VÒNG ĐỜI HIỆN VẬT BẢO TÀNG – MỘT QUY TRÌNH KHOA HỌC

Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình trong một bối cảnh lịch sử nhất định, những hiện vật, tài liệu đủ tiêu chuẩn để trở thành hiện vật bảo tàng thì vòng đời lại được nối dài để sống mãi với thời gian, đưa những câu chuyện ý nghĩa đến với các thế hệ công chúng của bảo tàng. Khi một hiện vật được công nhận là hiện vật bảo tàng, nó sẽ bắt đầu một “cuộc sống mới”, được nghiên cứu, bảo tồn, trưng bày hoặc cho mượn và cuối cùng được lưu trữ cùng với các hiện vật khác trong kho cơ sở của bảo tàng. Vậy, vòng đời của một hiện vật bảo tàng diễn ra như thế nào? Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về quy trình khoa học của một hiện vật bảo tàng qua các bước cụ thể trong công tác chuyên môn nghiệp vụ.

1. Sưu tầm

Mỗi bảo tàng đều có tiêu chí sưu tầm hiện vật của mình tùy thuộc vào loại hình bảo tàng và điều kiện cơ sở vật chất bảo quản của bảo tàng. Khi bảo tàng chính thức quyết định nhận một hiện vật cho bộ sưu tập, trên thực tế, bảo tàng đang đồng ý bảo tồn vĩnh viễn hiện vật đó vì lợi ích của công chúng. Do kho bảo quản cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực của các bảo tàng là có hạn, chỉ những hiện vật đáp ứng các tiêu chuẩn về chính sách sưu tầm của bảo tàng, không bị trùng lặp với các hiện vật hiện có trong bộ sưu tập, ở tình trạng vật chất phù hợp để có ý nghĩa đối với công chúng và bảo tàng có thể đảm bảo điều kiện chăm sóc hợp lý mới được chấp nhận lựa chọn sưu tầm.

Các hiện vật bảo tàng được sưu tầm theo những hình thức khác nhau như hiến tặng, mua bán, chuyển nhượng; trong đó, đối với Bảo tàng Đà Nẵng, hình thức sưu tầm từ các cá nhân, tổ chức hiến tặng chiếm ưu thế.

Lễ tiếp nhận hiện vật tại Bảo tàng Đà Nẵng năm 2013. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng

2. Thẩm định và lập hồ sơ hiện vật

Sau khi bảo tàng xác định hiện vật, tài liệu đáp ứng tiêu chí sưu tầm của bảo tàng, hiện vật sẽ được xác minh thông qua Hội đồng khoa học của bảo tàng để thẩm định hồ sơ hiện vật bảo tàng. Hồ sơ hiện vật bảo tàng là tập hợp các tài liệu khoa học và pháp lý về hiện vật, được hình thành trong quá trình nghiên cứu, thu thập và xử lý thông tin, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc đưa hiện vật về bảo tàng (Cục Di sản văn hóa, 2014). Hồ sơ hiện vật bảo tàng bao gồm hồ sơ pháp lý và hồ sơ khoa học. Hồ sơ pháp lý xác nhận việc chính thức chấp nhận hiện vật vào bộ sưu tập bao gồm tài liệu về việc chuyển giao quyền sở hữu hợp pháp cho bảo tàng. Nếu như hồ sơ pháp lý đảm bảo tính hợp pháp của việc sở hữu và phát huy giá trị của hiện vật tại bảo tàng thì hồ sơ khoa học cung cấp các thông tin quan trọng về nguồn gốc, giá trị, ý nghĩa của hiện vật đó. Nói cách khác, đó chính là “phần hồn” của một hiện vật bảo tàng, lý giải vì sao hiện vật đó cần được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng. Hồ sơ khoa học thể hiện chi tiết các thông tin mô tả đầy đủ được ghi lại cùng với bất kỳ thông tin lịch sử nào từ người hiến tặng hoặc các nguồn tham khảo liên quan đến nguồn gốc, cách sử dụng và ý nghĩa của hiện vật. Một báo cáo tình trạng hiện vật cũng được hoàn thành ở giai đoạn này để cung cấp một tiêu chuẩn về tình trạng vật lý của hiện vật khi nó được đưa vào bảo tàng và cũng để xác định các lưu ý đặc biệt đối với việc lưu trữ, bảo quản hoặc sử dụng hiện vật.

