QUYẾT ĐỊNH SỐ 156/2005/QĐ-TTG, NGÀY 23 THÁNG 6 NĂM 2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ HỆ THỐNG BẢO TÀNG VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

Văn bản số : 156/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành : 23/06/2005
Cơ quan ban hành : Thủ tướng Chính phủ
Người ký : Phạm Gia Khiêm
QUYẾT ĐỊNH SỐ 156/2005/QĐ-TTG, NGÀY 23 THÁNG 6 NĂM 2005
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH
TỔNG THỂ HỆ THỐNG BẢO TÀNG VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
 
 
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
– Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
– Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;
– Căn cứ Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;
– Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin tại Tờ trình số 162/TTr-BVHTT ngày 29 tháng 11 năm 2004,
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Đối tượng
Các bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng tỉnh, thành phố và các bảo tàng khác thuộc quản lý của Nhà nước, tổ chức kinh tế – xã hội và tư nhân trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
2. Mục tiêu 
a) Mục tiêu chung:
Kiện toàn và phát triển hệ thống bảo tàng, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học và hưởng thụ văn hóa của công chúng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
b) Mục tiêu cụ thể:
– Củng cố và nâng cao chất lượng, vai trò nòng cốt của các bảo tàng quốc gia, bảo tàng đầu hệ; phát triển các bảo tàng chuyên ngành về giáo dục, khoa học, kỹ thuật và các bảo tàng ngành nghề truyền thống.
– Sắp xếp và kiện toàn hệ thống bảo tàng tỉnh và thành phố, điều chỉnh và định hướng nội dung trưng bày theo đặc trưng lịch sử, văn hóa của địa phương, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo tàng.
– Sắp xếp và kiện toàn hệ thống bảo tàng thuộc lực lượng vũ trang. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, hòa nhập vào mạng lưới hoạt động chung của bảo tàng cả nước.  
– Phát triển các bảo tàng và phòng trưng bày sưu tập tư nhân, thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo tàng.
– Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động bảo tàng, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ trong các khâu công tác của bảo tàng; xây dựng bảo tàng thành trung tâm thông tin về khoa học, lịch sử, văn hóa, thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
3. Nội dung cụ thể của quy hoạch
 a) Quy hoạch hệ thống bảo tàng
– Bảo tàng cấp quốc gia:
Chỉnh lý nội dung trưng bày, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới phương thức hoạt động của các bảo tàng cấp quốc gia hiện tại gồm: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đó là những bảo tàng hạt nhân của hệ thống bảo tàng Việt Nam, có quy mô, vị trí xứng đáng trong khu vực và quốc tế.
Từng bước phát triển, xây dựng một số bảo tàng mới cấp quốc gia như Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Sinh thái Hạ Long, đáp ứng nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa, khoa học và nghiên cứu, giáo dục khoa học, phục vụ lợi ích cộng đồng.
Từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi hoạt động cấp quốc gia đối với một số bảo tàng chuyên ngành có các bộ sưu tập quý hiếm, có giá trị nghiên cứu khoa học, trưng bày và giới thiệu, nhằm thu hút khách tham quan và phát triển du lịch (Bảo tàng Lịch sử thành phố                Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hải dương học, Bảo tàng Địa chất Việt Nam và Bảo tàng Điêu khắc Chăm…).
– Bảo tàng chuyên ngành:
Chỉnh lý nội dung trưng bày, hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới phương thức hoạt động của các bảo tàng chuyên ngành hiện có như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Công an nhân dân; phát triển các bảo tàng chuyên ngành về khoa học kỹ thuật trực thuộc các Bộ, ngành hoặc các trường đại học để tăng cường, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học thông qua hình thức hoạt động bảo tàng.
– Bảo tàng tỉnh, thành phố:
+ Tăng cường công tác sưu tầm, xây dựng các bộ sưu tập hoàn chỉnh về đặc trưng văn hóa địa phương. Mỗi bảo tàng cần xác định và giới thiệu các chủ đề trưng bày mang tính đặc thù và tiêu biểu nhằm phản ánh bức tranh đa dạng về văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bảo tàng tỉnh, thành phố phải trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới kinh tế – xã hội của địa phương.
+ Trong các khu vực quy hoạch phát triển du lịch trọng điểm, khi có đủ điều kiện thành lập bảo tàng theo quy định của Luật Di sản văn hóa, ngoài bảo tàng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện có, được phát triển thêm các bảo tàng chuyên đề về ngành nghề thủ công truyền thống, văn hóa nghệ thuật (thuộc các hình thức sở hữu khác nhau).
+ Các bảo tàng hiện có tại các tỉnh,thành phố đã có sưu tập tương đối đầy đủ về thiên nhiên, khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử cận hiện đại, mỹ thuật liên quan trực tiếp đến địa phương sẽ được xây dựng, chỉnh lý nâng cấp về nội dung và giải pháp mỹ thuật cho phù hợp với loại hình bảo tàng tỉnh, thành phố. Các bảo tàng tỉnh và thành phố khác đang chuẩn bị xây dựng sẽ phát triển theo hướng điều tra nghiên cứu, tập trung sưu tầm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, lựa chọn những hiện vật để xây dựng các bộ sưu tập hiện vật gốc giới thiệu những nét văn hóa, lịch sử tiêu biểu của địa phương.
