Thành Điện Hải là biểu tượng của lòng yêu nước và đức hy sinh của nhân dân Đà Nẵng

(ictdanang) – Sáng nay đúng vào dịp kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng TP Đà Nẵng, (29 tháng 3 năm 1975 – 2018) đã diễn ra trọng thể Lễ đón nhận Bằng công nhận Thành Điện Hải là “Di tích quốc gia đặc biệt”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện  trao Bảng xếp hạng “Thành Điện Hải là Di tích quốc gia đặc biệt” đến Chủ tịch UBNDTP Huỳnh Đức Thơ.

– Ảnh trong bài: T.N.

Chứng tích “Đà Nẵng đại diện cho nhân dân cả nước và cùng nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến giai đoạn 1858-1860”

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ khẳng định:

Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải đã thể hiện đánh giá cao của Đảng, Nhà nước về truyền thống yêu nước, đi đầu chống giặc ngoại xâm của nhân dân Đà Nẵng; đồng thời, cũng ghi nhận nhiều nỗ lực trong những năm gần đây của Đảng bộ – Chính quyền và Nhân dân TP trong quyết tâm bảo tồn di tích đặc biệt quan trọng này.

Lễ đón nhận Bằng công nhận Thành Điện Hải là “Di tích quốc gia đặc biệt”; cùng nghi thức khởi công “Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo (giai đoạn 1) di tích Thành Điện Hải” là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 160 năm “Ngày nhân dân Đà Nẵng đại diện cho nhân dân cả nước và cùng nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược” (1/9/1858 – 1/9/2018).

Trải qua gần 200 năm lịch sử, chịu sự tác động của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh và của cả con người, Thành Điện Hải đã và đang bị xuống cấp trầm trọng.

Việc cần làm ngay là khẩn trương bắt tay vào tu bổ, tôn tạo và phục dựng, giữ gìn giá trị của Thành Điện Hải – ngôi thành là tâm điểm trong cuộc đụng đầu lịch sử của dân tộc ta với chủ nghĩa đế quốc phương Tây, các thế lực ngoại bang xâm lược, có ưu thế, hơn hẳn chúng ta về trình độ sản xuất; Thành Điện Hải vừa là chứng tích hùng hồn, vừa là biểu tượng về lòng yêu nước và đức hy sinh của nhân dân Đà Nẵng trong sự nghiệp chiến đấu bảo về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là niềm tự hào vang dội của quan, quân triều Nguyễn, của nhân dân Đà Nẵng trong buổi đầu đánh giặc ngoại xâm giai đoạn cận đại.

Tiếp theo sau việc tu bổ, phục hồi, tôn tạo Thành Điện Hải, trong tháng 4/2018 đến, TP Đà Nẵng sẽ khởi công tu bổ, phục hồi, tôn tạo Nghĩa trũng Khuê Trung (còn gọi là Nghĩa trũng Hòa Vang) – Nghĩa trang Liệt sỹ quy tập quan, quân, nghĩa sỹ và đồng bào hy sinh và tử trận trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở mặt trận Đà Nẵng trong những năm 1858-1860 (nơi đây an táng khoảng 1.500 hài cốt). Dự ước đầu tư với kinh phí 5 tỷ đồng.

Chủ tịch Huỳnh Đức nhấn mạnh thêm: Các công trình Thành Điện Hải, Nghĩa trũng Khuê Trung sau tôn tạo, phải trở thành những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ ngày nay và mai sau; là điểm đến để tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu thêm về lịch sử vùng đất Đà Nẵng trên hành trình trải nghiệm của du khách trong nước, quốc tế. Bởi Đà Nẵng chính là “đột phá khẩu” của các thế lực ngoại bang khi đến xâm lược Việt Nam”.

Công trình chiến lũy độc đáo, hiệu quả phòng thủ làm ngoại xâm phải khiếp sợ 

Thành Điện Hải được xây dựng vào thời Gia Long thứ 12 (năm 1813) ở ven sông Hàn với tên gọi đồn Điện Hải. Đến đời vua Minh Mạng thứ 4 (năm 1823), thì đồn được chuyển dời vào bên trong đất liền. Vị trí mới của Đồn Điện Hải, sau đó được đổi tên là Thành Điện Hải, tồn tại (từ 1823) cho đến ngày nay nay thuộc địa bàn phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

Thành Điện Hải được xây chủ yếu bằng gạch, thiết kế kiểu Vauban châu Âu. Năm 1847, thành được mở rộng với chiều cao hơn 5m, chu vi 556m, được bao quanh bởi các hào sâu 3m. Thành có hai cửa: cửa chính mở về phía Nam và cửa phụ mở về phía Đông.

Trong thành có các công trình như kỳ đài, hành cung, các cơ sở chứa lương thực, thuốc súng, đạn dược và đặc biệt có thể chứa được 30 ụ đại bác cỡ lớn.

Ngày 1/9/1858, lần đầu tiên, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã nổ súng xâm chiếm Việt Nam, với 14 chiến thuyền và gần 2.500 sỹ quan, quân lính. Thành Điện Hải đã trở thành tiền đồn ngăn bước chân kẻ thù. Và với sự chỉ huy dày dạn, khôn ngoan của các danh tướng như Lê Đình Lý (là Tổng thống tiễu bộ quân vụ đại thần); đặc biệt là tài ba quân sự của tướng Nguyễn Tri Phương (nguyên là Kinh lược sứ Nam Kỳ, được điều về làm Tổng thống quân vụ Quảng Nam).

