Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển luôn là bài toàn khó với các nhà quản lý, các nhà khoa học trước thử thách của thời gian và lịch sử. Để di tích, di sản lưu được những giá trị lịch sử – văn hóa cho các thế hệ sau mà không “cản trở” xu thế phát triển; để hiện đại hóa, đô thị hóa không “nuốt” mất, không đè nát di tích, di sản cần một nhận thức chung giữa tất cả các bên liên quan. Tại Đà Nẵng, thời gian gần đây, chính quyền, người dân thành phố và các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã nỗ lực “tìm tiếng nói chung”, thậm chí có động thái “sửa sai” nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị của các di tích vốn không nhiều trên địa bàn thành phố…
Hải Vân quan với nhiều huyền tích, dấu ấn lịch sử nhưng suýt bị lãng quên, vùi dập. |
Từ Hải Vân quan…
Nhắc đến Đà Nẵng, hẳn ai cũng liên tưởng ngay đến những bãi biển đẹp, đến dòng sông Hàn thơ mộng với những chiếc cầu tạo nên thương hiệu cho thành phố, đến núi Sơn Trà quanh năm xanh mát, và đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến ngọn Hải Vân quanh năm mây phủ – được ví là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” với nhiều huyền tích…
Hải Vân quan nằm ở độ cao 490m so với mực nước biển, giữa ranh giới hai tỉnh TT-Huế và Đà Nẵng. Thư tịch cổ ghi lại rằng, đầu thế kỷ XIX, Phú Xuân – Huế trở thành thủ đô của cả nước, vị thế của Hải Vân quan vì thế càng trở nên quan trọng, là cửa ngõ độc đạo, chốt chặn hiểm yếu đi vào kinh kỳ từ phía Nam. Nhận thấy tầm quan trọng, vị thế đặc biệt ấy của Hải Vân trong việc phòng thủ đất nước, tháng 2-1826 (năm Bính Tuất), vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một cửa quan ở giữa đỉnh núi, cửa vòm phía Nam ghi chữ “Hải Vân quan”, vòm cửa phía Bắc ghi chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Công trình do phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam cùng thuê dân xây dựng thành một cụm kiến trúc độc đáo. Ngoài ra, để kịp thời giám sát mọi hoạt động qua lại trên tuyến đường độc đạo cũng như vùng biển quanh cửa ngõ này, triều đình đã phái biền binh 4 đội Hữu Sai và 2 đội Ứng Sai chở súng ống đến đây trấn thủ chốt giữ. Năm 1837, khi nhà Nguyễn đúc Cửu Đỉnh – một biểu tượng về sự trường tồn và thống nhất – Hải Vân quan được khắc vào Dụ Đỉnh để thêm một lần khẳng định vai trò, vị trí địa chính trị của Hải Vân quan đối với đất nước…
Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, thử thách khắc nghiệt của thời gian, từ một cụm công trình kỳ vĩ, Hải Vân quan ngày càng bị bào mòn, xuống cấp, trở thành phế tích và dần bị lãng quên, chôn lấp. Sau khi hầm đường bộ Hải Vân thông tuyến, một thời gian dài, cung đèo qua Hải Vân quan trở nên quạnh vắng, có chăng khi nhắc tới địa danh này thì đa phần đều liên quan đến các vụ cướp giật, và cung đèo Hải Vân trở thành nỗi ám ảnh của bao người đi đường. Một Hải Vân quan mang trong mình nhiều huyền tích, dường như chìm hẳn dưới lớp đất sâu.
Bước ngoặt của Hải Vân quan là vào năm 2014, sau khi phát hiện một dự án du lịch nghỉ dưỡng của nhà đầu tư nước ngoài được tỉnh TT-Huế cấp phép xây dựng ngay trên đèo Hải Vân, lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh TT-Huế mới nhận ra những điều quý báu đang dần mất đi. Dự án sau đó bị dừng và cái giá phải trả cho động thái này là tỉnh TT-Huế phải chịu mọi chi phí đền bù cho chủ đầu tư. Sự “thức tỉnh” ấy của hai địa phương cận kề sở hữu Hải Vân quan kéo theo nhiều cuộc bàn luận, cuối cùng đi đến “cái bắt tay lịch sử” nhằm tu bổ, gìn giữ di tích có một không hai trên hành trình thiên lý Bắc – Nam này.
