Bảo tàng Điêu Khắc Chăm hiện tọa lạc tại số 2, đường 2 tháng 9, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Điêu khắc Chăm mang nhiều giá trị to lớn cả về mặt lịch sử, kiến trúc – nghệ thuật, khoa học và giá trị văn hóa – du lịch.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam trưng bày các tác phẩm điêu khắc của vương triều Champa, là sự kết hợp thành công giữa phong cách tân cổ điển Pháp và kiến trúc Chăm. Đồng thời, cùng với các công trình kiến trúc Pháp trên trục đường Bạch Đằng – Trần Phú, công trình này đã góp phần tạo nên bộ mặt kiến trúc trung tâm đô thị Đà Nẵng.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm được ra đời trong bối cảnh Việt Nam nằm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp và thành phố Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp sau Đạo dụ năm Mậu Tý (03/10/1888). Trong kháng chiến chống Pháp, địa điểm này là nơi diễn ra trận đánh ác liệt giữa lực lượng vũ trang địa phương với thực dân Pháp trong buổi đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược.
Sự ra đời của Bảo tàng điêu khắc Chăm đánh dấu bước định hình và phát triển của một ngành khoa học non trẻ của Việt Nam lúc bấy giờ – ngành khảo cổ học
Từ đó đến nay, hơn 100 năm, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một phần không thể thiếu của lịch sử thành phố Đà Nẵng và như một dấu ấn lịch sử thể hiện mối quan hệ giao lưu văn hóa Việt – Pháp, văn hóa phương Đông – phương Tây diễn ra trên vùng đất miền Trung của đất nước.
Với những giá trị to lớn đó, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã công nhân Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là di tích lịch sử cấp thành phố tại Quyết định số 63/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2021.
Toàn cảnh Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nhìn từ trên cao
Cổng chính
Cổng dành cho du khách
Võ Thị Dung
(Phòng Quản lý Di sản văn hóa)