Kiến trúc sư xây dựng “phòng khách” cho Singapore và Đà Nẵng

Tôi nhớ khi đó mình đang làm việc trong một công ty Úc. Rồi tôi có thông tin và tham dự một cuộc phỏng vấn trực tuyến để có vị trí làm việc trong dự án thiết kế, thi công Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore. Ông Jean Francois Milou, Tổng giám đốc của văn phòng, đã hỏi tôi rất nhiều. Tôi nhớ nhất có câu hỏi vì sao lại muốn làm công việc này. Tôi nói, thiết kế và theo sát quá trình thi công một bảo tàng không phải là việc kiến trúc sư (KTS) nào cũng đủ may mắn để gặp trong đời. Vì thế, tôi không muốn bỏ lỡ. Thực sự tôi nghĩ như vậy khi nộp đơn cho Văn phòng kiến trúc StudioMilou. Sau đó, cuộc phỏng vấn kết thúc và ông ấy nhận xét ngắn gọn rằng: “Tôi nghĩ anh là người phù hợp đấy”.

Vì sao công việc này thu hút anh đến thế?

Dự án Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore được xây dựng bao gồm cả việc bảo tồn 2 tòa nhà di sản quan trọng của Singapore: Tòa án tối cao và Tòa thị chính. Tòa án tối cao được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Tòa thị chính lại là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Singapore. Tại đây, chính phủ độc lập đầu tiên của Singapore do ông Lý Quang Diệu dẫn đầu đã chính thức tuyên thệ vào năm 1959. Với vai trò là Thủ tướng chính phủ Singapore, ông Lý Quang Diệu sau đó đã thành lập văn phòng ngay trong tòa nhà.

Trước dự án Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore, đã có nhiều tranh luận có nên biến nó thành công trình thương mại, hoặc khách sạn hay bất cứ công trình nào không phải công trình công cộng. Bản thân Singapore cũng đã có nhiều công trình di sản kiến trúc bị biến thành công trình thương mại, nhưng chủ trương của chính phủ nay đã khác. Trước đó, Singapore là trung tâm kinh tế, cảng biển. Giờ đây, kế hoạch dài hơn là quốc đảo sẽ trở thành trung tâm sáng tạo, nghệ thuật. Họ sẽ có những trung tâm nghệ thuật lớn. Nhiều gallery đã được hình thành, các hội thảo, hội chợ nghệ thuật được tổ chức. Họ đang từng bước quảng bá lĩnh vực nghệ thuật và bảo tàng là dự án then chốt.

Trở thành một thành viên của StudioMilou trong dự án Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore, công việc mà anh được phân công là gì?

Trong đại dự án Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore có nhiều tiểu dự án. Tôi và nhóm của mình được giao nhiệm vụ phát triển hạng mục mặt dựng và hệ mái kính. Với hệ mái kính, nhiệm vụ của nhóm là làm sao để đưa ánh sáng tự nhiên vào công trình, đồng thời cũng phải giảm sự gay gắt của ánh sáng mặt trời. Phần mặt dựng lại khó khăn để tạo một lối vào ấn tượng, thân thiện mà vẫn khiêm nhường, hài hòa với bối cảnh xung quanh.

Singapore có thời tiết nóng gắt y hệt ở TP.HCM, điều này làm chúng ta rất khó sử dụng không gian áp mái, hay đưa ánh sáng vào công trình qua các cửa trời. Vì thế, chúng tôi phải phát triển hệ mái phủ để lọc ánh sáng mặt trời sao cho nó không quá gắt để khách tham quan cảm thấy dễ chịu khi trải nghiệm các không gian này. Từ phía dưới, hệ mái ấn tượng này trông giống như tấm mây tre đan tinh tế, đôi khi trông giống như lớp sóng ánh sáng xuyên qua không gian và thay đổi màu sắc cũng như cường độ cùng với các góc thay đổi của mặt trời.

Bên cạnh nhiệm vụ trên, việc phụ trách thiết kế và điều phối hạng mục cửa cho toàn bộ bảo tàng cũng là một thách thức không nhỏ, bởi cả dự án số lượng lên đến vài ngàn chiếc, kèm cả trăm chủng loại khác nhau. Đây cũng là trải nghiệm thú vị!

Rồi nhóm của anh đã thực hiện điều đó ra sao?

Phương án được đưa ra là hệ kết cấu chính sử dụng dạng kết cấu hình cây với đặc điểm có tác động tối thiểu tới công trình hiện trạng, nhưng lại bao phủ diện tích lớn nhất. Hệ mái cũng được đỡ bằng những nhành cây bằng thép như vậy. Hệ mái lấy sáng được đỡ bằng 3 cây lớn cùng 2 cây nhỏ hơn tại lối vào chính.

