MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG CHI ĐOÀN BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

Đối với hoạt động của bất cứ các cơ quan, đơn vị nào thì nghiên cứu khoa học cũng là một lĩnh vực quan trọng, đối với hoạt động của Bảo tàng, điều này càng trở nên hết sức cần thiết, bởi đó là động lực và nền tảng cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của bảo tàng “là một cơ quan nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học”. Đặc thù của nghiên cứu khoa học trong bảo tàng là sự liên kết chặt chẽ giữa khâu công tác này với các khâu hoạt động chuyên môn khác như: sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và truyền thông giáo dục. Đây là một lợi thế quan trọng để có thể phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học ở đội ngũ cán bộ viên chức bảo tàng tại tất cả các phòng ban, đặc biệt là lực lượng cán bộ trẻ đang trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn.

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của đoàn viên Chi đoàn Bảo tàng Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, cụ thể: trong thời gian từ 2019 đến 2021, đoàn viên Chi đoàn đã có 18 đề tài sáng kiến trong công tác được Sở Văn hóa và Thể thao công nhận; ngoài ra, nhiều đoàn viên cũng tích cực tham gia các hội thảo khoa học chuyên môn, viết bài đăng tạp chí và trên website của Bảo tàng. Đây là một thành tích đáng tự hào và là cơ sở quan trọng để Chi đoàn Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học trong đội ngũ đoàn viên của Chi đoàn.

Bài viết đăng trên Website Bảo tàng Đà Nẵng của đoàn viên trong Chi đoàn

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu khoa học trong Chi đoàn Bảo tàng Đà Nẵng còn một số hạn chế nhất định. Thứ nhất, việc thực hiện nghiên cứu khoa học còn đang giới hạn trong một số “gương mặt quen thuộc”, cần nhân rộng và khuyến khích đông đảo hơn các thành viên mới, nhất là các bạn đoàn viên trẻ tham gia vào phong trào nghiên cứu khoa học của cơ quan. Thứ hai, việc sắp xếp và cân đối thời gian còn hạn chế làm cho quỹ thời gian dành cho công tác nghiên cứu khoa học của đoàn viên chưa đủ để phát triển và theo đuổi các ý tưởng nghiên cứu. Thứ ba, ứng dụng kết quả của các nghiên cứu khoa học còn ở mức độ ngắn hạn, chưa có các nghiên cứu có quy mô lớn và dài hạn. Thứ tư, các hình thức khuyến khích, động viên đoàn viên có thành tích trong nghiên cứu khoa học chưa thực sự hấp dẫn, tạo ra động lực để đoàn viên nỗ lực hơn trong công tác nghiên cứu khoa học.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa phong trào nghiên cứu khoa học trong đội ngũ Đoàn viên, Chi đoàn Bảo tàng Đà Nẵng cần thực hiện một số định hướng như sau:

– Thứ nhất: Đặt mục tiêu có đề tài nghiên cứu khoa học trong kế hoạch năm của các đoàn viên để có định hướng và động lực phấn đấu. Mục tiêu này cần thực hiện bằng cách gắn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với công tác chuyên môn tại các phòng ban và vị trí công việc của từng đoàn viên để có thể triển khai một cách có hiệu quả.

– Thứ hai: Có cơ chế khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của đoàn viên chi đoàn. Chi đoàn kết hợp với sự hỗ trợ của Chính quyền cơ quan để có các cơ chế đặc thù, các hình thức ghi nhận, tuyên dương những cá nhân, nhóm điển hình xuất sắc trong việc nghiên cứu khoa học như tổ chức các chuyến tham quan học tập, khen thưởng, … để kịp thời động viên, khích lệ sự sáng tạo, năng động cống hiến hơn nữa của đoàn viên, thanh niên. Những hình thức khuyến khích phù hợp và cơ chế đãi ngộ tốt sẽ là động lực không nhỏ để các đoàn viên tích cực tham gia phong trào nghiên cứu khoa học.

– Thứ ba: Ban chấp hành Chi đoàn cần có kế hoạch và định hướng mở rộng liên kết đoàn viên chi đoàn với chi đoàn ở các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học có quy mô lớn, tạo điều kiện để đoàn viên chi đoàn có môi trường giao lưu, học hỏi và lan tỏa động lực nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học thực sự là một quá trình đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực. Rõ ràng thực hiện quá trình này không dễ. Mỗi chúng ta cần phải chịu khó đọc sách, chịu khó tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, chịu khó lắng nghe và học hỏi từ đồng nghiệp, nhà nghiên cứu, từ những người xung quanh và đặc biệt là phải sắp xếp quỹ thời gian hợp lý để có được sự đầu tư nhất định cho việc nghiên cứu khoa học, theo đuổi đam mê. Một điều nữa chính là hãy bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ! Tiêu chí của nghiên cứu khoa học là tìm ra những điểm mới, những sáng kiến để nâng cao chất lượng công việc. Chính vì vậy, mỗi đoàn viên tùy theo vị trí công tác của mình, nếu thực sự quyết tâm, chúng ta sẽ tìm thấy động lực và niềm đam mê của mình đối với nghiên cứu khoa học.

Dương Thị Hà

(Phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản)

Tin liên quan