Quần đảo Hoàng Sa qua nguồn tài liệu lưu trữ tại Pháp – Kỳ cuối: Hoàng Sa qua bản tin Terre Air Mer La Géographie

Ngày 15-1-1900, Hội Nghiên cứu Địa lý Paris xuất bản ấn phẩm Bulletin de la Société de Géographie bởi Nam tước Baron Hulot và Charles Rabot (sau đó đổi thành Terre Air Mer La Géographie).

Nội dung chính mà ấn phẩm này hướng đến là công bố những phát hiện mới về địa lý ở các vùng đất chính quốc cũng như thuộc địa của Pháp.

Trong hơn 150 số ra, tờ báo này cung cấp cho chúng ta những chi tiết khá quan trọng về Hoàng Sa và đáng chú ý nhất là bài viết của Olivier Saix, đăng trên số báo tháng 9-10-1933.

Ở bài viết này, Olivier Saix đã khai thác nhiều nguồn sử liệu khác nhau (trong đó có cả những nguồn tài liệu đã được công bố trên tờ Đánh thức Kinh tế Đông Dương và tờ Công giáo Thánh Giá như đã nêu trên) để làm rõ vị trí chiến lược của Hoàng Sa đối với thực dân Pháp tại Đông Dương.

Tin liên quan:

 

 

Bản đồ vẽ năm 1737 thể hiện Hoàng Sa thuộc Việt Nam.
Bản đồ vẽ năm 1737 thể hiện Hoàng Sa thuộc Việt Nam.

Xin lược dịch một số chi tiết như sau: Nhiều lần, báo chí thuộc địa đã quan tâm đến quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là trong năm 1931, khi một số bài báo xuất hiện trên tờ Công luận Sài Gòn (The Opinion of Saigon) và tờ Đánh giá về vận tải hàng hải (Review of Maritime Transport) đã đề cập một sự kết nối khá đặc biệt giữa thuyền trưởng Corvette Herbout với Hoàng Sa vào tháng 11-1931.

Sẽ là vô ích nếu như bạn quan sát về Hoàng Sa không đủ lâu, bởi vì nếu bạn nhìn vào bản đồ cụ thể của quần đảo và đọc những chỉ dẫn hải lý nói về nó, bạn sẽ khó có thể tưởng tượng được nó thu hút bạn đến như thế nào.

Nếu từ bản đồ chi tiết của Hoàng Sa, chúng tôi chuyển sang một tấm bản đồ lớn hơn của Biển Đông, chúng ta sẽ ngay lập tức nhận ra nhiều điểm đặc biệt hơn nữa của hòn đảo này. Nó nằm án ngự ngay trên con đường từ Cape Padaron (Mũi Dinh, Ninh Thuận) tới Hồng Kông, buộc tất cả các tàu thuyền phải đi qua các khu vực này trước khi đến phía tây, giữa Hoàng Sa và khu vực Đông Dương với đảo Hải Nam; phía đông giữa Hoàng Sa và bãi Macclesfield (Bãi ngầm này nằm cách quần đảo Hoàng Sa 75 hải lý, khoảng 139 km về phía đông). Vì vậy, theo nhận định của Đô đốc Castex, hòn đảo này chính là một “tiêu điểm” hàng hải giữ vai trò điều hướng giao thông quan trọng trên Biển Đông.

Đối với lý do hàng hải, người ta có thể nghĩ ngay tới việc xây dựng ít nhất một ngọn hải đăng nằm ở phía tây của hòn đảo. Những thủy thủ thường xuyên đi qua vùng Viễn Đông ngay lập tức sẽ nhận ra giá trị hữu ích của nó và điều này cũng sẽ giúp cho họ có thể tránh được việc phải đi đường vòng và những lo sợ về dòng nước với quá nhiều biến đổi mỗi khi đi qua khu vực Hoàng Sa vào ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết xấu.

