CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG VỚI BÁO TIẾNG DÂN QUA MỘT SỐ TƯ LIỆU LƯU TRỮ TẠI BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

Sau khi hoàn thành công cuộc bình định, thực dân Pháp đã triệt để thực hiện các cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I và thứ II tại Việt Nam với các chính sách bóc lột, vơ vét thuộc địa phục vụ cho lợi ích của nước Pháp. Trong bối cảnh đó, dưới ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng mới được truyền bá vào Việt Nam, các phong trào yêu nước chống Pháp và vận động giải phóng dân tộc đã bắt đầu nổ ra. Tầng lớp văn thân, sĩ phu và trí thức yêu nước đã thể hiện ý chí đấu tranh và tư tưởng đổi mới đất nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Và ngòi bút cũng đã trở thành một vũ khí sắc bén trong việc truyền bá tư tưởng yêu nước và cách mạng thời kỳ này. Trong số đó, Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947), một chí sĩ yêu nước, học giả, đã lập ra tờ báo Tiếng Dân (1927 -1943), lấy báo chí làm phương tiện đấu tranh, xem đây là vũ khí lợi hại đại diện cho tiếng nói của quảng đại quần chúng, nhất là người lao động bị áp bức. Những tư liệu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng về cụ Huỳnh và báo Tiếng Dân cũng phần nào thể hiện được giai đoạn hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết này của Cụ.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), người làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay là Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng,  trong một gia đình gốc Nho học. Năm 1900, Cụ đậu giải Nguyên, năm 1904 đậu Tiến sĩ, trở thành một trong “Tứ Hổ” Trung Kỳ nổi tiếng thời ấy. Thời gian ở kinh đô Huế, qua người bạn thâm giao Phan Châu Trinh lúc ấy đang làm quan ở Bộ Lễ, Huỳnh Thúc Kháng có dịp tiếp xúc với các nho sĩ tân học có tư tưởng cách mạng như Phan Bội Châu, Đào Nguyên Phổ,… được đọc Tân Thư và hấp thụ tư tưởng văn minh dân quyền.

Chân dung cụ Huỳnh Thúc Kháng

Vốn không ham quan tước, Cụ chỉ ở nhà chú tâm đọc sách, ủng hộ việc học chữ Quốc ngữ và tham gia phong trào Duy Tân. Năm 1908, phong trào kháng thuế nổ ra ở Đại Lộc, sau lan rộng khắp tỉnh Quảng Nam rồi lan sang nhiều tỉnh của miền Trung, cụ Huỳnh bị thực dân Pháp bắt, kết án tử hình sau đổi thành khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Năm 1921, Cụ được trả tự do. Năm 1926, cụ Huỳnh Thúc Kháng trúng cử Dân biểu và được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. Hoài vọng của Cụ là sử dụng Viện Dân biểu này như một diễn đàn đấu tranh công khai đòi thực dân Pháp phải cải cách dân chủ, mở rộng chính sách cai trị, bảo vệ quyền lợi dân tộc. Nhưng Viện Dân biểu do Pháp nặn ra này chỉ là tổ chức bù nhìn, một chiêu bài phục vụ cho chúng, “… trải qua hai lần Đại Hội đồng thường niên tôi thấy rõ chân tướng của nó, tên là Dân Biểu nhưng kỳ thực chỉ là Phòng Tư – Phỏng cải trang, không có ý nghĩa gì. Tháng 10 năm ấy tôi có bài diễn văn bế mạc, chỉ trích gắt gao chính sách của chính phủ Pháp thi hành tại Trung kỳ, cho là bất hợp tình thế, khiến nhân dân thêm ác cảm, buộc phải cải cách…” [1]. Vì vậy, chỉ sau một phiên họp ngày 07/9/1926 với tư cách Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, Huỳnh Thúc Kháng có ý định chuyển sang làm báo và từ chức năm 1928.

Thư cụ Huỳnh Thúc Kháng gửi cho quan lớn tổng đốc An Nam ngày 20/8/1941, có bản tự kê khai lý lịch của mình.

