KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN VIỆT MINH (19/5/1941 -19/5/2021) MẶT TRẬN VIỆT MINH THÀNH THÁI PHIÊN

Vào nửa đầu thế kỷ XX, khi tình hình trong nước và thế giới đang xoay chuyển theo hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã về nước, trực tiếp tổ chức hội nghị, họp và đi đến khẳng định nhiệm vụ cấp thiết lúc này của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, đây chính bước đi có tính chất quyết định với công cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập mặt trận Việt Minh (19/5/1941 -19/5/2021), Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu đôi nét về Mặt trận Việt Minh thành Thái Phiên trong giai đoạn Cách mạng tháng Tám 1945 tại Đà Nẵng, cùng những hiện vật trong giai đoạn này đang được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng, đặc biệt trong năm 1945, Mặt trận Việt Minh đã góp công lớn trong việc vận động và lãnh đạo đồng bào đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật, tổ chức các hoạt động đấu tranh ngay sau chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” như: “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”, chủ trương thành lập các Ủy ban Mặt trận Việt Minh tại các địa phương trong cả nước, chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám 1945.

Tại Đà Nẵng, tháng 7/1945, Mặt trận Việt Minh thành phố Đà Nẵng được thành lập với tên gọi Mặt trận Việt Minh thành Thái Phiên, gồm các đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Văn Quý, Nguyễn Thị Phi, Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Văn Tôn, Lê Văn Mậu. Từ đó, Mặt trận Việt Minh thành Thái Phiên khẩn trương xây dựng, phát triển các đoàn thể cứu quốc, tự vệ cứu quốc, gấp rút chuẩn bị những công tác sau cùng để thực hiện Cách mạng tháng Tám tại Đà Nẵng.

Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Nhờ có cơ sở trong Sở hiến binh Nhật tại Đà Nẵng nên Việt Minh nắm được thông tin từ sớm. Nhận định thời cơ đã đến, nếu chờ chỉ thị của cấp trên sẽ lỡ mất cơ hội nên Tỉnh ủy quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Để tổ chức các lực lượng cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, tối ngày 16/8/1945, Thành bộ Việt Minh thành Thái Phiên họp mở rộng do Huỳnh Ngọc Huệ chủ trì để họp bàn cho tổng khởi nghĩa. Tại Hòa Vang, từ ngày 16 đến ngày 18/8/1945 các tổng Thái Hòa, An Lưu, An Phước đứng lên giành chính quyền sớm nhất. Đến ngày 22/8/1945 thì giành được chính quyền tại huyện lỵ Hòa Vang.

8 giờ sáng ngày 26/8/1945, lệnh tổng khởi nghĩa toàn thành phố được phát ra. Cán bộ Việt Minh tại các cơ sở tập hợp lực lượng, treo cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, đọc lệnh khởi nghĩa và tuyên bố xóa bỏ bộ máy điều hành cũ, thiết lập ban điều hành mới của cách mạng. Đến 9 giờ sáng, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm lĩnh tất cả các công sở trong thành phố. Trong cuộc Mit tinh mừng độc lập tại sân vận động Chi Lăng, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đã thay mặt Thành bộ Việt Minh tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn của Nhật, thành lập chính quyền nhân dân và công bố các chính sách lớn của cách mạng.

Quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là một chủ trương vô cùng sáng suốt của Trung ương Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng giải phóng dân tộc với đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. Đối với Đà Nẵng, Mặt trận Việt Minh là nòng cốt chính trong việc thực hiện thành công Cách mạng thánh Tám tại thành phố, mở ra thời kỳ mới với tên gọi Thành Thái Phiên, cùng chung niềm vui tự do, độc lập với cả nước. Chấm dứt thời kỳ 57 năm là đất “nhượng địa”.

Trong không gian trưng bày chuyên đề Cách mạng tháng Tám tại Đà Nẵng, xin giới thiệu đến quý vị và các bạn một số hiện vật là tài liệu, vũ khí mà nhân dân thành phố dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh đã sử dụng trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Vũ khí thô sơ tự tạo của nhân dân Đà Nẵng xuống đường giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945

Truyền đơn của Việt Minh kêu gọi đồng bào phá kho thóc của Nhật năm 1945

 

Năm 1945, Ủy ban vận động Cứu quốc Việt Minh Vụ Quang (mật danh của Mặt trận Việt Minh ở Quảng Nam – Đà Nẵng) kêu gọi nhân dân toàn tỉnh ủng hộ Mặt trận Cứu quốc hướng về Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945

Trần Trung Nghĩa

(Phòng Giáo dục – Truyền thông)

Tin liên quan