Tôi thực sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi cầm trên tay cuốn Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam – Đà Nẵng số 1 xuất bản tháng 8-1981 lưu trữ tại Bảo tàng Đà Nẵng. Thời điểm đó tôi còn công tác xa quê và cũng chưa tham gia nghiên cứu sử học ở quê nhà.
Lời nói đầu của Tổ Lịch sử địa phương và chuyên ngành thuộc Ty Văn hóa và Thông tin tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nêu rõ: “Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam – Đà Nẵng là tập kỷ yếu không định kỳ, xuất bản tại địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng nhằm giới thiệu một số công trình nghiên cứu về các vấn đề lịch sử, địa lý và lịch sử các ngành nghề trong tỉnh của các bậc tiền bối, của các nhà nghiên cứu và của tất cả các bạn yêu thích lịch sử trong và ngoài tỉnh…”. Khẳng định tầm quan trọng của công tác nghiên cứu lịch sử địa phương và chuyên ngành, những người chủ trì các tập Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam – Đà Nẵng còn nhấn mạnh rất đúng về vai trò của lịch sử trong đời sống: “Nếu chẳng may không có công tác này thì hiện tại sẽ không có điểm tựa và tương lai sẽ không còn gốc gác…”.
Đáng nói hơn là việc ra đời các tập Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam – Đà Nẵng được xem như một chương trình hành động của ngành văn hóa và thông tin thực hiện Chỉ thị số 55/CT-TV ngày 29-10-1979 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng về việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu lịch sử địa phương. Đây là một văn bản lịch sử thể hiện tầm nhìn của tập thể lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ, trong đó nêu rõ: “Thường vụ Tỉnh ủy quyết định đẩy mạnh công tác nghiên cứu lịch sử địa phương, xúc tiến việc khởi thảo biên soạn một tài liệu cơ bản có hệ thống về lịch sử địa phương.
Để đảm bảo công việc này, cần lập một tổ chức chuyên trách nghiên cứu lịch sử địa phương (trước mắt tổ chức này trực thuộc Ty Văn hóa và Thông tin, sau này khi có đủ điều kiện sẽ thành lập Ban Nghiên cứu lịch sử địa phương)”. Xin lưu ý rằng mặc dù Chỉ thị số 55/CT-TV của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Tổ Lịch sử địa phương và chuyên ngành thuộc Ty Văn hóa và Thông tin nghiên cứu thông sử địa phương – chứ không chỉ và chủ yếu không phải giao nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử đảng bộ địa phương, bởi đương thời nhiệm vụ này được giao cho Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng trực thuộc Tỉnh ủy – nhưng vẫn yêu cầu: “Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng cần có sự phối hợp với Ty Văn hóa và Thông tin (tổ nghiên cứu lịch sử địa phương), nhất là trong việc nghiên cứu giai đoạn từ năm 1858 đến khi thành lập Đảng”.
Ngay từ số đầu tiên, Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam – Đà Nẵng đã thu hút được nhiều cây bút chủ lực trong nghiên cứu lịch sử xứ Quảng như Lâm Quang Thự, Nguyễn Bội Liên, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Sinh Duy… Góp mặt trong tập kỷ yếu này, Lâm Quang Thự (1905-1990) có bài Địa lý và xã hội Quảng Nam – Đà Nẵng thời trước qua ca dao; Nguyễn Bội Liên (1911-1996) có 2 bài Ghe bầu Quảng Nam và các tỉnh phương nam và Vài nét về nghề làm chiếu lát trong một xã chuyên nghiệp của Quảng Nam – Đà Nẵng; Nguyễn Văn Xuân (1921-2007) có bài Một tờ truyền đơn lịch sử và Nguyễn Sinh Duy (1936-2016) có bài Đỗ Thúc Tịnh, nhà văn thân Quảng Nam đi đầu trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Đặc biệt Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam – Đà Nẵng số 1 còn giới thiệu với độc giả bài Vài nét về công tác khảo cổ ở Quảng Nam – Đà Nẵng của tác giả Lê Uy, trong đó khẳng định: “Với những hiện vật có giá trị khai quật được, với những địa điểm mộ táng hoặc di tích đã khám phá ra ở nhiều nơi trong tỉnh, chắc chắn Quảng Nam – Đà Nẵng sẽ là một trung tâm nghiên cứu phong phú về nền văn hóa Sa Huỳnh và những tương quan giữa các nền văn hóa khác với Sa Huỳnh…”.
