Lời dẫn:
Di sản văn hóa Đà Nẵng bao gồm nhiều thành tố, trong đó, hệ thống các đình làng là một thành tố nổi bật và chiếm số lượng lớn[2]. Quản lý, nghiên cứu và tìm hiểu về di sản văn hóa nói chung và đình làng nói riêng là một việc làm hết sức có ý nghĩa, góp phần vào việc nhìn nhận hệ giá trị văn hóa cổ truyền của vùng đất Đà Nẵng qua thăng trầm lịch sử, đồng thời tạo cơ sở cho việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên mảnh đất này. Tìm hiểu và nghiên cứu về đình làng Đà Nẵng bao gồm nhiều nội dung, bài viết này chỉ là một góc nhìn nhỏ dựa trên việc lược khảo các đồ án trang trí hình linh vật tại một số đình làng Đà Nẵng. Hy vọng bài viết sẽ góp phần nhận diện và làm sáng rõ hơn đôi phần về tâm lý, nhân sinh quan và cảm quan thẩm mỹ của người dân Quảng – Đà trong quá khứ.
Đình làng là thiết chế văn hóa truyền thống của người Việt. Đã từ bao đời, hình ảnh đình làng đã trở thành thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam. Đình làng trở thành nơi hội tụ phản chiếu văn hóa cộng đồng làng xã và trở thành một thiết chế văn hóa không thể thay thế trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam. Cùng với quá trình Nam tiến của dân tộc, cha ông ta đã mang theo tín ngưỡng, thể chế đình làng theo những bước chân của mình. Từ cột mốc đầu tiên 1306, Đà Nẵng thuộc về Đại Việt, đến cuối thế kỉ XVIII, mảnh đất Đà Nẵng ngày nay đã cơ bản được xác lập hình hài. Bên cạnh việc lo ổn định và phát triển đời sống vật chất thì các yếu tố văn hóa tinh thần, niềm tin tâm linh tín ngưỡng cũng được phát triển, trong đó có đình làng. Sự hiện diện của đình làng ở mảnh đất Đà Nẵng nói riêng và vùng đất miền Nam nói chung cho ta thấy một mạch chảy văn hóa liên tục từ cái nôi văn hóa đồng bằng sông Hồng xuống đến phía Nam. Theo tiến trình mở cõi của dân tộc, đình làng Đà Nẵng là sản phẩm của một quá trình như thế.
Mặt khác, do những đặc điểm khách quan cũng như chủ quan về địa lí, nhân văn cũng như quy luật biến đổi văn hóa, đình làng Đà Nẵng vừa mang những đặc điểm kiến trúc của đình làng truyền thống phía Bắc vừa mang những nét riêng biệt của đình làng miền Trung. Bên cạnh những đặc trưng riêng về các đơn nguyên kiến trúc chính như mặt bằng tổng thể, bộ mái, hệ thống kết cấu gỗ, chính điện, hậu tẩm thì các đặc điểm về nghệ thuật điêu khắc trang trí là một trong những dấu hiệu nổi bật thể hiện đặc trưng của đình làng Đà Nẵng. Có thể nói kiến trúc và nghệ thuật trang trí – điêu khắc như một đôi bạn luôn song hành cùng nhau. Khác với đình làng Bắc bộ, đình làng Đà Nẵng gần như vắng bóng các mảng chạm khắc trên gỗ với các đề tài tả cảnh sinh hoạt, các trò chơi dân gian, hay các tuồng tích cổ, nó cũng không có những bức cửa võng lộng lẫy như đình làng miền Bắc trước thế kỉ XIX. Nghệ thuật trang trí tại các đình làng Đà Nẵng giai đoạn này trở về sau chủ yếu sử dụng các đồ án, họa tiết với các chủ đề phổ biến như “tứ quý”, “bát quả”, “bát bửu”, “tứ linh”, “bát vật”… được nề vôi, vữa, khảm sành, sứ, thủy tinh, xà cừ,… giúp đảm bảo độ bền và phù hợp với kiểu thời tiết lắm nắng, nhiều mưa và tương đối khắc nghiệt của khu vực miền Trung. Đặc biệt hình thức khảm xà cừ cũng thể hiện đặc tính và nét văn hóa biển rõ rệt của Đà Nẵng. Các chủ đề nói trên thường được trang trí đơn lẻ hoặc kết hợp với các họa tiết hoa lá, họa tiết hình chữ hoặc các các đường nét kỉ hà. Nổi bật trong số các đồ án trang trí được nhắc đến ở trên là hình ảnh các linh vật được thể hiện qua các đồ án “tứ linh” và “bát vật”.
