Kể từ khi mở ra với thế giới phương Tây, người dân đất Quảng nhận thấy những lợi thế về mở cảng chiêu thương và sớm nhận thức được vị trí chiến lược của địa phương mình trong công cuộc phòng thủ, bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Họ đã từng chứng kiến sự ngang ngược gây hấn của các đội tàu phương Tây, nhất là sự kiện năm 1642, Công ty Đông Ấn Hà Lan đưa 5 chiếc thuyền gồm 152 thủy thủ và 70 lính kéo đến gây sự tại bờ biển Hội An nhưng bị quân chúa Nguyễn chặn đánh. Một trong những viên chỉ huy là Liesvelt cho quân đổ bộ đã bị giết chết cùng với khoảng 10 lính(1) .
Học sinh Đà Nẵng tham quan phòng trưng bày hiện vật cuộc kháng chiến chống Pháp tại Bảo tàng Đà Nẵng. (Ảnh do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp) |
Bước sang đầu thế kỷ XIX, khi vua Gia Long vừa mới lên ngôi đã cho đặt thủ sở ở hữu ngạn sông Hàn, có quân đồn trú, có trấn thủ chỉ huy, đến năm 1813 cho đắp đài Điện Hải và bảo An Hải để quan sát và phòng thủ vùng cửa sông ven biển này.
Đến thời Minh Mạng thì cả đài Điện Hải và bảo An Hải đều được xây dựng kiên cố, nâng lên thành thành. Triều đình tăng quân đến đồn trú, đưa vào nơi đây nhiều tàu chiến, vũ khí, lại cho dời tỉnh lỵ Quảng Nam từ Thanh Chiêm ra La Qua cho gần Đà Nẵng; cho đào sông Vĩnh Điện nối sông Thu Bồn với Đà Nẵng (1822).
Không những thế, người dân Quảng Nam bấy giờ còn ý thức rất rõ sự ngang ngược của Pháp qua hai lần chúng nổ súng gây hấn tại cửa biển Đà Nẵng. Lần thứ nhất vào ngày 15-4-1847 của hai tàu chiến Gloire và Victorieuse, và lần thứ hai của tàu Catinat vào ngày 26-9-1856.
Nên khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công tại cửa biển này vào ngày 1-9-1858, người dân đã nhanh chóng truyền tin cho nhau và xác định ngay đó là “tàu Tây” chứ chẳng phải ai khác:
Tai nghe súng nổ cái đùng
Tàu Tây đã lại Vũng Thùng anh ơi!
Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, bên cạnh quân triều đình là một lực lượng đông đảo quân thường trực của Quảng Nam được điều ra mặt trận Đà Nẵng. Có 2.070 biền binh mãn hạn của tỉnh cũng được gọi tái ngũ(2).
Căn cứ vào báo cáo của Nguyễn Tri Phương lên Viện Cơ mật thì quân đội triều đình tại mặt trận Đà Nẵng có hơn 7.000 người nhưng đến tháng 10-1859 chỉ còn 3.200 người tại ngũ(3), thì số quân địa phương và biền binh của Quảng Nam tham chiến như thế là một lực lượng rất lớn bổ sung cho mặt trận ngay từ những ngày đầu.
Đến khi vua Tự Đức có chỉ dụ kêu gọi quan, quân, dân, sĩ hiến kế hoặc chiêu mộ dân binh để đánh giặc thì số lượng dân đinh Quảng Nam gia nhập vào các đội quân nghĩa dũng ngày càng đông. Chỉ tính trong 2 năm xảy ra trận chiến, làng Nam Thọ (nay thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) có gần chục người trong diện mộ binh của triều đình; hoặc một số người nay thuộc huyện Tiên Phước sung vào quân đội triều đình giữ chức chánh, phó suất đội. Các đội dân dũng được thành lập ở các địa phương.
Theo một văn bản vào tháng 12 năm Tự Đức thứ 11 (1-1859) của Tri huyện Hà Đông hiện còn được lưu giữ tại nhà thờ tộc Lê Văn thôn Hạ Thanh (nay thuộc xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) thì chủ trương tuyển mộ đoàn dân dũng như sau: “Kính tuân theo chỉ vua… tuyển chọn người nào mạnh khỏe siêng năng được mọi người tôn trọng lấy làm đoàn trưởng.
Mỗi tiểu đoàn phân ra làm bốn thập, chọn lấy một người làm luyện trưởng. Tập hợp trên dưới 5 tiểu đoàn làm một đại đoàn(4) . Chọn một người làm đoàn tổng để thống nhiếp tất cả. … Cờ đề “Hà Đông Tiên Giang đoàn dân dũng”(5).
Hưu quan Phạm Gia Vĩnh quê làng Mỹ Thị, huyện Hòa Vang (nay thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), khi có chỉ dụ của vua Tự Đức đứng ra tổ chức cho khoảng 400 dân đinh hình thành cơ ngũ, kéo ra mặt trận Đà Nẵng chiến đấu bên cạnh quân chính quy của triều đình.
