Tuần báo L’Eveil Économique de l’Indochine, do Henri Cucherousset sáng lập và làm chủ bút (số ra đầu tiên vào ngày 16-6-1917 và số cuối cùng vào ngày 1-11-1934). Henri Cucherousset vốn là một nhà giáo, từng sang Thượng Hải hành nghề luật sư và đi nhiều nơi trên thế giới. Cuối cùng, ông đến Đông Dương và gắn bó với mảnh đất này đến khi qua đời.
Tin liên quan:
Quần đảo Hoàng Sa qua nguồn tài liệu lưu trữ tại Pháp
Henri Cucherousset là người đặc biệt yêu mến Hoàng Sa và chiến đấu không mệt mỏi cho chủ quyền của An Nam đối với Hoàng Sa. Trong 835 số báo, Henri Cucheroussset và các đồng nghiệp của ông đã công bố hơn 90 bài viết đề cập về Hoàng Sa, Trường Sa, với 2 nội dung chủ yếu: 1/Đánh giá tiềm năng kinh tế của quần đảo Hoàng Sa; 2/Khẳng định chủ quyền Hoàng Sa trước ý đồ chiếm dụng của Trung Quốc và Nhật Bản.
Để làm sáng tỏ hai vấn đề này, nhóm tác giả đã sử dụng nhiều bài viết phụ trở về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của Hoàng Sa để minh chứng(1). Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đã tạo nên những cuộc bút chiến để phê phán thái độ của một số nhà chính trị Pháp ở Đông Dương đã có thái độ thờ ơ trước vấn đề này nhằm buộc họ phải có những hành động nhất định.
L’Eveil Économique de l’Indochine, số 627, 23-6-1929. |
Hiện có nhiều bài viết liên quan đến quần đảo Hoàng Sa đã được các nhà nghiên cứu khai thác hoặc được dịch sang tiếng Việt như bài viết “Quần đảo Hoàng Sa trên tuần báo L’Eveil” của nhóm dịch giả Huỳnh Phương Bá, Nguyễn Phước Tương, Nguyễn Trương Đàn. Nhóm tác giả đã tập trung dịch các bài viết như:
Quần đảo Hoàng Sa và Đông Dương, số 602, ngày 30-12-1928; Vấn đề quần đảo Hoàng Sa, bài 1, số 606, ngày 27-1-1929, bài 2, số 622, ngày 26-5-1929, bài 3, số 623, ngày 2-6-1929; Các quyền của An Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và trách nhiệm của chính quyền bảo hộ, số 627, ngày 23-6-1929; Đông Dương với Hoàng Sa, số 688, ngày 31-5-1931; Quần đảo Hoàng Sa, số 705, ngày 27-9-1931; Về quần đảo Hoàng Sa, số 739, ngày 29-5-1932; Lịch sử hiện đại của quần đảo Hoàng Sa, số 744, ngày 3-7-1932… Chúng tôi xin được tiếp tục đề cập thêm một số bài viết dựa theo 2 nhóm nội dung như đã nêu trên.
Vấn đề giá trị kinh tế của quần đảo Hoàng Sa được phản ánh qua các bài viết như: Than cho tàu Lanessan (Du Charbon puor le de Lanessan), số 419, ngày 21-6-1925. Trong bài viết này, Henri Cucheroussset đã có những miêu tả về cuộc hành trình của tàu de Lanessan trong quá trình khảo sát quần đảo Hoàng Sa và dưới đáy biển của khu vực này.
Ông M. Krempf, Giám đốc Viện Hải Dương học Nha Trang cũng đã đề nghị chính quyền Đông Dương phải nhanh chóng thực thi quyền bảo hộ và sở hữu có hiệu quả các lợi ích kinh tế trên quần đảo; đồng thời, xây dựng một đài quan sát cùng một trạm vô tuyến sóng ngắn, một trạm hải đăng, một cảng và trạm tránh bão cho ngư dân và bảo vệ thuyền cho ngư dân An Nam(2)…
Các nguồn lợi của Hoàng Sa được nhắc nhiều trên tờ báo này là việc khai thác các nguồn lợi thủy sản mà chủ yếu là nghề cá (des pêches) và phân chim (guano). Giá trị của việc khai thác thủy hải sản được thể hiện rõ nét nhất qua các văn bản báo cáo gửi Hội đồng Toàn quyền hằng năm (Le Service Océnographicque des Pêches de l’Indochine pendant l’Années, Résume du rapport au Conseil Gouvernêmnt) ở các số báo như: số 489, 490, 491, tháng 10-11-1926, số 564, ngày 8-4-1928, số 603, ngày 6-1-1929, số 605 ngày 20-1-1929… Hay như ở số 741, ngày 12-6-1932, Giám đốc Viện Hải dương học M. Krempf, trên cơ sở của quá trình điều tra thực tế trước đó, đã đánh giá rất cao các nguồn lợi thủy sản ở quần đảo Hoàng Sa; đồng thời cho rằng, việc chiếm dụng để khai thác quần đảo này chắc chắn sẽ mang lại cho Pháp một nguồn lợi nhuận to lớn(3).
