Thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt: Vẻ vang dấu tích oai hùng của tiền nhân

(ictdanang) – Đúng vào dịp kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29 tháng 3 năm 1975 – 2018), UBND TP Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng, Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức trọng thể lễ đón nhận “Bằng Công nhận Thành Điện Hải là Di tích quốc gia đặc biệt”; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi về sự kiện quan trọng này.

Dâng hương tưởng nhớ Danh tướng Nguyễn Tri Phương và các Nghĩa sỹ, quân binh hy sinh trong buổi đầu đánh Pháp.

– Ảnh: trong bài: T.N.

Thưa ông, ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt VIII) năm 2017. Theo đó, Di tích lịch sử Thành Điện Hải (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là 1 trong 9 di tích của cả nước được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt đợt này. Vậy xin ông cho biết, theo quy định hiện hành, di tích nào được xếp được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt ? Và trên cả nước, những Thành cổ như Thành Điện Hải Đà Nẵng, đã có Thành cổ nào được công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt” chưa, thưa Ông?

Ông Huỳnh Văn Hùng:

Luật Di sản văn hóa quy định cụ thể các tiêu chí để xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, nếu đáp ứng được các tiêu chí: Công trình xây dựng địa điểm gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc, gắn với các anh hùng dân tộc, danh nhân lịch sử có ảnh hưởng to lớn tới tiến trình lịch sử của dân tộc.

Đoàn Thanh niên Bộ đội Biên phòng TP đến tham quan tìm hiểu về di tích – công trình phòng thủ Thanh Điện Hải của ông cha.

Thành Điện Hải chúng ta được xây dựng vào năm 1823, dưới thời vua Minh Mạng, đây là công trình phòng thủ quân sự kiên cố, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt, đẫm máu, nơi chứng kiến sự xả thân vì nghĩa lớn của hàng ngàn quân dân, binh lính, tướng lĩnh, chỉ huy của ta chống lại giặc xâm lăng của liên quân Pháp – Tây Ban Nha vào năm 1858.

Dựa vào Thành Điện Hải và các công trình phòng thủ khác, dưới sự chỉ huy của Vua Tự Đức; sự mưu trí dũng cảm của các danh tướng Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương; quân dân ta đã làm thất bại mưu đồ “đánh nhanh thắng nhanh” của quân địch, buộc chúng phải rút lui sau 18 tháng giao tranh. Đây là thắng lợi vang dội nhất của quân dân ta khi thực dân Pháp xâm lăng trước khi nước ta giành được độc lập năm 1945.


Trong ảnh: Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện báo cáo nhanh với Chủ tịch UBNDTP Huỳnh Đức Thơ công tác chuẩn bị để khởi công các hạng mục tôn tạo, phục dựng, trùng tu Thành Điện Hải (ảnh chụp thời khắc chuẩn bị đón Giao thừa  Đinh Dậu 2017 – Mậu Tuất 2018; đoàn đại biểu Lãnh đạo UBNDTP và các Sở, ngành đến dâng hương trước Tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương).

Nếu xét trên các tiêu chí là ngôi thành được xây dựng với mục tiêu phòng thủ, đánh trả các cuộc đổ bộ từ cửa sông lên đất liền; được xây dựng ở một vị trí chiến lược. Đồng thời, tại ngôi thành phòng thủ này, cũng đã diễn ra những trận đánh ác liệt của cha ông ta với các lực lượng xâm lược ngoại bang, thì Thành Điện Hải là ngôi thành phòng thủ đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng ký quyết định công nhận “di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Thưa ông, những năm qua, Bảo tàng Đà Nẵng, Sở Văn hóa-Thể thao, UBND TP Đà Nẵng đã có những chủ trương, biện pháp và đã thực thi giải pháp nào để giữ gìn “báu vật quốc gia” Thành Điện Hải ?

Ông Huỳnh Văn Hùng:

Một thời gian rất dài, di tích Thành Điện Hải bị lấn chiếm, xâm hại rất nặng nề. Khuất lấp dưới các công trình dân sinh và các cơ quan nhà nước. Nếu không kịp thời và quyết định hành động bảo vệ thì chẳng bao lâu di tích này sẽ biến dạng rồi biến mất.

Trước tình hình đó, Sở Văn hóa-Thể thao đã nhiều lần báo cáo và tham mưu lãnh đạo cấp thành phố có giải pháp bảo vệ, bảo tồn để tiến tới phát huy giá trị di tích và lãnh đạo thành phố đã đồng ý.

 Hoàn tất giải tỏa 80 hộ dân ở phía Tây Thành Điện Hải. Vùng đệm của di tích đã được bảo bảm.

