Người Cơ Tu có một loại hình nghệ thuật đặc sắc thể hiện về thế giới cuộc sống xung quanh cũng như khát vọng lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc mình, đó là nghệ thuật điêu khắc gỗ. Điêu khắc của người Cơ Tu có từ lâu đời, điêu khắc về con người, loài vật hay những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội… các nghệ nhân đã tạo nên những tác phẩm điêu khắc gỗ mộc mạc, nguyên sơ từ chất liệu, ý tưởng, đường nét, bố cục đến cả màu sắc.
Ở đâu có chi tiết kiến trúc là ở đó có tác phẩm mỹ thuật. Nhà Gươl có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của cộng đồng người Cơ Tu. Trên mái mô hình nhà Gươl tại Bảo tàng Đà Nẵng, phía hai đầu hồi có điêu khắc đơn giản là đôi chim Tring, được bố trí đối xứng nhau gần như tuyệt đối, làm cho ngôi nhà có vẻ đẹp hài hòa, cân đối. Thông thường trong nhà Gươl, mặt nạ là một vật phẩm trang trí không thể thiếu liên quan đến thần linh, được cất giữ ở nơi trang trọng và chỉ sử dụng trong các lễ hội có liên quan đến tín ngưỡng, ma thuật của người Cơ Tu . Mặt nạ cũng là dụng cụ thường được các chiến binh xưa dùng trong chiến đấu. Các mặt nạ trưng bày tại Bảo tàng có chiều rộng từ 20cm – 24cm, chiều dài từ 34cm – 41cm được nghệ nhân người Cơ Tu đục đẽo, chạm trổ từ những đoạn cây gỗ với những đường nét tạo hình thô sơ đã thể hiện được “cái hồn” và tính cách của chiếc mặt nạ. Hầu hết các mặt nạ có ở Bảo tàng là dạng mặt nạ hiền được đục đẽo một cách chân phương, mềm mại, mang dấu ấn của những gương mặt ánh lên nét nhân từ, gần gũi. Mặt nạ gỗ không phải là vật vô tri vô giác mà phản ánh tâm tưởng của đồng bào muốn vươn tới cuộc sống thiện lành, xóa bỏ, ngăn chặn điều dữ ác, tai ương.
Với người Cơ Tu, ngoài nhà Gươl là linh hồn làng của những người đang sống thì nhà mồ là công trình kiến trúc độc đáo làm nơi yên nghỉ cho người đã mất. Bảo tàng Đà Nẵng hiện trưng bày một số mô hình quan tài, nhà mồ và tượng nhà mồ của người Cơ Tu có sức hút đặc biệt với khách tham quan. Mô hình ngôi nhà mồ có mái hình chữ nhật thể hiện khá rõ một quan niệm của cư dân Đông Nam Á xưa, coi ngôi nhà là một vũ trụ; hai bên, ba tầng-ba thế giới. Hai bên là Đông-Tây. Phía Đông gắn với mặt trời, sự sống-người đàn bà-chim/gà; phía Tây gắn với mặt trăng, cái chết, người đàn ông-trâu. Mái là thế giới bên trên, nơi của tổ tiên, thần linh thể hiện qua các con vật thiêng. Sàn lửng giữa quan tài và mái, là thế giới giữa của con người nơi tái hiện cảnh người trong đám ma: người đàn ông đứng đánh trống, thổi khèn, đánh chiêng, hút thuốc, người đàn bà ngồi bó gối, chống cằm, khóc; bốn góc là 4 con gà. Dưới cùng là thế giới bên dưới của người chết, nơi đặt quan tài. Nhà mồ của người Cơ Tu được điêu khắc rất công phu, trên quan tài và các hệ thống mái, đồ thờ tự.. với nhiều đề tài sống động. Theo quan niệm của người Cơ Tu, trong điêu khắc tượng nhà mồ, các hình thể thường được bố trí theo cặp đối xứng trong không gian, hay tuân thủ các yếu