Về vụ phá hủy thành Điện Hải của quân Pháp – Tây Ban Nha

LTS: Lần đầu tiên sau 161 năm (1858-2019), vụ phá hủy và triệt thoái khỏi thành Điện Hải của liên quân Pháp – Tây Ban Nha ngay khi vừa đánh chiếm xong vào sáng 2-9-1858 mới được hé lộ tường tận qua tài liệu báo cáo chép tay của Công binh Pháp, hiện đang lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp, thuộc phòng Hải ngoại, do đoàn công tác của UBND thành phố Đà Nẵng cử đi dịp cuối năm 2018 sưu tầm được.

Tranh của thủy thủ A. Theil thuộc soái hạm Némésis, được Le Breton họa lại, thể hiện góc đông nam trong thành Điện Hải sau khi bị liên quân Pháp-Tây Ban Nha chiếm đóng sáng ngày 2-9-1858. (Nguồn: L’Illustration, Journal Universel, No 821, 20-11-1858, Paris, p. 325)
Tranh của thủy thủ A. Theil thuộc soái hạm Némésis, được Le Breton họa lại, thể hiện góc đông nam trong thành Điện Hải sau khi bị liên quân Pháp-Tây Ban Nha chiếm đóng sáng ngày 2-9-1858. (Nguồn: L’Illustration, Journal Universel, No 821, 20-11-1858, Paris, p. 325)

Đây là một tài liệu vô cùng giá trị và mới mẻ đối với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, liên quan đến lịch sử của Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải.

Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược kéo dài 27 năm ở Việt Nam – tính đến ngày Kinh đô Huế thất thủ (1858-1885). Từ 9 giờ 45 sáng, cùng lúc với cuộc tấn công các vị trí ở bán đảo Sơn Trà, 4 pháo hạm hơi nước Mitraille, Fusée, Alarme và tuần dương hạm hơi nước Tây Ban Nha El Cano băng qua vịnh Đà Nẵng để chiếm lĩnh vị trí cách lối vào cửa Sông Hàn chừng 2.200m; hai chiếc đầu đến trước Thành An Hải, hai chiếc còn lại ở phía trước thành Điện Hải thi nhau bắn phá.

Sang ngày 2-9-1858, lúc 8 giờ sáng, các pháo hạm Dragonne, Fusée, Mitraille với những loạt đạn chính xác và đều đặn rót liên tục vào thành Điện Hải. Nửa giờ sau, một quả đạn trái phá từ pháo hạm Dragonne làm nổ bùng kho thuốc súng khiến thành Điện Hải bị đổ sập. Đến 9 giờ, ngọn lửa mới chịu chùng xuống. Lúc 10 giờ sáng, phân đội công binh của liên quân được hỗ trợ bởi một đội lính hải quân vượt qua Sông Hàn trên những chiếc ca nô và chiếm được thành Điện Hải.

Mặc dù chiếm được cả hai thành An Hải và Điện Hải vào sáng 2-9-1858, nhưng do thành Điện Hải nằm ở bờ tả ngạn Sông Hàn rất khó bảo vệ, vì biệt lập với khu vực chiếm đóng của liên quân từ bán đảo Sơn Trà đến thành An Hải ở bờ hữu ngạn, nên trước áp lực đe dọa phản công mạnh mẽ ngay lập tức của quân đội triều Nguyễn, lính viễn chinh đã chùn bước.

Chiều ngày 3-9-1858, sau khi đến thị sát ở thành An Hải, Tổng Tư lệnh quân viễn chinh là Phó Đô đốc Charles Rigault de Genouilly đã ban hành mệnh lệnh phải nhanh chóng triệt hạ và di tản khỏi thành Điện Hải để lui về tập trung lực lượng ở bán đảo Sơn Trà và thành An Hải.

Đại úy Gallimard, chỉ huy đơn vị công binh thuộc Quân đoàn Viễn chinh Đông Dương trong Báo cáo về những công việc đã tiến hành tại Đà Nẵng từ ngày 1 tháng 9 năm 1858, ngày đổ bộ, đến ngày 15 tháng 12 năm 1858, ngày lập báo cáo theo lệnh của Phó Đô đốc – Tổng Tư lệnh đã viết: “Các pháo đài trên lối vào sông Hàn chiếm được ngày 2 tháng 9 đã cách quá xa khu vực đóng quân của chúng ta hiện nay, nên Phó Đô đốc Rigault de Genouilly, Tổng Tư lệnh muốn tập trung lực lượng. Từ ngày 3 tháng 9, một phân đội công binh được điều đến thành Điện Hải để triệt hạ pháo đài này”.

“Đến nơi vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày, phân đội công binh này được sự hỗ trợ của một đại đội thủy quân lục chiến và các đại đội đổ bộ từ các pháo hạm Alarme và Avalanche; với tổng quân số là 126 người, họ được chia làm 2 toán để làm việc liên tục cả đêm lẫn ngày”.

“Dưới sự bố trí lực lượng và điều hành của Đại úy Lable, họ phải đào 4 cái giếng ở mỗi bờ tường thành (16 giếng), và mỗi góc lồi của pháo đài cũng đào thêm một giếng để đặt thuốc nổ (tổng cộng là 20 giếng theo kế hoạch). Những giếng ở các góc lồi của pháo đài được đào sâu 4,5 mét để đặt 250kg thuốc nổ; chúng đều được bố trí cuối mép các bức tường thành để phá hủy bờ tường ở các góc lồi của pháo đài (như vậy tại mỗi góc lồi có 3 giếng). Những giếng khác dọc theo các tường thành chỉ sâu 4m và đặt 100kg thuốc nổ”.

