ĐNO – Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg công nhận thành Điện Hải (thành phố Đà Nẵng) là di tích quốc gia đặc biệt năm 2017.
Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia trong chuyến đi khảo sát thành Điện Hải. Ảnh: NGỌC HÀ |
Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của chính quyền Đà Nẵng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị thành Điện Hải thời gian qua. Đặc biệt, năm 2017, thành phố Đà Nẵng quyết định di dời, giải tỏa 80 hộ dân sinh sống xung quanh bờ tường phía tây, dừng hẳn công trình xây dựng Trung tâm Lưu trữ ở phía bắc thành Điện Hải để bảo tồn khu vực này.
Bên cạnh đó, thành phố đã phê duyệt luận chứng kinh tế, kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi thành Điện Hải thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2017 đến năm 2019, giai đoạn 2 từ năm 2019 đến năm 2021. Trong mỗi giai đoạn đều có kế hoạch kỹ lưỡng trong việc thu thập dữ liệu, tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến các chuyên gia… về việc bảo tồn, phát huy giá trị thành Điện Hải.
Cùng với thành Điện Hải, có 9 di tích khác trên cả nước được xếp hạng đợt này gồm: Di tích lịch sử đền Cửa Ông (Quảng Ninh), di tích lịch sử Văn miếu Mao Điền (Hải Dương), di tích lịch sử địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi), di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (Cao Bằng), di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Đọi Sơn (Hà Nam), di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Xưa – Chùa Giám – Đền Bia (Hải Dương), di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương, Hà Nội), di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hoành Sơn (Nghệ An), di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Chèm (Hà Nội).
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 95 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
NGỌC HÀ