LIỆT SĨ – NHÀ VĂN CHU CẨM PHONG – ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN ĐẤT QUẢNG

Nhà văn Chu Cẩm Phong tên thật là Trần Tiến, sinh ngày 12.8.1941 tại làng Minh Hương, Hội An, Quảng Nam.

Năm 1954, ông theo cha tập kết ra Bắc và học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1964, với tấm bằng xuất sắc, ông được nhà trường cử đi học nước ngoài nhưng Chu Cẩm Phong đã xung phong vào miền Nam chiến đấu. Tinh thần của tuổi trẻ ấy đã được nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung nhận xét: “Ôm ấp khát vọng của một thanh niên trí thức, một Đảng viên Cộng sản trẻ giữa thời buổi đất nước chia đôi miền, Chu Cẩm Phong đã chọn lên đường, chọn ra mặt trận, thay vì tiếp tục đi nước ngoài học tập như cách mà nhà trường đã sắp xếp cho anh”.

Trong quá trình công tác tại Ban Tuyên huấn Khu V, phóng viên thông tấn hay Tiểu ban Văn nghệ Khu V đã cho Chu Cẩm Phong một nguồn tư liệu sống khổng lồ và thực tế để sáng tác. Với tâm thế của một nhà văn – chiến sỹ, ông dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh để len lỏi vào những vùng ác liệt, căn cứ địch hay nằm vùng cùng với du kích, cán bộ cơ sở … để sống, để chiến đấu và để viết. Vì thế, những tác phẩm của ông mang hơi thở của thời đại, là sự đúc kết những trải nghiệm, hiện thực sống động và khắc nghiệt của chiến trường, như: Mặt biển, mặt trận (truyện ký, 1968), Rét tháng giêng (truyện và ký), Nhật ký chiến tranh…  Trong đó, Nhật ký chiến tranh là một tác phẩm có số phận đặc biệt, là tập hợp những ghi chép thường ngày của Chu Cẩm Phong tại chiến trường.

Từ những dòng nhật ký, cuộc sống và tinh thần chiến đấu kiên trung bất khuất của quân và dân ta tại khu vực chiến trường ác liệt nhất của Khu V (Quảng Nam, Quảng Đà và Quảng Ngãi) hiện lên thật rõ nét. Qua ngòi bút, Chu Cẩm Phong đã thể hiện quan niệm sống, tinh thần xả thân vì Tổ quốc, tình yêu lớn lao đối với quê hương và con người  của mình.

Chu Cẩm Phong đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh trong một cuộc chiến không cân sức với địch vào ngày 1.5.1971, trên mảnh đất bên sông Thu Bồn, thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Năm 2007, Chu Cẩm Phong được Nhà nước trao tặng Giải thưởng về Văn học – Nghệ thuật. Năm 2010, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, là nhà văn duy nhất trong lịch sử của Hội Nhà văn Việt Nam được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Để ghi nhớ công lao của ông, ở thành phố Đà Nẵng, tên đường Chu Cẩm Phong được đặt năm 2005. Đường dài 390m, rộng 7.5m, điểm đầu từ đường Lê Văn Hiến đến giáp đường Bùi Thế Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Phan Thị Ngọc  Mỹ

(Phòng Giáo dục và Truyền thông)

Tin liên quan