Cùng với hệ thống công trình phòng thủ là các lũy chạy dài từ Hải Châu vào tới Phúc (Phước) Ninh, Thanh Giản; chủ trương phục kích, thực hiện “vườn không, nhà trống” (để cô lập và triệt đường tiếp tế) đối với liên quân ngoài mé biển (theo lệnh của Tổng thống quân vụ Nguyễn Tri Phương); Thành Điện Hải đã trở thành pháo đài chiến đấu dũng mãnh, ngăn chặn bước tiến và làm thất bại chủ trương đánh nhau của đội quân xâm lược.

Ngày 23/3/1860, lực lượng liên quân Pháp – Tây Ban Nha phải rút khỏi Đà Nẵng để lại nhiều xác chết của sỹ quan và binh lính (sau được gom lại và chôn cất ở một nơi tồn tại cho đến bây giờ: Nghĩa địa Y Pha Nho hay Khu mả Tây, nằm ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
“Cũng từ đó, không có lực lượng liên quân nào với Pháp quay lại tấn công Đà Nẵng. Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược giữa thế kỷ 19 là một trong những trang sử vẻ vang không chỉ của Đà Nẵng mà còn là của cả dân tộc” – Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Đưa di tích Thành Điện Hải vào trục du lịch khám phá di tích, di sản toàn vùng

Thay mặt Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhấn mạnh: Thành Điện Hải là biểu tượng sáng ngời về tinh thần yêu nước mãnh liệt của quan, quân và nhân dân ta trong buổi đầu kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược.

Bộ trưởng đề nghị UBND TP Đà Nẵng khẩn trương xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn Thành Điện Hải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; trong định hướng tôn tạo di tích cần chú ý đến các yếu tố gốc như kè, hào, thành lũy và cùng với phục dựng nguyên trạng các yếu tố là hạng mục quan trọng của thành xưa, cần chú ý có thêm không gian triển lãm, trưng bày, giới thiệu về Thành Điện Hải, lại vừa có không gian tưởng niệm.

Sở Văn hóa-Thể thao, Bảo tàng Đà Nẵng cần sớm có phương án kiện toàn, tổ chức bộ máy để quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Thành Điện Hải phù hợp với một di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia. Trong đó, phải chú ý đổi mới cách thức giới thiệu, quảng bá và tuyên truyền phù hợp với danh hiệu, vị trí xếp hạng của di tích đặc biệt này.

Ngoài ra, cũng cần sớm xây dựng đề án, kế hoạch kết nối di tích Thành Điện Hải với các di tích liên quan, các di sản khác trên địa bàn Đà Nẵng với di tích, di sản ở các tỉnh lân cận. Hướng đến hình thành và khai thác một chương trình du lịch khám phá di sản, di tích thực sự trọn vẹn cho Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung, Thành Điện Hải phải là một điểm đến.

Khởi công dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi nguyên trạng các hạng mục quan trọng của chiến lũy

Ngay sau nghi thức đón nhận Bằng công nhận là “Di tích lịch sử đặc biệt”, đã diễn ra nghi thức khởi công dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo (giai đoạn 1) di tích Thành Điện Hải.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, lãnh dạo TP Đà Nẵng thực hiện nghi thức khởi công.

Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết, UBND TP đã chính thức phê duyệt dự án đầu tư nói trên. Trong tổng quy mô kinh phí, chi phí dành để trực tiếp đền bù, giải tỏa là 80 tỷ đồng.

Thông qua công tác vận động, làm rõ mục đích, ý nghĩa của việc di dời, giải tỏa để bảo vệ di tích Thành Điện Hải của lãnh đạo TP và các ngành chức năng Quận Hải Châu; công tác bố trí tái định cư và nhất là sự đồng thuận cao của nhân dân, 80 hộ dân ở khu vực phía tây, đã trả lại mặt bằng trước ngày 20/3/2018. Đây là thuận lợi rất lớn, giúp dự án được triển khai đúng tiến độ từ tháng 3 đến tháng 10/2018.

Phần dành cho xây lắp hơn 22, 7 tỷ đồng, gồm các hạng mục phục hồi phần tường thành, hào sâu (theo nguyên trạng); xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đầu tư cảnh quan, khuôn viên, kiến tạo khu vực vùng đệm cho di tích…

“Đây là sự kiện có ý nghĩa rất đặc biệt, vì Thành Điện Hải là di tích văn hóa-lịch sử quan trọng bậc nhất của Đà Nẵng. Dự án khi hoàn thành sẽ trả lại nguyên vẹn hệ thống tường thành, hào sâu, phục vụ giáo dục lịch sử địa phương, giáo dục truyền thống yêu nước. Thành Điện Hải cũng sẽ là điểm đến với sức hấp dẫn và thu hút cao hơn đối với du khách trong và ngoài nước” – ông Huỳnh Văn Hùng cho biết.
T.Ngọc

Tin liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | HD Tải và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 HD Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng và An Toàn [Bật mí]: làm website tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin nhất?