Linh vật là những con vật linh thiêng, được con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng, niềm tin tâm linh, tôn giáo và thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của mình. Chúng được người đời gắn cho những khả năng siêu phàm có thể chi phối đến cuộc sống nhân thế ở những mức độ khác nhau. Linh vật trong các đồ án trang trí tại đình làng Đà Nẵng có thể là những con vật không có thật (rồng, lân, phượng, long mã…), nhưng cũng có những con vật có thật, được tô điểm thêm các yếu tố “thiêng” để được linh hóa (hổ, rùa, hạc, dơi…).
- Nhóm linh vật thuộc “tứ linh”
Trong số các linh vật dùng để trang trí tại đình làng Đà Nẵng, bốn con vật siêu nhiên gọi là tứ linh chiếm vị trí đầu tiên. Đó là long (rồng), ly (lân), quy (rùa) và phụng (phượng). Chúng là biểu trưng của tín ngưỡng với những phẩm chất huyền bí. Có thể thấy, ở đa số đình làng Đà Nẵng, hệ thống mái ở không gian bên ngoài mang ấn tượng lớn nhất mà trong đó nhóm họa tiết, đồ án tứ linh đóng vai trò chủ đạo trên hệ thống mái này.
Rồng: tiếng Hán – Việt là long, rất được ưa dùng trang trí mỹ thuật tại các đình làng Đà Nẵng. Rồng là linh vật không có thật, do con người sáng tạo ra với các đặc điểm “có sừng hươu, đầu lạc đà, mắt quỷ, cổ rắn, bụng cá sấu, vảy cá, móng vuốt chim ưng, lỗ tai bò, sừng chính là cơ quan để nó nghe”[3]. Tại các di tích ở Bắc bộ, hình ảnh rồng có thể mang đặc điểm của rồng thời Lý, Trần hoặc Hậu Lê tùy theo giai đoạn lịch sử công trình đó được xây dựng và chịu ảnh hưởng. Ở Đà Nẵng, các công trình có niên đại chủ yếu từ thế kỷ XIX về sau, vì vậy, hình ảnh rồng mang các đặc điểm hoàn chỉnh của rồng thời Nguyễn và cách thể hiện ảnh hưởng đậm nét bởi các mô típ của kiến trúc Huế.
Hầu như tất cả các đình làng hay di tích ở Đà Nẵng, trên nóc mái bao giờ cũng là đồ án “lưỡng long triều nguyệt” hay “lưỡng long triều nhật”. Đặc điểm chung của đồ án này là hình ảnh hai con rồng uốn lượn phía cuối hai đầu nóc, vươn mình chầu vào vòng tròn có các tia lửa bốc cao – biểu tượng của nhật/nguyệt, cũng chính là biểu tượng của ánh sáng, của vũ trụ ở chính giữa. Một biến thể gần gũi với đồ án “lưỡng long triều nguyệt” đó là “lưỡng long tranh châu”, thường hai chủ đề này được trộn lẫn vào nhau, hoặc là theo thiết kế của người nghệ sĩ hoặc là theo lý giải của dân gian. Ngoài đồ án “lưỡng long triều nguyệt” như đã nói ở trên, tại một số đình còn bắt gặp đồ án “hồi long”. Đồ án này cũng tương tự như lưỡng long triều nguyệt, tuy nhiên thay vì thể hiện hình ảnh hai con rồng vươn mình chầu vào biểu tượng nhật/nguyệt thì ở thế hồi long hai con rồng chầu về hai hướng khác nhau, đầu ngoảnh lại nhìn biểu tượng nhật/nguyệt (đình Trung Lương, đình An Ngãi Đông…).
