BÌNH PHONG THOẠI NGỌC HẦU

 

Ảnh 1: Bình phong trong không gian di tích Thoại Ngọc Hầu

Bộ nhận diện thương hiệu của chương trình “Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2020” được lấy cảm hứng từ Bình phong của di tích quốc gia Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu. Công trình tọa lạc trên đường Hà Thị Thân. phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Đây là nơi thờ phụng các vị tiền hiền của làng An Hải và danh nhân Thoại Ngọc Hầu.

Ảnh 2: Bình phong Thoại Ngọc hầu

Bình phong là một trong những bộ phận kiến trúc nổi bật về nghệ thuật tạo hình tại di tích.

Bình phong thường án ngữ tại vị trí thứ hai, giữa lối đi chính trên trục dũng đạo (trước là cổng tam quan, sau là công trình chính). Sự xuất hiện của tấm bình phong ở vị trí này có tác dụng ngăn cản những ảnh hưởng xấu (theo quan niệm dân gian) hay Hỏa khí (theo thuyết âm dương Ngũ hành) xâm nhập trực diện từ phía trước, đồng thời, thể hiện sự kính ngưỡng của người trần đối với thế giới thần linh.

Ảnh 3: Cận cảnh bình phong

Bình phong thường được xây bằng gạch trát vôi vữa, xi măng và có dạng cuốn thư cách điệu với cách thức cắt/bẻ các góc tạo nếp gấp và được áp liền với trụ hai bên như hai ống quyển.

Về cách thức trang trí, bình phong thường được trang trí cả hai mặt bằng kỹ thuật khảm, đắp sành sứ hoặc tô vẽ các đồ án thể hiện sự ngưỡng vọng thần linh và gửi gắm những ước muốn, khát vọng vươn lên của con người trần thế như đồ án tứ linh (long, lân, quy, phượng), tứ quý (mai, lan, cúc trúc/tùng cúc trúc mai), bát vật (tứ linh cộng thêm các linh vật hổ, cá chép, hạc, dơi), bát bửu, họa tiết chữ (chữ Thọ, chữ Hỷ, chữ Vạn…) hoặc các họa tiết dây lá, mây, đường nét kỷ hà để trang trí.

Về bố cục trang trí bình phong được chia làm ba phần, phần đỉnh, phần thân và phần đế

Ảnh 4: Cận cảnh phần đỉnh bình phong Thoại Ngọc Hầu

Phần đỉnh bình phong ở di tích Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu được trang trí bằng đồ ánnhật/nguyệt ở giữa, hai bên tả hữu là họa tiết “hồi văn hóa rồng”, 3 đồ án này tạo thành tổ hợp “Lưỡng long chầu nguyệt”.

Ảnh 5: Cận cảnh đồ án giữa bình phong

Mặt trước phần thân được trang trí bằng đồ án “Lưỡng long chầu chữ Thọ”. Đây là đồ án biến thể từ đồ án “Lưỡng long chầu nhật”. Đồ án thể hiện hình tượng cặp rồng thân mình uốn lượn, đầu ngẩng cao trong tư thế chầu, chân vờn mây, ở giữa là biểu tượng chữ Thọ (夀)cách điệu. Xung quanh là các họa tiết mây cách điệu.

Đồ án chữ Thọ có ý nghĩa cầu mong sự lâu dài, trường thọ. Đây là một họa tiết thường gặp trong hệ motif trang trí dạng chữ, được tạo ra bằng phương thức cách điệu những Hán tự thành những đường gấp khúc.

Ảnh 6: Cận cảnh phần chân bình phong

Phần chân (hay còn gọi là chân quỳ) được trang trí bằng họa tiếtdây lá uốn lượn, ở giữa trang trí bằng đồ án “Long hàm thọ” (hình ảnh con rồng đang há miệng ngậm chữ thọ).

Ảnh 7: Ảnh Market chương trình “Ngày hội di sản văn hóa”

Sự xuất hiện của tấm bình phong không chỉ có ý nghĩa về mặt phong thủy mà nó còn thể hiện vẻ đẹp kiến trúc, nghệ thuật trang trí và tư duy thẩm mỹ của người Việt Nam.

Phòng Quản lý Di sản văn hóa

Tin liên quan