Cùng chung số phận, thành Điện Hải một thời gian dài bị cả thiên nhiên và con người xâm hại nghiêm trọng. |
…Đến thành Điện Hải
Cũng gắn với câu chuyện phòng thủ đất nước, cách Hải Vân quan không xa, tại ngay trung tâm TP Đà Nẵng là “số phận” của công trình thành Điện Hải. Đây là công trình phòng thủ quan trọng bậc nhất của triều đình nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX ghi dấu ấn chống quân xâm lược Pháp và Tây Ban Nha. Là biểu tượng về tinh thần yêu nước của nhân dân Đà Nẵng, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Thế nhưng, như cùng chung một số phận, một thời gian dài di tích này cũng bị lãng quên, thậm chí bị xâm hại nghiêm trọng.
Được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng 1823, qua mưa nắng, thời gian, tác động của khí hậu, thời tiết…, thành Điện Hải bị ảnh hưởng, xuống cấp và xâm hại nghiêm trọng. Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng cho rằng, ngoài việc xuống cấp nghiêm trọng do tác động của thời gian, khí hậu, thành Điện Hải còn chịu sự tác động trực tiếp từ con người. “Không chỉ của thực dân Pháp mà kể cả người Việt, không chỉ trước mà cả sau ngày giải phóng, không chỉ trước ngày được công nhận là di tích quốc gia mà kể cả sau ngày được công nhận thì thành vẫn tiếp tục bị xâm phạm”, ông Hùng nói. Đồng thời cho biết, xâm phạm ở đây không chỉ là các công trình của người dân mà còn có các công trình của Nhà nước… Đơn cử, 80 hộ dân qua các thời kỳ, họ làm nhà chồng lên khu vực 1 của di tích (là yếu tố gốc của di tích – P.V), và ngay cả các công trình của Nhà nước như Trung tâm Hành chính, công viên phần mềm cũng áp sát vào thành Điện Hải. Chưa kể, nếu không kịp thời lên tiếng thì cả Trung tâm thể thao người cao tuổi cũng sẽ “đè” lên khu vực 1 di tích, và hiện tại thì Bảo tàng lịch sử cũng đã chễm chệ ngay giữa thành… “Tất cả đều xâm phạm vào di tích đặc biệt này”, ông Hùng nói.
Tại hội thảo xin ý kiến về phương án thiết kế đô thị khu vực xung quanh thành Điện Hải được Sở VH-TT phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức vào cuối tháng 6-2018, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật, kiêm Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử thành phố, người rất tâm đắc với câu chuyện lịch sử của thành Điện Hải cho rằng, có một thời gian dài, chúng ta đã đối xử quá sai với di sản này, đã để “bóng đè trên thành Điện Hải”, không phải là một mà là hai – ba bóng. “Năm 2017, lãnh đạo thành phố đã có hai động thái sửa sai trên cả tuyệt vời. Một là quyết định không xây dựng trung tâm lưu trữ ở sát tường thành phía bắc ngay ở phút 89. Và hai là di dời mấy chục hộ dân để trả lại khu vực phía tây thành. Nhờ hai động thái này mà thành Điện Hải mới được Thủ tướng công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, đương nhiên là do bản thân tính chất lịch sử của di tích này”, ông Tiếng nhìn nhận. Cho nên, theo ông Tiếng, quy hoạch gì thì quy hoạch, không nên tiếp tục xâm hại thành Điện Hải.
Tại Đà Nẵng, Hải Vân quan hay thành Điện Hải chỉ là hai trong số hàng chục công trình, di tích văn hóa, lịch sử bị xâm hại, lãng quên hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Có thể kể thêm những di tích, công trình văn hóa, lịch sử khác như danh thắng, di tích Ngũ Hành Sơn; cụm di tích làng nước mắm Nam Ô, di tích K20, Nghĩa trũng Phước Ninh… “Điểm qua một vài cứ liệu này, để thấy, một thời gian dài, dường như chúng ta chỉ chú trọng vào phát triển kinh tế mà quên đi những giá trị lịch sử, truyền thống khi để hàng loạt các di tích quan trọng của thành phố đã bị xâm hại nghiêm trọng”, ông Hùng nói.
Doãn Hùng
Kỳ tới: Cuộc “giằng co” giữa bảo tồn và phát triển