tố đực – cái và mỗi đề tài mang những ý nghĩa đặc thù, mong muốn về một viễn cảnh giàu có của người chết ở thế giới bên kia, nơi có của cải tràn trề, cùng nhiều người vui sống theo. Tục lệ từ ngàn đời nay của người Cơ Tu là khi đàn ông đã có vợ, đến tuổi 30 là vào rừng tìm cây gỗ tốt để đẽo quan tài cho mình, phòng lúc chết đi không phải phiền đến họ hàng, làng xóm. Quan tài của người Cơ Tu được đẽo theo hình thuyền độc mộc, dày và chắc, hai đầu khắc tượng đầu trâu với ý nghĩa con trâu là con thú to nhất ở nhà, tượng trưng cho sức mạnh, cho sự bền vững. Còn chiếc quan tài mang hình chiếc thuyền thì có ý đời người tựa như một chuyến đi, như chiếc thuyền trôi mãi không bao giờ dừng lại, sẽ đồng hành cùng họ trong hành trình sang thế giới khác khi chết. Theo truyền thống, người Cơ Tu chỉ điêu khắc, trang trí quan tài và nhà mồ cho người chết đã làm lễ cải táng. Một mô hình quan tài khác tại Bảo tàng lại có điêu khắc hình rồng bên trên vì trong quan niệm nhân sinh, rồng là một loài vật huyền bí mang tính thần thoại, là biểu tượng cho quyền lực tối cao và đôi lúc trở thành con vật đáng sợ. Nhưng hình tượng con rồng của người Cơ Tu rất đa dạng không theo một quy chuẩn cụ thể nào, thuần túy như một loài rắn có chân và vây ở lưng, và chỉ hiện hiện trong suy nghĩ của các nghệ nhân.
Đến với Bảo tàng Đà Nẵng du khách sẽ nhận biết thêm một nét văn hóa lễ hội đặc sắc của người Cơ Tu đó là “lễ hội đâm trâu” được tái hiện qua một số hiện vật và không gian tái tạo. Đặc trưng của lễ hội đâm trâu là cột lễ (cột đâm trâu). Cây cột lễ được dựng trang trọng trong gian trưng bày dân tộc học tại Bảo tàng có chiều cao 3,7m; đường kính là 23cm. Phần ngọn được trang trí các hoa văn hình học, màu trang trí gồm đen, đỏ, trắng, xanh theo phong tục chung của người Cơ Tu. Phần thân cột là hình gà trống được điêu khắc gắn đối xứng qua phần giữa thân cột lễ, là bộ phận quan trọng, vừa tạo nên yếu tố thẩm mỹ vừa làm cho cột lễ có sự cân đối. Trong ý tưởng tạo hình, cột lễ là cách tái hiện dáng hình của Thần Lúa hay hình ảnh của người phụ nữ Cơ Tu trong điệu múa dá dá với đôi tay của họ đưa lên trời, cầu xin hạt lúa của thần linh.
Ngoài những tác phẩm điêu khắc độc đáo gắn liền với phong tục và tín ngưỡng của người Cơ Tu, Bảo tàng Đà Nẵng còn trưng bày những tượng tròn diễn tả cảnh sinh hoạt, lao động, sản xuất, vui chơi thường ngày của đồng bào như giã gạo, múa tung tung dá dá, đánh chiêng, trống… hay các tượng cổng làng, cùng một vài tượng người với những biểu cảm đặc trưng giống như nhà mồ ở Tây Nguyên, đó là tượng người ngồi than khóc, tiếc thương người quá cố.
Các tác phẩm điêu khắc gỗ của người Cơ Tu đã tạo nên 1 dấu ấn riêng, một bản sắc riêng trong trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Loại hình nghệ thuật này của người Cơ Tu đã khẳng định mạnh mẽ rằng, văn hóa-nghệ thuật Cơ Tu rất phong phú, đa dạng và không kém phần sắc sảo.
Trương Thế Liên
- Sưu tầm Trưng bày và Bảo quản