“Phương án thiết kế của chúng tôi cố gắng bổ sung một phần riêng biệt cho tòa nhà lịch sử hiện tại, nhưng vẫn sẽ tôn trọng các điều kiện bảo tồn nghiêm ngặt nhất bởi thiết kế này không xâm phạm, có thể tháo rời, và rất mạch lạc!” – Studiomilou Singapore nhấn mạnh.
Chiến lược kiến trúc cũ và mới
Như tin đã đưa, ngày 13/7, UBND TP Đà Nẵng đã trao cho Studiomilou Singapore (Singapore) giải Nhất cuộc thi thiết kế kiến trúc công trình cải tạo, nâng cấp khu vực 42 – 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú để làm Bảo tàng Đà Nẵng. Trong đó, tòa nhà 42 Bạch Đằng hiện là trụ sở HĐND TP, với kiến trúc Pháp cổ trên 100 tuổi, từng là Tòa thị chính Đà Nẵng thời Pháp thuộc.
|
Phối cảnh tổng thể Bảo tàng Đà Nẵng mới nhìn từ phía Bắc khu đất 42 Bạch Đằng theo thiết kế của Studiomilou Singapore |
Vì vậy, trong giải pháp thiết kế của mình, Studiomilou Singapore đưa ra “Chiến lược kiến trúc cũ và mới – Sự tái sử dụng phù hợp tòa nhà HĐND TP Đà Nẵng”. Theo đó, tòa nhà này là ví dụ rất hay về lối kiến trúc bề thế, hào phóng đầu thế kỷ 20 và đã được bảo quản tốt. Bảo tàng Đà Nẵng được xây dựng tại đây sẽ là ví dụ rất thành công của một bảo tàng đương đại cấp TP, đồng thời là điển hình về việc tái sử dụng một cách hợp lý tòa nhà hiện có.
“Phương án thiết kế của chúng tôi cố gắng bổ sung một phần riêng biệt cho tòa nhà lịch sử hiện tại, nhưng vẫn sẽ tôn trọng các điều kiện bảo tồn nghiêm ngặt nhất bởi thiết kế này không xâm phạm, có thể tháo rời, và rất mạch lạc!” – Studiomilou Singapore nhấn mạnh.
Theo đó, tòa nhà lịch sử hiện tại sẽ được khôi phục cẩn trọng, sẽ có một cánh nhà mới được tạo ra, bao quanh khoảng sân yên bình với cảnh quan tươi mới. Phần cánh nhà mới này tạo thành một vòng lưu thông trong bảo tàng, một tuyến đi đơn giản cho du khách, xuất phát từ quầy lễ tân và kết thúc tại quầy hàng lưu niệm và quán cafe.
Phần cánh nhà mới này được thiết kế một mái hiên với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, không cố gắng bắt chước theo cấu trúc lịch sử hiện có của tòa nhà và mở thông suốt ra các phía của TP, cho phép luồng du khách có thể đi từ phía quảng trường mới trước tòa hội trường HĐND đến thư viện nằm dọc sông. Điều này có nghĩa bảo tàng mới sẽ củng cố thêm cho sơ đồ tuyến đi bộ của TP và tạo thêm một điểm đến hấp dẫn cho quảng trường này.
Bảng vật liệu và màu sắc của dự án rất đơn giản và mạch lạc. Phía sau mặt tiền của tòa nhà lịch sử, lớp vỏ bọc sẽ được phục chế lại như nguyên mẫu của tòa nhà. Phần cánh nhà mới sẽ mang đến một gam màu gỗ ghi ấm cho cảnh quan chung, gợi nhớ lại màu sắc của mây tre và các thiết kế tinh tế của đồ gỗ và đan dệt.
Chiến lược trưng bày cũ và mới
Cùng với đó, Studiomilou Singapore đưa ra “Chiến lược trưng bày cũ và mới – Việc tái sử dụng phù hợp những bộ trưng bày hiện có”. Theo họ, bảo tàng cũ và mới của TP Đà Nẵng đã phát triển một mô hình bảo tàng thành công, pha trộn giữa hiện vật trưng bày triển lãm, hệ thống công nghệ đa phương tiện, công nghệ dựa trên internet và các chương trình với mục đích tiếp cận dễ dàng cộng đồng trẻ em, cộng đồng trường học.
Bảo tàng mới trên đường Bạch Đằng là dịp để tối ưu hóa mô hình này và kết nối bảo tàng với khu vực lớn dành cho người đi bộ dọc theo sông Hàn. Trong dự án mới này, bảo tàng sẽ là nơi phát triển các tiện ích đa phương tiện, tương tác tốt, dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 để tạo ra một trải nghiệm trọn vẹn, làm cho khách tham quan có thể chìm trong các khoảnh khắc lịch sử thông qua hình ảnh 3 chiều, hiện vật, và các video được trình chiếu.
Theo đó, tòa nhà hiện trạng sẽ gồm các không gian trưng bày theo cách truyền thống trong môi trường ánh sáng yếu (100lux), pha trộn giữa ánh sáng tự nhiên và nhân tạo để hiển thị được các hiện vật trong điều kiện bảo tồn tốt nhất với mức độ can thiệp thấp nhất của hệ thống nghe nhìn (màn hình tương tác nhỏ, dùng hệ thống thiết bị cá nhân…). Phần cánh nhà mới đằng sau tòa nhà lịch sử sẽ cho phép tạo ra môi trường triển lãm hoàn toàn mới với toàn bộ hệ thống chiếu sáng nhân tạo, ít hiện vật và một môi trường ngập tràn công nghệ nghe nhìn mới.
