Khu chứng tích sự kiện 45 em học sinh trường tiểu học Mân Quang hiện tọa lạc tại khối phố Mân Quang, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, vừa được xếp hạng Di tích cấp thành phố (tại quyết định số 703/QĐ-UBND ngày 04/02/2016 của UBND thành phố Đà Nẵng).
Trường tiểu học Mân Quang là tên gọi trước đây của một ngôi trường làng thuộc thôn Mân Quang, xã Hoà Lân, huyện Hoà Vang. Trên địa điểm của ngôi trường – hiện nay là khu mộ của 45 em học sinh.
Trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đà Nẵng nói chung và Hoà Vang nói riêng đã trở thành mục tiêu đổ bộ và tấn công đầu tiên của quân xâm lược Mỹ. Nhân dân các xã của huyện Hoà Vang tập trung đào hầm, đào giao thông hào, chuẩn bị tinh thần cho cuộc kháng chiến. Gần nơi đào giao thông hào là trường tiểu học Mân Quang.
Lúc 10 giờ ngày 16/03/1965, máy bay địch đã thả bom, san bằng hết toàn bộ khu vực quanh trường tiểu học Mân Quang, 45 em học sinh của trường chết tại chỗ. Sau sự oanh kích của 4 chiếc máy bay phản lực, nhân dân Mân Quang đã tập trung đào bới, tìm kiếm các em. Thi hài các em đã được thân nhân và nhân dân địa phương mai táng tại thôn Khái Tây.
Từ ngày bị giết hại đến trước ngày 29/03/1975 (ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng), địch đã 7 lần cho quân càn quét và cho xe cày ủi những ngôi mộ này. Trước sự đấu tranh và giữ gìn của nhân dân địa phương, mộ của 45 học sinh Mân Quang vẫn bình yên.
Năm 1994, Uỷ Ban nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) chủ trương di dời và xây dựng lại mộ cho các em với sự phối hợp của Uỷ Ban nhân dân huyện Hoà Vang, Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Nam, Ban chấp hành quân sự tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và trường tiểu học Hoàng Văn Thụ Đà Nẵng. Mộ các em được di dời về mai táng trên nền trường học cũ, nơi địch đã thả bom để làm nơi ghi dấu tội ác dã man của giặc Mỹ.
Khu chứng tích nằm trên diện tích đất rộng và bằng phẳng, có chiều dài là 26,8m, chiều rộng khoảng 12,2m, được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu hiện đại xi măng cốt thép. Đi từ ngoài vào, vượt qua cổng với hai cột trụ nối liền tường rào bao quanh là khoảng sân rộng có diện tích khoảng 36 m2. Tiếp đến là khu mộ phần có diện tích khoảng 130 m2, gồm 45 ngôi mộ chia thành hai dãy. Dãy bên trái có 23 ngôi, dãy bên phải có 22 ngôi. Chính giữa là lối đi được lát gạch. Mộ được xây gạch và tô xi măng, kích thước mỗi mộ là 0,5m x 1m, được quét vôi màu vàng.
Cuối dãy mộ là nhà lưu niệm có diện tích khoảng 20m2, là nơi đặt bàn thờ chung các em. Bên cạnh nhà lưu niệm là tấm bia có chiều cao khoảng 3m, chiều ngang 1m, đặt trên một bệ xi măng cao 2m, giữa lòng bia có ghi: “Bia tưởng niệm 45 học sinh trường Mân Quang – ngày 16/3/1965”. Phía bên trái tấm bia là mô hình một quả bom được đúc bằng xi măng, sơn đỏ. Trước đây, ở phía trước cổng khu mộ còn lại một hố bom, nhưng thời gian đã qua đã bị lấp để mở rộng thêm phần không gian phía trước cổng để đón khách tham quan.
Hằng năm, vào ngày 16 tháng 3 thân nhân các gia đình có con em tử nạn, nhân dân và đại diện chính quyền địa phương đến đây dâng hương, chăm sóc phần mộ. Ngoài ra, vào các dịp lễ tết, khu chứng tích là điểm đến của nhân dân địa phương, khách quốc tế đến thăm viếng, để tưởng nhớ những nạn nhân vô tội của chiến tranh. Đồng thời, Di tích đã góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc cho các thế hệ trẻ địa phương.
Trần Phương