Quy chế thi tuyển
1. Hình thức thi tuyển: Thi tuyển rộng rãi trong và ngoài nước.
2. Mục đích:
– Làm căn cứ để các tổ chức tư vấn thiết kế, các cá nhân có đủ điều kiện thiết kế phương án.
– Làm cơ sở để Ban Tổ chức và Hội đồng tuyển chọn lựa chọn phương án thi tuyển thiết kế.
3. Yêu cầu của cuộc thi:
– Các tổ chức, cá nhân dự thi tuyển phương án thiết kế phải có đủ điều kiện năng lực, hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.
– Các đơn vị tham gia dự thi phải nhận thức đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm và quyền lợi của mình trong dự thi để lựa chọn các Kiến trúc sư, Kỹ sư chuyên ngành có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn cao nghiên cứu và đề xuất phương án thiết kế có chất lượng đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật quy định tại nhiệm vụ thiết kế.
– Tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế xây dựng của Việt Nam hiện hành và các tiêu chuẩn quốc tế được Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.
– Các đơn vị tham gia dự thi phải chịu mọi chi phí liên quan đến quá trình dự thi.
– Đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia dự thi yêu cầu phải có phiên dịch riêng.
4. Đối tượng và điều kiện dự thi:
– Tất cả các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước (trừ các thành viên trong Ban Tổ chức cuộc thi hoặc trong Hội đồng tuyển chọn, Tổ kỹ thuật giúp việc hay các đối tượng khác có liên quan đến công tác tổ chức cuộc thi) có đủ các điều kiện sau đây đều được quyền tham gia dự thi.
– Các tổ chức tư vấn thiết kế, công ty độc lập, liên danh, liên doanh hoặc cá nhân trong và ngoài nước có tư cách pháp nhân, hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam; có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
– Mỗi đơn vị tư vấn chỉ được tham gia vào một liên danh, biên bản liên danh phải quy định một đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm chính và phải được gửi đến Ban tổ chức cuộc thi. Mọi vấn đề về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên trong liên doanh do các bên tự thỏa thuận, Ban tổ chức không chịu trách nhiệm.
5. Thành phần ban tổ chức, hội đồng thi tuyển:
– Ban Tổ chức cuộc thi: Gồm các thành viên là lãnh đạo UBND thành phố, đại diện các Sở, ban ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng, Văn hóa, Lịch sử.
– Hội đồng cố vấn chuyên môn và Hội đồng tuyển chọn: Gồm các thành viên là những chuyên gia và cán bộ quản lý trong các lĩnh vực: Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng, Văn hóa, Lịch sử, Kinh tế do Ban Tổ chức cuộc thi tham mưu, đề xuất.
6. Yêu cầu hồ sơ tham gia dự thi:
6.1. Đăng ký tham gia dự thi.
Hồ sơ đăng ký dự thi gồm:
– Đơn đăng ký dự thi (Phụ lục 1).
– Hồ sơ năng lực (Phụ lục 2).
Hồ sơ đăng ký dự thi nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Ban Tổ chức.
Căn cứ năng lực của các đơn vị đăng ký dự thi, Ban Tổ chức lựa chọn tất cả các đơn vị có năng lực đáp ứng yêu cầu, mời tham gia dự thi.
6.2. Nộp sản phẩm dự thi.
Các đơn vị được mời tham gia dự thi có 45 ngày để thực hiện phương án (bao gồm cả thời gian nghiên cứu khảo sát hiện trạng, hỏi và trả lời liên quan đến cuộc thi).
Sản phẩm dự thi được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Ban Tổ chức.
* Lưu ý: Trường hợp nộp theo đường bưu điện bắt buộc phải đến được Ban Tổ chức trước thời hạn quy định, không tính dấu bưu điện. Nếu không, sẽ bị loại và không hoàn trả.
Sản phẩm dự thi phải được niêm phong kín, bên ngoài chỉ ghi “Mã ẩn danh” của đơn vị, thành phần gồm:
Hồ sơ thông tin đơn vị dự thi (Phụ lục 3).
Phương án dự thi, bao gồm:
– 14 bộ thuyết minh khổ giấy A3 + 01 đĩa CD, thể hiện các nội dung:
+ Ý tưởng thiết kế.
+ Sự phù hợp với yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan khu vực.
+ Công năng sử dụng
+ Giải pháp trưng bày
+ Giải pháp kỹ thuật, thi công công trình (nếu có).
+ Giải pháp bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ
+ Khái toán kinh phí, hiệu quả kinh tế.
+ Tập bản vẽ thu nhỏ.
+ Video (nếu có).
– 01 bộ bản vẽ trưng bày bồi trên bảng cứng khổ A1 + đĩa CD, thể hiện các nội dung:
+ Mặt bằng tổng thể, các mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt công trình.
+ Các phối cảnh công trình, phối cảnh nội thất trưng bày.
+ Các bản vẽ khác (đơn vị dự thi đề xuất thêm để làm nổi bật ý tưởng).
– Mô hình phương án (nếu có).
6.3. Nguyên tắc ẩn danh.
Đơn vị dự thi tự chọn một “Mã ẩn danh” cho phương án, gồm 2 chữ cái và hai chữ số (ví dụ: AB12).
