Làm mới những câu chuyện

Ngay trong thời điểm các hoạt động văn hóa, giải trí phải ngừng vì Covid-19, Bảo tàng Đà Nẵng duy trì sự kết nối với công chúng bằng cách thực hiện các video clip tái hiện các câu chuyện lịch sử một cách sinh động, gần gũi. Đây là lần đầu tiên công chúng không cần đến trực tiếp bảo tàng mà chỉ cần ở nhà mở Facebook, YouTube ra xem trực tuyến.

Các công đoạn làm video đều được thực hiện “cây nhà lá vườn” từ thiết bị cá nhân của các di sản viên. (Ảnh do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp)
Các công đoạn làm video đều được thực hiện “cây nhà lá vườn” từ thiết bị cá nhân của các di sản viên. (Ảnh do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp)

Đưa lịch sử vào video clip

Người dân Đà Nẵng có lẽ đôi lần đã nghe đến Hiệu ảnh Phụng Ký nằm trên đường Hùng Vương, nổi tiếng từ những năm 50, 60. Chủ của hiệu ảnh này, bà Nguyễn Thị Phụng được xem là “nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của Đà Nẵng”. Bà chụp rất nhiều ảnh về Đà Nẵng xưa, cả những thời khắc quan trọng nhất của thành phố, giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ…

Những tư liệu lịch sử của bà được lưu giữ tại bảo tàng Đà Nẵng. Mới đây, các cán bộ ở Phòng Giáo dục – Truyền thông (Bảo tàng Đà Nẵng) đã nảy ra ý định làm video clip tái hiện cuộc đời bà. Với thời lượng chưa đến 5 phút, video như một chuyến tham quan ngắn để hậu bối hiểu thêm về những đóng góp đáng khâm phục của bà, góp phần làm nên chiến thắng chung cho cách mạng.

Góc quay của những “tay máy không chuyên” tập trung đặc tả một kỷ vật tuy rất nhỏ nhưng lại đóng góp không nhỏ cho việc bảo vệ bí mật cách mạng lúc bấy giờ: Đó là con dao nhỏ dùng để làm các loại giấy tờ, giúp cán bộ cách mạng đi vào thành phố nằm vùng hoạt động của bà Phụng Ký.

Theo lời của thuyết minh viên trong clip, trong kháng chiến chống Mỹ, bà Phụng Ký dùng con dao nhỏ này để cạo, sửa các loại giấy tờ, thẻ căn cước giúp cán bộ cách mạng đi lại hoạt động thuận lợi trong thành phố (1954 – 1969), nhờ đó giúp cho nhiều đồng chí thoát được sự theo dõi gắt gao của địch.

Con dao có lưỡi bằng i-nox, rất mảnh, dài khoảng 7cm, chuôi được làm từ một vỏ đạn bằng đồng dài 4cm. Con dao nhỏ này có thể dễ dàng lóc ảnh của chính người có tên trong thẻ căn cước, thay vào đó ảnh của các cán bộ cách mạng đang bị địch để ý.

Ra mắt vào đúng dịp nhà nhà nghỉ dịch, video về cuộc đời bà Phụng Ký đăng trên trang Facebook của bảo tàng, YouTube… đã “tranh thủ” được rất nhiều lượt xem và yêu thích của công chúng. Chị Trần Thị Hoa (giáo viên mầm non, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) bày tỏ sự thích thú khi cùng con xem video clip này.

Chị Hoa nói: “Tôi thấy xem những video ngắn là cách tốt nhất để tiếp cận lịch sử. Những hình ảnh sống động giúp lịch sử trở nên thân quen, gần gũi, cởi mở. Việc bảo tàng làm video clip lịch sử sẽ giúp đưa kiến thức lịch sử tới người xem dễ dàng hơn, nhất là những người chưa có điều kiện đến tận nơi”.

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2020), Bảo tàng Đà Nẵng cũng cho ra mắt hai video liên tiếp với chủ đề “Đà Nẵng ngày giải phóng” và “Chiến tranh và Hòa bình”.

Cả hai video là sự xâu chuỗi những sự kiện lịch sử đáng chú ý của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Nhìn lại cuộc chiến qua những câu chuyện trong các video này không phải là để khơi gợi lại những đau thương trong quá khứ mà một lần nữa khiến chúng ta càng tự hào, khâm phục về những tháng ngày của thế hệ đi trước và hơn hết là thấu hiểu được giá trị của hòa bình, nhắc nhở mọi người cùng nhau sống chan hòa, yêu thương.