“Tổng cộng có 12 giếng (ở 4 góc lồi) được đào sâu 4,5m, và chỉ có 7 giếng (ở 4 tường thành) sâu 4,0 mét, bởi vì vụ nổ kho thuốc súng trong cuộc tấn công trước đó đã khiến một đoạn tường thành bị phá đổ và tạo nên một trong những cái giếng ở đó”.

Cũng trong ngày 3-9-1858, công binh Pháp tìm thấy và tịch thu bản vẽ thiết kế thành Điện Hải của triều Nguyễn, mà theo tường thuật của Đại tá Ponchalon thuộc lực lượng thủy quân lục chiến tham gia trận đánh, là chuẩn mực hơn so với bản vẽ thiết kế của thành An Hải.

Công việc đào giếng để đặt thuốc nổ của công binh Pháp ở thành Điện Hải gặp nhiều trở ngại do địa tầng dưới tường thành khá phức tạp, vì vậy kéo dài sang các ngày 4 và 5-9-1858 vẫn chưa xong. Báo cáo của Đại úy công binh Gallimard viết tiếp: “Nền đất rất cứng cho đến độ sâu chừng 1,5 mét, nhưng từ đó trở xuống thì gặp tầng đất cát khiến dễ gây ra các tai nạn, bởi chúng không có kết cấu rắn để chống đỡ, và công binh phải dùng những tấm ván thu lượm tại chỗ để che chắn bằng các thanh giằng”.

“Mặc dù gặp phải những khó khăn này, song đến cuối ngày 5-9, khi công binh nhận được mệnh lệnh chuẩn bị sẵn sàng để phát hỏa vào buổi tối, họ chất thuốc nổ vào 7 giếng có độ sâu 4,5 mét và 1 giếng có độ sâu 4 mét; các giếng khác chỉ mới sâu chừng 3 mét. Tất cả mọi người đều phải quay về trên những chiếc thuyền đậu bên bờ hữu ngạn con sông, sau đó công binh mới cho khai hỏa, nhưng chỉ có 3 khóm lửa lớn và 1 luồng lửa nhỏ bùng lên ở đó trong đêm tối; công binh đã không thể kích nổ ở các giếng khác”.

Lệnh phát hỏa của Phó Đô đốc Charles Rigault de Genouilly để triệt hạ thành Điện Hải vào tối ngày 5-9-1858, khi công binh chưa hoàn tất về mặt kỹ thuật ở các giếng được đào, đã cho thấy sự nôn nóng di tản của liên quân Pháp-Tây Ban Nha để tránh sự phản công của quân đội triều Nguyễn. Mục đích vẫn chưa đạt được, vì vậy qua ngày 6-9-1858, công binh Pháp lại phải tiếp tục.

Báo cáo của Đại úy Gallimard viết: “Vào rạng sáng hôm sau, công binh phải tiếp tục công việc ở các giếng, một phân đội bộ binh đem dụng cụ phá tiếp các dãy lan can còn đứng vững. Họ phục hồi các lỗ mồi thuốc nổ ở các giếng đã được chất đầy vào đêm trước, đặt thuốc nổ ở 1 giếng sâu 4,5 mét và 3 giếng sâu 4,0 mét, và đưa xuống những cái lò nhỏ lèn chặt lượng thuốc súng nặng 150kg ở những giếng trước đó chỉ nạp 100kg, bởi vì những khối thuốc súng nhỏ đêm trước không đủ sức phá sập các tường thành”.

“Với lượng thuốc nổ rất mạnh và sau khi đặt thêm bên dưới các lò thuốc nổ những khẩu súng bằng gang tịch thu được, việc phát hỏa thành công mỹ mãn. Ba góc lồi của pháo đài bị sụp đổ hoàn toàn. Những tường thành phía bắc, phía đông và phía tây cũng đều sụp đổ, chỉ còn lại bức tường phía nam, nơi duy nhất không đủ tầm nhìn ra biển hoặc ra sông”.

“Công binh đã dùng 2.550kg thuốc nổ để phá hủy các bức tường thành này, song để phá sập toàn bộ pháo đài, cần phải tăng độ sâu thêm từ 1m đến 1,5m ở 7 cái giếng chưa thực hiện được. Sự thiếu triệt để này là do phải thi hành mệnh lệnh rút quân trở lại bên bờ hữu ngạn Sông Hàn”.

Là người trực tiếp tham chiến, Đại tá thủy quân lục chiến Ponchalon cũng mô tả vụ phá hủy thành Điện Hải rằng: “Ngày 6-9-1858, binh lính liên quân ở thành Điện Hải đã hoàn tất cuộc di tản. Những khẩu súng cối và đạn dược đều đã được di chuyển sang Thành An Hải. Vào 11 giờ sáng, tòa thành của Thành Điện Hải bị kích nổ thổi tung lên, thiêu cháy cả những ngôi nhà ở khu vực phụ cận”.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

Trích dẫn từ nguồn:

– Le Baron de Bazancourt, Les Expéditions de Chine et de Cochinchine d’après les documents officiels, Première Partie (1857-1858), Amyot Éditeur, Paris, 1861. Lưu tại Thư viện Quốc gia Pháp, ký hiệu 8-LH4-545.

– Expédition de l’Indo-Chine, Génie, Rapport sur les travaux exécutés à Tourane  depuis le 1er Septembre 1858, jour du débarquement, jusqu’au 15 Décembre 1858, rédigé conformément aux ordres de M. le Vice-Amiral Commandant en chef,  Carton No 1 – No 1, Tourane, le 15 Décembre 1858. Hồ sơ viết tay, ký hiệu 154a, có đóng dấu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp.

– Colonel Henri de Ponchalon, Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860, Alfred Mame et Fils, Éditeurs, Tours, 1896. Lưu tại Thư viện Quốc gia Pháp, ký hiệu 8-LK10-370).

Tin liên quan