Tháng 4/1927, cụ Huỳnh Thúc Kháng thành lập một công ty chuyên về xuất bản báo để chuẩn bị nguồn tài chính, có trụ sở tại Đà Nẵng: “Bảo Đại năm thứ 2 (Đinh Mão – 1927), ngày tháng 4, Huỳnh Thúc Kháng công ty thành lập. Ngày công ty mới tổ chức, tôi cho Đà Nẵng làm nơi trung tâm điểm giao thông, ngụ tại nhà Nguyễn quân Xương Thái… Về việc cổ phần tôi với Trần quân Đình Phiên, Đào quân Duy Anh chia nhau đi các tỉnh Nam Bắc kêu gọi, còn trung gian có Nguyễn quân Xương Thái gánh lấy. Kể từ ngày tháng 12 năm 1926 và đến tháng 2 năm 1927 đình chỉ việc kêu gọi, cổ động đã được tới trên ba vạn bạc...”[2]

Huỳnh Thúc Kháng tự truyện (Anh Minh dịch và xuất bản năm 1963)

Bàn về chuyện xuất bản báo chí thời kỳ này, chúng ta biết rằng, từ tháng 7/1881, Quốc hội Pháp đã thông qua đạo luật thừa nhận quyền tự do báo chí, cho phép áp dụng tại chính quốc cũng như tại các xứ thuộc địa. Mặt khác chính phủ Pháp lại đưa Sắc lệnh ngày 30/12/1898, buộc tất cả các tờ báo chữ Việt, chữ Trung Hoa và các thứ chữ khác phải có giấy phép trước khi xuất bản. Và việc xin cấp phép cho một tờ báo tại Việt Nam lúc bấy giờ không hề đơn giản. Nhờ vai trò là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, ngày 08/10/1926, cụ Huỳnh có đơn gửi Toàn quyền P. Pasquier xin phép xuất bản một tờ báo bằng chữ Quốc ngữ. Đến ngày 12/02/1927, Toàn quyền Đông Dương Pasquier mới ký quyết định cho phép báo được ra đời nhưng với những quy định khắt khe và phải dời trụ sở ra Huế.

Việc tìm địa điểm đặt tòa soạn, Cụ Huỳnh giao nhiệm vụ cho ông Trần Đình Phiên ra Huế tìm một ngôi nhà vừa làm trụ sở, vừa làm nơi in báo, và địa điểm đó là ngôi nhà số 123 đường Đông Ba, phố Hàng Bè (nay là số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng). Ngày 10/8/1927, báo Tiếng Dân ra số đầu tiên, Huỳnh Thúc Kháng là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, quản lý là Trần Đình Phiên.

Ảnh buổi lễ kỷ niệm Đệ Thập Châu Niên báo Tiếng Dân Huế tháng 10/1937 do cụ Huỳnh làm Chủ nhiệm (người ngồi giữa cầm quạt) chụp tại tòa soạn báo Tiếng Dân, cũng là trụ sở công ty Huỳnh Thúc Kháng

Từ đầu cho đến ngày 29/01/1936, Tiếng Dân phát hành tuần hai kỳ vào thứ Tư và thứ Bảy. Từ ngày 01/02/1936 đến 30/12/1939, trong thời kỳ vận động dân chủ, báo ra mỗi tuần ba số: thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy. Từ đầu năm 1940 trở về sau báo trở lại mỗi tuần hai số như trước.

Báo Tiếng Dân số 675 ra ngày 21/3/1934

Về tên gọi, tờ báo ban đầu được dự định đặt tên là Trung Thanh, vừa có ý nghĩa là tiếng nói ngay thẳng, vừa hàm nghĩa là tiếng nói của miền Trung, mà vẫn tên là “chữ”. Cụ Huỳnh đến hỏi ý kiến cụ Phan Bội Châu, cụ Phan nói “Đã báo Quốc ngữ thì để tên Tiếng Dân không rõ ràng hơn sao”. Tên báo ra đời, số nào cũng như số nào, chữ “Tiếng Dân” in to, đậm nét; bên dưới là tên báo bằng tiếng Pháp “La Voix du Peuple”. Chỉ cần nhìn vào tên của tờ báo, người đọc sẽ dễ dàng thấy được mục đích của nó cũng như tư cách của người chủ trương.

Về mặt hình thức, tờ báo có hai trang, nhiều số 4 trang rồi 6 trang. Mặc dù ít trang nhưng báo có khuôn khổ tương đối rộng (58 x 42cm) nên dung lượng bài báo khá phong phú. Nội dung của một tờ báo gồm các phần: Bình luận tình hình thế giới, trong nước, chuyện đời, vịnh sử, thơ văn, tin tức. Có phần dịch thuật tiểu thuyết cả Trung Hoa lẫn Pháp. Ngoài ra còn đăng các truyện dài, tiểu thuyết có tính cách giáo dục. Các nội dung của tờ báo được duy trì từ khi mới ra đời cho đến khi đóng cửa vẫn không thay đổi.

Ngay trên trang đầu các tờ báo, khung ở góc trên cùng bên phải đều có một câu cách ngôn, danh ngôn hoặc tư tưởng Đông – Tây. Các danh ngôn này bao giờ cũng phù hợp với mục đích của tờ báo và nhất là phải tùy trường hợp cũng như chủ đề mà các bài viết đang đề cập. Giá báo được niêm yết ở khung ở góc trên cùng bên trái trang đầu tờ báo. Phần cuối nội dung báo sẽ đăng những tin bài quảng cáo và tất cả nội dung đều được quản lý và kiểm duyệt kỹ càng.

