Giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống văn hóa cho công chúng, đặc biệt là cộng đồng địa phương là nhiệm vụ và là trách nhiệm xã hội của bảo tàng. Thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ khi thành lập, Bảo tàng Đà Nẵng đã xác định chức năng quan trọng của mình là nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học, bao gồm giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa cho công chúng. Trong những năm gần đây, vai trò của Bảo tàng trong việc giáo dục lịch sử văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa địa phương nói riêng ngày càng thể hiện rõ nét ở cả chiến lược phát triển của Bảo tàng cũng như các hoạt động thực tiễn.
Thứ nhất, về mặt chiến lược phát triển của Bảo tàng Đà Nẵng:
Trong chiến lược hoạt động của Bảo tàng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giáo dục lịch sử văn hóa, xem đây là nhiệm vụ then chốt và được cụ thể hóa thông qua các chương trình công tác thường xuyên cũng như các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra hàng năm của Bảo tàng. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này luôn được Ban Lãnh đạo Bảo tàng rà soát, quán triệt và giám sát theo từng mốc thời gian cụ thể thông qua các cuộc họp giao ban, các sinh hoạt chuyên môn và sinh hoạt chuyên đề của cơ quan. Nhờ đó, cán bộ các phòng chuyên môn nhận thấy được tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục lịch sử văn hóa và xem đó là trọng tâm trong quá trình lập kế hoạch cũng như triển khai thực hiện công tác chuyên môn của Bảo tàng.
Chiến lược đẩy mạnh hoạt động giáo dục lịch sử văn hóa cho công chúng còn được Bảo tàng thể hiện trong việc mở rộng các mối liên hệ, hợp tác với các cơ quan, đơn vị liên quan như: thư viện, các bảo tàng trong hệ thống, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa để tăng cường giao lưu, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và trở thành đầu mối, thành trung tâm kết nối công chúng với các sự kiện, các chương trình quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương và dân tộc.
Thứ hai, về hiệu quả thực tiễn các hoạt động giáo dục lịch sử văn hóa của Bảo tàng Đà Nẵng:
Giờ học ngoại khóa tại Bảo tàng Đà Nẵng
Với định hướng chiến lược rõ ràng, các chương trình hoạt động của Bảo tàng Đà Nẵng ngày càng phát huy hiệu quả trong việc giáo dục lịch sử văn hóa cho công chúng. Từ chỗ rất ít người dân biết đến Bảo tàng, đến nay Bảo tàng Đà Nẵng đã trở thành một cơ sở giáo dục ngoài trường học dành cho các hoạt động ngoại khóa, giáo dục lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Trung bình một năm, Bảo tàng Đà Nẵng đón trên 20.000 lượt học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, hoạt động giáo dục lịch sử, văn hóa của Bảo tàng có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về số lượng và chất lượng. Đây là giai đoạn Bảo tàng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, xây dựng Bảo tàng thành một không gian học tập quan trọng của cộng đồng với các hoạt động đi vào chiều sâu, có sự đầu tư nghiên cứu. Từ chỗ lấy đối tượng học sinh, sinh viên làm trọng tâm, các hoạt động giáo dục lịch sử, văn hóa của Bảo tàng đã có sự đổi mới, hướng tới mục tiêu đa dạng công chúng, nhằm đưa các giá trị văn hóa truyền thống đến với nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Thời gian gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị đã lựa chọn Bảo tàng Đà Nẵng làm điểm đến để bồi dưỡng kiến thức và giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương cho cán bộ, đảng viên. Thay vì tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị theo cách truyền thống, ngày càng có nhiều đảng bộ, chi bộ chuyển các buổi sinh hoạt chính trị đến tổ chức tại Bảo tàng. Trong các buổi sinh hoạt này, các thành viên được tham quan, nghe giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa của mảnh đất và con người Đà Nẵng. Đây là một sự đổi mới đáng kể, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, ôn lại truyền thống yêu nước, cách mạng và phát huy các giá trị di sản văn hóa của cha ông để lại.
Chi bộ phòng Khoa giáo – Văn xã, thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại Bảo tàng Đà Nẵng
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bảo tàng đã phối hợp tổ chức hơn 40 buổi sinh hoạt chuyên đề giáo dục chính trị, tư tưởng tại Bảo tàng và di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải cho hơn 1.000 đảng viên của các chi, đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố. Từ đó cho thấy vị thế, vai trò quan trọng của Bảo tàng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn thành phố; đồng thời cũng khẳng định tính hiệu quả của các hoạt động thực tiễn tại Bảo tàng. Nhìn từ góc độ văn hóa xã hội, điều này góp phần không nhỏ vào chiến lược phát triển chung của thành phố Đà Nẵng; trong đó các giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ, phát huy thông qua các hoạt động của Bảo tàng sẽ trở thành điểm tựa, là gốc rễ và là nguồn lực cho sự phát triển bền vững của thành phố.
Từ trước đến nay, khi nói đến giáo dục chúng ta thường giới hạn đối tượng chính là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, khái niệm giáo dục trong hoạt động bảo tàng được mở rộng tới mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Cũng chính vì vậy, bảo tàng trở thành một thiết chế không thể thiếu trong mục tiêu xây dựng xã hội học tập suốt đời. Giáo dục lịch sử, văn hóa vừa là chức năng, vừa là sứ mệnh của Bảo tàng. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, trước hết bảo tàng cần phải mở ra con đường để công chúng tiếp cận và nhận thấy được những giá trị của bảo tàng trong việc nâng cao tri thức, hiểu biết và trải nghiệm của họ. Các buổi sinh hoạt chính trị được phối hợp tổ chức giữa các cơ quan, đơn vị với Bảo tàng Đà Nẵng cũng gợi mở những hướng đi mới trong việc đa dạng hoạt động giáo dục công chúng của Bảo tàng.
Rõ ràng, bảo tàng có những lợi thế nhất định để trở thành một điểm đến không thể thiếu, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về lịch sử, văn hóa cho công chúng, nhưng trong bối cảnh xã hội hiện đại, sự “cạnh tranh” với các hình thức học tập, vui chơi, giải trí khác cũng đặt ra cho bảo tàng không ít thử thách. Điều này buộc bảo tàng phải luôn làm mới mình để trở thành một điểm đến thu hút công chúng.
Chúng ta tin tưởng rằng với nguồn lực dồi dào từ các bộ sưu tập có giá trị về lịch sử văn hóa, cùng với sự kiên trì, nỗ lực của Ban Lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng trong định hướng gắn kết bảo tàng với công chúng, Bảo tàng Đà Nẵng đã và sẽ trở thành một trung tâm giáo dục cộng đồng quan trọng, nơi đáp ứng nhu cầu trải nghiệm các giá trị lịch sử văn hóa của cả người dân địa phương và du khách đến với thành phố Đà Nẵng.
Dương Thị Hà
(Phòng Giáo dục và Truyền thông)