Hình ảnh con rồng còn được thể hiện vô cùng đa dạng qua các đồ án như “long hàm thọ” mô tả hình mặt rồng ngậm chữ thọ thường được đặt tại chính giữa bờ mái (đình Đà Sơn), hoặc được vẽ trang trí tại các ban thờ hội đồng; “long ẩn” mô tả rồng uốn khúc trong mây (long ẩn vân) hoặc sóng biển và lần lượt lộ ra từng phần con rồng; “lưỡng long chầu lưỡng nghi” tương tự như lưỡng long triều nguyệt, tuy nhiên hình ảnh quả cầu ở giữa được thay thế bằng hình ảnh lưỡng nghi trong Kinh dịch; “rồng hóa lá” mô tả hình đầu rồng thân lá (đình Trung Lương); “long hý thủy” mô tả rồng phun nước (đình Bồ Bản). Bên cạnh đó rồng còn được đắp nổi uốn khúc quấn mình trên các trụ/cột của một số đình (đình Đa Phước, đình Trung Lương, đình Cổ Mân…). Tại một số đình, trong kết cấu khung gỗ của bộ mái, đầu rồng được chạm khắc trên các đuôi kèo[4], đuôi trính[5], các con rường[6] cùng với hình ảnh vân vũ, hoa văn thủy ba. Tất cả các đồ án nêu trên được vẽ bằng bột hoặc sơn màu trên tường hoặc thể hiện bằng hình thức đắp nổi, nề bằng vôi vữa, khảm sành sứ, thủy tinh. Mỗi đồ án thờ có một ý nghĩa riêng nhưng nhìn chung đây đều là những đồ án gắn liền với ước mơ cuộc sống thăng hoa phát đạt, tiền đồ quang minh xán lạn.
Đồ án lưỡng long chầu nhật thế hồi long (đình An Ngãi Đông)
Kỳ Lân: Là linh vật không có thật, dân gian hay quen gọi là lân/li, là một trong 4 linh vật của tứ linh theo tín ngưỡng dân gian do con người sáng tạo ra. Kỳ lân có hình dáng của một con hươu xạ với chiếc đuôi bò, trán sói, móng ngựa, có một chiếc sừng ngay trên trán và trên đỉnh đầu núng nính thịt[7]. Lân là linh vật báo hiệu điềm lành, là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ, sự cao quý và của niềm hạnh phúc lớn lao. Kỳ lân cũng là biểu tượng của lòng nhân từ và sự trung thành.
Trong không gian kiến trúc của đình làng Đà Nẵng, lân được bài trí thành từng cặp, biểu tượng cho sự tôn nghiêm, kính cẩn… Hình ảnh lân/li tại đình làng dễ dàng bắt gặp ở các vị trí bờ dải, bờ chảy, góc mái của đình và kết hợp với các con vật còn lại trong tứ linh tạo thành bộ đồ án trang trí trên mái đình, miếu. Tương tự đồ án về rồng, đồ án lân/li tại các đình được tạo hình bằng cách nề vôi vữa, khảm sành, sứ, thủy tinh… Thường những đồ án về lân trên mái có kích thước tương đối nhỏ nhằm giảm trọng lượng lên mái đình và tạo sự hài hòa trong tổng thể kiến trúc mái vốn lấy đồ án “lưỡng long triều nguyệt” ở giữa làm chủ đạo.
Nghê: là một biến thể của kỳ lân (hoặc hay bị nhầm lẫn với lân). Nghê là linh vật do người Việt sáng tạo ra, khác hẳn với kỳ lân hay sư tử, về đặc điểm bên ngoài nghê được tạo hình đơn giản, mang các đặc điểm hiền hòa, gần gũi và bản địa hóa hơn so với lân. Nhiều ý kiến cho rằng nghê là hóa thân của con chó, người bạn thân thiết với người dân Việt Nam. Nếu con chó là vật canh giữ của cải, nhà cửa cho người dân, thì nghê là con vật canh giữ về mặt tinh thần, chống lại các thứ tà ma, ác quỷ. Chính vì lẽ đó tại các đình làng, hình ảnh con nghê được đặt theo cặp bên trên các trụ biểu tam quan, trụ bình phong như là linh vật canh giữ từ bên ngoài.