Việc khai thác phân chim cũng được phản ánh qua rất nhiều số báo. Chẳng hạn, ở số báo 502, ngày 23-1-1927, L’Eveil đăng tải bài viết Chironique des mines (Biên niên sử về các mỏ), đề cập giá trị của việc khai thác phân chim trên đảo Hoàng Sa. Bài báo cũng khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của An Nam, và với những lợi ích kinh tế từ vùng đất này, chính quyền Pháp không nên để chính quyền Quảng Đông xem như là vùng đất của họ(4).
Hay ở số 603, cùng với việc đề cập đến cấu tạo vật lý, tài nguyên dưới biển và trên đảo Hoàng Sa, tác giả bài viết cũng đã cung cấp thêm cho chúng ta thông tin về các chuyến khảo sát do các nhà nghiên cứu của Viện Hải dương học thực hiện ở Hoàng Sa và Trường Sa vào cuối năm 1926 và tháng 7-1927.
Tác giả cũng đã trình bày về quá trình hình thành những mỏ phosphat trên bề mặt tất cả những đảo nổi, về quá trình các loài chim biển tìm thấy chỗ ẩn náu đã đem lại cho mặt đất ở nơi đây những hợp chất axit phosphoric.
Hay ở số báo 787, ngày 6-5-1933, đã cung cấp cho chúng ta khối lượng phân chim mà chính quyền Pháp đã khai thác được qua các năm 1929 là 30.549 tấn, 1930 là 22.955 tấn, 1931 là 27.146 tấn và năm 1932 là 16.955 tấn.
Vấn đề tranh chấp trong quá trình khai thác phân chim ở quần đảo Hoàng Sa với các công ty Nhật Bản và Trung Quốc còn được tờ báo này đề cập qua các số như: số 359, ngày 3-5-1924, tr.16; số 478, ngày 8-8-1926, tr.17-18; số 502, ngày 23-1-1927, tr.14-15; số 602, ngày 30-12-1928, tr.1-4; số 606, ngày 27-1-1929, tr.1-4; số 710, ngày 1-1-1931, tr.17; số 743, ngày 26-6-1932, tr.1-3…
Đối với vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa, tờ báo này cũng đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin quan trọng. Chẳng hạn, ở số 394, ngày 28-12-1924, Barbisier đã kêu gọi về sự cần thiết phải chiếm giữ và xây dựng các công trình trên quần đảo Hoàng Sa, lợi ích của việc xây dựng ngọn hải đăng trên đảo Tri Tôn(5).
Hay ở số 627, Cucherousset đã nêu lên các quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và nghĩa vụ của chính quyền bảo hộ Pháp. Theo tác giả, chính phủ Pháp cần cho đo đạc, vẽ các bản đồ địa chất, hải quân, bản đồ tổng quát, chi tiết về Hoàng Sa, đồng thời, đặt các trạm hải đăng, đài khí tượng, đài quan sát cũng như thành lập các đơn vị quân sự để bảo vệ Hoàng Sa(6). Hay ở số 672, ngày 4-5-1930, tờ báo này cung cấp cho chúng ta một thông tin quan trọng là bằng con tàu Malicieuse, nước Pháp đã chính thức đặt chủ quyền của An Nam dưới sự bảo hộ của Pháp đối với quần đảo Trường Sa(7).
Kế đó, ở số 741 ngày 12-6-1932, Cucherousset đã đăng tải bức thư của Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier gửi cho Tổng trưởng Thuộc địa ở chính quốc. Bức thư này đã tiết lộ một sự thực khá quan trọng rằng, chính quyền Pháp ở Đông Dương lúc ấy đã cố ý phớt lờ, không phản ứng trước sự vụ các tàu của Trung Quốc vào năm 1909 đã đổ bộ, bắn đại bác, xâm phạm vùng lãnh hải mà họ biết chắc là đã thuộc về Việt Nam từ lâu qua sử sách hay trên thực tế.
Chính quyền Pháp khi ấy đã nói rằng: Chủ quyền của xứ An Nam trên quần đảo Hoàng Sa là điều không thể chối cãi được nhưng lúc này chưa phải cơ hội để xác nhận chủ quyền ấy (8). Vì việc công bố bức thư và chỉ trích nặng lời Toàn quyền Pasquier, báo L’Eveil đã bị Dự thẩm Bartet ra lệnh khám xét tòa soạn và buộc phải giao nộp tất cả hồ sơ liên quan đến Hoàng Sa.
Trong số báo 743, Cucherousset đã cực lực phản đối và nhất quyết không giao nộp hồ sơ. Ông thẳng thắn trả lời rằng, nếu chính quyền thuộc địa Pháp muốn tìm hiểu các thông tin về Hoàng Sa hay về sự vụ này thì chỉ được đọc và khai thác các nguồn tài liệu ngay tại tòa soạn.
