Tầm vóc mới cho Bảo tàng Đà Nẵng

Tháng 3-2019, Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng (Sở Xây dựng) liên tiếp tổ chức 2 cuộc thi về thi tuyển phương án kiến trúc công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở cụm công trình 42 Bạch Đằng thành Bảo tàng Đà Nẵng và mở rộng Công viên APEC. Đây là bước thực hiện cụ thể chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố về đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa. Trong đó, Bảo tàng Đà Nẵng được xác định đáp ứng tầm vóc lịch sử lẫn sự phát triển của đô thị.

Khu vực nghiên cứu thiết kế cải tạo nâng cấp để đưa Bảo tàng Đà Nẵng vào hoạt động. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Khu vực nghiên cứu thiết kế cải tạo nâng cấp để đưa Bảo tàng Đà Nẵng vào hoạt động. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng cho biết, đến nay, đơn vị hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức các cuộc thi tuyển thiết kế kiến trúc như: thành lập ban tổ chức, ban giám khảo, thể lệ cuộc thi và cung cấp các nội dung, hồ sơ liên quan để các đơn vị tư vấn thiết kế chuẩn bị nội dung tham gia cuộc thi.

Phương án được phê duyệt là nghiên cứu cải tạo, sử dụng cơ sở vật chất tại các khu đất 42-44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú (gọi chung là khu 42 Bạch Đằng) với tổng diện tích 8.686m2. Ranh giới nghiên cứu thiết kế kiến trúc phía bắc giáp đường Quang Trung, phía nam giáp Thư viện Khoa học tổng hợp, phía tây giáp đường Trần Phú và phía đông giáp đường Bạch Đằng. Định hướng nâng cấp khu 42 Bạch Đằng để di chuyển Bảo tàng Đà Nẵng hiện đặt bên trong thành Điện Hải.

Nhiệm vụ thiết kế kiến trúc là hình thành bảo tàng có quy mô lớn; vừa mang giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, vừa mang tính hiện đại tương xứng với tầm vóc của một đô thị lớn, trung tâm kinh tế của miền Trung, cửa ngõ giao thương quan trọng của đất nước; tháo dỡ toàn bộ tường rào tại khu vực và đề xuất các không gian trưng bày ngoài trời kết nối với quảng trường chung quanh thành Điện Hải, Thư viện Khoa học tổng hợp và cảnh quan bờ tây sông Hàn, trong đó lưu ý có giải pháp đậu, đỗ xe và dừng đón trả cho khách tham quan và cho cán bộ, nhân viên bảo tàng.

Bảo tàng Đà Nẵng là nơi trưng bày, lưu giữ và bảo quản trên 27.000 tài liệu hiện vật thuộc các bộ sưu tập về thiên nhiên, lịch sử và văn hóa Đà Nẵng từ thời tiền sử đến đương đại; văn hóa khảo cổ học thời tiền – sơ sử; đồ gốm, đồ chạm khắc gỗ Việt Nam qua các thời đại. Tại Bảo tàng Đà Nẵng cũng trưng bày các bộ sưu tập về lịch sử đấu tranh cách mạng; văn hóa các dân tộc ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận; văn hóa phi vật thể Đà Nẵng (làng nghề truyền thống; lễ hội dân gian; nghệ thuật tuồng; nghệ thuật hô hát bài chòi…); trưng bày các bộ sưu tập hiện vật văn hóa biển Đà Nẵng; chứng tích tội ác chiến tranh của Mỹ ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận…

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc đô thị bày tỏ sự đồng tình và mong muốn sớm thực hiện việc di dời Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay ở khu vực thành Điện Hải. Theo KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng, việc di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi di tích thành Điện Hải là việc làm rất xác đáng.

Di tích Thành Điện Hải là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia nên không thể để tồn tại công trình nhà bảo tàng chồng lên vùng lõi di tích lịch sử. Bản thân di tích thành Điện Hải chứa đựng những hạng mục công trình kiến trúc có tính lịch sử, nơi đó có những khu vực đồn trú, cổng thành, hào, tường bao… Thực hiện ngay việc di dời là cần thiết để trả lại tên gọi của một địa điểm di tích lịch sử của thành phố và cả không gian kiến trúc thành Điện Hải.