Long mã: cũng là một biến thể của lân (hoặc thường bị nhầm lẫn với lân) được sử dụng rất nhiều tại các di tích tại Đà Nẵng, đặc biệt là đình làng. Long mã là hóa thân của kỳ lân, là sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa. Đó là một linh vật có sừng và bờm của rồng, mình của con hươu xạ, thân có vảy của kỳ lân, chân và móng của ngựa; cao 8 thước 5 tấc, xương cổ dài, cánh bên phải nhúng xuống nước mà không ướt, trên có thánh nhân để bức cổ đồ.[8]
Bình phong long mã phụ hà đồ (đình làng Bồ Bản)
Khác với lân, có thể đặt tại nhiều vị trí khác nhau như đứng chầu, hay trên mái và thường đi theo cặp, đồ án hình long mã tại các đình làng đa số được trang trí tại các bình phong và chỉ một cá thể đơn lẻ. Đồ án long mã tại các bình phong mô tả hình ảnh long mã chuyên chở trên lưng các bức cổ đồ, đồ án này thường được gọi với tên “long mã tải hà đồ/mã đồ” – Hà đồ là cơ sở để hình thành lý thuyết về Bát quái sau này, vốn có liên quan mật thiết với nguồn gốc Kinh Dịch[9], với ý niệm thể hiện sự may mắn luôn song hành cùng chữ nghĩa, đạo lý cuộc đời. Có thể nói cùng với đồ án long – phượng trong tứ linh thì long mã là linh vật được sử dụng để trang trí nhiều nhất tại các đình làng Đà Nẵng, ở mỗi đình làng, hình tượng long mã lại thể hiện mỗi nét khác nhau, khi thì mềm mại, hiền hòa, khi lại mạnh mẽ mang nét hung dữ, điều này tùy thuộc vào dụng ý riêng và tay nghề người thợ. Đồ án long mã được sử dụng tại rất nhiều đình như đình Thạc Gián, đình Bồ Bản, đình Túy Loan, đình Xuân Thiều, đình Trung Lương, đình Xuân Dương, đình Quá Giáng, đình Hòa Khương…
Rùa: tiếng Hán Việt là quy, là một trong tứ linh. Rùa là con vật biểu tượng cho sự trường thọ, sinh lực và sức chịu đựng. Rùa mang chiếc mai hình vòm trên lưng, biểu tượng cho bầu trời và phần mai phẳng dưới bụng biểu tượng cho mặt đất. Những đường rãnh ở phần trên của mai rùa tương ứng với chòm sao Đại Hùng trên trời, biểu thị cho nguyên lý dương. Những đường rãnh ở phần dưới mai rùa tương ứng với mặt đất, biểu thị cho nguyên lý âm.
Trong kiến trúc và trang trí tại các đình làng Đà Nẵng, đồ án rùa thường thấy nhất là được kết hợp cùng với các linh vật khác thuộc bộ tứ linh trang trí dấu nhấn ở gờ giữa mái, bờ chảy mái hoặc giả lâu của lầu chiêng, gác trống, đôi khi đồ án rùa còn được trang trí ở bình phong (Nhà thờ tộc đình Túy Loan). Khi rùa mang trên lưng cổ đồ, tức bộ sách có buộc dải lụa, đồ án này được gọi là thần quy mang Lạc Thư[10], miệng nó phun ra cuộn sóng gọi là thủy ba.
Hình tượng con rùa tượng trưng cho sự bền vững, trường thọ nên đồ án này còn được thể hiện khá thông dụng trong đồ án “quy hạc” (con hạc đứng trên lưng con rùa) ý chỉ “thọ đội thọ”. Mặt khác, cũng có cách lí giải khác cho rằng rùa là loài vật sống ở dưới đất, còn hạc là loài sống ở trên cao, khi hạc đứng trên mình rùa tạo thành một cặp thể hiện sự hài hòa, gắn kết giữa hai thái cực âm dương.
