Sáng 4/7, với sự chứng kiến của đông đảo người dân làng nghề, UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) chính thức tổ chức lễ vinh danh, đón nhận Bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL công nhận “Nghề làm nước mắm Nam Ô” là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu nhận bằng chứng nhận “Nghề làm nước mắm Nam Ô” là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Ảnh: HC) |
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô cho biết, làng nghề này đã có từ khoảng hơn 300 năm trước. Người dân Nam Ô xưa tới nay luôn tự hào sản phẩm của làng mình từng là sản vật tiến Vua. Nếu như năm 2016 toàn bộ làng nghề muối khoảng 100 tấn cá thì 2018 đã tăng lên gấp đôi (200 tấn) và năm 2019 khoảng gần 300 tấn, cho ra số lượng nước mắm khoảng 130 – 140 ngàn lít.
Tuy nhiên, để có được thành quả như hôm nay, làng nghề nước mắm Nam Ô đã phải trải qua biết bao thăng thầm, sóng gió. Nhiều lúc do bị cạnh tranh trên thị trường, thu nhập thấp… nên nghề làm nước mắm tưởng chừng bị thất bại, quên lãng. Nhưng với truyền thống làng chài, đến năm 2004 làng nghề nước mắm Nam Ô chính thức được khôi phục trở lại.
Từ chỗ một làng nghề nhỏ hẹp, hiện Nam Ô có 92 hộ làm nước mắm, trong đó có 54 hộ tham gia vào hội Làng nghề truyền thống, 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, 3 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp. Nước mắm Nam Ô đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp logo, nhãn hiệu tập thể. Nghề làm mắm đã tạo việc làm bền vững cho khoảng vài trăm lao động địa phương với mức thu nhập 3 – 5 triệu đồng/tháng.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy nhấn mạnh, không chỉ mang lại giá trị vật chất mà nước mắm Nam Ô còn là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của làng nghề truyền thống bao đời, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương. Không chỉ là món ăn, là gia vị mà còn là một phần của lịch sử, của văn hóa, hàm chứa những tri thức dân gian, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương của vùng biển Liên Chiểu.
“Trong khi nhiều loại mắm công nghiệp ra đời thì làng Nam Ô vẫn quyết giữ cách làm mắm truyền thống từ bao đời nay. Đặc biệt trong thời buổi cạnh tranh, việc người tiêu dùng thông minh lựa chọn nước mắm sạch không hóa chất, không chất bảo quản là một tín hiệu vui đối với bà con làng nghề.
Thêm nữa, mắm Nam Ô đã có mặt trong các buổi triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao, xuất hiện trên kệ của các siêu thị, các chợ lớn và cạnh tranh với các thương hiệu khác như mắm Nha Trang, mắm Ông Kỳ Phú Quốc, Nam Ngư, Chinsu… , điều đó cho thấy mắm Nam Ô đang nắm giữ thị trường và khẳng định được thương hiệu” – Ông Nguyễn Đăng Huy nhấn mạnh.
Trong khi nhiều loại mắm công nghiệp ra đời thì làng Nam Ô vẫn quyết giữ cách làm mắm truyền thống từ bao đời |
Phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch
Ông cũng nêu rõ, bên cạnh làng nghề có vị trí địa lý thuận lợi còn có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, lại gắn với các di chỉ văn hóa có lịch sử hình th0õi như: đền thờ bà Liễu Hạnh, dấu tích Huyền Trân Công Chúa, mộ cổ tiền hiền làng Nam Ô, lăng thờ cá Ông và các di chỉ, dấu tích Chăm… Đó là điều kiện thuận lợi và rất phù hợp để liên kết phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch.
Ngày 31/3/2020 UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch TP Đà Nẵng” với kinh phí gần 4,7 tỷ đồng với mục tiêu cụ thể như: đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người làm nước mắm, xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch của thành phố; khai thác các tiềm năng di tích, phong cảnh cũng như các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương…
Nhân dịp này, UBND quận Liên Chiểu cũng chính thức công bố Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô đầu tư trên vùng đất Nam Ô với tổng kinh phí 46,1 tỷ đồng.
“Tôi đề nghị chính quyền địa phương và bà con làng nghề tiếp tục phát huy giá trị di sản, trong đó đặc biệt chú ý nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Nghề làm nuớc mắm Nam Ô” gắn với phát triển du lịch của TP Đà Nẵng”; để làng nghề trở thành một sản phẩm độc đáo nhằm giới thiệu, quảng bá nét văn hóa biển đặc sắc, mang lại những lợi ích trong phát triển kinh tế xã hội cho địa phương và cộng đồng, đặc biệt là kinh tế du lịch” – Ông Trần Văn Miên nói.
Hải Châu