Báo Tiếng Dân số 676 ra ngày 24/3/1934

Sự chủ động về tài chính, không bị lệ thuộc vào nhà cầm quyền Pháp hay một tổ chức nào của Nam triều, cũng là một nhân tố quan trọng giúp cụ Huỳnh lãnh đạo tờ báo đi đúng tiêu chí nói được tiếng nói của nhân dân, bênh vực quyền lợi của nhân dân,… Mặt khác, Tiếng Dân thu hút được nhiều cổ đông ủng hộ, tin tưởng góp vốn vào hoạt động kinh doanh là nhờ uy tín, tính minh bạch, công khai các hoạt động của công ty, đặc biệt là phần tài chính của người quản lý công ty, chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân.

Biên bản kiểm kê tài sản vật tư, tài liệu của nhà in báo Tiếng Dân (Thuận Hóa) thuộc công ty Huỳnh Thúc Kháng do hội đồng kiểm kê tài sản của công ty kiểm kê ngày 30 tháng 6 năm 1946

Được xem là tờ báo đầu tiên ở miền Trung và là tờ nhật báo duy nhất xuất hiện trước năm 1930, báo Tiếng Dân đã đóng một vai trò chính trị quan trọng trong đời sống của nhân dân Trung Kỳ, của những người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ với sự cộng tác của nhiều nhà trí thức có tinh thần dân tộc như Đào Duy Anh, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu,… Không những thế, mặc dù là tờ báo chính trị, nhưng cụ Huỳnh không quên đăng các bài thơ, văn tuyển chọn, thường là của Phan Bội Châu, Phan Tây Hồ, Bích Khê và nhiều cây bút tên tuổi khác. Bởi vậy, chính quyền thực dân đã bày ra nhiều hình thức khắc nghiệt đối với tờ báo, như mỗi tuần toà soạn phải tự tay đem nộp bài cho Ty kiểm duyệt trước khi lên khuôn một ngày (cả Pháp văn lẫn Việt văn) trong khi các báo khác trong nước không có điều kiện đó. Tuy nhiên, phương châm mà cụ Huỳnh đã xác định trong cuộc đời làm báo của mình là: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Toàn quyền Pháp lúc bấy giờ không thể chấp nhận thái độ “khó bảo” đó của cụ Huỳnh, ngày 21/4/1943, đã ra quyết định đình bản Báo Tiếng Dân.

Trong 16 năm hoạt động (1927-1943), với 1.766 số báo được xuất bản, Tiếng Dân là một trong những tờ báo tiêu biểu của báo chí yêu nước cách mạng. Tờ báo đã phản ánh lại một cách trung thực không khí, đời sống chính trị trong nửa đầu thế kỷ XX và đã thực sự có nhiều đóng góp cho lịch sử văn hóa miền Trung và cho báo chí Việt Nam. Cụ Huỳnh Thúc Kháng với báo Tiếng Dân vì vậy đã, đang và sẽ luôn sống mãi trong lịch sử báo chí Việt Nam cũng như lịch sử đấu tranh nước nhà. Qua những tư liệu, hiện vật được lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng, chúng ta càng hiểu, càng khâm phục khí phách và tài năng của một danh nhân đất Quảng, người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước (năm 1946) và ca ngợi “…là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…”.

 

Nguyễn Ngọc Huyền Trang

(P. Sưu tầm – Trưng bày và Bảo quản)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Quang Thắng, Huỳnh Thúc kháng – Con người và Thơ văn (1876 – 1947), NXB Văn học, 2006.
  2. https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/Thong-tin-du-dia-chi/tid/TRU-SO-TOA-SOAN-BAO-TIENG-DAN/newsid/F5ECB561-B3B5-43A9-BB32-A90A0092FE49/cid/B2D25314-6221-4D9F-A334-52ED47BDE698 XONG
  3. http://www.tapchisonghuong.com.vn/hue/p0/c107/n26081/Vai-net-ve-cong-ty-Huynh-Thuc-Khang-va-bao-Tieng-Dan.html
  4. https://congluan.vn/nho-ve-cu-huynh-thuc-khang–mot-chi-si-yeu-nuoc-noi-tieng-mot-nha-bao-can-truong-post59300.html

 

 

[1] Huỳnh Thúc Kháng tự truyện – Anh Minh (dịch). Xuất bản năm 1963, tr. 50.

[2] Huỳnh Thúc Kháng tự truyện – Anh Minh (dịch). Xuất bản năm 1963, tr. 48,49.

Tin liên quan