Phượng (phụng): Tương tự như rồng và lân, phượng là linh vật do con người sáng tạo ra với các đặc điểm: cổ rắn, mỏ gà, đuôi chẻ như đuôi cá, trán của chim hạc, mào của vịt xiêm, thân có những dấu vằn của rồng và phần đằng sau cuốn vòm như con rùa. Phượng là chúa của các loài chim, một biểu tượng của tầng trên, bầu trời, của nguồn sinh lực thiêng liêng, hiện thân của thánh nhân, người tài[11], bên cạnh đó, phượng là loại chim tượng trưng cho sự trang nhã, quý phái của phụ nữ phương Đông, là biểu tượng của hoàng hậu.
Đồ án hình phượng hoàng khảm sứ (đình Lỗ Giáng)
Tại các đình làng Đà Nẵng, hình ảnh phượng được sử dụng trong các đồ án phổ biến sau hình con rồng. Đồ án trang trí hình phượng được thể hiện khá đa dạng về vị trí, chức năng và hình thức thể hiện, khi thì kết hợp với các con vật trong tứ linh trang trí tại gờ mái (đình Trung Lương, đình Tùng Lâm, đình Xuân Thiều, đình Nam Thọ, đình Phú Hòa…), khi thì được nề vôi vữa, khảm sành sứ tại mặt các bình phong (đình Phong Lệ Bắc, đình Trước Bàu, nhà thờ tộc đình Túy Loan…), khi thì được vẽ tại các bệ ban thờ tiền hiền, hậu hiền bên trong đình (đình Xuân Thiều, đình Đại La, đình Hòa Khương…). Tại mỗi vị trí khác nhau hình ảnh phượng cũng được thể hiện khác nhau, lúc thì xòe cánh mềm mại, đuôi dài, uốn lượn, khi thì thể hiện hình ảnh bước đi khỏe khoắn, không có đuôi hoặc đuôi ngắn.
- Các linh vật ngoài tứ linh
Nhóm bát vật
Bên cạnh tứ linh long, lân, quy, phụng thì có 4 con vật khác cũng được sử dụng rất nhiều trong điêu khắc – trang trí tại các đình làng Đà Nẵng. Đó là ngư (cụ thể ở đây là cá chép) – phúc (dơi) – hạc – hổ. Tứ linh kết hợp với 4 linh vật này tạo thành bát vật[12].
Hổ: Người dân Đà Nẵng nói riêng cũng như miền trong nói chung đã thần thánh hóa hổ, cho nó một sức mạnh thiêng liêng diệt trừ được ma quỷ. Trong quan niệm dân gian, hổ là vị chúa cai quản rừng núi, hình tượng hổ biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng, diệt trừ tà ma, trấn giữ các phương, là thần linh canh cửa ở các ngôi đình. Có hình hổ trấn giữ ở ngưỡng cửa là tà ma không dám xâm nhập, do đó trên bức bình phong của rất nhiều làng đình làng như đình Phước Hưng, đình Phước Thuận, đình Hưởng Phước, đình Phú Hòa, đình Xuân Lộc, đình An Ngãi Đông, đình Dương Lâm, đình Yến Nê… có đồ án đắp nổi con hổ, thường là màu vàng (hoàng hổ) đang bước xuống những bậc đá gập ghềnh trông rất oai vệ. Có thể thấy hình ảnh hổ được đắp tại bình phong các đình làng thường mang theo một nét dữ tợn và hình ảnh, hành động có nét nhân hóa gần giống như của một con người.
Hạc: Hạc là linh vật biểu hiện cho tầng trên, là vật cưỡi của chư tiên, biểu tượng của sự thanh tao, thoát tục và trường thọ. Đồ án về Hạc luôn được mô tả có đôi cánh xếp lại trong thế đứng và thường đứng trên con rùa tạo thành đồ án “quy hạc”, đồ án quy hạc thường được trang trí tại các trụ biểu tam quan, trụ hai bên bình phong hoặc ở các trụ hiên của đình. Ở một số đồ án mô tả hình hạc miệng ngậm một cánh hoa, đứng trên lưng rùa, thường là một đôi đặt hai bên ban thờ hội đồng trong đình.
