[KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN PHONG SẮC (01/2/1902 – 01/2/2022), LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM]

Nguyễn Phong Sắc (1902 – 1931), sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước cách mạng tại làng Bạch Mai (nay là phố Bạch Mai, Hà Nội). Thưở nhỏ, ông theo học Trường Bưởi và tốt nghiệp thủ khoa kỳ thi Thành chung năm 1924. Tuy nhiên, ông từ chối du học Pháp và xin vào làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương.
Cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đây là bước chuyển quan trọng trong cuộc đời của đồng chí.
Tháng 3/1927, Kỳ Bộ Thanh niên Bắc kỳ được thành lập. Sau đó, tháng 6/1927, Tỉnh bộ của Hà Nội thành lập và đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào Tỉnh bộ. Ngôi nhà số 152, Bạch Mai (Hà Nội) của ông trở thành cơ sở cách mạng, là nơi tổ chức các cuộc họp của Tỉnh bộ và Kỳ bộ.
Ngày 07/ 3/ 1929, ông trở thành một trong những người đầu tiên thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên trong cả nước tại số nhà 5D Hàm Long, Hà Nội.
Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, đại biểu của chi bộ 5D Hàm Long đã quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị đã nhất trí bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, trong đó Nguyễn Phong Sắc là ủy viên Thường vụ. Đến tháng 7/1929, ông tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, Hội nghị phân công đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào phụ trách Trung kỳ, để xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng.
Mùa Xuân năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử làm Đặc phái viên của Đảng Cộng sản Việt Nam vào các tỉnh Trung Kỳ vận động và tổ chức hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và Tân Việt trở thành các đảng bộ tỉnh, thành phố của Đảng.
Tại Đà Nẵng, khoảng thời gian hoạt động của đồng chí Nguyễn Phong Sắc là từ tháng 6-1929 cho đến khoảng cuối năm 1930. Thời gian này, đồng chí đóng vai trò to lớn trong việc thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Đà Nẵng và có thể xem như là nhà thiết kế và công trình sư trong việc tổ chức hợp nhất Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng thị xã Tourane và Đảng bộ Tân Việt tỉnh Quảng Nam thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian ở Đà Nẵng, đồng chí có đóng góp to lớn trong việc chọn lựa cho Đà Nẵng những cán bộ có năng lực và bản lĩnh chính trị, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm liên lạc và chỉ đạo phong trào của Xứ ủy Trung Kỳ. Trong thời gian chỉ đạo cơ quan Phân Xứ ủy Trung Kỳ tại Đà Nẵng, ngoài lãnh đạo xây dựng tổ chức Đảng, đồng chí rất chú ý đến công tác tuyên truyền, chỉ đạo mạnh mẽ công tác in ấn và phát hành tài liệu của Đảng, nhằm tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và vận động quần chúng vùng lên đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tháng 3/1931, trên đường hoạt động, ông bị mật thám bắt tại khách sạn Nam Lai, gần Ga Hàng Cỏ, đưa vào Vinh giam cầm tra tấn dã man song vẫn giữ vững tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, không để lộ thông tin về tổ chức đảng và cơ sở cách mạng. Trước sự phát triển của cao trào cách mạng Xô Viết-Nghệ Tĩnh, nhận thấy vai trò của ông trong cao trào này, Pháp đã xử bắn ông vào ngày 26/5/1931 tại đồn Song Lộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Lúc ấy, đồng chí Nguyễn Phong Sắc mới 29 tuổi.

Phan Ngọc Mỹ

(Phòng Giáo dục – Truyền thông)

Tin liên quan