Phương án dự thi chỉ thể hiện mã ẩn danh, không được tiết lộ tên và các thông tin liên quan đến đơn vị dự thi.
Hồ sơ thông tin đơn vị dự thi được bảo quản và chỉ công bố khi Hội đồng tuyển chọn hoàn thành nhận xét đánh giá các phương án dự thi.
* Ghi chú: Ban Tổ chức không nhận hồ sơ có ghi tên đơn vị dự thi hoặc ký hiệu có thông tin liên quan đơn vị dự thi.
6.4. Bảo vệ phương án trước Hội đồng tuyển chọn.
Sau khi nộp sản phẩm dự thi, các đơn vị dự thi được thông báo thời điểm, địa điểm chính thức tiến hành bảo vệ phương án trước Hội đồng Tuyển chọn.
Mỗi đơn vị cử đại diện báo cáo, bảo vệ phương án theo hình thức trình chiếu, thuyết minh. Đơn vị dự thi chuẩn bị file và chiếu tại thời điểm báo cáo. Trường hợp báo cáo theo hình thức khác, đơn vị dự thi tự trang bị các phương tiện cần thiết.
Thời gian mỗi đơn vị báo cáo tối đa 15 phút.
6.5. Quy trình chấm chọn phương án.
Sau khi nghiên cứu các phương án dự thi và nghe các đơn vị trình bày, Hội đồng tuyển chọn phân tích, đánh giá, chấm chọn. Các phương án có số điểm cao nhất được xếp hạng theo cơ cấu giải thưởng.
Tiêu chí đánh giá phương án:
TT | TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ | ĐIỂM TỐI ĐA |
1 | Giải pháp quy hoạch | 20 |
2 | Giải pháp kiến trúc trưng bày | 50 |
3 | Giải pháp kỷ thuật | 15 |
4 | Giải pháp kinh tế | 10 |
5 | Thuyết minh bảo vệ phương án | 05 |
Tổng điểm | 100 |
Báo cáo kết quả đánh giá, xếp hạng phải được tất cả các thành viên Hội đồng tuyển chọn ký xác nhận.
Các đơn vị tư vấn tham gia thi tuyển không có quyền yêu cầu giải trình về việc chấm điểm và xếp hạng các phương án dự thi.
6.6. Công bố kết quả và trao giải.
Ban Tổ chức tổng hợp kết quả báo cáo cơ quan quyết định đầu tư và chủ đầu tư quyết định, công bố kết quả chính thức của cuộc thi. Trường hợp chủ đầu tư hoặc cơ quan quyết định đầu tư cần nghe chi tiết thì chỉ những phương án có thứ hạng cao mới được chọn báo cáo. Đơn vị tư vấn có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để báo cáo khi có yêu cầu.
Lễ trao giải thưởng được tổ chức sau khi có kết quả được duyệt.
7. Cơ cấu giải thưởng.
– 01 Giải nhất : 350 triệu đồng.
– 01 Giải nhì : 150 triệu đồng.
– 01 Giải ba : 50 triệu đồng.
– Hỗ trợ 5 đội lọt vào top 5 cuộc thi : 50 triệu đồng.
Giá trị giải thưởng nêu trên đã bao gồm các loại thuế mà bên nhận giải thưởng phải nộp theo quy định, được gửi đến các đơn vị sau khi chủ đầu tư phê duyệt kết quả cuộc thi và các đơn vị dự thi hoàn tất các thủ tục tài chính cần thiết.
8. Quyền và trách nhiệm của đơn vị dự thi.
Thực hiện đúng theo quy chế này.
Trường hợp sao chép hoặc sử dụng lại một phần đồ án kiến trúc của các tác giả khác phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước tác giả của đồ án đó.
Không sử dụng phương án đạt giải tại cuộc thi này vào bất kỳ cuộc thi nào khác.
Đơn vị có phương án xếp hạng cao sẽ được ưu tiên lựa chọn thương thảo, ký kết hợp đồng để triển khai các bước tiếp theo. Nếu đơn vị được chọn không đủ điều kiện năng lực thì có thể liên danh với các tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thực hiện.
Trường hợp không thương thảo được hoặc đơn vị có phương án xếp hạng cao từ chối thực hiện các bước thiết kế tiếp theo thì chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu thiết kế phù hợp để thực hiện.
9. Quyền và trách nhiệm của Ban tổ chức cuộc thi.
Tổ chức cuộc thi công khai minh bạch. Mọi yêu cầu phải được thông báo đến các đơn vị dự thi đầy đủ rõ ràng.
Bảo vệ thông tin của các đơn vị dự thi.
Sở hữu toàn bộ sản phẩm tham gia dự thi.
Thanh toán kinh phí giải thưởng cho các đơn vị dự thi theo quy định.
Yêu cầu đơn vị dự thi hoàn trả kinh phí giải thưởng nếu phát hiện đơn vị sử dụng phương án đạt giải cuộc thi này vào cuộc thi khác.
Lựa chọn một đơn vị đủ năng lực và phù hợp nhất để triển khai các bước tiếp theo dựa trên ý tưởng và kết quả nghiên cứu của nhiều phương án trong cuộc thi này nhưng phải ghi rõ nguồn trong khi sử dụng.