Dơi: Dơi là biểu tượng cho chữ “phúc”(福); do trong tiếng Hán-Việt, dơi là chữ “bức’ (蝠) đọc gần giống chữ “phúc” (福), từ đó người ta dùng hình ảnh con vật này để chỉ “phúc đức”.
Đồ án hình dơi tại các đình làng khá thông dụng và thường được đặt tại rất nhiều vị trí như phía trên giả lâu lầu chiêng gác trống, hai bên đầu hồi mái đình, trên bình phong, trên các hương án, bệ ban thờ… Đồ án hình dơi được sử dụng nhiều bởi lẽ bên cạnh giá trị tâm linh, thể hiện ước muốn, nhân sinh quan của người dân, đồ án hình dơi còn là đồ án có giá trị thẩm mĩ cao với hình ảnh dơi treo ngược cánh uốn cong cách điệu bắt mắt và mang tính nghệ thuật cao. Cách thức thể hiện thường được cách điệu, có thể được biến cách từ lá gọi là lá hóa phúc, từ hoa mai gọi là mai hóa phúc, từ sen gọi là liên hóa phúc, từ quả gọi là quả hóa phúc; nhưng chủ yếu là từ hình hồi văn có tô điểm thêm lá gọi là hồi văn hóa phúc.
Đồ án hình dơi khảm sứ
Cá chép: Cách giải thích về thờ cá cũng tương tự dơi, chữ ngư 漁 (con cá) phát âm giống chữ dư 輿 (dư thừa). Cá ngoài biểu tượng cho sự giàu sang như đã nói, nó còn là biểu tượng cho sự đăng khoa của nho sĩ: sự tượng trưng này được thể hiện qua hình ảnh “lý ngư hóa long” mô tả cá chép hóa rồng (bình phong đình Hòa Mỹ, đình Lỗ Giáng, đình Dương Lâm…), “lý ngư khiêu long môn” mô tả hình ảnh cá chép vượt vũ môn, hóa rồng (bình phong đình An Ngãi Đông), đồ án trang trí này được bắt nguồn từ tích Long môn điểm ngạch. Ý nghĩa của các đồ án này là biểu trưng cho sự may mắn, thăng tiến và thành đạt trên con đường học vấn công danh, do đó việc dùng đồ án cá chép hóa rồng tại các đình làng ngụ ý cầu chúc cho con cháu trong làng học hành tấn tới, đỗ đạt làm quan.
Như đã trình bày ở trên, cá chép có một mối quan hệ mật thiết với một linh vật khác trong tứ linh là rồng, bên cạnh đồ án cá chép hóa rồng còn có thể bắt gặp hai linh vật này kết hợp với nhau qua đồ án “ngư long hí thủy”. Ở đồ án này mô tả hình ảnh con cá chép ghếch mõm đón luồng nước từ miệng con rồng ẩn trong mây (long ẩn vân) phun ra. Hình ảnh này chủ yếu được trang trí bên ngoài tại các bình phong hoặc bệ ban thờ bình phong… bằng hình thức vẽ, đắp nổi, khảm sành, sứ, thủy tinh (bình phong đình Thái Lai, đình Phú Thượng, đình Thanh Khê, đình Trung Lương, đình Hưởng Phước…).
Đồ án ngư long hý thủy (đình Trung Lương)
Tại Nhà thờ chư phái tộc đình Hải Châu, hình ảnh con cá chép còn được dùng để trang trí thành hình miệng máng xối có nét tự nhiên vì được hiểu nước là một yếu tố sống còn của cá.
Các linh vật khác
Ngoài đồ án hình tứ linh, bát vật như đã trình bày ở trên, tại các đình làng Đà Nẵng còn bắt gặp một số hình ảnh linh vật khác như voi, hươu, nai, trâu, chim trĩ, chim công, gà, cò…. Tuy nhiên, mức độ phổ biến của những đồ án này không bằng các linh vật trong nhóm tứ linh và bát vật. Thường các linh vật này hiếm khi được khảm sành sứ, thủy tinh mà được thể hiện bằng hình thức vẽ kết hợp với các đồ án “tứ dân” (ngư, tiều, canh, mục); “tứ quý” (mai, lan, cúc, trúc hoặc tùng, cúc, trúc, mai) hoặc thể hiện chung trong các bức họa cảnh vật mô tả vùng quê Đà Nẵng bằng sơn màu.
