Chuyện bếp lửa người Xơ-đăng

Với người Xơ-đăng huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam), bếp lửa không chỉ là nơi để người già kể sử thi, người trẻ nghe chuyện cổ tích hay học đan lát, làm nhạc cụ, nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm, nơi tụ hội cho những câu hát, giao duyên, khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, mà còn là nơi để họ sưởi ấm vào những đêm rừng Trường Sơn lạnh giá.

Bếp lửa của một gia đình người Xơ-đăng ở thôn 3, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Ảnh: S.G.P
Bếp lửa của một gia đình người Xơ-đăng ở thôn 3, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Ảnh: S.G.P

Các cụ già Xơ-đăng ở thôn 3, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) kể rằng, từ xa xưa, bắt đầu từ trong đời sống tâm linh, người Xơ-đăng luôn có một lòng tin tuyệt đối vào thần Lửa – vị thần hiện thân cho may mắn phù hộ con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Khi xây nhà, việc đặt bếp cũng được chú ý, phải xem xét kỹ vì mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Sau khi thực hiện các nghi lễ liên quan, chủ nhà tổ chức giết heo, gà để cúng thần Lửa trước khi các thành viên vào nhà ở, sinh hoạt, nấu nướng.

Thần Lửa có một vai trò quan trọng trong cuộc sống hằng ngày và cả những dịp lễ hội của gia đình như: Lễ thổi tai, lễ cúng lúa mới… Hằng năm, cứ đến ngày đầu năm mới, mỗi gia đình người
Xơ-đăng bao giờ cũng cử một người đi rước thần Lửa từ nhà rông về nhà mình, trang trọng châm vào bếp. Lửa đỏ bừng đón mừng ngày đầu năm mới, đem đến niềm tin được mùa no đủ, gia đình an vui sung túc, con trai, con gái khỏe đôi vai, dẻo đôi chân.

Theo phong tục cổ truyền, người Xơ-đăng thường tổ chức lễ lấy lửa trong lễ hội máng nước vào mùa xuân. Buổi lễ được chuẩn bị từ nhiều ngày trước, đến đêm hành lễ thì dân làng tụ tập đầy đủ dưới khoảng sân trước nhà rông. Già làng giết gà, heo hoặc dê hiến tế, dùng máu con vật hiến sinh bôi lên những ngọn đuốc đã chuẩn bị chờ sẵn và cọ hai thanh tre vào nhau để phát ra ngọn lửa.

Từ đây, lửa được chia về với từng bếp lửa cộng đồng. Người Xơ-đăng tin rằng, lửa sẽ xua tan đi bao điều không tốt lành và đem đến những điều may mắn, ấm áp. Bếp lửa luôn luôn đỏ để đem đến sự no đủ, giữ cái hồn trong gia đình. Bếp thiêng luôn đem lại sự bình yên cho dân làng, mang đến sự hòa thuận, cuộc sống ấm no hạnh phúc, tạo ra của cải vật chất dồi dào cho mỗi gia đình…

Ngoài làm nương rẫy ra, đồng bào Xơ-đăng còn có nghề săn bắt để dành thức ăn trong mùa giáp hạt, và bếp lửa chính là nơi lưu trữ thức ăn tốt nhất. Thịt thú rừng săn về ăn không hết, được xẻ thành từng miếng, ướp chút muối rồi treo lên phía trên bếp.

Qua một thời gian, hơi nóng tỏa lên miếng thịt săn lại, được bọc thêm một lớp bồ hóng nên có màu nâu trầm tự nhiên, giữ nguyên vị ngọt, nướng sơ trên bếp than đã nghe thơm lừng, mang nét đặc trưng riêng của người Xơ-đăng.

Khách đến, được chủ nhà trân trọng mời ngồi quanh bếp lửa tiếp chuyện, thưởng thức thịt rừng gác bếp, thêm chút rượu ghè, thật khó có khoảnh khắc nào tuyệt vời hơn. Nhưng các già làng nơi này dặn rằng, khách không được lấy đũa hoặc cây củi gạt cời bếp, gõ vào bếp vì theo quan niệm của người Xơ-đăng, làm như vậy là làm tổn hại đến thần Lửa, thần nổi giận sẽ gây xấu cho gia đình chủ.

Những câu chuyện xưa đuợc chủ và khách nối nhau bên bếp lửa. Theo lời các cụ cao niên, trên nương rẫy, mỗi gia đình Xơ-đăng có cái chòi nhỏ để canh lúa ngô, trên chòi bao giờ cũng đặt một bếp lửa nhỏ để nấu nướng, canh giữ những sản phẩm của mình trên nương rẫy.

Ban đêm, bếp lửa trong chòi không chỉ che chở cái lạnh mùa đông mà còn là tín hiệu báo cho nhau biết để xua đuổi thú rừng hay cho những ai lỡ độ đường rừng mà có chỗ nương nhờ. Trước khi rời khỏi nương rẫy, bao giờ chủ nhân cũng vùi lửa, vun tro than thành đụn và đặt lên đó một hòn đá như là dấu hiệu báo cho người khác biết nơi ngự trị của thần Lửa, không được giẫm đạp hoặc bước ngang qua.

Những ngày mùa đông về, không gì ấm áp hơn cảnh cả gia đình quần tụ bên bếp lửa ấm áp, nghe già làng kể chuyện xưa, sử thi, con cháu ngồi xung quanh, lắng nghe từng câu chuyện. Vào những ngày hội, cả dân làng cùng tập trung tại nhà rông, người già ngồi với nhau, cùng ôn lại kỷ niệm xưa.

Những người lớn biết đan gùi, dệt vải, biết âm nhạc, mải mê truyền dạy cho lớp trẻ biết để qua đó gìn giữ và bảo tồn vốn văn hóa của dân tộc mình. Đây còn là nơi để những thanh niên vừa ca hát, vui chơi, là dịp để trai gái gặp nhau ngỏ lời, bày tỏ lòng mình mà nên duyên chồng vợ.

Bếp lửa là nơi diễn ra mọi sinh hoạt hằng ngày, là nơi người lớn gặp gỡ nhau, bàn tính chuyện làm ăn, dựng vợ gả chồng cho con cái, chia sẻ những buồn vui…

Ngày nay, các Chương trình mục tiêu quốc gia đã mở ra một diện mạo mới cho vùng cao Quảng Nam về nhà ở, đường giao thông và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác đã giúp đại bộ phận người Xơ-đăng xóa đói giảm nghèo.

Trong điều kiện ấy, để phù hợp với môi trường sống mới, nhiều cặp vợ chồng trẻ Xơ-đăng sau khi cưới xong đã xin phép hai bên gia đình ra ở riêng, làm nhà riêng nhưng những tập tục chung quanh bếp lửa vẫn giữ nguyên vẹn.

SƠN GIA PHÚC

Tin liên quan