Chiếc gùi không chỉ đơn giản là một công cụ của cuộc sống mà còn là nét tinh hoa độc đáo truyền từ đời này sang đời khác, mang bản sắc của buôn làng của các tộc người vùng Trường Sơn. Gùi như một người bạn đồng hành theo chân đồng bào đi rẫy, gùi các nông sản đi bán ở chợ rồi lại gùi hàng hóa mua về nhà dùng. Bên cạnh đó, gùi còn là những sản phẩm khá kỳ công thể hiện qua bàn tay khéo léo, sự sáng tạo trong việc trang trí tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ đặc trưng của người chế tác.
Hiện nay, Bảo tàng Đà Nẵng đang lưu giữ bộ sưu tập gùi gồm 32 chiếc của đồng bào dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xơ Đăng. Đây là sưu tập có giá trị được Bảo tàng sưu tầm tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam từ những năm 1990. Một số gùi được đưa lên gian trưng bày giới thiệu với công chúng, một số khác đang được bảo quản trong kho của Bảo tàng. Những chiếc gùi với kiểu dáng, kích cỡ, công dụng khác nhau: gùi cho người lớn, gùi cho trẻ em, có gùi khi mang ôm gọn sau lưng như những chiếc ba lô, có loại gùi có nắp, gùi dùng đi rẫy…
Chiếc gùi của đồng bào dân tộc là sản phẩm của những đôi bàn tay khéo léo cùng với óc thẩm mỹ tinh tế gửi gắm bao tâm tư tình cảm của người làm ra nó. Nếu như nghề dệt thường do người phụ nữ đảm nhiệm, thì việc đan chiếc gùi luôn dành cho người đàn ông. Phần lớn gùi được đan bằng mây. Tùy theo mục đích sử dụng trong các hoạt động mà đan cho phù hợp. Muốn gùi củi, sắn, khoai…, thân gùi được đan thưa và lớn; còn nếu gùi gạo, lúa, muối… thì thân gùi phải đan khít.
Bộ sưu tập gùi của Bảo tàng Đà Nẵng gồm 2 loại: loại hình trụ và loại hình cánh dơi. Với những chiếc gùi có thân dạng hình trụ còn gọi là gùi nữ (người sử dụng hầu hết là phụ nữ), chiều cao thân gùi từ 46cm – 62cm có các nẹp tre hoặc mây qua các trụ góc rồi thuôn dần về phía đế. Miệng gùi hình tròn có dây mây được dùng để quấn miệng. Đế gùi nhỏ hơn miệng và thường có hình chữ nhật hoặc hình vuông. Đế được làm bằng mây hoặc các loại gỗ mềm để dễ uốn, chủ yếu để giữ thăng bằng và chịu được lực nhưng cũng phải đảm bảo được độ nhẹ để dễ cho việc di chuyển. Quai gùi đan bằng dây mây được làm tỉ mỉ và chắc chắn khó bị đứt khi tải đồ nặng. Quai được xỏ, buộc vào thân gùi. Đặc biệt, gùi của người Xơ Đăng được trang trí thêm hoa văn hình thoi màu đen xen kẽ thân. Độc lạ trong bộ sưu tập là chiếc gùi có nắp của người Cơ Tu. Chiếc gùi hình trụ tròn trở nên duyên dáng, hoàn hảo khi được úp lên phía trên nó một cái nắp có hình chóp tròn. Trên đỉnh chóp có làm tay cầm bằng mắt tre tạo thêm nét thẩm mỹ, có tác dụng như tay cầm, thuận tiện cho việc đóng, mở nắp gùi.
Loại gùi hình cánh dơi trong bộ sưu tập gùi của Bảo tàng Đà Nẵng là những chiếc gùi ba ngăn, người Cơ Tu gọi là Talet, người Giẻ Triêng gọi K’choi poong và K’lek là tên gọi của người Xơ Đăng. Gùi có chiều cao từ 30cm – 50cm, chiều ngang từ 40cm – 50cm, độ rộng mỗi ngăn chỉ khoảng 10cm – 15cm. Đây là gùi dành cho cánh đàn ông chủ yếu mang đi rừng, đi rẫy nên cấu tạo gùi hình dẹp, phần thân ngắn và nhỏ ôm sát vào lưng, thuận tiện cho việc cơ động, nhanh nhẹn di chuyển, có 2 dây quàng trên vai. Gùi được thiết kế thêm hai ngăn nhỏ ở hai bên thân, hai ngăn này được dùng để mang các vật dụng nhỏ như cơm, gạo, dụng cụ lấy lửa để đi rừng, rẫy… Đây là loại gùi được đan rất công phu và mất nhiều thời gian hoàn thành, thường là từ 2 – 3 tháng. Do gùi ba ngăn được đan nan long mốt kết hợp với nhiều kỹ thuật đan tinh xảo khác nhau nên hình dáng gùi có nét nghệ thuật rất độc đáo.
Các loại gùi đều có màu nâu bóng như cánh gián do sau khi đan xong đồng bào không đem dùng ngay mà thường treo ở gác bếp nhiều ngày. Hơi nóng của lửa, của khói xông lên, hun chiếc gùi thêm săn chắc, vừa bền vừa đẹp không mối mọt hay bị ẩm mốc.
Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, có nhiều vật dụng thay thế nhưng những chiếc gùi lại càng được đồng bào dân tộc xem là vật dụng quan trọng và trân quý bởi giá trị bảo vệ môi trường của nó mang lại. Với bộ sưu tập gùi phong phú của mình, Bảo tàng Đà Nẵng đã giới thiệu đến khách tham quan vẻ đẹp riêng tiêu biểu của đồng bào dân tộc miền núi Quảng Nam; mang đậm ý nghĩa về văn hóa vật thể và phi vật thể cần được bảo tồn và phát huy giá trị vốn có.
Thế Liên
(Phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản)