NGUYỄN THỊ BÌNH – NHỮNG DẤU SON SỰ NGHIỆP

Trong những ngày tháng 03 năm Quý Mão, hãy cùng Bảo tàng Đà Nẵng tìm hiểu về bà Nguyễn Thị Bình – Nữ chính trị gia xuất sắc của Việt Nam.

Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh ngày 26 tháng 5 năm 1927 (Đinh Mão), quê quán: xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bà là cháu ngoại của nhà yêu nước Phan Châu Trinh.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà hoạt động cách mạng sôi nổi tích cực và nhiều lần bị địch bắt bớ, tù đầy. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Đầu năm 1961, bà được Ban Thống nhất đề cử sang tham gia hoạt động ngoại giao cho Mặt trận và đổi tên từ Yến Sa (bí danh được bà sử dụng từ năm 1948) sang Nguyễn Thị Bình để giữ bí mật và để quốc tế dễ đọc.

Từ đây, thế giới biết đến một nữ chính trị gia – Nguyễn Thị Bình với cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết ngày 27-01-1973 sau gần 5 năm đàm phán. Để có được chiến thắng ngoại giao mang tính lịch sử này, có sự đóng góp hi sinh của cả dân tộc Việt Nam, trong đó không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Bình – một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định này.

“Đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris lịch sử rất xúc động, nghĩ đến miền Nam, nghĩ đến đồng bào, đồng chí, đến gia đình, bạn bè trên cả hai miền Nam – Bắc. Trong đời tôi, đây là vinh dự lớn…”[1]

Sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Thị Bình giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ năm 1976-1987, Phó ban đối ngoại của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1987-1992, Phó Chủ tịch nước từ 1992 đến 2002.

Trong năm 2012, Bà Nguyễn Thị Bình đã ra mắt cuốn Hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”. Cuốn sách tái hiện cuộc đời của bà theo những chuyển biến thăng trầm của lịch sử, từ thời thơ ấu cho đến khi tham gia hoạt động cách mạng, những dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Bình đã chọn tên gọi cho cuốn hồi ký của mình thật bình dị, dễ hiểu: “Gia đình, bạn bè và đất nước” bởi theo bà, đó chính là những nguồn gốc tạo nên sức mạnh đặc biệt trong bà. Bảo tàng Đà Nẵng vinh dự được chọn là một trong những nơi tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách này.

Bên cạnh tài ngoại giao xuất sắc, đối với lĩnh vực giáo dục, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, bà dám đương đầu với những khó khăn về kinh tế – xã hội sau năm 1975, đưa ra những biện pháp hữu hiệu đem lại sự thống nhất cho ngành giáo dục toàn quốc. Đồng thời thực hiện thành công cuộc cải cách giáo dục theo Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 11/01/1979 của Bộ Chính trị khoá IV và cho đến nay, nhiều chủ trương của Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa.

Khi là Phó chủ tịch nước hay dù đã tuổi cao nhưng bà luôn trăn trở và cống hiến hết mình cho sự phát triển của đất nước. Và ở bất kỳ vị trí nào bà đều đạt được những thành tựu đáng kể, là tấm gương cho những thế hệ trẻ noi theo.

Bà Nguyễn Thị Bình được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh năm 2001.

Phan Ngọc Mỹ

(Phòng Giáo dục – Truyền thông)

[1] Hồi ức của bà Nguyễn Thị Bình được ghi lại bởi Thiếu tá, Ths Phạm Thúy Quỳnh

Tin liên quan