– Bảo tàng đầu hệ và bảo tàng chi nhánh:
+ Bảo tàng Hồ Chí Minh và các chi nhánh: Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội là bảo tàng đầu hệ của hệ thống các bảo tàng, di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh gồm có: Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế; Bảo tàng Hồ Chí Minh Quân khu V, thành phố Đà Nẵng; Bảo tàng Hồ Chí Minh Bình Thuận, thị xã Phan Thiết; Bảo tàng Hồ Chí Minh Gia Lai – Kon Tum, thị xã Pleicu; Bảo tàng Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh Quân khu IX, thành phố Cần Thơ. Các bảo tàng này cần tập trung điều chỉnh bổ sung nội dung trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với di tích gốc và những tư liệu có liên quan trực tiếp đến địa phương.
+ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và các chi nhánh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là bảo tàng đầu hệ của hệ thống các bảo tàng thuộc lực lượng vũ trang, có nhiệm vụ phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các bảo tàng chi nhánh trong hệ thống bảo tàng quân đội. Chi nhánh của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam gồm có: Bảo tàng Biên phòng; 8 bảo tàng thuộc các quân khu I, II, III, IV, V, VII, IX và Quân khu Thủ đô; 2 bảo tàng thuộc các quân chủng Phòng không – Không quân, Hải quân; Bảo tàng Tổng cục Hậu cần; Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh; Bảo tàng Vũ khí, đạn; 4 bảo tàng thuộc các quân đoàn I, II, III, IV; 6 bảo tàng thuộc các binh chủng Pháo binh, Công binh, Thông tin, Tăng Thiết giáp, Đặc công, Hóa học.
Các bảo tàng thuộc lực lượng vũ trang được chỉnh lý, nâng cấp, đổi mới nội dung và phương pháp trưng bày, mở rộng khả năng tiếp cận phục vụ nhu cầu của quảng đại công chúng; một số bảo tàng thuộc binh chủng kỹ thuật sẽ chuyển đổi nội dung trưng bày theo hướng loại hình bảo tàng khoa học kỹ thuật khi có đủ cơ sở khoa học và điều kiện vật chất.
+ Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và các chi nhánh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam là bảo tàng đầu hệ của các bảo tàng đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc, các di tích lưu niệm gắn với anh hùng dân tộc và danh nhân tiêu biểu, có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử dân tộc.
+ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và các chi nhánh: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là bảo tàng đầu hệ của những bảo tàng chuyên ngành về lịch sử tự nhiên và các khu bảo tồn thiên nhiên.
– Định hướng phát triển bảo tàng tư nhân: cho phép thành lập một số bảo tàng và phòng trưng bày của tư nhân có sưu tập phong phú, giá trị; có cơ sở vật chất đủ điều kiện để bảo quản, trưng bày, giới thiệu với khách tham quan.
b) Từng bước đầu tư xây dựng một số trung tâm, phòng thí nghiệm bảo quản di sản theo chất liệu ở các tỉnh, thành phố lớn và các bảo tàng quốc gia đầu hệ.
4. Phân cấp quản lý và đầu tư  
– Bảo tàng cấp quốc gia do các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý trực tiếp và đầu tư. Bộ Văn hóa – Thông tin chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ.
– Bảo tàng chuyên ngành do các Bộ, ngành quản lý trực tiếp và đầu tư. Bộ Văn hóa – Thông tin chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ.
– Bảo tàng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do các Sở Văn hóa – Thông tin các tỉnh, thành phố quản lý trực tiếp, Bộ Văn hóa – Thông tin chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ và được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đầu tư thông qua Sở Văn hóa – Thông tin. Các dự án xây dựng bảo tàng chuyên đề về văn hóa dân gian, ngành nghề thủ công truyền thống do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập dự án đầu tư và hỗ trợ thông qua cơ chế, chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa và hướng dẫn nghiệp vụ.
– Bảo tàng tư nhân do chủ sở hữu sưu tập trực tiếp đầu tư và quản lý, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn nghiệp vụ.
5. Phân kỳ thực hiện quy hoạch
a) Các dự án xây dựng dài hạn từ 2005 – 2020:
– Các dự án xây dựng mới bảo tàng cấp quốc gia: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Sinh thái Hạ Long.
– Các dự án khác: Xây dựng ngân hàng dữ liệu về hiện vật bảo tàng và di tích lịch sử văn hóa, tin học hóa hoạt động bảo tàng, sưu tầm hiện vật, trang thiết bị cho triển lãm lưu động và tuyên truyền giáo dục ngoài bảo tàng, xây dựng các trung tâm bảo quản hiện vật.
b) Các dự án ngắn hạn: 
– Từ 2005 – 2010: Bảo tàng Văn học Việt Nam, Bảo tàng Hàng không Việt Nam, Bảo tàng Y dược học Việt Nam, Bảo tàng Bưu điện Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam và một số các bảo tàng thuộc khối các trường Đại học.