Ở số 746, ngày 17-7-1932, Cucherousset viết, “Trong nhiều năm, L’Eveil đã cố gắng để làm cho công chúng biết nhiều hơn đến quần đảo Hoàng Sa. Sự quan tâm đặc biệt đến quần đảo này ở Đông Dương bởi những lý do về an ninh của nó trong thời bình cũng như trong thời gian chiến tranh, sự an toàn của điều hướng, quan sát bão và những lợi ích về kinh tế, bởi vì các khoáng chất giàu phosphate của nó.
Sau khi có được niềm tin rằng trên quần đảo này, vương quốc An Nam có các quyền cổ xưa nhất, không thể chối cãi được và trong mọi trường hợp Đông Dương sẽ không thừa nhận bất cứ một chính quyền nào khác muốn chiếm lấy một vị trí trên quần đảo này để kiểm soát các con đường vào Vịnh Bắc Bộ.
L’Eveil đã không ngừng vận động cho Chính phủ để khai thác một cách hiệu quả các đảo này, để thu thuế khi khai thác phosphat,… để làm nơi trú ẩn quân sự và neo đậu, nơi đặt ngọn hải đăng, đèn hiệu và đài quan sát khí tượng thủy văn…”(9). Số báo này cũng cho biết thêm, nếu không có loạt bài của L’Eveil thì có lẽ chính quyền Pháp đã làm ngơ vụ Trung Quốc chiếm hữu Hoàng Sa.
Ở số 777, ngày 26-2-1933, Cucherousset đã trình bày nguyên nhân ông phản đối thái độ nhún nhường của Toàn quyền Pasquier trước hành động của Tổng đốc Quảng Đông là vì: Chính quyền tỉnh Quảng Đông chưa bao giờ được nước Pháp thừa nhận là một chính thể độc lập (Quảng Đông lúc này muốn tách ra khỏi Trung Quốc để thành lập một nhà nước tự trị); Chính phủ Trung Quốc chưa hề lên tiếng tranh giành quần đảo này cũng như không thừa nhận chủ quyền của Quảng Đông và ngược lại, từ hơn 100 năm nay, vương quốc An Nam đã có chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và sự việc này có ghi rõ trong văn khố của triều đình Huế.
Hơn nữa, chính quyền Quảng Châu không thể dựa vào lý do ngư dân Trung Quốc thường xuyên ghé đảo Hoàng Sa bắt rùa, phơi lưới để cho rằng đó là lý do mà nó thuộc về Trung Quốc, bởi ngư dân Pháp cũng thường xuyên làm như vậy trên bờ biển Terre Neuve nhưng Terre Neuve vẫn luôn thuộc về nước Anh…(10).
TS. DƯƠNG THANH MỪNG
(Bảo tàng Đà Nẵng)
(1) Ghez Nos Gonfmères”, L’Eveil Économique de l’Indochine, No.607, 03 Février 1929, pp.16-17.
(2) Henri Cucheroussset, “Du Charbon puor le de Lanessan”, L’Eveil Économique de l’Indochine, No.419, 21 Juin 1925, pp.1-3.
(3) L’Histoire moderne des Iles Paracels”, L’Eveil Économique de l’Indochine, No.741, 12 Juin 1932, pp.5.
(4) Chironique des mines”, L’Eveil Économique de l’Indochine, No.502, 23 Janvier 1927, pp.14-15.
(5) La perte du Haiphong”, L’Eveil Économique de l’Indochine, N.394, 28 Décembre 1924, pp.9.
(6) Cucherousset, “Les Droits de l’Annani sur les Iles Paracels et les devoirs du gouvernement protecteur”, L’Eveil Économique de l’Indochine, N.627, 23 Juin 1929, pp.1-2. Bên cạnh đó, vấn đề đặt trạm hải đăng, trạm khí tượng, trạm phát sóng, các phao đèn và cọc tiêu, thiết lập hệ thống hành chính trên quần đảo và cần thiết có quân đội thường trú bảo vệ và tuần tra khu vực còn được đề cập ở các số báo như: số 394, 398, 491, 602, 627, 644…
(7) Informations Diverses”, L’Éveil Économique de l’Indochine, No.672, 4 Mai 1930, pp.18.
(8) Cucherousset, “L’histoire moderne des Iles Paracels Deuxième document: Une lettre typique de la manière de M. Pasquier”, L’Éveil Économique de l’Indochine, No.741, 12 Juin 1932, pp.4-5.
(9) L’histoire moderne des Iles Paracels”, L’Eveil Économique de l’Indochine, N.746, 17 juillet 1932, pp.3-4.
(10) Cucherousset, “Le Question des Paracels”, L’Eveil Économique de l’Indochine, No.777, 26 Février 1933, pp.1-3. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm vấn đề này qua các bài viết của Cucherousset ở các số 685, ngày 10-5-1931, tr.1-2; số 688, ngày 31-5-1931, tr.3-4; số 790 ngày 28-5-1933, tr.1-3…