Nguyễn Thị Bảo Vy, di sản viên của Bảo tàng Đà Nẵng cho hay, khi được giao nhiệm vụ thực hiện video về ngày Giải phóng thành phố, việc đầu tiên là chị và cả đội phải tìm các hiện vật phù hợp với nội dung, hiện vật phải tiêu biểu, nói lên đầy đủ ý nghĩa ngày giải phóng.

“Việc nghiên cứu tư liệu là vấn đề khó bởi mỗi video chỉ giới hạn thời lượng 5-7 phút, ngắn gọn, đầy đủ nội dung và không gây nhàm chán cho người xem. Điều này đòi hỏi bản thân tôi và đội ngũ Phòng Giáo dục-Truyền thông phải cùng ngồi lại hội ý chọn hiện vật, sau đó xâu chuỗi thành câu chuyện liền mạch rồi biên tập nội dung thuyết trình phải súc tích, hấp dẫn”, chị Vy nói.

Không ngừng thay đổi

Ít ai biết rằng, để có những tư liệu, hiện vật trưng bày, giới thiệu cho khách tham quan là cả một quá trình nghiên cứu sưu tầm rất thầm lặng và vất vả của những người làm công tác bảo tàng. Đối tượng sưu tầm phục vụ trưng bày rất đa dạng, gồm cả tài nguyên thiên nhiên, văn hóa các dân tộc, khảo cổ học, lịch sử cách mạng…

Để có được một hiện vật trưng bày, người làm công tác sưu tầm phải tiến hành nghiên cứu các tài liệu và lập kế hoạch sưu tầm chi tiết, lập hồ sơ pháp lý và hồ sơ khoa học bám sát quy chế, quy định của Nhà nước. Hiện nay, trong nỗ lực đưa bảo tàng ngày càng đến gần công chúng, người làm công tác bảo tàng phải tiến đến học hỏi về công nghệ, cách tiếp cận mới…

Theo ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục-Truyền thông Bảo tàng Đà Nẵng, để thực hiện một video clip có thời lượng vài phút, cán bộ bảo tàng mất trung bình 7-10 ngày. Bởi tất cả các khâu đều thực hiện trên tinh thần “cây nhà lá vườn”, bằng những phương tiện sẵn có, từ máy quay phim, máy tính, điện thoại, máy ảnh…

Các thành viên trong nhóm cũng phải tự học hỏi thêm cách quay phim, cách dựng, viết kịch bản, đọc lời bình sao cho dễ nghe, không bị nuốt chữ… “Với kỹ thuật hoàn toàn “cây nhà lá vườn”, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn về công nghệ. Chúng tôi – những cán bộ di sản, lần đầu tiên biết đến phần mềm dựng phim. Dù vậy, qua việc thực hiện các video này, tôi được ôn luyện và mở mang kiến thức để phục vụ cho công tác giáo dục, thuyết minh về sau”, ông Chuẩn cho hay.

Tận dụng thế mạnh của công nghệ số để giới thiệu, quảng bá di tích và đưa các phòng trưng bày bảo tàng ngày càng gần hơn với công chúng là cách nhiều bảo tàng đã làm. Xu hướng phát triển bảo tàng hiện nay là xây dựng bảo tàng mở, tức công chúng không phải đến trực tiếp bảo tàng mới biết trong đó có gì mà ngồi nhà cũng có thể tham quan bảo tàng.

Ông Trần Văn Chuẩn cho biết, các video được thực hiện trong mùa Covid-19 mới chỉ là khởi đầu của việc Bảo tàng Đà Nẵng chuyển mình theo xu hướng giới thiệu bảo tàng trên mạng. Sắp tới đây, bảo tàng sẽ thực hiện các chuỗi video về các hiện vật đang trưng bày. Mỗi clip dài chừng 3 – 5 phút, gồm hình động và thuyết minh, giới thiệu trong hiện vật đó chứa đựng những câu chuyện gì, mang ý nghĩa, giá trị ra sao… “Đây là thời đại công nghệ 4.0, người dân có xu hướng xem online tại nhà.

Điều này tưởng là cản trở nhưng nếu biết tận dụng sẽ thành cơ hội. Ví như chúng tôi xây dựng các video để tạo sự tương tác giữa bảo tàng với công chúng. Từ những video hay, sống động sẽ kích thích sự tò mò, muốn tìm hiểu của công chúng. Họ xem video thấy hay sẽ đến bảo tàng để được mắt thấy, tai nghe. Chúng tôi đang ấp ủ giới thiệu đến công chúng vài video nữa. Hy vọng những video clip nhỏ này sẽ kể cho các bạn những câu chuyện thú vị đằng sau hiện vật của bảo tàng”, ông Chuẩn nói.

QUỲNH TRANG

Tin liên quan