– Từ 2010 – 2020: Bảo tàng Dầu khí, Bảo tàng Dệt may Việt Nam, Bảo tàng Giáo dục Việt Nam, Bảo tàng Giao thông Việt Nam, Bảo tàng Kiến trúc Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật ứng dụng, Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam, Bảo tàng Sinh vật học Việt Nam, Bảo tàng Xi măng Việt Nam, Bảo tàng Than Việt Nam, Bảo tàng Tem, Bảo tàng Tiền Việt Nam và một số các bảo tàng thuộc khối các trường đại học.
– Các dự án xây dựng mới các bảo tàng tỉnh, thành phố chưa có bảo tàng (theo quy hoạch được duyệt).                  
– Các dự án xây dựng một số bảo tàng chuyên đề về văn hóa dân gian truyền thống, ngành nghề thủ công truyền thống sẽ xây mới thuộc cấp tỉnh.              
6. Nguồn vốn đầu tư phát triển bảo tàng
a) Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho ngành văn hóa – thông tin: xây dựng cơ bản, hoạt động sự nghiệp và vốn dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
b) Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho địa phương, trong đó có khoản ngân sách dành cho hoạt động văn hóa – thông tin.
c) Nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ.
d) Nguồn vay nợ của các tổ chức trong và ngoài nước.
đ) Đóng góp của nhân dân trong nước.
e) Đóng góp của các tổ chức, cá nhân nước ngoài (nguồn tài trợ, viện trợ, quà tặng).
g) Nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).
h) Khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng bảo tàng chuyên ngành, các cá nhân đầu tư xây dựng bảo tàng.
7. Giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tàng.
b) Kiện toàn tổ chức, phát triển nguồn nhân lực của ngành bảo tàng
– Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý về hoạt động bảo tàng giữa Bộ Văn hóa – Thông tin, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Hình thành bộ máy tổ chức thống nhất cho hệ thống bảo tàng toàn quốc về cơ cấu tổ chức bảo tàng, định biên, cơ chế quản lý, chỉ đạo và hợp tác.
– Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại các cấp, các ngành và các địa phương
– Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ ngành bảo tàng. Xây dựng đội ngũ cán bộ bảo tàng có chuyên môn sâu và kỹ năng tác nghiệp giỏi. Chuyên môn hóa trong đào tạo. Phát huy vai trò của các bảo tàng đầu hệ với tư cách là cơ sở đào tạo thực hành. Xây dựng cơ chế hợp tác giữa các Bộ, ngành có liên quan để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo.
c) Huy động nguồn vốn đầu tư và xây dựng cơ chế tài chính phù hợp.
– Đầu tư có hiệu quả và có trọng tâm, trọng điểm kinh phí của nhà nước cho các dự án bảo tàng. Khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng các bảo tàng chuyên ngành và chuyên đề gắn với mục tiêu phát triển nghiên cứu khoa học, văn hóa chuyên ngành của doanh nghiệp. Tăng các nguồn vốn khác như tài trợ, vốn đóng góp của các tập thể, cá nhân, vốn từ hoạt động dịch vụ của các bảo tàng.
– Có chính sách miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp xây dựng bảo tàng theo quy định của pháp luật. Cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ văn hóa tại bảo tàng và quy định việc sử dụng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ để cải tạo, nâng cấp bảo tàng theo chế độ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu.   
d) Xã hội hóa hoạt động bảo tàng
– Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực xã hội xây dựng bảo tàng.
– Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cộng đồng và cá nhân tham gia vào các hoạt động của bảo tàng như sưu tầm hiện vật, trưng bày giới thiệu và tuyên truyền giáo dục. Bảo tàng tiến hành công tác marketing, thu hút công chúng tham gia các hoạt động tình nguyện của bảo tàng.
– Nhà nước có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ thành lập các bảo tàng chuyên ngành, chuyên đề nhằm phát huy tối đa giá trị di sản văn hóa của dân tộc.  
đ) Mở rộng giao lưu quốc tế, tạo điều kiện cho các bảo tàng Việt Nam tham gia các tổ chức bảo tàng quốc tế, chủ động và tích cực thiết lập các mối quan hệ song phương và đa phương với mọi quốc gia để phát triển sự nghiệp bảo tàng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Văn hóa – Thông tin có nhiệm vụ:
a) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách xây dựng và phát triển hệ thống bảo tàng ở Việt Nam.
b) Phổ biến, hướng dẫn các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đúng nội dung quy hoạch đã được phê duyệt.
c) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ ngành bảo tàng.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân công và phân cấp, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Bộ, ngành và địa phương mình.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
(Đã ký)

Phạm Gia Khiêm

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?