“NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC 2019” – NÉT MỚI TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC NGOẠI KHÓA NĂM HỌC 2019 – 2020 TẠI BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

Trong những năm qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã thực hiện tốt việc tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm thu hút học sinh từ các trường phổ thông trên địa bàn thành phố đến với Bảo tàng.

Với chức năng nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học, Bảo tàng Đà Nẵng mong muốn góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về các giá trị lịch sử – văn hóa mà Bảo tàng đang lưu giữ; từ đó định hướng cho học sinh tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Song song với các chương trình “Giờ học ngoại khóa tại Bảo tàng” và “Em yêu lịch sử” là những hoạt động giáo dục thường niên đã thu hút sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của các trường trong thời gian qua, bắt đầu từ năm học 2019 – 2020, Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng và phát triển chương trình “Ngược dòng ký ức”. Đây là một chương trình giáo dục ngoại khóa mới, gồm 03 hoạt động chính:

– Hoạt động 1 “Tham quan”: Học sinh tham gia được chia thành các đội và tham quan, nghe thuyết minh về các không gian trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng và Thành Điện Hải.

– Hoạt động 2 “Giải mật thư”: Mỗi đội tham gia trả lời câu hỏi, giải mã mật thư với những kiến thức liên quan đến nội dung trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng.

– Hoạt động 3 “Trò chơi vận động”: Các đội tham gia thi các trò chơi vận động chung sức.

Các phần thi sẽ được tính điểm, đội nào có điểm số cao nhất sẽ nhận được phần quà từ Ban Tổ chức.

Nét mới của chương trình “Ngược dòng ký ức” so với các chương trình giáo dục ngoại khóa trước đây tại Bảo tàng là được tổ chức theo hình thức teambuilding (xây dựng đội nhóm) đang được yêu thích hiện nay và phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên. Thông qua việc xây dựng và thiết kế các trò chơi giải mật thư và trò chơi vận động tập thể, học sinh sẽ tham gia, trải nghiệm các tình huống, trả lời các câu hỏi về những kiến thức lịch sử – văn hóa mà Bảo tàng đưa ra một cách chủ động, hào hứng, nhiệt tình, theo đúng tiêu chí “học mà chơi, chơi mà học”. Nếu như không gian của “Giờ học ngoại khóa” hoặc “Em yêu lịch sử” chỉ gói gọn tại một vị trí trong nhà thì không gian của “Ngược dòng ký ức” được mở rộng, có thể thay đổi linh hoạt từ trong nhà ra đến ngoài trời; vì vậy, có thể tổ chức được nhiều trò chơi tập thể sôi động hơn, giúp người tham gia hứng thú và thoải mái hơn – đặc biệt là đối tượng học sinh cấp 3. Trong một chương trình, học sinh sẽ thực hiện cả hai hoạt động trí và lực; kết hợp nhiều kỹ năng vận động như đứng, ngồi, chạy, nhảy…; vận dụng kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng suy luận, kỹ năng phản xạ, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp; rèn luyện tính cẩn thận, kiên nhẫn…

Chương trình “Ngược dòng ký ức” ra đời nhằm tạo sự gắn kết hơn nữa giữa Bảo tàng Đà Nẵng và học đường trong vấn đề giáo dục truyền thống, lịch sử dân tộc và giá trị di sản văn hóa. Đồng thời làm đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động tại Bảo tàng, để Bảo tàng không chỉ là địa điểm tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu mà còn là một nơi vui chơi giải trí và trải nghiệm thực tế, khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ, để từ đó các em có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Trường THPT Trần Phú tham gia chương trình “Ngược dòng ký ức” ngày 10/10/2019

Trường THPT Hòa Vang tham gia chương trình “Ngược dòng ký ức” ngày 07/11/2019

Phan Thị Quỳnh Nga
(Phòng Giáo dục – Truyền thông)

Tin liên quan