Bảo tàng Đà Nẵng là một trong những thiết chế văn hóa quan trọng của thành phố Đà Nẵng – nơi lưu giữ đầy đủ nhất những giá trị về văn hóa, lịch sử của thành phố.
Với chức năng nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học, trong những năm qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã phối hợp với Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục lịch sử – văn hóa cho học sinh các cấp, cũng như góp phần đổi mới việc dạy và học lịch sử, khơi gợi niềm yêu thích đối với lịch sử và di sản văn hóa của thế hệ trẻ.
Từ năm 2014, Bảo tàng Đà Nẵng bắt đầu triển khai các hoạt động giáo dục và hướng đến các đối tượng học sinh, sinh viên, lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm. Từ đó, xây dựng những chương trình giáo dục theo phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, giảm lý thuyết, tăng cường tính trải nghiệm và tương tác để tạo sự hứng thú, hứng khởi cho các em, lấy các tư liệu, hiện vật của Bảo tàng làm giáo cụ trực quan. Có thể kể đến các chương trình giáo dục đã khẳng định được tính hiệu quả, tạo được dấu ấn, mang đến thương hiệu riêng cho Bảo tàng Đà Nẵng như: “Em yêu lịch sử”, “Giờ học ngoại khóa tại Bảo tàng”, “Ngược dòng ký ức”, “Nghe hiện vật kể”, “Nghệ nhân trao truyền”, “Thuyết minh viên nhí”, “Nhà khảo cổ học nhí”, Tour bộ hành “Dạo bước sông Hàn”,…Trong đó, “Giờ học ngoại khóa tại Bảo tàng” là một chương trình nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của nhà trường và học sinh. Chương trình được xây dựng, thiết kế dựa trên nguồn tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 xảy ra, đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có hoạt động của thiết chế bảo tàng. Năm 2020 và 2021, Bảo tàng Đà Nẵng đã nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội theo chủ trương của thành phố. Đứng trước bối cảnh phải thích ứng an toàn với đại dịch, Bảo tàng Đà Nẵng cũng như hệ thống bảo tàng trong cả nước đều tập trung thúc đẩy chuyển đổi số trong tổ chức các hoạt động giáo dục. Tháng 9/2021, Cục Di sản văn hóa và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức lớp tập huấn “Giáo dục online” và Bảo tàng Đà Nẵng đã cử cán bộ Phòng Giáo dục – Truyền thông tham gia chương trình này.
Lớp tập huấn “Giáo dục online”
Qua 06 tháng tham gia lớp tập huấn, các cán bộ bảo tàng đã được học các kỹ năng như: biên soạn kế hoạch bài giảng, xây dựng tư liệu dạy học, thiết kế bài giảng trên Powerpoint, sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến… Được sự giúp đỡ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức các buổi học thử nghiệm “Giáo dục online” cho các em học sinh thuộc khối tiểu học và trung học cơ sở đến từ các tỉnh, thành của ba miền đất nước. Chương trình đã tổ chức được hơn 20 lớp (trường Tràng An Hà Nội, trường Vinschool Hà Nội, trường Bill Gates School…), đã thu hút sự quan tâm của nhà trường, phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh.
Giờ học trực tuyến chủ đề “Danh tướng Nguyễn Tri Phương” cho các bạn học sinh Trường Tiểu học Tràng An Hà Nội
Giờ học trực tuyến chủ đề “Danh tướng Nguyễn Tri Phương” cho các bạn học sinh Trường Bill Gates School
Nhận thấy tầm quan trọng của việc dạy và học trực tuyến trong tình hình đại dịch COVID, cũng như hy vọng mang đến nhiều cơ hội học tập lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương cho các bạn học sinh; sau quá trình tham gia lớp tập huấn “Giáo dục online”, năm 2022, Bảo tàng Đà Nẵng đã xây dựng 03 chuyên đề giáo dục theo cả 02 hình thức trực tiếp và trực tuyến: (1) Di sản nghề thủ công truyền thống Đà Nẵng (dành cho học sinh Tiểu học); (2) Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống Liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860) (dành cho học sinh Trung học cơ sở); (3) Đà Nẵng từ thời tiền sơ sử đến giữa thế kỷ XIX (dành cho học sinh Trung học phổ thông). Các chuyên đề đều được Hội đồng Khoa học của Bảo tàng Đà Nẵng họp nhiều lần để góp ý, bổ sung, chỉnh sửa và thông qua.