3. Nhập kho cơ sở và bảo quản

Hiện vật sau khi được thẩm định và chính thức trở thành hiện vật bảo tàng sẽ bước vào quy trình tiếp theo là nhập kho cơ sở và bảo quản. Quy trình này sẽ xác định các điều kiện để bảo quản hiện vật trong môi trường tốt nhất có thể. Các yếu tố được quan tâm bao gồm các điều kiện môi trường như cường độ ánh sáng tia cực tím, độ ẩm, biến động nhiệt độ, bụi, nấm mốc, khói độc hoặc ăn mòn, côn trùng xâm nhập, hỗ trợ vật lý và sự ổn định của hỗ trợ đó, kiểm soát dịch hại và an ninh.

Trong quá trình được lưu trữ và bảo quản ở kho cơ sở của bảo tàng, hiện vật sẽ thường xuyên được theo dõi và can thiệp bảo quản khi cần thiết. Điều này bao gồm việc giám sát thường xuyên các điều kiện môi trường trong khu vực kho và phòng trưng bày; kiểm tra và lập hồ sơ hiện vật để đánh giá sự thay đổi của tình trạng hiện vật; dọn dẹp và bảo trì. Khi cần thiết và khả thi, các phương pháp bảo tồn do nhân viên hoặc người bảo quản chuyên nghiệp thực hiện.

Hiện vật được bảo quản trong kho cơ sở của Bảo tàng. Ảnh: Dương Hà

4. Trưng bày

Khi bảo tàng thực hiện các trưng bày thường xuyên hoặc trưng bày chuyên đề, các hiện vật liên quan đến chủ đề và đáp ứng các tiêu chí để sử dụng trong trưng bày sẽ được lựa chọn. Ngoài tiêu chí về giá trị hiện vật phù hợp với nội dung trưng bày, một điều kiện khác cần được quan tâm xem xét chính là tình trạng về vật lý của hiện vật có an toàn hay không dưới tác động của ánh sáng và các tác động khác trong quá trình được trưng bày. Điều này nhằm đảm bảo hiện vật không bị hư hại trong quá trình tham gia trưng bày, nhất là đối với các hiện vật độc bản, các hiện vật có các yêu cầu đặc biệt về bảo quản.

Giới thiệu hiện vật thông qua các cuộc trưng bày là cách phổ biến nhất để các bảo tàng lan tỏa giá trị hiện vật đến với công chúng.

5. Kiểm tra và đánh giá thường xuyên

Hiện vật trong kho và trên hệ thống trưng bày của bảo tàng sẽ thường xuyên được kiểm tra, theo dõi và đánh giá tình trạng để có những giải pháp bảo quản kịp thời khi có các vấn đề xảy ra với hiện vật. Ngoài ra, trong quá trình lưu giữ và bảo quản hiện vật, các bảo tàng có thể chuyển giao, thanh lý hoặc hủy hiện vật thông qua ý kiến tư vấn của Hội đồng khoa học bảo tàng. (Đối với các bảo tàng ở Việt Nam, quy trình này được thực hiện theo quy định tại khoản 3, điều 6 của Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng.)

Lễ bàn giao hiện vật giữa Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng Quảng Nam năm 2017. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng

Nhìn chung, trở thành hiện vật bảo tàng sẽ mở ra một giai đoạn mới cho vòng đời của một hiện vật. Từ đây, các các hiện vật sẽ được đảm bảo tính pháp lý, khẳng định các giá trị, tiếp nhận các điều kiện bảo quản tốt nhất có thể và lan tỏa thông điệp về giá trị thông qua các hoạt động trưng bày, giáo dục và truyền thông. Cũng từ các quy trình trong vòng đời hiện vật bảo tàng cho thấy những đòi hỏi ngày càng cao về trình độ chuyên môn của các cán bộ bảo tàng ở tất cả các khâu công tác nghiệp vụ. Một hồ sơ hiện vật bảo tàng được hoàn thiện đồng nghĩa với một vòng đời hiện vật được nối dài. Và mục đích cao nhất là làm sao để hiện vật phát huy cao nhất các giá trị của nó tại bảo tàng vì lợi ích của cộng đồng qua các thế hệ./.

Dương Hà

(Phòng Sưu Tầm, Trưng Bày và Bảo Quản)

Tin liên quan