Còn TS.KTS Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bày tỏ ý kiến, đưa Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi khu vực vùng I của di tích thành Điện Hải là chủ trương đúng đắn và cần thực hiện ngay. Cùng với việc di dời Bảo tàng Đà Nẵng đến địa điểm mới thì thành phố cũng có chủ trương triển khai quy hoạch, thiết kế kiến trúc cảnh quan quảng trường khu vực thành Điện Hải. Mục đích quy hoạch quảng trường là tạo ra quần thể không gian văn hóa gắn kết với lịch sử, tạo ra giá trị không gian cảnh quan đô thị mới; tạo ra giá trị văn hóa mới, nâng cao chất lượng điểm đến cho du khách và giá trị cuộc sống trong cộng đồng.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, việc di dời Bảo tàng Đà Nẵng cần sớm được thực hiện để trả lại nguyên trạng cho thành Điện Hải. Ở vị trí mới khu vực các công trình tại địa chỉ số 42 Bạch Đằng được xác định đặt Bảo tàng Đà Nẵng là lựa chọn có ý nghĩa. Ở đây có sẵn những công trình kiến trúc cũ, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Nẵng. Đó là địa điểm chính quyền cách mạng đã 2 lần cắm cờ giành chính quyền vào các năm 1945, 1975…

Bảo tàng Đà Nẵng hiện nằm trong khuôn viên thành Điện Hải. Ảnh: NGỌC HÀ
Bảo tàng Đà Nẵng hiện nằm trong khuôn viên thành Điện Hải. Ảnh: NGỌC HÀ

Thời gian qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã có những bước chuẩn bị cho việc di dời sang địa điểm mới, đồng thời có trách nhiệm trong việc xây dựng đề cương nội dung trình bày của bảo tàng. Trong thời gian tới, Bảo tàng Đà Nẵng xác định tầm vóc của mình là bảo tàng lớn mang tính khu vực ở miền Trung. Việc tiếp cận quy mô, tầm vóc của bảo tàng được giới học thuật, chuyên gia và lãnh đạo thành phố đồng tình và đánh giá tích cực.

Từ đây, Bảo tàng Đà Nẵng đã xây dựng giải pháp trưng bày đặc sắc, chuyển tải được lịch sử vùng đất, con người, văn hóa…; đặc biệt là trưng bày về lịch sử nền hành chính công mà chính nơi đặt Bảo tàng Đà Nẵng là câu chuyện gắn với sự phát triển đương đại của thành phố. Hiện Bảo tàng Đà Nẵng đã trao đổi phương án trưng bày với Sở Xây dựng để tìm kiếm phương án thiết kế kiến trúc tốt nhất, đáp ứng cho hoạt động của Bảo tàng Đà Nẵng giai đoạn sắp đến.

Trước khi diễn ra cuộc thi tuyển phương án kiến trúc chuyển công năng cụm công trình số 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng, đã có Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng lập phương án kiến trúc quy hoạch. Theo đó, đơn vị tư vấn đề xuất theo hướng giữ nguyên kiến trúc, cải tạo nhưng vẫn bảo đảm được kết cấu chịu lực của hệ thống tòa nhà cũ; đồng thời xây dựng mới dãy nhà D, tầng hầm ngầm, có hệ thống cầu thang máy.

Đơn vị tư vấn cũng kiến nghị thành phố nên mở rộng không gian cho bảo tàng để biến nơi đây thành một quần thể văn hóa lịch sử, trở thành bảo tàng khu vực cùng một số nội dung khác liên quan đến trưng bày. Tuy nhiên, Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng không đồng tình với việc xây dựng mới dãy nhà D vì cho rằng sẽ phá vỡ kiến trúc của tòa nhà có tuổi thọ lâu đời của thành phố.

Cùng với thi tuyển phương án kiến trúc Bảo tàng Đà Nẵng tại khu vực công trình 42 Bạch Đằng, Sở Văn hóa và Thể thao đang thực hiện đề cương trưng bày làm cơ sở cho việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và đưa Bảo tàng Đà Nẵng mới đi vào hoạt động.

Mở rộng Công viên APEC để phát triển không gian công cộng

Đối với việc mở rộng Công viên APEC gắn phát triển không gian công cộng và phục vụ du lịch, KTS Bùi Huy Trí cho rằng, mở rộng Công viên APEC là ý tưởng hay, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân, không những tạo điểm nhấn không gian trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm và đầu phía tây cầu Rồng mà còn trực tiếp đáp ứng nhu cầu thư giãn, thưởng ngoạn của người dân và du khách. Thành phố du lịch rất cần những không gian công cộng như vậy.

Hiện Công viên APEC mở rộng được thực hiện trên khu đất có diện tích 8.668m2, tiếp giáp về phía nam công viên hiện trạng. Tại đây sẽ xây dựng công viên công cộng kết hợp không gian sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng các hoạt động giao lưu văn hóa, hoạt động thường nhật của người dân thành phố và du khách, tạo điểm nhấn về cảnh quan cho khu vực phía tây cầu Rồng.

TRIỆU TÙNG

Tin liên quan