Dân quân Quảng Nam tham chiến đông đến mức viên tổng chỉ huy liên quân Pháp – Tây Ban Nha là Rigaul de Genouilly cho rằng, “dân quân gồm toàn những người lành mạnh trong dân chúng”(6).
Họ đã có những đóng góp quan trọng trong chiến trận, hay những trận đánh tập kích như trường hợp dân quân các xã Thanh Khê, Hà Khê dưới sự chỉ huy của các ông Đội Năm (Nguyễn Xuân Lũy) và Đội Bảy mật tập bằng thuyền, vượt qua Vũng Thùng đến am Bà trên núi Sơn Trà tập kích vào nơi đóng quân của địch, giết chết tên quan năm và nhiều binh lính địch(7).
Ngoài trực tiếp tham gia chiến đấu, một lực lượng đông đảo dân chúng đã đóng góp sức người sức của, hỗ trợ rất lớn cho cuộc chiến tranh vệ quốc này. Tại vùng địch chiếm được, họ thực hiện vườn không nhà trống, triệt nguồn lương thực, không cho chúng vơ vét. Và mặc dầu đi đến đâu cũng đốt phá, nhưng địch đã phải thừa nhận:
“Chúng ta đốt phá sạch sành sanh, làm thiệt hại cho họ vô kể, ấy thế mà họ không sợ, họ cũng không chịu điều đình… Nếu chiến tranh mà tiếp tục theo kiểu này thì nó sẽ kéo dài hàng trăm năm”(8). Rigaul de Genouilly chua chát thừa nhận: “Người ta lại báo tin cho chính phủ rằng dân chúng sẽ nổi lên hưởng ứng; thật ra lòng dân đã không phải như thế, lại còn trái hẳn lại với sự dự đoán đó”(9).
Theo sáng kiến của quan tỉnh Quảng Nam, được vua Tự Đức chấp thuận, nhân dân địa phương triển khai thực hiện bằng việc đan sọt tre, chở đất đá theo đường sông Thu Bồn về ngăn sông Vĩnh Điện không cho giặc đưa thuyền ngược dòng Cẩm Lệ vào Điện Bàn đánh chiếm tỉnh thành tại La Qua.
Điều này được Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi nhận: “Quan tỉnh Quảng Nam tâu xin thuê bắt dân phu làm sọt tre, vật liệu gỗ, đổ đất lấp sông Vĩnh Điện, khiến cho thế nước dồn chảy về cửa Đại Chiêm, thì mạn hạ lưu nông cạn, thuyền sam bản của Tây dương không tiến vào được, quan quân có thể chuyển sức phòng bị một mặt trên bộ. Vua y cho”(10).
Cũng chính nhân dân vùng sông, biển Đà Nẵng đã theo lệnh của các tướng lĩnh tại mặt trận triển khai sáng kiến của Trần Nhật Hiển “lưới đánh giặc, thuyền đánh giặc, bè đánh giặc và thuật đánh giặc” bằng cách dùng lưới thả xuống sông Hàn để tàu giặc vướng chân vịt không chạy được.
Mặc dù cuộc sống đang rất khó khăn, do hạn hán mất mùa, đói kém nhưng người dân vẫn cố gắng xay lúa tải lương cung ứng cho chiến trường, đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các phòng tuyến, các trận địa pháo và đắp đường cái dọc sông Vĩnh Điện để vận chuyển lương thực ra mặt trận Đà Nẵng được kịp thời(11).
Trong nội dung văn bia Phạm Phú Thứ, Tiến sĩ Nguyễn Tư Giản, nguyên Hộ bộ Tả thị lang kiêm Hàn lâm viện sự cho biết, năm Tự Đức thứ 11 Phạm Phú Thứ được về Kinh nhậm chức Thự Hàn lâm viện Thị độc học sĩ, tham biện Nội các sự vụ, “Thế rồi binh thuyền Pháp xâm phạm cửa biển Đà Nẵng, ông dâng sớ xin cho các vị quan là người Quảng Nam làm quan tại Kinh đều trở về quê chiêu mộ binh dũng chống giặc”, nhưng không được vua Tự Đức chấp thuận(12).
Năm sau (1859), sau chuyến về quê cải táng mộ cha, Phạm Phú Thứ dâng tấu “tâu xin các việc: đắp đê khơi sông và tuần phòng huấn luyện ở Quảng Nam” nhằm an dân và phòng thủ bảo vệ vùng hậu phương để dồn sức cho chiến trường ở Đà Nẵng.