Lý do thứ hai để sáp nhập sẽ là việc tạo ra trên các đảo nhỏ một trạm khí tượng TSF. Lý do thứ ba về kinh tế là những giá trị về việc khai thác các lớp phân chim dày đặc trên các đảo cùng các nguồn lợi về cá ở các rặng san hô.

Riêng đối với lý do an ninh chiến lược, một bài báo trên tờ Công Luận Sài Gòn có tựa đề là “Quần đảo Hoàng Sa nằm ở vị trí hàng đầu ở khu vực Đông Dương” đã nhấn mạnh vị trí cực kỳ thú vị mà hòn đảo này chiếm giữ trong sự bảo vệ cuối cùng của thuộc địa của chúng ta.

Cuối cùng, tác giả bài viết kết luận rằng, dựa trên các quyền bảo hộ đối với An Nam, Pháp có quyền tuyệt đối đối với quần đảo Hoàng Sa và dường như với chúng tôi, việc chiếm lấy quyền bảo hộ các đảo này là một điều cần thiết không thể tránh khỏi cho sự an toàn chung của Liên bang Đông Dương(1).

Ngoài các tờ báo như đã nêu trên, còn có rất nhiều bài báo của người Pháp ở Đông Dương cũng đăng tải các bài về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa mà trong khuôn khổ của bài viết này chúng tôi chưa có đủ điều kiện để đề cập hết.

Đơn cử như tờ Revue Indochinoise Illustrée, ở số 38, năm 1929, tr.605-616, La Picque đã dẫn nhiều tài liệu liên quan chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; việc chính quyền Quảng Đông thoái thác trách nhiệm về việc dân Hải Nam cướp trên hai con tàu bị đắm là Le Bellona (1895) và Imezi Maru (1896) với lý do là Hoàng Sa không thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Báo Mémoire số 3, năm 1930, tr.24, cũng đăng tải chuyến khảo sát của Lacour và Jabouillé tại Hoàng Sa vào ngày 21-7-1926 theo lời mời của Giám đốc Viện Hải dương học Krempf.

Báo Avenir du Tonkin, số 10495, ngày 17-4-1931, tr.2, cũng khẳng định năm 1816, vua Gia Long cho dựng cờ trên đảo Hoàng Sa. Cùng chung nội dung này, báo Le Nouvelliste of d’Indochine, số 97, ngày 24-7-1938, cũng đăng tải thông tin Hoàng Sa đã bị Hoàng đế An Nam sáp nhập vào năm 1816 và vào năm 1885, sau chiến thắng của Courbet, Trung Quốc cũng đã công nhận rằng Pháp đã thay thế chủ quyền của An Nam trên quần đảo này.

Hay Báo Journal officiel de la République Francais, số 173, ngày 1-7-1933, cũng đã cho đăng tải Cáo thị sáp nhập một số đảo nằm trong vùng Biển Đông, giữa các đảo của Philippines, Bornéo và Đông Dương gồm:

Trường Sa sáp nhập vào ngày 13-4-1930, đảo An Bang sáp nhập vào ngày 7-4-1933, đảo Ba Bình sáp nhập ngày 10-4-1933, nhóm hai đảo tọa lạc tại vĩ tuyến 111 độ 29 Bắc, kinh tuyến 114 độ 21 Đông cùng một số đảo nhỏ khác trong vùng sáp nhập ngày 10-4-1933, đảo Loại Tá sáp nhập ngày 12-4-1933, đảo Thị Tứ sáp nhập ngày 12-4-1933. Tất cả các đảo nêu trên sẽ thuộc chủ quyền của nước Pháp kể từ ngày hôm nay(2).

TS. DƯƠNG THANH MỪNG
(Bảo tàng Đà Nẵng)
(1) A. Olivier Saix, “Iles Paracels”, Terre Air Mer la Géographie, Nos de Novembre-Décembre 1933, Société d’Éditions Géographiques, Maritimes et Coloniales, 10, Avenue d’Iéna, Paris, pp.232-244.
(2) “Ministère des Affaires Étrangères”, Journal officiel de la République Francais, No.173, 25 Juillet 1933, p.7837.

Tin liên quan