- ‘Bí mật’ các di sản của Quảng Nam – Đà Nẵng – Kỳ 1: May mắn của Hội An
- ‘Bí mật’ các di sản của Quảng Nam – Đà Nẵng – Kỳ 2: Di sản Mỹ Sơn suýt ‘chết chìm’
- ‘Bí mật’ các di sản của Quảng Nam – Đà Nẵng – Kỳ 3: ‘Bí mật’ của Thành Điện Hải
- ‘Bí mật’ các di sản của Quảng Nam – Đà Nẵng – Kỳ 4: ‘Bắt tay’ cứu Hải Vân quan
TTO – Sau những lùm xùm liên quan đến dự án du lịch của nhà đầu tư tư nhân bao trùm lên các di tích của làng cổ Nam Ô, quận Liên Chiểu, hiện chính quyền Đà Nẵng đang tiến hành sửa sai.
Dân làng Nam Ô rất vui vì những di tích gắn liền với đời sống dân miệt biển đã được chính quyền thành phố quyết định giữ lại.
Ông TRƯƠNG VĂN ĐÔ ĐOÀN CƯỜNG
Sửa sai
Câu chuyện về dự án du lịch ở làng Nam Ô mới đây đã được đưa ra nghị trường kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng để thấy được sự quan tâm đặc biệt của người dân Đà Nẵng đối với nơi này.
Ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khẳng định những cái gì của cộng đồng thì phải trả lại cho cộng đồng. Theo ông Dũng, UBND TP đã làm việc với nhà đầu tư và nhà đầu tư rất có thiện chí. Vừa qua UBND TP Đà Nẵng đã tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch cơ bản là phục vụ cho cộng đồng bao gồm các khu vực mặt nước, lối xuống biển, công viên.
Cụ thể là điều chỉnh vệt đường Nguyễn Tất Thành để bố trí công viên, đưa ghềnh đá Nam Ô ra ngoài dự án và giao cho UBND quận Liên Chiểu xây dựng đề án quản lý. Điều chỉnh mở năm lối xuống biển, giữ lại hồ nước, khu vực lăng Ngư Ông, miếu Âm Hồn… Giao cho UBND quận Liên Chiểu xây dựng phương án nâng cấp hệ thống hẻm của làng Nam Ô để xây dựng thành một làng nghề du lịch. “Vừa bảo tồn giá trị văn hóa lâu đời vừa là điểm đến du lịch của TP” – ông Dũng cho biết.
Như vậy chính quyền Đà Nẵng đã từng bước sửa cái sai của lịch sử để phù hợp với những yêu cầu mới, thiết thực của người dân, cộng đồng.
Là người gắn bó đời mình với làng cổ Nam Ô, nhà nghiên cứu Đặng Dùng chia sẻ việc chính quyền giữ lại các di tích lịch sử, ghềnh đá Nam Ô là một tín hiệu vui với dân làng. Theo ông Dùng, các di tích ở đây đều có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh và gắn liền với đời sống của ngư dân làng Nam Ô từ suốt mấy trăm năm qua.
Tuy nhiên, ông Dùng lưu ý nếu đưa ghềnh đá Nam Ô ra khỏi dự án thì vấn đề đặt ra ai sẽ là người quản lý, bảo vệ. Và nhất là phát huy những giá trị lịch sử, tâm linh của ghềnh Nam Ô.
“Tách ghềnh Nam Ô ra khỏi dự án thì phải làm sao để quản lý, tôn tạo một cách hợp lý, có các điểm dừng chân, khai thác giá trị tâm linh thì người dân, du khách và cả doanh nghiệp đều được thụ hưởng” – ông Dùng nói.
Trong khi đó, ông Trương Văn Đô, bí thư chi bộ khu vực Nam Ô 2, nói rằng dân làng rất vui vì những di tích gắn liền với đời sống dân miệt biển đã được chính quyền thành phố quyết định giữ lại. Các lối xuống biển, bãi tắm công cộng được mở ra… Người dân sẽ không còn lo lắng vì không có đường đi ra biển.
“Chúng tôi cũng mong làm sao hài hòa được lợi ích với doanh nghiệp, để nơi đây không phải “ngủ yên”, nâng tầm giá trị các di tích và đời sống của người dân cũng được thay đổi” – ông Đô chia sẻ.