Khi quân Pháp đã rút khỏi Đà Nẵng, ông làm một bài thơ tức sự vừa thể hiện sự vui mừng khi “sào huyệt bọn giặc đã bị đốt, sóng dữ đã yên”, nhưng đồng thời cũng canh cánh về kế sách đánh giặc ở trong Nam: “Giặc lui yên ổn ta chuẩn bị/ Kế sâu Bến Nghé lại rất cần(13).
Tư liệu lịch sử địa phương còn cho chúng ta biết bấy giờ ở Hòa Vang có Tú tài Lâm Hữu Chánh, người làng Cẩm Toại (nay thuộc xã Hòa Phong) làm quan đến chức Tri huyện huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, khi chiến đấu ở mặt trận Đà Nẵng ông chỉ huy một đội quân và được giao giữ đồn Cẩm Khê, sau đó ông lại tiếp tục vào Nam đánh Pháp(14), và ông Ông Ích Khiêm cũng có mặt tại mặt trận này, có công trong việc củng cố các đồn lũy, cùng với những giai thoại về mưu kế đánh giặc của ông(15).
Cuộc chiến đi qua, quan dân Quảng Nam lại lo nơi yên nghỉ lâu dài cho những người vì nước hy sinh bằng việc quy tập hài cốt của họ ở các nơi từng là sa trường chiến địa về các nghĩa trủng được lập nên ở các làng Phước Ninh, Nam Ô, Nghi An (nghĩa trủng này đến năm 1920 dời sang làng Hóa Khuê Trung, sau đó lại dời một lần nữa, đến địa điểm hiện nay, cũng ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).
Như vậy, khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam tại Đà Nẵng thì lập tức quân dân Quảng Nam là những người trực tiếp có mặt sớm nhất bên cạnh quân đội triều đình đánh giặc và đã đóng góp trong suốt cuộc chiến.
Thắng lợi của quân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến tại mặt trận Đà Nẵng là chiến thắng oanh liệt, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của địch. Suốt 18 tháng 22 ngày vẫn bị cầm chân tại chỗ, không thể tiến đánh tỉnh thành Quảng Nam, càng không vượt được đèo Hải Vân để đánh ra Huế, địch buộc phải rút toàn bộ quân khỏi mặt trận này.
PGS.TS Ngô Văn Minh (Học viện chính trị khu vực 3)
(1) Charles B. Maybon: Những người châu Âu ở nước An Nam. Nxb Thế giới. Hà Nội, 2006, tr40.
(2) Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên. Tập 7. Nxb Giáo dục, 2007, tr567.
(3) Trung tâm Nghiên cứu Quốc học: Châu bản Triều Tự Đức (1848 – 1883). Nxb Văn học, 2003, tr 81-82.
(4) Đây là quân số của tiểu đoàn, đại đoàn thời bấy giờ.
(5) Xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Sơn dịch giúp cho nội dung văn bản trên.
(6) Dẫn theo Trần Văn Giàu: Chống xâm lăng. Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898. Nxb TPHCM, tr74.
(7) Ban Chấp hành Đảng bộ quận Thanh Khê: Lịch sử Đảng bộ quận Thanh Khê (1930-1975). Nxb Đà Nẵng, 2000, tr27.
(8) Les correspondances de De Larciauze. Dẫn theo Trần Văn Giàu: Chống xâm lăng. Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898. Nxb TPHCM, 2001, trang 71.
(9) Trần Văn Giàu: Chống xâm lăng. Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898. Nxb TPHCM, tr 74.
(10) Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam thực lục. Tập 7. Nxb Giáo dục, 2007, tr576.
(11) Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam thực lục. Tập 7. Nxb Giáo dục, 2007, tr590.
(12) Phạm Phú Thứ toàn tập (Phạm Ngô Minh chủ biên, cùng Chương Thâu, Nguyễn Kim Nhị, Phạm Phú Viết, Trần Phước Tuấn). Nxb Đà Nẵng, 2014, tr139.
(13) Phạm Phú Thứ toàn tập. Sđd, tr197 – 198.
(14) Dẫn theo sách Hòa Phong, lịch sử đấu tranh cách mạng (1930 – 1954), do Đảng ủy xã Hòa Phong xuất bản, 1996, tr28, và bài viết Ông Lâm Quang Tự, nhà giáo yêu nước, nhà hoạt động duy tân (1884-1938) do ông Lâm Quang Thạnh gửi cho tác giả bài viết này.
(15) Theo sách Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hòa Vang (1928 – 1954), Nxb Đà Nẵng, 1985, tr 23 và sách Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp (1858-1860) của Lưu Anh Rô, Nxb Đà Nẵng, 2004, tr193 – 195. Việc Ông Ích Khiêm tham gia chiến đấu tại mặt trận Đà Nẵng những năm 1858 – 1860 không thấy Quốc sử quán Triều Nguyễn nói đến, trong khi hành trạng của ông từ năm 1862 trở đi được ghi khá rõ trong sách Đại Nam liệt truyện và sách Đại Nam thực lục.