Nhưng không phải nội dung số Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam – Đà Nẵng nào cũng mang tính tổng hợp như ở số đầu tiên. Đọc Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam – Đà Nẵng số 3 xuất bản tháng 6-1984, có thể thấy đây là số chuyên đề về nhà yêu nước Trần Văn Dư và Nghĩa hội Quảng Nam – một bước chuẩn bị có ý nghĩa cho kỷ niệm 100 năm phong trào “Cần vương trên đất Quảng” (1885-1985). Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam – Đà Nẵng số 3 đăng liền 3 bài: Vài nét về Trần Văn Dư với Phong trào Nghĩa hội ở Quảng Nam của tác giả An Thiện, Di bút của Trần Văn Dư và các sắc chế của nhà vua ban cho Trần Văn Dư của tác giả Nguyễn Đình Giản và đáng chú ý nhất là Hoạt động của Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam dưới ngòi bút của Camille Paris của tác giả Phương Nghi. Camille Paris (1856-1908) – người có công phát hiện khu đền tháp Mỹ Sơn vào năm 1895 – qua bản dịch tiếng Việt của tác giả Phương Nghi đã góp thêm một cái nhìn vào việc nghiên cứu về nhà yêu nước Trần Văn Dư và Nghĩa hội Quảng Nam.
Ngoài ra, trong lời tòa soạn giới thiệu bài Sơ lược lịch sử thành lập và tính năng xây dựng của nền đất Đà Nẵng của tác giả Hoàng Gia Đức, những người chủ trì các tập Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam – Đà Nẵng thể hiện rõ tư duy liên ngành trong nghiên cứu sử học, cho rằng sẽ là không đầy đủ nếu nghiên cứu sử học mà “chỉ nhìn về khía cạnh khoa học xã hội và nhân văn”, từ đó đề ra nhiệm vụ cho Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam – Đà Nẵng là phải “giới thiệu những công trình khoa học kỹ thuật trên tập san nghiên cứu lịch sử địa phương và chuyên ngành của tỉnh nhà với toàn thể bạn đọc” – mà bài Sơ lược lịch sử thành lập và tính năng xây dựng của nền đất Đà Nẵng là bước khởi đầu.
Đương nhiên chính tác giả Hoàng Gia Đức cũng nhận thức rằng: “Đây là một bài viết có tính chất phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử địa phương hơn là một bài viết địa chất chuyên ngành, do đó chúng tôi bắt buộc phải lược bỏ các chi tiết chuyên môn hóa quá nhiều, đồng thời không thể đi sâu vào các lãnh vực khác như địa chất công trình, lý luận về quy luật trầm tích của sông biển…”.
Những đóng góp mang tính tiên phong của các số Nghiên cứu Lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam – Đà Nẵng đang được Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng kế thừa qua việc biên soạn và xuất bản Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng định kỳ mỗi năm 2 số, số đầu tiên ra mắt bạn đọc vào tháng 4-2012 và số mới nhất – đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng số 12 ra mắt độc giả đúng vào dịp Tết Kỷ Dậu và trong khuôn khổ Ngày hội Sử học Đà Nẵng 2019 do Hội Khoa học Lịch sử thành phố phát động nhân 190 năm Ngày sinh Ông Ích Khiêm (25-1-1829 – 25-1-2019).
Có thể nói, đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng từ số đầu tiên cho đến số mới nhất đã tạo được khác biệt qua việc thường xuyên đăng các bài viết liên quan đến chủ quyền biển đảo nói chung và chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm và không thể phủ nhận của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng. Đặc biệt, đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng số 4 ra mắt độc giả đúng vào thời điểm tròn 40 năm ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam bằng vũ lực (19-1-1974 – 19-1-2014), do vậy đã tập trung vào chủ đề Huyện đảo Hoàng Sa, và đương nhiên trong bối cảnh Biển Đông dậy sóng hiện nay, chủ đề Huyện đảo Hoàng Sa sẽ tiếp tục được nhấn mạnh trong Đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng số tới.
BÙI VĂN TIẾNG