Việc đầu tiên là quy hoạch, khoanh vùng, từng bước trả lại mặt bằng, không gian di tích, bao gồm cả yếu tố gốc lẫn phần đệm. Thành phố đã chỉ đạo tháo dỡ trụ sở làm việc của Trung Tâm thể thao người cao tuổi, Câu lạc bộ Thái Phiên; có quyết định dừng hẳn việc xây dựng Trung tâm lưu trữ ở phía Bắc và đặc biệt là giải tỏa toàn bộ nhà ở của 80 hộ dân ở phía Tây (của Thành Điện Hải); lên phương án chuyển dời Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng (đang nằm trong khuôn viên và trên di tích) đến số 42 Bạch Đằng (tòa nhà hiện là nơi làm việc của HĐNDTP).

Song song với những quyết định trên của cấp có thẩm quyền được thực thi, Sở Văn hóa-Thể thao TP phối hợp với các cơ quan, làm hồ sơ đề nghị, và đã được Thủ tướng ký quyết định xếp hạng Thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng ông Huỳnh Văn Hùng là người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để bảo tồn, vinh danh giá trị “có một không hai” của Thành Điện Hải.

Sự quan tâm và những canh cánh thường trực trong lòng ông về một ngôi Thành cổ, nếu không sớm những biện pháp, sẽ đi vào quên lãng và phế tích, có từ lúc ông còn giữ cương vị Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng…

Được công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt”, Thành Điện Hải sẽ có những cơ hội và điều kiện gì trong phục dựng, trùng tu, tôn vinh giá trị độc đáo cũng như quảng bá sâu rộng hơn và, thưa ông, công việc ngay sau buổi lễ và suốt năm 2018 của Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng chúng ta đối với Thành Điện Hải sẽ là những nội hàm gì ?

Ông Huỳnh Văn Hùng:

 Kiến trúc độc đáo của Thành Điện Hải.

 
Sau khi được xếp hạng di tích quốc gia, Thành Điện Hải có đầy đủ cơ sở để bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam.

Ngay trong ngày tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt 29/3/2018, Sở Văn hóa-Thể thao TP cũng sẽ tổ chức lễ khởi công dự án, tu bổ, phục hồi, tái tại và phát huy giá trị lịch sử di tích giai đoạn 1.

Giai đoạn này sẽ phục hồi toàn bộ thành vách và hồ nước, giải phóng mặt bằng và tạo dựng cảnh quan bên ngoài thành (dự kiến thực hiện trong 2 năm 2018-2019).

Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiến hành từ giữa năm 2019 đến hết năm 2020 với các hạng mục bên trong thành. Đây là việc làm đòi hỏi sự cẩn trọng, nghiêm túc, bởi thực tế nhiều nơi đã xảy ra tình trạng tu bổ di tích nhưng làm biến dạng di tích, mất yếu tốc gốc của di tích. Để triển khai giai đoạn 2, Sở Văn hóa-Thể thao TP sẽ triển khai một số cuộc hội thảo chuyên đề, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về trùng tu di tích trên cả nước.

Bên cạnh đó, được sự đồng ý của lãnh đạo TP, Sở cũng sẽ cử các cán bộ sang Pháp – Tây Ban Nha để tìm kiếm đầy đủ các tư liệu liên quan.


Năm 2017, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục tổ chức các hoạt động tại khu vực sân vườn với mục đích kết hợp giới thiệu di tích
Thành Điện Hải (thay vì các hoạt động diễn ra tập trung bên trong bảo tàng).

Đã có 11 buổi “Giờ học ngoại khóa” của học sinh các cấp trên địa bàn Đà Nẵng với chủ đề liên quan đến di tích lịch sử
Thành Điện Hải được tổ chức ngay tại Thành Điện Hải.

Bảo tàng Đà Nẵng cũng phối hợp với Đoàn Thanh niên các phường, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức sinh hoạt cho thanh
thiếu niên; trong đó, giới thiệu, thuyết minh chuyên sâu về nội dung, ý nghĩa của di tích Thành Điện Hải; tổ chức các buổi
sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”cho hàng trăm học sinh trên địa bàn với các chủ đề:“Danh nhân Xứ Quảng”, “Đà Nẵng
– Những chặng đường lịch sử”.

Tổng cộng năm 2017, Bảo tàng Đà Nẵng – Di tích Thành Điện Hải đã đón 198.923 lượt khách tham quan (trong đó 159.300
khách nước ngoài), tăng 152% so với năm 2016. Tiêu biểu có các đoàn: Đoàn phu nhân và phu quân của các đại biểu
tham dự Hội đồng tư vấn kinh doanh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (ABAC) – Tuần lễ Diễn đàn
cấp cao APEC; đoàn tham quan của Nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương; đoàn đại biểu Ban Nghi lễ Bộ Quốc Phòng.

Số lượng học sinh, sinh viên đến với Bảo tàng Đà Nẵng – Di tích Thành Điện Hải năm 2017 là 16.549 em. Đây là con số
rất ý nghĩa.

Trong ảnh: Các Chiến sỹ trẻ nghiêm trang chào danh tướng Nguyễn Tri Phương.

T.Ngọc –Nguyệt Quế

thực hiện

Tin liên quan