Hội đồng Khoa học của Bảo tàng Đà Nẵng cho ý kiến đối với chuyên đề “Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống Liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860)”
Tháng 7/2022, Bảo tàng Đà Nẵng đưa vào triển khai hoạt động “Giờ học trực tuyến” với chủ đề “Di sản nghề thủ công truyền thống Đà Nẵng” trong chương trình “Chào Hè 2022” và đã nhận được sự quan tâm của nhiều trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Chương trình được tổ chức trong 04 tuần với 04 chủ đề khác nhau: Nghề làm nước mắm Nam Ô, Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non nước, Nghề làm bánh tráng Túy Loan, Nghề dệt chiếu Cẩm Nê. Chương trình sử dụng nền tảng Google Meet, đơn giản, dễ sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phần lớn phụ huynh và học sinh tham gia vào lớp học. Từ ngày 28/7/2022 đến ngày 11/8/2022, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức thành công 04 buổi học trực tuyến, mỗi buổi có từ 40-45 học sinh tham gia. Hầu hết các bạn học sinh đều tham gia đầy đủ cả 04 chủ đề lớp học và hào hứng phát biểu, tương tác, tạo sự sôi nổi, hứng thú. Nhiều phụ huynh quan tâm đã tham gia học cùng con, biết thêm nhiều kiến thức bổ ích, rất ủng hộ chương trình và mong muốn con được tiếp tục tham gia các khoá học tiếp theo.
Giờ học trực tuyến chủ đề “Di sản nghề thủ công truyền thống Đà Nẵng” dành cho các em tiểu học trong dịp hè
Hình ảnh buổi học trực tuyến “Nghề làm bánh tráng Túy Loan tại Đà Nẵng”
Những chia sẻ của phụ huynh sau 04 buổi học trực tuyến của Bảo tàng Đà Nẵng
Bước vào năm học 2022 – 2023, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) tổ chức 06 buổi giờ học trực tuyến với chủ đề “Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống Liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 -1860)” với hơn 200 học sinh tham gia. Giờ học diễn ra chất lượng, hiệu quả, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của thầy cô và học sinh. Cô Thanh Tịnh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Vương cho biết: “Chương trình học trực tuyến là chương trình ý tưởng rất hay. Nội dung được thiết kế công phu, hình ảnh đẹp, kiến thức chọn lọc, phù hợp với lứa tuổi nên các con hào hứng học tập và ghi nhớ một cách nhẹ nhàng, không nặng nề, gò bó. Cán bộ Bảo tàng có khả năng truyền đạt tốt và cực kì tâm huyết. Vì vậy, học sinh tích cực học tập, nắm chắc nội dung bài học và có ý thức tự tìm hiểu thêm về lịch sử – văn hóa…”.
Giờ học trực tuyến chủ đề “Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống Liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860)” tại khối lớp 8, Trường THCS Trưng Vương
Với các ưu điểm là thông tin, tài liệu, hình ảnh phong phú, giúp người học chủ động sắp xếp thời gian, tăng tính tương tác với người hướng dẫn, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, an toàn trong giai đoạn dịch bệnh…, “Giờ học trực tuyến” là hướng hoạt động phù hợp trong thời đại công nghệ như hiện nay. Hơn nữa, phương thức học online không chỉ tạo ra sân chơi vui học bổ ích cho các em học sinh tại các trường học và những em nhỏ trong dịp hè mà còn mở ra cơ hội tương tác với nhiều đối tượng khách tham quan, góp phần quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa của dân tộc.
Sau thời gian trực tiếp triển khai chương trình “Giờ học trực tuyến” cũng như tổng hợp ý kiến, nhận xét từ phụ huynh, giáo viên và chính các bạn học sinh trực tiếp tham gia lớp học, Bảo tàng Đà Nẵng nhận thấy giờ học đã tạo được sự hứng thú và niềm yêu thích, say mê lịch sử và giá trị văn hóa địa phương, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ, để từ đó các em có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Những lời cảm tưởng, những dòng cảm ơn của thầy cô và các em học sinh thực sự là món quà tinh thần, là động lực to lớn giúp cho cán bộ Bảo tàng ngày càng nỗ lực hơn nữa để đem đến cho các em nhiều sân chơi bổ ích, tươi vui và đầy ý nghĩa.
Đối với Bảo tàng Đà Nẵng, sự chuyển biến trong nhận thức của công chúng, đặc biệt là giới trẻ về Bảo tàng, sự hình thành thói quen chủ động đến tham quan, tìm hiểu lịch sử địa phương là phần thưởng lớn nhất cho những nỗ lực trong công tác giáo dục tại Bảo tàng. Vừa qua, chương trình “Giờ học trực tuyến” của Bảo tàng Đà Nẵng đã được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố công nhận là “Sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với thành phố Đà Nẵng” năm 2022.
Hứa hẹn trong thời gian sắp đến, chương trình giáo dục ngoại khóa của Bảo tàng Đà Nẵng sẽ có nhiều chuyên đề giáo dục lịch sử – văn hóa hấp dẫn hơn, mở rộng trên khắp cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh có thể đăng ký tham gia.
Khánh Vy – Bảo Vy
(Phòng Giáo dục – Truyền thông)