Không gian công cộng cho cộng đồng
Studiomilou Singapore cũng thiết kế tổ chức không gian của Bảo tàng Đà Nẵng mới để đây sẽ không chỉ là điểm đến của những người yêu thích bảo tàng mà còn là không gian công cộng cho cộng đồng với quán cafe, sảnh bảo tàng, các quầy hàng, sân khấu ngoài trời, sân vườn… có thể được tiếp cận từ mọi phía của TP tại bất kỳ thời điểm nào, và sẽ phải là một điểm thu hút, bất kể chương trình và chức năng của bảo tàng.
Phần không gian công cộng có lối tiếp cận từ mặt đứng phía sông. Sẽ có 3 lối vào có thể được sử dụng vào bất cứ lúc nào trong phần cánh nhà mới. Thiết kế này giúp không gian cafe nhân đôi thể tích, để quán đóng vai trò chính trong việc thu hút khách tại trung tâm mới của TP. Theo đó, tuyến du khách được thiết kế như một chu kỳ quay về lại quầy lễ tân, quầy hàng và quán café.
Phần không gian công cộng là một không gian mở cho cộng đồng, gồm không gian sảnh thông 3 tầng, nơi quản lý lối vào của các khu triển lãm (các triển lãm dài hạn và ngắn hạn). Đây là phần không gian “triển lãm” có tuyến tham quan theo vòng, dẫn người xem quay lại không gian xuất phát là sảnh chính, khu cafe và quầy hang lưu niệm.
Phần không gian triển lãm ngắn hạn được thiết kế rất phù hợp với trần cao 5.5m, nằm ở tầng trệt phía sau bảo tàng, mặt đường Trần Phú. Nó sẽ thuộc phần không gian “triển lãm” và sẽ được hoàn toàn kiểm soát bởi phía sảnh chính. Không gian này có lối tiếp cận kỹ thuật trực tiếp từ phía đường nhằm dễ dàng thay đổi bộ trưng bày.
Đặc biệt, Bảo tàng Đà Nẵng mới sẽ có một khu tiện ích lớn tại tầng trệt tòa nhà 42 Bạch Đằng, nhìn thẳng ra sông Hàn và có thể tiếp cẩn trực tiếp từ cổng lịch sử phía đường Bạch Đằng. Không gian đa chức năng này sẽ là nguồn tài nguyên tuyệt vời cho bảo tàng và sẽ tạo cho TP Đà Nẵng một không gian dễ tiếp cận nhất và biểu tượng nhất (hội thảo, biểu diễn, các chương trình giáo dục cho trường học…). Hội trường ở phía bắc khu đất sẽ vẫn giữ và cải tạo lại để cung cấp đủ sức chứa và tính linh hoạt cần thiết cho hoạt động của một bảo tàng.
Hiện UBND TP Đà Nẵng giao Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng và Phát triển đô thị phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đàm phán với Studiomilou Singapore để triển khai các bước tiếp theo đúng quy định.
Studiomilou Singapore lưu ý, nhiều hiện vật trưng bày trong Bảo tàng là tài liệu giấy, đồ dệt may và các hiện vật tổng hợp. Điều này đặt ra vấn đề bảo tồn theo thời gian và nên được giải quyết từ bây giờ. Do vậy, thiết kế của Studiomilou Singapore đề xuất tất cả các không gian “triển lãm” và “không triển lãm cho công chúng” được kiểm soát ánh sáng (dưới 150 Lux) và kiểm soát khí hậu nhiệt đới (23 độ C với độ ẩm 65%).
Về xây dựng, giai đoạn 1 sẽ phá dỡ khối nhà ngang 3 tầng thuộc công trình 42 Bạch Đằng; cánh nhà phụ trợ phía nam hội trường HĐND (tổng diện tích phá dỡ khoảng 1300m2). Cải tạo nhà 42 Bạch Đằng thành không gian trưng bày, không gian công cộng thuộc Bảo tàng Đà Nẵng (tổng diện tích cải tạo khoảng 2400m2).
Xây dựng cánh nhà mới tiếp giáp phía Tây nhà 42 Bạch Đằng. Cải tạo toàn bộ hệ cảnh quan xung quanh nằm trong ranh giới giai đoạn 1 của dự án (tổng diện tích cải tạo khoảng 4200m2).
Giai đoạn 2, phá dỡ khối nhà ngang 3 tầng số 31 Trần Phú (tổng diện tích phá dỡ khoảng 500m2), chuyển đổi công năng các sàn của khối nhà này thành không gian trưng bày tương tác; không gian phụ trợ bảo tàng. Di chuyển khu văn phòng quản lý qua nhà số 44 Bạch Đằng. Bổ sung một số không gian dịch vụ hướng về phía sông Hàn.
Các không gian sử dụng làm văn phòng ở giai đoạn 1 thuộc tòa nhà 42 Bạch Đằng sẽ chuyển đổi thành các không gian trưng bày thường xuyên (tổng diện tích cải tạo khoảng 2400m2). Cải tạo toàn bộ hệ cảnh quan xung quanh nằm trong ranh giới giai đoạn 2 của dự án, bao gồm cảnh quan lối tiếp cận qua Thư viện tổng hợp Đà Nẵng (tổng diện tích cải tạo khoảng 1100m2). |
Một số hình ảnh thiết kế Bảo tàng Đà Nẵng tại khu vực 42 Bạch Đằng:
HẢI CHÂU