Kết luận
Trải qua bao đời, nghệ thuật trang trí các công trình kiến trúc tâm linh nói chung và đình làng nói riêng được thể hiện rất phong phú, sinh động. Hình tượng các con vật, hoa lá cỏ cây, tứ linh, bát vật được cách điệu thành các đồ án trang trí tại các đình làng Đà Nẵng vừa thích hợp với bố cục trang trí của không gian kiến trúc truyền thống, có tính thẩm mỹ cao, vừa mang sự linh thiêng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian, đậm nét bản sắc văn hóa Việt ngàn năm văn hiến. Tuy lịch sử, xã hội đã có nhiều biến động, cùng với đó tư duy thẩm mỹ trong kiến trúc qua từng thời kỳ cũng có nhiều đổi thay, song những đồ án truyền thống về tứ linh, bát vật nói riêng cũng như nghệ thuật trang trí và kiến trúc truyền thống tại các đình làng Đà Nẵng nói chung vẫn được gìn giữ và tiếp nối từ thế hệ cha ông đi trước, đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc./.
Lê Văn Phúc
(Phòng Quản lý Di sản văn hóa)
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Mạnh Bảo, Dịch Kinh Tân Khảo, Nxb. Sen Vàng, 1958.
- Hồ Tấn Tuấn (chủ biên), Đình làng Đà Nẵng, Nxb. Đà Nẵng, 2012.
- Viện Bảo tồn di tích, Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2019.
- L. Cadière, Nghệ thuật Huế, Nxb. Thế giới, 2020.
- Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb. Thuận Hóa, 2001.
- Léopold Michel Cadière và Edmond Gras, Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế, , Nxb. Hà Nội, 2019.
- Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2004.
- Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, NXB Hồng Đức, 2018.
- Nguyễn Hoàng Thân (chủ biên), Văn hóa Đà Nẵng từ những mảnh ghép, Nxb. Đà Nẵng, 2013.
- Chu Quang Trứ, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, Nxb Thời đại, 2010.
- L. Cadière, Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, Nxb Thuận Hóa, 2010.
[1] Khái niệm chỉ bố cục trang trí bằng hoa văn trên một tác phẩm nghệ thuật.
[2] Tính đến hết tháng 3 năm 2020, Đà Nẵng có 74 di tích được công nhận là Di tích cấp thành phố, cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt, trong đó có đến 44 di tích là đình làng.
[3] Les Motifs de l’Art Annamit, L. Cadière (Họa tiết trong Mỹ thuật An Nam).
[4] Phần đuôi của kèo – thanh gỗ có dáng khum với những độ dài ngắn khác nhau để liên kết các đầu cột, chạy theo độ xuôi của mái từ trên xuống dưới, đỡ lấy hai mái trước và sau
[5] Phần đuôi của trính – thanh gỗ nối hai cột cái lại với nhau
[6] Có chức năng giống thanh trính, nhỏ dần từ dưới lên trên, thường tạo thành các liên kết chồng rường
[7] Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001, tr.97.
[8] Dịch Kinh Tân Khảo – Nguyễn Mạnh Bảo, NXB Sen Vàng, Sài Gòn, 1958, tr. 41.
[9] Xuất phát từ một truyền thuyết giải thích về nguồn gốc của Bát Quái do Vua Phục Hy sáng tác từ sự trực nhận của Ngài trên bức đồ gồm 55 điểm đen trắng. Với “hệ thống” Hoàng Hà – Long mã – Hà Đồ – Bát quái – Kinh Dịch, Long mã đã trở thành một biểu tượng của vũ trụ quan Đông Phương.
[10] Cũng giống như Long Mã tải hà đồ, đây là biểu tượng khởi nguyên của Kinh Dịch, tư tưởng triết học của người Á Đông về quy luật của sự biến đổi.
[11] Viện Bảo tồn di tích, Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc, NXB Văn hóa dân tộc, 2019.
[12] Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB tp HCM, tr 360.