hồi nguyên trạng di tích lịch sử này. Một tượng đài uy nghi của Tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố Đà Nẵng.

CAO THỊ THƠM QUANG
Phòng Tài liệu Mộc bản – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Tin liên quan