Đưa Nam Ô thành điểm đến du lịch
Nhắc đến Nam Ô, ông Huỳnh Văn Hùng, giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng, thẳng thắn nhìn nhận rằng trước đây do nhận thức không đầy đủ nên đã để dự án du lịch trùm lên di tích.
“Khi báo chí vào cuộc mới phát hiện có nhiều di tích ở đây. Cái này là công lao của các nhà báo” – ông Hùng đánh giá. Sau đó, chính Sở VH-TT đã có văn bản đề nghị bảo vệ cụm di tích lịch sử tại Nam Ô. “Ngành văn hóa, các đơn vị liên quan đề nghị UBND TP để sở làm hồ sơ cụm chín di tích lịch sử cấp TP. Khi đã được công nhận di tích rồi thì sẽ được bảo vệ theo Luật di sản văn hóa” – ông Hùng chia sẻ.
Giờ đây làng Nam Ô đang được “chăm chút” hơn. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng – cho biết sáu tháng đầu năm, Bảo tàng Đà Nẵng tập trung dồn sức cùng với UBND quận Liên Chiểu xây dựng hồ sơ khoa học đưa nghề làm nước mắm Nam Ô trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Nước mắm Nam Ô sẽ là thương hiệu đi ra với quốc tế” – ông Thiện hào hứng nói. Và chỉ cách đây vài ngày, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ký quyết định đưa nghề làm nước mắm Nam Ô vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo ông Thiện, tình cờ năm 2018 khi đi tìm hiểu các di tích của Nam Ô thì cán bộ địa phương đưa anh em bảo tàng vào làng Nam Ô để trải nghiệm làm nước mắm truyền thống. Thấy thú vị quá, Bảo tàng Đà Nẵng “hứa” với quận Liên Chiểu sẽ lập hồ sơ đưa nghề làm nước mắm này trở thành văn hóa phi vật thể.
Trở về, ông Thiện triệu tập ngay cuộc họp, trong đó giao một nhóm làm hồ sơ di tích cấp TP; nhóm khác tổ chức họp bà con làng Nam Ô, bắt tay ngay vào việc lập hồ sơ di sản. “Chúng tôi kỳ vọng nước mắm truyền thống Nam Ô không chỉ được gìn giữ mà sản phẩm của làng còn bước chân ra với thế giới” – ông Thiện nói.
Ông Trần Ngọc Vinh, chủ tịch làng nghề nước mắm Nam Ô 2, tâm sự: “Nam Ô trở thành điểm đến của du khách thì dân làng ai cũng vui. Khách đến đây đâu chỉ để nếm cái vị mặn mòi, thơm nồng của mắm Nam Ô. Mà đến để trải nghiệm, sống với văn hóa làng biển mới thấm được cái hồn cốt của làng”.
Ông Thiện cũng nhìn nhận nếu làm du lịch mà bảo tồn, phát huy được giá trị di tích, văn hóa của cụm di tích và cùng phối hợp với cộng đồng phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, cộng đồng thì đó mới là tư duy phát triển du lịch bền vững mà thế giới hiện đang rất chuộng.
“Một làng nước mắm Nam Ô truyền thống, có chiều dài lịch sử văn hóa của Nam Ô, của Hải Vân, của dấu ấn văn hóa Chăm dễ nơi nào có được cho nên chúng ta phải góp tay giữ gìn” – ông Thiện tâm sự.
Gắn bảo tồn với phát triển
Hiện UBND quận Liên Chiểu đang thực hiện đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”.
Đề án đưa ra các giải pháp duy trì sản xuất đối với làng nghề nước mắm ở Nam Ô; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, hình thành khu trưng bày làng nghề… Quận Liên Chiểu cũng đề xuất hình thành khu trưng bày làng nghề cuối đường Nguyễn Tất Thành; trùng tu, cải tạo các di tích trên địa bàn, trong đó ưu tiên các di tích tại làng Nam Ô như miếu Âm Hồn, miếu Bà Liễu Hạnh… Đưa làng nghề nước mắm Nam Ô vào các tour du lịch.