BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG TRƯNG BÀY GIỚI THIỆU MỘT SỐ HIỆN VẬT CỦA ĐỒNG CHÍ HỒ NGHINH (1915-2007)

Đồng chí Hồ Nghinh tên thật là Hồ Hữu Phước, sinh ngày 15/02/1913 tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1929, ông tham gia cách mạng. Năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Ảnh: Đồng chí Hồ Nghinh (1913-2007)

Sau Hiệp định Genève (7/1954) ông được bố trí ở lại hoạt động (trong Ban Chấp hành Tỉnh ủy bí mật); tháng 5/1955, ông được điều về Ban Liên hiệp Đình chiến. Năm 1959, trở về chiến trường miền Nam và tham gia chiến đấu cho đến ngày toàn thắng (30/4/1975). Ông đã kinh qua các chức vụ: Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà (1962 – 1972), Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà (1967-1975), Ủy viên Thường vụ Khu ủy V, Ủy viên Chủ tịch đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Đại hội Mặt trận lần thứ nhất (02/1962).

Năm 1975, sau ngày giải phóng, đồng chí Hồ Nghinh làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng (1975-1982).

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV (1976 – 1982), ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương và ở Đại hội khóa V (1982 – 1986), ông được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh sau năm 1975, với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, ông chủ trương chỉ đạo cải tạo công thương nghiệp theo cách riêng của mình, thuyết phục được lãnh đạo ngành Thủy lợi và các quan chức lãnh đạo kinh tế Trung ương cho phép xây dựng đập Phú Ninh để giải quyết vấn đề kinh tế, dân sinh của tỉnh trong điều kiện nguồn vốn xây dựng cơ bản còn rất eo hẹp. Nhờ đó, 25.000ha đất cằn cỗi chiếm nửa tỉnh phía Nam từ một vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp thành cánh đồng lúa hai vụ bội thu. Không những vậy, ông còn là người quyết định giữ lại hai di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn trước những nguy cơ bị phá hoại.

Tại Đại hội khóa V, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1982, ông được cử làm Phó ban Kinh tế Trung ương cho đến khi nghỉ hưu. Năm 2006, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 16/3/2007 tại thành phố Đà Nẵng.

Sự nghiệp của đồng chí Hồ Nghinh có thể nói là sự nghiệp của một nhà trí thức luôn đồng hành cùng cách mạng và dân tộc, một nhân tố quan trọng trong sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Cả cuộc đời ông dành trọn cho dân cho nước.

Nhằm giới thiệu đến công chúng cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Hồ Nghinh – một người con xuất sắc của Quảng Nam – Đà Nẵng cũng như thể hiện lòng tri ân đến đồng chí, Bảo tàng Đà Nẵng trưng bày các hiện vật đã gắn bó với quá trình công tác cũng như đời sống hàng ngày của ông như: Súng lục, Cờ đeo tay, Đôi giày, Sổ ghi chép, Các loại thẻ, Bộ quần áo và Gậy Batoong tại không gian chuyên đề: “Đà Nẵng anh hùng”. Đây là những kỉ vật vô cùng quý báu mà đồng chí Hồ Nghinh và gia đình đã cất giữ trong nhiều năm. Đến tháng 02/2020, 13 năm sau ngày mất của ông, bà Lê Thị Xuân Ba (con dâu) đại diện gia đình đã hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng lưu giữ.

Cờ đeo tay Súng lục
Sổ ghi chép Tủ trưng bày các hiện vật

Ngọc Mỹ

                                                    (Phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản)

Tin liên quan