Di tích quốc gia Nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng

Nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng ở thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Trước đây, Nhà thờ chư phái tộc được xây dựng bằng tre. Đến năm Tân Tỵ (1821), các chức sắc và nhân dân trong xã cùng nhau đóng góp tiền của, công sức để xây dựng lại nhà thờ như hiện nay. Nhà thờ thờ Quan Thánh và các vị tiền hiền của bốn tộc Đinh, Lê, Trần, Nguyễn – những người có công theo Chúa Nguyễn vào Nam khai phá đất đai lập nên làng Quá Giáng.

 

Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay Nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 4.000m2. Phía trước nhà thờ là bức bình phong cao 2,6m, rộng 2,8m. Mặt trước bình phong đắp nổi hình Rồng, mặt sau là hình Phụng đang múa và được ghép bằng sành sứ. Hai bên bình phong là hai trụ biểu tròn cao 5m, đường kính 0,5m tạo nên vẻ uy nghi cho ngôi nhà thờ.

Nhà thờ được xây dựng bằng loại gạch xưa kích cỡ 5cm x 20cm x 30cm được kết dính bằng vôi cát và mật mía ngâm với một số lá cây. Mái lợp ngói âm dương dày 20cm, với hình ảnh loan phụng hòa mình trên nóc. Hai bên là hai con Rồng ngoái đầu lại nhìn nhau. Trên mái của hàng hiên phía trước cửa tiền đường có đắp hình hai con Lân ở hai bên.

Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, gồm có 3 phần: phần tiền đường, nhà chính điện và hai dãy hành lang hai bên. Nối liền từ tiền đường và nhà chính điện là một khoảng sân rộng 5x6m và hai dãy hành lang có mái che ở hai bên, tạo thành bình đồ kiến trúc hình chữ “khẩu”.

Phần tiền đường có kích thước 12m x 4m, kết cấu theo lối “chồng rường giả thủ”, chân giả thủ đều trang trí hình quả bí, phía trên được trang trí hình đài hoa sen. Hai dãy cột chính mỗi dãy bốn cột, cao 5m chống đỡ hai vì kèo và hai dãy cột quân thấp hơn chống đỡ hai mái phụ. Trên các thanh xà, kèo đều được trang trí cỏ cây, hoa lá, muông thú, bát bửu và các đường trang trí khác. Đuôi kèo được chạm khắc hình tượng cá chép hóa rồng.

Phần chính điện được xây dựng theo lối kéo tam đoạn (kéo chuyền) với ba gian bốn mái và thấp hơn khoảng 0,5m là hai chái phụ hai bên cùng với hàng hiên ở phía trước. Bốn dãy cột lớn, mỗi dãy bốn cột đường kính 30cm cao từ 3 đến 5m chống đỡ bốn mái nhà chính. Hai hàng cột nhỏ hơn cao khoảng 2,5m quá giang với hàng cột chính để đỡ mái của hai chái phụ. Mái hiên gồm một dãy sáu cột cao 2,5m liên kết với dãy cột chính chống đỡ. Tất cả các thanh trính, xà, kèo, vì đều được chạm trổ hình hoa lá, chữ “thọ” và các đường hoa văn trang trí rất đẹp. Đầu của hai thanh trính được chạm hình đầu rồng. Trên hai thanh xà cò (đòn đông hạ) có khắc hai hàng chữ nho là: “Tân Tỵ niên Đinh Dậu ngoạt kiết nhật bổn xã đồng trùng tu thụ tạo”, nghĩa là “Năm Tân Tỵ (1821) tháng Tám ngày lành bổn xã cùng đứng ra tu bổ và tạo dựng”; và “Tự Đức Bính Tý ngũ ngoạt kiết nhật bổn xã đồng hội tu tạo”, nghĩa là “Năm Bính Tý đời vua Tự Đức (1876) tháng năm ngày lành bổn xã cùng lo việc tu sửa tôn tạo”.

Trong chính điện có bàn thờ Quan Thánh ở gian giữa. Gian bên tả thờ hai vị tiền hiền tộc Đinh – Lê, gian bên hữu thờ hai vị tiền hiền tộc Trần – Nguyễn. Tại chái phụ bên hữu có một ban thờ nhỏ dùng để thờ thổ thần. Bàn thờ này mới được lập sau này. Chính điện có ba cửa chính và hai cửa phụ, các cánh cửa được làm bằng gỗ có chạm trổ hoa lá, túi thơ, bầu rượu… Nóc mái trang trí hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Bộ cửa thượng song hạ bản cùng với bộ mắt cửa thể hiện rõ phong cách kiến trúc của Hội An với bàn tay tài hoa khéo léo của người thợ làng Kim Bồng nổi tiếng.

Tiếp giáp với hai chái phụ hai bên của gian nhà chính là hai hành lang với mái che nối phần nhà chính với phần tiền đàn ở phía trước. Mỗi hành lang có hai mái được chống đỡ bởi hai hàng cột cao 2,5m. Các cột được kết nối với nhau bằng các thanh ngang. Từ các thanh ngang này các cột đội vươn lên chống đỡ bộ kèo.

Nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX, vừa có giá trị lịch sử lâu đời vừa có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Đây là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật cổ hiếm hoi còn lại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Hàng năm, dân làng có hai kỳ Xuân Thu tế lễ vào các ngày 20/2 và 12/7 âm lịch để tưởng nhớ lại các vị tiền hiền đã mở mang vùng đất này. Với những giá trị tiêu biểu đó, Nhà thờ phái chư tộc Quá Giáng được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích quốc gia vào ngày 01/02/2000.

Phương Trần (Phòng QLDSVH)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?