Nhà thầu thi công phải dựng những cây thép dày 10 – 15 cm. Chúng tôi phải làm từng gióng (lóng) cây nhỏ như kiểu đốt tre rồi ghép lại không tì vết. Giống như chơi thủ công, cắt hình, gò lại thành từng đốt một, rồi hàn với nhau. Tất cả hoàn toàn làm thủ công. Từng gióng một đều được đánh số để lắp đặt chính xác trên công trường. Bên cạnh đó, hệ mái và mặt dựng được phủ một hệ tấm nhôm dập họa tiết đặc biệt với các sắc độ khác nhau. Toàn bộ công trình có khoảng 15.000 tấm như vậy. Vì công trình sát với khu trung tâm tài chính của Singapore, hệ mái công trình càng phải được chăm chút hơn. Công trình sẽ được quan sát từ các tòa nhà chọc trời xung quanh. Do vậy, hệ mái – mặt đứng thứ 5 này lại càng quan trọng và đòi hỏi sự chăm chút tỉ mỉ.

Công trình này cũng được khen là một cửa sổ mở ra vịnh Marina có phải không?

Ngay từ đầu, StudioMilou đã có ý tưởng làm sao để du khách luôn gắn kết với bối cảnh xung quanh. Vì thế, xen giữa các không gian công trình là những cửa sổ nhìn ra các cảnh quan đặc trưng của Singapore. Chẳng hạn có thể thấy vịnh Marina, Nhà hát Esplanade, cửa sổ đó còn vừa mang ánh sáng tự nhiên vừa kết nối đảo quốc với công trình. Chúng tôi muốn bảo tàng như một “phòng khách” của Singapore, nơi Singapore có thể giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật và cũng giới thiệu những điều mình có, mình tự hào. Sau này, ai đến Singapore cũng đều đến bảo tàng cả. Người ta vẫn nói Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia chính là “phòng khách” của Singapore là vì thế.

Sau bao lâu ở Singapore thì anh trở về làm dự án ở VN?

Khi nhận công việc ở Singapore, tôi lên đường ngay (năm 2011). Nhưng tôi cũng không ngờ chuyến đi xa đó lại giúp tôi trở về VN nhanh hơn. Một tháng sau khi sang nhận công việc của dự án Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore, StudioMilou nhận thiết kế Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại Bình Định. Đó là một công việc vì tình bạn, do ông Jean Francois Milou muốn giúp GS Trần Thanh Vân (Pháp). Tôi trở thành người điều hành cho dự án ở VN. Dự án này vẫn tiến hành song song với việc xây dựng bảo tàng tại Singapore.

Điều thú vị là chúng tôi làm việc cùng lúc trên 2 dự án trái ngược hoàn toàn: một dự án trị giá 360 triệu USD trong một đô thị hiện đại, và một dự án chỉ vỏn vẹn 2 triệu USD trong một thung lũng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp chưa thực sự được biết tới tại thời điểm đó. Dự án ICISE mang lại cho tôi rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ, đặc biệt khi làm việc cùng vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc, những người tôi hết sức kính trọng.

Sau đó, anh có công trình nào nữa tại VN?

Tiếp đó, tôi có dịp được phụ trách 2 dự án lớn khác tại VN, trong đó có công trình Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định sẽ hoàn thành trong năm nay và công trình Trung tâm khám phá khoa học tại Quy Hòa (Bình Định), nơi các em nhỏ có thể trải nghiệm phòng chiếu hình vũ trụ, quan sát các vì sao qua trạm quan sát thiên văn…

Dự án hiện tại của anh ở VN là gì?

Hiện tại chúng tôi đang thực hiện công trình Bảo tàng Đà Nẵng. Bảo tàng Đà Nẵng cũng có điểm tương đồng với Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore. Đó là một công trình lịch sử và phải làm sao tích hợp được yêu cầu mới, kỹ thuật mới, chức năng mới vào trong các không gian hiện hữu. Đồng thời, bản thân công trình cũng chính là hiện vật khối lớn nằm trong bộ sưu tập về lịch sử của TP.Đà Nẵng. Câu chuyện về lịch sử TP.Đà Nẵng và các khu vực phụ cận sẽ được kể từ hình ảnh kiến trúc công trình hiện trạng tới các nội dung trưng bày thú vị với công nghệ hiện đại bên trong. Đây hứa hẹn sẽ là một điểm đến mới rất thú vị và đặc sắc khi du khách đến Đà Nẵng.

Bảo tàng Đà Nẵng sẽ có điểm mới gì nữa, thưa anh?

Chúng tôi đề xuất một cánh bảo tàng mới khiêm nhường nằm ẩn sau công trình hiện trạng. Nếu nhìn từ phía sông Hàn, công trình lịch sử gần như không có gì thay đổi. Lối vào chính sẽ được đánh dấu bằng một hệ mái tinh tế, dẫn du khách đi qua một khu vườn yên bình trước khi vào tới không gian chính của bảo tàng. Từ đây, các câu chuyện lịch sử sẽ được kể bằng nhiều chất liệu khác nhau, từ truyền thống tới hiện đại. Tôi cũng kỳ vọng Bảo tàng Đà Nẵng sẽ trở thành “phòng khách” của thành phố này.

Xin cảm ơn anh!

Bài viết: Ngữ Yên
Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
31.05.2020

Tin liên quan