BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG VÀ CÁC DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ RỘN RÀNG TRONG DỊP GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG 2019

­

         Thời gian qua, vào các dịp nghỉ lễ, tết, Bảo tàng Đà Nẵng trở thành điểm tham quan quen thuộc đối với du khách và công chúng địa phương. Với kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch năm nay, đông đảo du khách và người dân Đà Nẵng đã đến tham quan, tìm hiểu các giá trị lịch sử – văn hóa đang được lưu giữ tại Bảo tàng. Thống kê trong 03 ngày lễ, Bảo tàng Đà Nẵng đã đón được 3.314 lượt khách tham quan.

Với sự đổi mới thường xuyên về nội dung và phương thức hoạt động, Bảo tàng Đà Nẵng đã từng bước khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch thành phố, là điểm đến thú vị, ý nghĩa của du khách khi dừng chân ở vùng đất bên sông Hàn. Đồng thời, nơi đây còn là “địa chỉ đỏ” không thể bỏ qua trên hành trình về nguồn của tuổi trẻ thành phố và các địa phương lân cận. Không chỉ tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về mảnh đất và con người Đà Nẵng mà công chúng còn được thỏa sức tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, khám phá thú vị khi đến với Bảo tàng.

Cũng trong dịp này, tại các di tích trên địa bàn thành phố cũng sôi nổi diễn ra các hoạt động truyền thống ý nghĩa, thiết thực. Đã thành thông lệ, hằng năm, vào ngày Quốc giỗ, hầu hết các đình làng trên địa bàn thành phố tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ Vua Hùng, tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai hoang lập nghiệp và nhắc nhở con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn, như: đình làng Hải Châu, đình làng Phước Hưng, đình Thái Lai, đình làng Thạc Gián…

Đã trở thành một nét đẹp văn hóa, lễ hội ở các đình làng tạo nên nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa giữa lòng thành phố. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, đầy đủ các phần Lễ Vọng, Chánh Tế, dâng lễ vật và dâng hương các bậc tiền nhân đã có công khai hoang, lập nghiệp. Phần hội bắt đầu diễn ra với các hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia như biểu diễn múa rối nước, thi văn nghệ, gói bánh chưng, bánh tét truyền thống và thi đấu các môn cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, thi khiêu vũ…

Hoạt động của Bảo tàng Đà Nẵng và hệ thống các di tích trên địa bàn thành phố đã mang đến cho công chúng dịp thưởng thức những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang nhiều ý nghĩa giáo dục truyền thống. Điều này không chỉ có ý nghĩa to lớn trong đời sống chính trị, văn hóa của người dân mà còn có ý nghĩa trong việc bảo tồn, trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ đạo lý “Uống nhớ nguồn” – nhớ về tổ tiên, nhớ về nguồn cội./.

Quỳnh Nga
(Phòng Giáo dục – Truyền thông)

Tin liên quan